Đồng tiền thời chiến

Thứ Bảy, 08/04/2006, 11:00

Làm tài chính thời chiến không hề đơn giản. Nhiều người đã sống chết với nghề tài chính  đầy buồn vui, lắm mồ hôi nước mắt, mất quá nhiều máu xương... Nhưng cái nghề này trong thời chiến cũng ly kỳ, bí ẩn, ngoạn mục và lãng mạn.

Khoản chi đầu tiên của Quân đội ta: mua... 1 cái chảo

Một buổi chiều đầu xuân Bính Thân, Thiếu tướng Phạm Quang Phiếu cùng Đoàn cán bộ cao cấp của Cục Tài chính quân đội đến thăm và chúc mừng sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng - người Anh Cả của Quân đội - kể rằng: Cùng với chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944, Bác Hồ chỉ thị cho đồng chí Vũ Anh là cán bộ tài chính của Đảng, xuất 500 đồng làm quỹ chi tiêu cho Đội. 

Lúc đó, Đảng ta chưa ra hoạt động công khai, 500 đồng là số tiền không nhỏ, có thể mua được hơn 7 tấn thóc. Đồng chí Lộc Văn Lùng (tức Văn Tiên) người Tày, quê Lạng Sơn tính chân chỉ hạt bột, chắt chiu, vun quén, hội tụ đủ phẩm chất: cần kiệm liêm chính, được giao quản lý số tiền 500 đồng. Việc đầu tiên là phải lo ăn. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có 34 người ăn ở tập trung nên rất cần một cái nồi to nấu cơm.

Quản lý Lộc Văn Lùng và một đội viên vào bản người Tày mua 1 cái chảo - khoản chi đầu tiên của Quân đội ta. Cái chảo cũ, dân dùng để nấu thắng cố, nhưng vẫn còn tốt. Hai người khiêng cái chảo về đến khu rừng Trần Hưng Đạo thì chiều đã muộn. Tối hôm thành lập Đội, đồng chí Lộc Văn Lùng cho nấu bữa cơm nhạt (ăn không có muối) bằng cái chảo đó để ghi nhớ lời thề và đồng cam cộng khổ.

Thời gian ấy, nạn sốt rét hoành hành rất dữ dội, lo cái ăn, cái mặc còn phải lo bảo đảm quân số nên phải đi lùng mua thuốc ký ninh. Phải nhờ người dân mua và mua làm nhiều lần vì bọn Pháp kiểm soát rất chặt, bắt được người mua là đem bỏ tù ngay. Mua thuốc ký ninh chống sốt rét là khoản chi thứ hai của Quân đội ta.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra quân, hạ đồn Phay Khắt, Nà Ngần. Sau thu chiến lợi phẩm là giải quyết vấn đề hàng binh. Hầu hết anh em hàng binh vì bị bắt ép đi lính nên muốn theo Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh giặc lập công chuộc lại lỗi lầm. Một số người do hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn về nhà với vợ con, bố mẹ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã trích một số tiền chi cho họ để ăn đường.     

500 đồng bạc Đông Dương, đó là ngân quỹ đầu tiên vô cùng quý của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chuyển tiền “thời kháng chiến 9 năm”

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, quân đội ta lớn mạnh thêm rất nhiều. Để bảo đảm cho bộ đội ăn mặc, phòng bệnh, chữa bệnh và trang bị vũ khí... các liên khu đã có các Phòng Quân nhu - Tài chính. Chính phủ kháng chiến phát hành giấy bạc mà dân ta thường gọi là tiền Cụ Hồ. Các Liên khu 2, Liên khu 3... muốn lĩnh tiền nuôi quân phải lên tận Việt Bắc, nơi Chính phủ kháng chiến đang làm việc. Việt Bắc thời đó ngàn trùng cách xa, núi rừng hiểm trở, đèo heo hút gió, rắn độc cắn, hổ vồ, và chỉ có đi bộ chứ làm gì có ôtô lại còn bom đạn, địch càn, phục kích bất chợt trên đường đi. Bộ Tư lệnh Liên khu 2 đã thành lập một đại đội đặc biệt, quân số rút từ đơn vị chiến đấu ra để chuyên làm nhiệm vụ lĩnh tiền và bảo vệ kho tiền.

