Đồng đội ơi, ngày ấy ở rừng

Thứ Ba, 28/12/2010, 11:17
- Đồng đội ơi vẫn nguyên vẹn một điều
Tôi đã nghĩ từ những năm tháng ấy...
- Đồng đội ơi! Nay sống ở những đâu
Hãy nhớ lại cùng tôi năm tháng ấy...

Gần ba chục năm trước, giữa đói nghèo của thời bao cấp, giữa một vùng quê sâu cách xa đường quốc lộ hơn chục cây số, trong một khu tập thể của ngôi trường sơ tán còn lại từ thời chiến tranh, tôi đã được nghe thơ Nguyễn Thành qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ lay động hồn tôi, cho tôi vững vàng hơn, ấm lòng hơn giữa cơn khủng hoảng kinh tế, chao đảo nghĩa tình trước cơn giông báo hiệu thời kỳ Đổi mới. Đó là bài thơ "Đồng đội ơi, ngày ấy ở rừng". Những câu thơ thật mộc mạc giản dị mà sâu lắng nghĩa tình, với điệp khúc gọi bạn tha thiết và chân thành:

- Đồng đội ơi vẫn nguyên vẹn một điều
Tôi đã nghĩ từ những năm tháng ấy...
- Đồng đội ơi! Nay sống ở những đâu
Hãy nhớ lại cùng tôi năm tháng ấy
Những tháng năm tuổi xuân ở đấy
Với cơn sốt rung chiều rừng khộp, rừng le...

Tình cảm chân thành của anh đã biến những hô ngữ "đồng đội ơi" trở nên cảm động mà không trở thành sáo ngữ. Có thể nói với bài thơ "Đồng đội ơi, ngày ấy ở rừng", Nguyễn Thành đã nói được tiếng lòng của tất cả những người lính sau chiến tranh. Bài thơ đã được phát đi phát lại nhiều lần, nhất là dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12) những năm đầu thập kỷ tám mươi. Lúc đó tôi đang làm thơ. Thú thực, tôi chỉ ước sao mình có thể làm được một bài thơ như thế.

Nhưng Nguyễn Thành không chỉ hồi tưởng về quá khứ, dẫu "năm tháng ấy" đẹp đẽ, đầy tình nghĩa. Anh đã nghĩ một cách vững vàng giữa cuộc sống hôm nay ở hoàn cảnh của anh: "Người thợ cày nghĩ điều giản dị". Điều giản dị ấy là điều xuyên suốt truyền thống của cha ông ta, nhưng rất nhiều người quên đi, chỉ có một tâm hồn chân thật như Nguyễn Thành mới luôn luôn nghĩ đến, không những thế anh còn muốn nói với các con của mình phải ghi nhớ khi sống ở đời, trở thành một triết lý tự nhiên:

Trước ngã ba cuộc sống
Giữa cuộc đời hạt đắng còn lẫn vào hạt giống
Màu con sâu giống màu lá xanh tươi
Thì điều tuy giản dị con ơi
Sẽ chẳng dễ nhận ra
Nếu bát cơm con ăn
Không phải chính từ tay mình đem lại.

Hơn mười năm sau, đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, Nguyễn Thành lại nổi lên trong làng thơ Hải Hưng ở sự đổi mới. Tôi thật sự khâm phục anh, vì từ làng Hành Lạc yên tĩnh ấy, trái tim anh vẫn thức, trăn trở không một phút bình yên. Có thể do hoàn cảnh của riêng anh phải vật lộn với cuộc sống. Cũng có thể từ sự thiệt thòi so với bạn bè. Anh không ghen tỵ với ai. Nhưng anh âm thầm để tự khẳng định mình. Một con người có ý chí, có tự trọng thật đáng khâm phục. Nói tóm lại, đó là một nhân cách. Nhân cách đó đã nâng cánh cho thơ anh đổi mới mà vẫn mang hồn cốt của truyền thống, hay nói cách khác phát huy hết truyền thống đã cho Nguyễn Thành những bài thơ đổi mới, như trong bài thơ "Ông Thiện và ông ác ở chùa Hành Lạc", tự nhiên mà ý tưởng mênh mang:

Làng tôi có chùa đã có hai ông rồi
Đá trước thềm mòn chân người đứng vái
Đã bao kẻ bị ông ác phạt tội?
Và bao người được ông Thiện ban khen?
Năm tháng nhuộm mái chùa dầu dãi
Dân làng tôi tin mọi chuyện thiêng liêng
Mà không biết xung quanh cả thế gian biến cải
Ông Thiện và ông ác vẫn ngồi yên
Đứa bé nào thả con diều lên
Báo hiệu một điềm tốt?

