Đường tình truân chuyên của nữ sĩ Anna Akhmatova

Thứ Ba, 06/12/2005, 09:03

Có thể nữ sĩ nổi tiếng không có khả năng sắm vai trò của người vợ nhưng đối với tất cả các ông chồng của bà, trước hết là đối với Gumilev, Akhmatova là một người đàn bà lý tưởng.

Anhia Gorenko (nữ thi sĩ lấy họ của bà nội khi  bắt đầu cho công bố những bài thơ của mình) sinh tại vùng ngoại ô thành phố Odessa. Khi Anna chưa đầy một tuổi, gia đình bà chuyển từ Odessa lên phía bắc, sinh sống tại thành phố Pavlovsk, sau đó chuyển qua Sarskoi Selo, nhưng mỗi năm cô bé Anna đều tìm cách quay về với Biển Đen. Năm lên 10, Anna thi đậu vào trường trung học ở địa phương.

Chính ở đây - tại Sarskoi Selo, cô bé đã làm quen với Nikolai Gumilev- cũng là một nhà thơ trẻ tiếng tăm đang lên - vào hôm trước Lễ Giáng sinh. Lúc đó Anhia Gorenko đã là một thiếu nữ 14 tuổi, thân hình cân đối, với đôi mắt màu xám luôn luôn mở to, rất tương phản với gương mặt xanh xao và mớ tóc duỗi thẳng đen nhánh. Vừa nhìn thấy gương mặt ấy, chàng trai 17 tuổi, không lấy gì làm đẹp trai, hiểu ngay rằng từ hôm nay trở đi cô thiếu nữ kia vĩnh viễn trở thành nàng Thơ, mỹ nữ  của anh và vì nàng anh sẽ sống, sẽ làm thơ và thực hiện các chiến công khác. ấy thế nhưng Anna hoàn toàn không mảy may có mối thiện cảm đối với Nikolai Gumilev.

Bản thân thứ tình yêu đơn phương lại khiến Nikolai càng hăng hái, gắng gỏi thêm, nhưng lúc này Anna đã phải lòng một chàng trai khác. Đó là Vladimir Golenhisev - Cutuzov, một ông thầy dạy kèm từ hồi còn ở Petersburg.

Vào năm 1906, Gumilev sang Paris với hy vọng sẽ quên được mối tình bất hạnh của mình để quay trở về với vai trò của một con người thất vọng, khổ đau. Nhưng cũng ngay thời điểm ấy Anhia Gorenko đột nhiên nhận ra rằng bà thiếu hẳn thứ tình cảm yêu đương nồng cháy một cách mù quáng của nhà thơ trẻ. Nhận được thư của Akhmatova, lòng tràn đầy hy vọng Gumilev rời Paris trở về Nga, đến thăm Anna và cầu hôn với bà. Nhưng mọi việc lại bị phá vỡ bởi... những con cá heo.

Lúc đó Akhmatova đang nghỉ tại Evpatori. Một lần đi dạo chơi với Gumilev trên bờ biển, đang lắng nghe Gumilev thổ lộ tình yêu của mình, Anna bỗng gặp xác hai con cá heo bị sóng đánh dạt vào bờ. Không hiểu vì lý do gì cái hình ảnh ấy tác động mạnh tới Akhmatova và Gumilev đã bị bà khước từ lời cầu hôn. Hơn thế Anna còn nói thẳng với nhà thơ trẻ rằng trái tim của bà luôn luôn thuộc về ông thầy dạy kèm ở Petersburg.

Khi nhà thơ trẻ vỡ mộng  quay trở lại Paris, anh ta cho rằng lối thoát cần thiết nhất vào lúc đó không có con đường nào khác ngoài tự vẫn. Ý đồ tự vẫn đã được chính Gumilev sắp xếp một cách ồn ĩ, đầy tính chất sân khấu. Để trả thù đời, Gumilev lên đường tới thành phố Turvin ven biển. Gumilev đánh giá lần tự vẫn không thành ấy như một điều mà số phận đã sắp đặt và thế là chàng trai quyết định thổ lộ tình yêu một lần nữa. Gumilev lại gửi cho Akhmatova một bức thư cầu hôn. Lần này thi sĩ trẻ vẫn bị khước từ.

Gumilev quay về với quyết định tự vẫn. Dự định lần này còn mang nhiều chất sân khấu hơn lần trước. Gumilev mua thuốc độc và quyết định đón đợi cái chết tại khu rừng Bulon. Ở đây những nhân viên kiểm lâm cảnh giác đã gặp thi sĩ trẻ trong trạng thái mê man bất tỉnh.