Đồng chí Việt Hòa, một cán bộ quân nhu rất thông thạo đường đi lối lại ở Việt Bắc, nói thạo tiếng Tày, Nùng, Dao, đã trải qua chiến đấu được cử làm đại đội trưởng. Mỗi lần đi lĩnh tiền, nếu thông đồng bén giọt cũng hết nửa tháng; không may bị địch chặn ở dọc đường thì mất thêm mười ngày nữa. Đại đội lĩnh tiền đi từ Liên khu bộ theo đường 21 qua Chi Nê - Chợ Bến sang đường 12 Vụ Bản lên dốc Cun, vượt đường số 6 qua bến Đồng Bến, Kỳ Sơn... và nhận tiền ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Các loại tiền 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng được xếp chặt vào trong balô khoác trên vai; tiền nhôm 1 đồng đựng trong thùng gỗ để gánh hoặc khiêng.

Những lần bị máy bay Pháp săn đuổi thì bộ phận bảo vệ phải dừng lại triển khai đội hình chiến đấu, triển khai nghi binh đánh lạc hướng; còn bộ phận gùi, gánh, khiêng tiền thì chạy tạt vào rừng ẩn nấp.

Một lần máy bay oanh tạc ở Kỳ Sơn, mảnh bom xuyên vào gùi, xuyên qua các cọc tiền nhưng không vào lưng đồng chí Nguyễn Văn Hạ. May người còn, rủi tiền bị thủng mất hai cọc. Trận địch phục kích ở dốc Cun (Hòa Bình), tổ bảo vệ đi đầu gục luôn. Đạn xuyên từ bụng anh Trần Văn Thế ra sau lưng phá toác cột sống rồi phá tung gùi tiền; bạc rách bạc lành bay lả tả. Những người đằng sau vội vàng chạy giật lại cho tổ hậu vệ lên tiếp ứng. Trận bị phục kích đó, 10 gùi tiền chỉ còn 3 gùi nguyên vẹn.

Người thủ quỹ đầu tiên của Liên Khu 2 là chị Ba Hoán. Chính ủy Văn Tiến Dũng và Khu trưởng Hoàng Sâm trực tiếp duyệt cán bộ quân nhu - tài chính. Chị Ba Hoán được chọn làm thủ quỹ vì chị tham gia cách mạng từ trước năm 1945, đã nhiều lần bị tù đày. Tiền của Liên khu cất giữ trong hang núi sâu, một thời gian ngắn lại phải sơ tán sang một hang núi sâu khác để bảo đảm bí mật. Chị Ba Hoán giữ tiền qua bao mùa mưa nắng, qua bao phen chạy giặc mà không hề suy suyển một xu.

Một thời gian dài, kho tiền Liên khu 2 đặt trong một hang núi đá ở Chi Nê, Hòa Bình. Máy bay bỏ bom thì không lo, nhưng mệt nhất là phải thường xuyên đốt lửa, quạt hơi nóng để hong khô tiền ướt. --PageBreak--

Hàng đặc biệt mật danh Z

Ngay sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), cùng với nhiều hình thức khác đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành một khoản tiền lớn chi viện miền Nam. Ước chừng mỗi năm số tiền từ miền Bắc chuyển vào miền Nam khoảng 1 triệu USD. Càng về sau, hình thức đấu tranh vũ trang càng phát triển mạnh thì nhu cầu tiền để mua sắm vũ khí, trang bị, đạn dược, ăn mặc... càng lớn.

Đến đầu năm 1965, để đánh thắng Chiến tranh Cục bộ của Mỹ, lực lượng vũ trang ta ở miền Nam tăng rất nhanh, thì nhu cầu tiền mặt cho chiến trường trở thành cấp bách. Đồng chí Phạm Hùng đề xuất Bộ Chính trị lập tại miền Bắc "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" mang biệt danh B29 dành cho chiến trường. Quỹ đặc biệt hoạt động đơn tuyến do ông Mai Hữu Ích - Cục phó Cục Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp điều hành và báo cáo trực tiếp với Phó thủ tướng Phạm Hùng, (về sau đồng chí Phạm Hùng vào chiến trường thì đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ đạo).  Từ “Quỹ ngoại tệ đặc biệt” này, USD, bạt, kíp, riên, bạc trắng hoa xòe, tiền chính quyền Sài Gòn... theo các con đường khác nhau được chuyển vào chiến trường.

Ở miền Nam lúc đó, chỉ có thể tiêu dùng bằng tiền của chính quyền Sài Gòn. Để có loại tiền này phải bằng nhiều cách khác nhau đem đến các thành phố Đà Nẵng, Sài Gòn,... để đổi.