Mọi người thường khó hình dung một người làm thơ ở làng quê lại có những câu thơ suy nghĩ sâu sắc đi gần đến triết lý. Nhưng điều ấy theo tôi cũng lại rất dễ hiểu, bởi Nguyễn Thành là một nhà thơ. Tôi gọi anh là nhà thơ với tất cả sự trân trọng, và tôi không bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn của danh hiệu này, mặc dù hiện nay số người làm thơ rất nhiều, nhưng nhà thơ thì rất ít. Mà đã là nhà thơ thì bao giờ cũng có tư tưởng. Nhưng tư tưởng trong thơ được nói bằng hình tượng với nhiều cấp độ khác nhau, khi được cô đặc thì sẽ trở thành những triết lý. Thơ Nguyễn Thành chưa có được điều ấy, nhưng đã là những suy nghĩ có sắc thái riêng, và những câu thơ của anh trở thành những câu thơ không dễ dãi:

- Cái con người thật chẳng ra gì!
Ngày bé, đôi lần tôi nghe cha nói thế
Ấy là lúc đời mưa nguồn chớp bể
Buồn bã trầm ngâm Người cạn chén thứ ba...
Bây giờ cha đã đi xa
Tôi đã thành người, và tôi nhận ra
Nhặt ra cái chẳng ra gì của con người mà cha để lại
Ấy là cha tin lắm ở con người.

                                             (Cái con người)

Lại mười lăm năm nữa, tức là ngày hôm nay, sau hơn một phần tư thế kỷ thả thơ vào cuộc đời, vào lòng người, mà cứ hơn chục năm là một chặng; Nguyễn Thành lại đổi mới, lại lột xác để khẳng định mình. Nguyễn Thành có thể chịu thiệt thòi, nhưng anh không bao giờ chịu thất bại, và anh xuất hiện trước bạn bè vẫn hồn nhiên chân thật dẫu anh có phải lăn lộn trong cuộc đời để kiếm sống, để cho thơ tồn tại.

Tôi vui mừng khi thơ anh đổi mới mà tấm lòng của anh không thay đổi. Vẫn mộc mạc, chân chất, vẫn bình dị, thủy chung. Điều này tưởng dễ mà vô cùng khó. Thế đấy, biết bao người vừa hôm nay thế này, ngày mai đã thế khác. Có người còn ở làng quê mà đã ra giọng ở thành phố. Có nhà thơ dân tộc ít người vừa xuống núi đã quên cách nói của dân tộc mình mà nói theo cách của người Kinh. Và biết bao người viết trẻ vừa mới viết văn làm thơ mà đã không còn biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bính đâu nữa, chỉ viết hoàn toàn theo cách của Tây của Mỹ, tưởng thế mới là sang! Họ đâu biết rằng, văn chương phải có hồn người, mà mỗi con người đều phải mang hồn của dân tộc, nếu không thì chỉ là những trang giấy đầy chữ mà thôi. Muôn đời thơ vẫn phải là tiếng nói từ trái tim đến với trái tim. Không rung động lòng người thì sao gọi là thơ được. Thơ Tây, thơ Mỹ cũng thế chứ. "Khúc hát trái tim" của thần đồng thơ Mỹ Mattie Stepanek là một ví dụ. Chỉ có thơ giả Tây, giả Mỹ mới không có hồn có cốt. Người ta quý là quý chính anh, chứ quý gì khi anh đeo mặt nạ. Nguyễn Thành đã không đeo mặt nạ, anh vẫn là chính anh, tất nhiên là anh của ngày hôm nay:

Buổi sáng tôi đang cày
Gặp cánh chim vừa hót vừa bay
Dọc luống cày
Giữa cánh đồng gió nâng mùi đất dậy
Tiếng chim nghe rất bổng rất vang
Khiến lòng vui phút chốc hoá mơ màng
Nảy ý thơ về âm vang mùa gặt 

Buổi tối
Trang giấy nằm trước mặt
Tôi lặng yên hồi lâu
Mà thơ chỉ một câu
Vẫn không sao viết được
Lòng thao thức bồn chồn theo tiếng cuốc
Vọng vào sâu thăm thẳm đêm dài
Bỗng phòng trong nhịp thở nấc ra ngoài
Nhịp thở của vợ yêu sao nặng nề đến thế
Sau một ngày lam làm nhịp thở nghe như kể
Về nắng nôi vất vả việc ruộng đồng
Giấy trắng quá tôi không dám dối lòng
Điều định viết sáng nay chẳng còn rung động nữa
Gió vẫn thức xui lá vào đập cửa
Trang giấy nằm trang giấy lại lật nghiêng
Thương cây lúa trên đồng tôi liền viết tên Em.

                       (Bài thơ này không định viết về em)

Hãy cứ viết về cây lúa, về người thợ cày, về những gì gần gũi, thân yêu nhất của anh, bằng cả tâm hồn, trí tuệ và tài năng. Đó sẽ là đóng góp của anh vào nền thơ. Không phải cứ hoa phong lan, hoa cẩm chướng mới là cao quý, mà hoa ngâu, hoa dâm bụt, hoa xoan cũng không gì thay thế được

.
.