Cuối năm 1908, Gumilev trở về nước Nga. Nhà thơ trẻ vẫn không chịu từ bỏ ý muốn chiếm lĩnh trái tim Akhmatova. Và chính vì thế chàng trai tiếp tục vây bọc lấy Anna, thề bồi thủy chung suốt đời với cô và lại ngỏ ý cầu hôn với Akhmatova. Có thể vì Anna rung động bởi tấm tình yêu thương có phần quỵ lụy của nhà thơ trẻ; có thể vì Gumilev đã làm cho Anna xúc động bởi những câu chuyện chàng trai kể lại về những lần định tự vẫn của mình; lại cũng có thể vì hình bóng của ông thầy dạy thêm đã mờ nhạt; dẫu sao cuối cùng Akhmatova cũng chấp thuận làm vợ Gumilev.

Nhưng lấy được Anna Gorenko không phải là  một chiến công đối với Nikolai Gumilev. Như một bạn gái của Akhmatova ở thời kỳ này nhận xét, trái tim của nữ thi sĩ có một cuộc sống riêng, ở đó người chồng chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn. Quả là như thế, đối với Gumilev hóa ra là không thể kết hợp một cách đơn giản hình tượng một mỹ nữ - đối tượng của sự chinh phục - với hình tượng của người vợ, người mẹ.--PageBreak--

Và vì  thế  chỉ 2 năm sau ngày thành hôn, một cuộc tình mới đã cuốn hút Gumilev. Vào năm 1912, Gumilev thực sự phải lòng người con gái thứ hai trong đời anh: Masa Kyzmina Karavaeva. Tình cảm giữa hai người bùng cháy rất nhanh nhưng cũng ngay lập tức mang dấu hiệu tai họa. Masa mắc chứng lao phổi nặng và Gumilev một lần nữa lại sắm vai của một người tình tuyệt vọng. Ngay cả đến cái chết của cô gái này cũng không giúp Akhmatova tìm lại sự thương yêu, tôn trọng của chồng.

Và khi đó Akhmatova quyết định một bước tuyệt vọng: sinh cho Gumilev cậu con trai Leon. Nhưng điều này đối với Gumilev cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ngay lập tức thi sĩ cố bày tỏ sự độc lập của mình bằng cách tiếp tục dan díu trong nhiều cuộc tình nữa. Akhmatova đã nói về đức ông chồng như sau: “Nikolai Xtepanovist bao giờ  cũng là một chàng trai chưa vợ. Tôi không thể nào hình dung nổi anh ta là người đàn ông đã bước vào vòng hôn nhân!”.

Về phía mình, Akhmatova cũng chưa lúc nào hành xử như một người vợ chung thủy, đoan trang. Vào năm 1914, Gumilev ra mặt trận, ở nhà Akhmatova có mối tình khá bốc lửa với nhà thơ Boris Anrev. Chỉ sau khi Anrev sang cư ngụ ở nước Anh, quan hệ giữa hai người mới chấm dứt.

Cuối cùng khi Gumilev trở lại nước Nga (sau Thế chiến I, thi sĩ còn lưu lại một thời gian ở LondonParis) Akhmatova báo cho Gumilev tin động trời: Bà đã yêu người khác và chính vì vậy hai người phải chia tay nhau vĩnh viễn. Tuy quan hệ giữa họ đã nguội  lạnh từ lâu, cuộc ly hôn này cũng khiến Gumilev choáng váng. Hóa ra là chàng thi sĩ vẫn còn yêu Akhmatova. Nhưng Akhmatova không hề lay chuyển.

Bà tìm đến với một chuyên viên nổi tiếng nghiên cứu về Ai Cập cổ đại Vladimir Sileiko. Vị chuyên gia này biết chinh phục trái tim nữ sĩ ngay từ khi chồng bà còn đang lang thang ở ngoài mặt trận để giành cho được những tấm huân chương. Những năm sau này Akhmatova còn kết hôn thêm 3 lần nữa, nhưng tất cả các cuộc hôn nhân ấy đều kết cục bằng những cuộc chia tay.

Có thể nữ sĩ nổi tiếng không có khả năng sắm vai trò của người vợ. Nhưng đối với tất cả các ông chồng của bà, trước hết là đối với Gumilev, Akhmatova là một người đàn bà lý tưởng. Akhmatova khước từ một Gumilev bằng xương bằng thịt, được mọi người kính trọng; khước từ cả khi ông bị xử bắn nhưng bà vẫn kính phục, tôn trọng ông đến cùng. Bà bảo vệ, giữ gìn những bài thơ của ông, viết bài giới thiệu cho những lần các tập thơ ấy được xuất bản, giúp đỡ những người yêu mến thơ ca của ông sưu tập nhiều tư liệu để viết tiểu sử ông và viết về ông trong các tác phẩm của mình

Tô Hoàng
.
.