Nhưng USD lấy ở đâu trong khi ta đang đánh nhau với Mỹ và miền Bắc đang còn rất nghèo?

USD có được trước hết từ nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ngoài việc nhận viện trợ vũ khí, trang bị, đạn dược,... chúng ta đề nghị các nước bạn viện trợ tiền, mà cụ thể là USD. Ví dụ như: Sự viện trợ hết mình của nhân dân Cuba anh em. Năm 1960, bọn phản động Cuba lưu vong được Mỹ tập hợp, trang bị, huấn luyện và đổ bộ vào bãi biển Hirôn. Quân và dân Cuba anh hùng đã bí mật hốt gọn bọn này. Mỹ muốn chuộc những tên lính đánh thuê đó. Nước Cuba anh em cũng chẳng phí bánh mì, bơ sữa để nuôi báo cô bọn phản động nên chấp nhận cho họ chuộc tù binh với giá từ 5.000 đến 10.000 USD/1 tên, tùy theo giá trị thực của chúng. Nhân dân Cuba đã ủng hộ Việt Nam hầu hết số USD thu được.

Đúng như lời lãnh tụ Phiđen Cátxtơrô nói: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”. Máu còn hiến dâng, huống hồ là tiền bạc.

Chính phủ một số nước ở châu Á, Mỹ Latinh và những nhân sĩ, trí thức tiến bộ và Việt kiều yêu nước... luôn ủng hộ Việt Nam cả tinh thần lẫn vật chất, trong đó có nguồn ngoại tệ rất đáng kể... Ngoại tệ viện trợ qua đường “giao thông ngoại giao” được đưa từ Pari tới Mátxcơva rồi về Thủ đô Hà Nội.

Ở miền Nam, nguồn ngoại tệ có được từ kinh doanh do cơ sở của ta cài cắm tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Phnôm Pênh; có một phần nguồn ngoại tệ thu được từ chiến lợi phẩm...

Có nghĩa là, ngoại tệ từ tất cả mọi nguồn đã được huy động tối đa cho chiến trường. USD, bạt Thái lan, kíp Lào, riên Campuchia, bạc trắng hoa xòe, tiền chính quyền Sài Gòn... được chuyển vào chiến trường và được mang mật danh "hàng Z".

Những con đường chuyển tiền vào Nam thời chống Mỹ

Thời chống Mỹ, việc chuyển tiền từ miền Bắc vào chiến trường chủ yếu bằng ôtô và tàu thuyền theo đường dây 559, hoặc bằng tàu thủy theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Trong lớp lớp những đoàn xe ra trận chở vũ khí, đạn dược, quần áo, lương thực,... ngày ấy, còn có chuyến xe đặc biệt chở hàng Z là các hòm sắt hàn thiếc kín như bưng, được giao nhận theo những quy định bảo mật rất nghiêm ngặt. 

Bắt đầu từ năm 1965, do nhu cầu tiền mặt phục vụ chiến tranh rất lớn và cấp thiết nên việc chuyển tiền vào chiến trường phải có tính tổ chức cao và đạt quy mô lớn hơn trước. Theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đoàn 559 thành lập Đại đội 100 gồm các cán bộ chiến sĩ được chọn lựa từ các đơn vị về làm nhiệm vụ chuyển tiền cho chiến trường. Quân giới được giao nhiệm vụ gia công các thùng sắt đựng tiền: dài 70cm, cao 20cm, rộng 30cm hàn thiếc, loại hàng đặc biệt này ký hiệu chữ Z. Chỉ tính riêng năm 1970, Đại đội 100 đã chở được 1.875 thùng. USD, vàng, tiền chính quyền Sài Gòn đưa vào chiến trường, có thể cất giữ trong kho bí mật ở khu vực Ngã ba Đông Dương, ở đầu nguồn sông Bạc, ở Stung cheng - Campuchia hay Bù Gia Mập, v.v... hoặc từ các điểm này giao tiền luôn cho tài vụ các đơn vị mang về. --PageBreak--

Có một con đường nữa chuyển USD là đường hàng không từ Hà Nội qua Phnôm Pênh. Hoặc từ Thủ đô Hà Nội theo đường hàng không Quảng Châu đến Phnôm Pênh. Từ thủ đô Campuchia, USD được vận chuyển bí mật về Sài Gòn hoặc cấp ngay cho Đoàn Hậu cần K20 đang hoạt động mua hàng hóa ở Ngã ba biên giới... Lúc này, Đại tá Đức Phương đóng vai nhà tư sản cỡ bự ở Phnôm Pênh và chỉ huy K20. USD cũng được chuyển theo các con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào Khu 5 hoặc tận cực Nam  - Tây Nam Bộ...

Có một cách chuyển tiền rất thuận tiện là: cơ sở ta ở Hồng Công dùng phương thức chuyển khoản về một ngân hàng ở Sài Gòn, người đảm nhiệm ở đầu Sài Gòn là ông Lữ Minh Châu, mang mật danh N2683. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tỉ giá 1 USD ăn 140 đồng tiền chính quyền Sài Gòn; giá chợ đen là 1/190. Ta lợi dụng sự chênh lệch này đưa ra tỉ giá “khuyến mại” 1/160. Phương thức này có thể chuyển nhanh số tiền rất lớn về Sài Gòn chỉ trong 1 ngày lại an toàn, bí mật. Sau này, do chiến tranh ác liệt, tiền chính quyền Sài Gòn mất giá, tỉ giá lên tới 1 USD ăn 1.700 đồng.

Tại Hồng Công, chúng ta còn thực hiện đổi trực tiếp USD ra tiền chính quyền Sài Gòn. Và tiền chính quyền Sài Gòn được chuyển về cơ sở của ta ở Quảng Châu; từ đó chuyển về Hà Nội hoặc chuyển luôn tới Phnôm Pênh. Các chính khách, tướng tá, các nhà tư bản Sài Gòn đánh hơi thấy các cú làm ăn béo bở; họ thường sang Hồng Công nghỉ cuối tuần, nghỉ mát, ăn chơi, cờ bạc và kết hợp buôn tiền. Họ dùng tiền cá nhân, dùng cả tiền của công để áp phe vụ này. Chuyện kể rằng có tên tướng quân đội Sài Gòn rất láu cá “mượn tạm” tiền của đơn vị bay sang Hồng Công nghỉ chủ nhật, đổi lấy USD rồi về Sài Gòn lại đổi USD ra tiền chính quyền Sài Gòn; hoàn quỹ đơn vị mà còn lãi cả đống tiền.

Trong 10 năm, khoản lãi suất sinh lợi tính theo hai phương thức đổi này, ta thu lãi được gần 25 triệu USD.

Ngoài việc chuyển ngoại tệ, chuyển tiền chính quyền Sài Gòn vào chiến trường, chúng ta còn tập trung chuyển một số lớn đồng bạc hoa xòe (còn gọi là tiền Đông Dương) cho các đơn vị đóng quân tại khu vực có người dân tộc thiểu số ở miền núi, và nước bạn Lào. Anh Nguyễn Thanh Tâm nhớ lại những năm tháng chống Mỹ, kể rằng: Đồng bạc hoa xòe nặng 27 gr, có khoảng 23 gr bạc nguyên chất, đồng bào dân tộc rất thích dùng để mua bán, cất giữ, làm đồ trang sức, nên dùng bạc để trao đổi nhiều khi còn thuận tiện hơn tiền mặt... Quân khu 5 là đơn vị được nhận bạc hoa xòe nhiều nhất, và nhận từ cửa khẩu do Đoàn 70 - Bộ Tư lệnh 559 cấp. Thường là mỗi hòm nặng 20 kg (khoảng 700 đồng bạc hoa xòe), mỗi tháng đi nhận một lần được khoảng 10 hòm. Từ năm 1961 đến 1964, các đơn vị bộ đội, các cơ quan dân chính đảng Khu 5 đã nhận và dùng số bạc này mua lương thực thực phẩm, vải, thuốc chữa bệnh.--PageBreak--

Gian nan và thử thách

Những người làm công tác Tài chính Quân đội kể: Đưa được USD vào chiến trường là phải đổi bao mồ hôi và xương máu của cán bộ, chiến sĩ; nhưng việc đổi ngoại tệ lấy tiền chính quyền Sài Gòn để đáp ứng yêu cầu chiến trường là cuộc đấu tranh với địch rất phức tạp, gay go, ác liệt, rất cần sự dũng cảm, trung thành, tinh thần mưu trí, sáng tạo.

Thời ấy, cơ quan tài vụ các mặt trận, các quân khu, các tỉnh đều tổ chức các đường dây đổi tiền bí mật. Các đường dây đổi tiền bí mật có cán bộ, chiến sĩ tài vụ, có các chiến sĩ tình báo của ta cài cắm ở nội đô, nội thị, ở một số ngân hàng và tiệm kinh doanh vàng bạc... Mỗi vùng, mỗi miền, mỗi đơn vị có cách đổi tiền và vận chuyển tiền, cung cấp tiền phù hợp với điều kiện của mình. Ví như ở Quân khu 9 có anh Trần Văn Ba (gọi là Ba Xê) là trợ lý Phòng Tài vụ, được anh Bảy Như trưởng phòng giao nhiệm vụ lên Sài Gòn móc nối, xây dựng cơ sở, trực tiếp đổi USD ra tiền chính quyền Sài Gòn và tổ chức vận chuyển về Long Xuyên, U Minh, Cần Thơ, Rạch Giá... 

Anh Ba Xê sắm xe Peugeot 404 biển số EQ-3037, rồi đóng vai thương gia Sài Gòn quan hệ với nhiều nhà tư sản để đổi tiền cho dễ dàng. Anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì vì thành tích sau 3 năm 4 tháng, đổi được 1,5 triệu USD, giao chuyển cho Tài vụ Quân khu 9 hàng tỉ đồng tiền chính quyền Sài Gòn.

Tiền đổi được thường do Đội Vận tải thuộc Phòng Tài vụ Quân khu vận chuyển. Nhưng nhiều khi do nhu cầu cần tiền cấp bách, anh Ba Xê phải trực tiếp dùng xuồng hai đáy, hoặc xe đò, Honda, xe lam,... làm phương tiện vận chuyển.

Có lần anh Ba Xê bỏ tiền lẫn lộn vào bí đao chở bằng xuồng về đơn vị. Máy bay trực thăng rượt đuổi, anh đánh đắm xuồng rồi ôm một bồng tiền trước ngực, khoác một bồng tiền sau lưng chạy giữa đồng hoang. Anh lẩn vào bụi cây thì chúng bay thấp quạt rẽ cỏ, dạt cây ra và nã súng bắn. Anh lặn xuống nước thì cứ bị nổi bềnh lên, vì hai bồng đựng tiền đã buộc túm trong túi nilông biến thành cái phao. Bọn nó ném lựu đạn xuống, trúng bồng. May quá! Lựu đạn thối không nổ, nhưng bồng bị thủng, tiền ướt hết. Rồi anh chạy thoát vào rừng tràm. Cũng lạ, một mình vừa tránh vừa nấp, vừa lặn, vừa di chuyển thế mà anh không dính đạn. Về đơn vị lúc nửa đêm, anh vội vàng đánh thức hết từ lính đến sĩ quan đốt lửa hong tiền cho khô.

Anh em tài vụ các đơn vị thường nhận tiền từ Ban Kinh tài của tỉnh rồi bó lại từng bó nhét vào các bao tải bốc lên xuồng chở về đơn vị. Gặp địch, có khi để một người dìm xuồng giấu dưới nước, còn lại cởi bao tải lấy tiền nhét vào balô rồi phân tán mỗi người đi một ngả. Địch đánh rát quá thì chôn tiền thoát lấy người, chờ yên sẽ quay lại moi lên đi tiếp. Phương châm là tránh địch, cùng lắm mới nổ súng.

Thời chiến, việc nhận tiền mang tính kỷ luật cao mà hết sức đơn giản, nhẹ nhàng. Anh Bảy Như kể: Vào một đêm mùa mưa ở rừng U Minh Thượng, anh và anh em tài vụ Quân khu đang ngủ ở nhà má Sáu Lục thì có người đập cửa kêu dậy nhận hàng. Các anh choàng dậy đốt đèn cầy, trùm áo mưa đi xuống rạch. Người giao liên đưa thư và giao một hòm sắt hàn kín, cặp chì và yêu cầu ký nhận. Xong việc, người giao liên lẳng lặng đi luôn. Dưới ánh đèn cầy lom đom, các anh mở hòm đếm được 600 ngàn USD, đúng như giấy tờ giao nhận không thiếu một đồng. Mấy chục năm sau, anh Bảy Như cất công đi tìm người giao liên năm xưa ấy, nhưng vô vọng. Có lẽ người giao liên thầm lặng ấy đã hy sinh? Cũng có thể anh ấy còn sống và đang lặng lẽ một cuộc đời bình dị như bao nhiêu người lính đã từng đi qua chiến tranh?--PageBreak--

Đại tá Võ Văn Như - nguyên Trưởng phòng Tài vụ Quân khu 9, kể: Trong đổi tiền cũng có lúc sơ hở gây tổn thất. Ấy là vụ anh Năm Trực, Trưởng ban Quân báo đem 10 ngàn USD nhờ “cơ sở” đổi giùm. Không ngờ “cơ sở” biến chất mà anh Năm không biết, nó rông biệt tăm, tìm không được. Cuối cùng anh bị kỷ luật.

Anh Ba Xê, một người lão luyện, tinh khôn trong nghiệp vụ đổi tiền mà cũng có lần bị hớ. Người nhận đổi tiền, cầm 5 ngàn USD, nổi máu tham, liền chối bay chối biến. Một lần khác, anh Ba Xê đem USD đổi được 56 triệu tiền chính quyền Sài Gòn, lấy ôtô chở về Rạch Giá bí mật giao cho người của ta. Bị lộ, anh Ba Xê thoát được, nhưng người liên lạc và tiền bị cảnh sát tóm được đưa về giam giữ ở Long Xuyên. Vài ngày sau, thị xã được giải phóng, Tài vụ Quân khu vào tiếp quản Ty Ngân khố Long Xuyên thì thấy số tiền ấy còn niêm phong nguyên vẹn, chúng chưa kịp tẩu tán.

Ở Quân khu 8, việc vận chuyển tiền cũng do Đội Vận tải của Phòng Tài chính Quân khu đảm nhiệm và phương tiện chủ yếu là xuồng. Xuồng qua lại trên các “cánh đồng chó ngáp” ở Đồng Tháp Mười. Sở dĩ gọi thế là vì đồng rộng mênh mông đi mãi không hết, đến mức dai sức, chạy nhanh như chó cũng ngắc ngoải, ngáp dài gần chết mà không qua nổi cánh đồng.

Mùa khô đi bộ được trên cánh đồng, nhưng mùa mưa, mùa nước nổi thì cỏ năn, cỏ lác mọc tốt bời bời ngang đầu, xuồng không đi được phải cắt cỏ thành đường trống (gọi là đường xuồng) thì chân vịt mới quay được. Đi xuồng thuận lợi thì máy bay trực thăng cứ dõi theo “đường xuồng” dễ bị lộ; chỉ còn cách đẩy xuồng ra xa “đường xuồng” vùi xuồng, vùi luôn tiền xuống nước để giấu. Nhưng vùi xuồng xuống nước để không bị lộ không dễ chút nào, trước tiên là phải cắt rễ năn, lác, nâng chúng lên và dúi xuồng chìm xuống, đánh dấu để còn có cơ quay lại tìm. Sau đó lặn xa chỗ giấu khoảng 30 mét tìm chỗ nước sâu mà “chém vè”. Cũng có khi không kịp giấu xuồng, các chiến sĩ tài vụ chở tiền phải đối mặt với trực thăng: Trước hết, đứng dậy quạt thẳng vào trực thăng địch 2 băng AK, rồi tăng ga phóng xuồng như bay trên đồng nước nổi. Nếu chậm thì M79 của địch sẽ câu đến tới tấp hàng chục quả, không sao tránh nổi. Tốt nhất là tìm một bờ kinh gần đó táp xuồng vô và ôm tiền... chạy trốn vào các lùm tre, bụi trâm bầu...

Ở Quân khu 8 vận chuyển tiền chủ yếu qua lại trên Đồng Tháp Mười. Còn đổi USD ra tiền chính quyền Sài Gòn lại do bộ phận tham mưu, tình báo, cơ sở nội tuyến móc nối với ngân hàng, tiệm vàng rồi thông báo tỉ giá đổi, số lượng USD có thể đổi. Chủ nhiệm Hậu cần báo cáo Bộ Tư lệnh ra quyết định cuối cùng.

Theo anh Nguyễn Bình Dương, nguyên Trưởng phòng Tài vụ, thì: Quân khu 8 có chị Vân quê Tiền Giang là người nổi tiếng liêm khiết, thạo việc đổi tiền. Có lần đổi mấy trăm USD về kiểm tra lại số tiền chính quyền Sài Gòn thấy bị thiếu, chị Vân viết giấy báo cho “đối tác” biết. Họ lập tức đưa bù lại cho đủ. Có thể chúng muốn sinh lợi mãi, giữ chữ tín để làm ăn lâu dài, hoặc sợ bị lộ thì cũng vào tù cả nút, thậm chí bị bắn bỏ chăng? Trong việc đổi tiền ta có lợi nhiều mà sĩ quan quân đội Sài Gòn áp phe vụ này cũng sinh lợi nên có trường hợp còn mua mấy két lade và khô mực gửi qua chị Vân, gọi là chút quà mọn cảm ơn.

Ở Quân khu 7, cũng thành lập một đội vận chuyển tiền, nhưng phương tiện chủ yếu là Honda. Hàng trăm chiếc Honda 67 chở tiền luồn lách trong các hẻm phố Sài Gòn - Chợ Lớn, phóng như bay trên xa lộ Biên Hòa, vòng vèo trong các cánh rừng cao su. Trên trời máy bay trực thăng săn đuổi. Dưới đất Honda chở tiền lạng lách tránh đạn. Cuộc rượt đuổi ly kỳ, hấp dẫn, ngoạn mục, đầy nguy hiểm như trong phim, vẫn thường xảy ra đối với người tài chính quân đội.

Chị Tám Thanh, Cánh trưởng Hậu cần nội đô Sài Gòn lên thăm chồng ở trên cứ. Hậu cần miền giao cho chị đem 500 ngàn USD về giao cho một cơ sở của ta là bác sĩ Ba C ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị buộc USD vào bụng và ngụy trang giống như bà chửa vào bệnh viện thăm thai. Gặp cảnh sát khám xét, ấn tay vào bụng chị; chị thét lên và hộc máu miệng, nước từ đũng quần chảy lênh láng. Đứa con 5 tuổi cùng đi với mẹ kêu cứu ầm ĩ. Cuộc khám xét dừng lại, bọn địch sợ quá vội đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Vài ngày sau chị ra viện, người khỏe khoắn và bụng xẹp lép. Vì chị đã “đẻ” ra... 500 ngàn USD và “đứa con” này được giao luôn cho bác sĩ Ba C. Hóa ra, chị giấu sẵn mật cá đựng tiết heo trong miệng, và cái bong bóng chứa đầy nước ở hai đùi. Gặp tình huống ấy, chị cắn mật cá cho máu tươi trào ứa mép và kẹp đùi vỡ bong bóng nước chảy ào ra.

Cuối năm 1969, hai nữ chiến sĩ Tài chính của Quân khu quê gốc Tây Ninh phóng xe Honda chở tiền chưa kịp về đơn vị thì bị lộ. Các chị giấu xe Honda, ôm tiền chui xuống hầm bí mật. Bị chỉ điểm, địch khui hầm, các chị quyết không lên, ngồi trong bóng tối hầm bí mật xé nát 3 triệu đồng tiền chính quyền Sài Gòn rồi bật nắp hầm tung lựu đạn về phía quân địch, nhưng lựu đạn không nổ. Bọn địch hò nhau rút chốt lựu đạn, tống từng quả một xuống hầm. Hai nữ chiến sĩ tài vụ đã anh dũng hy sinh. Tiền bị các chị xé rách nát hết, chúng không thu được một đồng nào nguyên vẹn. --PageBreak--

Ông Trần Đan, nguyên Trưởng phòng Tài chính Đoàn 479, Quân khu 7 kể: Khoảng năm 1968, việc cung cấp tiền tới các đơn vị vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Anh Lê Hữu Lạc, Phó chủ nhiệm Hậu cần phải mang tiền xuống cho đơn vị tận Đông Ba, Thủ Đức. Anh đụng giặc càn quét, bị bắn chết, trong người còn nguyên gói tiền 500 ngàn đồng tiền chính quyền Sài Gòn. Còn Chủ nhiệm Tài vụ trung đoàn Hồng Thanh bị địch bắt ở Lái Thiêu và đày ra Phú Quốc.

Ở Khu 5, phải đem USD vào Đà Nẵng đổi ra tiền chính quyền Sài Gòn. Các anh Trần Việt Thường, Võ Hạp xuống tận Hòa Vang, Thủy Tú, vùng ven ô; rồi cùng các anh Nguyễn Thời, Minh Hoạt bí mật vào quận Nhất, đến Nam Ô đổi tiền. Có chuyến đổi tiền xong thì mua luôn các loại hàng như gạo, muối, đường, gà, lợn... chở lên cứ. Anh em đi mua hàng đều được quân y huấn luyện thông thạo cách đánh thuốc mê. Một liều thuốc vừa đủ để cho lợn ngủ, đến “cửa rừng” thì tỉnh lại, chứ dọc đường lợn kêu eng éc thì dễ bị bắt.

Năm 1972, Đoàn 559 giao cho Quân khu 5 100 triệu đồng tiền chính quyền Sài Gòn (hàng Z) qua Binh trạm 42. Anh Trần Việt Thường là người chỉ huy đón nhận chuyến hàng Z đặc biệt này. Quân khu cử một trung đội đi bảo vệ 10 cái hòm sắt hàn thiếc, kẹp chì. Lấy hàng ra khỏi kho vài trăm mét  thì bom nổ rung núi đồi. Hàng vừa ra, kho trống rỗng bị bom nổ lấp kín cửa. Hú vía!

Có lần nhân viên tình báo của ta ở Sài Gòn là anh Năm Dân Sanh còn thuê hẳn tàu Thuận Phong trọng tải 600 tấn của bà Trần Ngọc Cảnh (một nhà tư sản từ Pháp về rất có cảm tình với cách mạng) để chở tiền ra Khu 5. Để bí mật, ta thay toàn bộ thủy thủ là người Khu 5. Tiền đặt dưới đáy tàu, rồi lót các tấm tôn che kín, xếp vài ngàn két bia đem từ Sài Gòn ra Đà Nẵng bán. Rủi quá! Có một tên chiêu hồi, Khu 5 chỉ đạo bằng mọi cách hủy bỏ chuyến tàu Thuận Phong. Anh Năm Dân Sanh quyết định mạo hiểm một mình xuống Vũng Tàu gặp thuyền trưởng, lộ diện, vượt qua nguyên tắc bảo mật nghiệp vụ, báo tin. Sau đó, anh Năm Dân Sanh phải tổ chức cho toán thủy thủ của ta “bỏ của chạy lấy người” và tạo ra một cái hợp đồng thuê tàu bà Trần Ngọc Cảnh rất hợp lý rồi làm đơn kiện,... nên nội vụ thu xếp được an toàn.

Phía chiến trường K (Campuchia), Đại tá Đức Phương chỉ huy Đoàn Hậu cần K20 đóng vai nhà tư sản Việt kiều cỡ bự nhận USD của cơ sở ta chuyển cho thường hoạt động từ Phnôm Pênh đến vùng ngã ba biên giới, tổ chức thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu... Còn Đại úy Kim Sinh thì đóng vai ông chủ lớn của Công ty Quách An chuyên chở gạo từ Phnôm Pênh lên bán cho K20 ở vùng ngã ba biên giới. Các cán bộ K20 còn thâm nhập, quen thân với các nhân vật có thế lực ở Campuchia và Lào. Các anh nắm được cả vợ và em gái Hoàng thân Bun Ùm của Vương quốc Lào. Hai người phụ nữ này đã tranh thủ được Bun Ùm điều tới 20 con voi chở gạo cho K20 để được trả công bằng USD. Qua nhiều năm, Đoàn Hậu cần K20 đã dùng một số lượng rất lớn tiền riên và USD từ Hà Nội chuyển vào để mua sắm lương thực, thực phẩm, vải vóc, xăng dầu... phục vụ bộ đội ở chiến trường C.

Lời cuối bài

Vậy là đã có những con đường ngoại tệ đi từ khắp 5 châu về Hà Nội, rồi từ Hà Nội ra chiến trường. Chưa thấy công bố chính thức con số ngoại tệ được đưa vào chiến trường đánh giặc, chỉ biết rằng nhiều, nhiều lắm. Và bao nhiêu chiến sĩ tài vụ làm nhiệm vụ đổi tiền chuyển tiền thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Chúng tôi chỉ biết rằng: Một số người đã anh dũng hy sinh, nhiều sĩ quan, chiến sĩ trong ngành đã để lại một phần xương máu trên con đường chuyển tiền tệ. Họ đã góp mồ hôi, máu xương mình cho đất nước ta mau đến ngày hòa bình và làm nên chiến công thần kỳ, ngành rất xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vừa được Nhà nước, nhân dân phong tặng

Sương Nguyệt Minh
.
.