Điện ảnh Mỹ sau vụ khủng bố 11-9

Thứ Năm, 04/10/2007, 08:00
Sau vụ sập tòa Tháp đôi (ngày 11/9/2001), phản ứng đầu tiên của Hollywood là xấu hổ, tránh đưa lên màn ảnh những cảnh ngõ hầu gợi nhớ đến vụ khủng bố. Trong phim “Người nhện” (của đạo diễn Sam Raimi, 2001), cảnh nhân vật chính giăng màng lưới khổng lồ của mình lên tòa Tháp đôi đã bị cắt bỏ.

Yêu cầu tối thượng là phải tránh đụng vào vết thương tinh thần của tập thể cộng đồng! Cũng không phải tình cờ mà trong bộ phim “Sự trở về của siêu nhân” (đạo diễn Brian Singer, 2006), chiến công đầu tiên của nhân vật chính lại là cuộc giải cứu chiếc máy bay Boeing của Không quân Hoa Kỳ đang chuyên chở những nhân vật dân sự.

Sau khi cho chiếc máy bay đó hạ cánh xuống một sân bóng trong tiếng reo hò rầm trời, nhân vật chính đã nói với hành khách: “Hy vọng rằng các quý vị sẽ vẫn đi máy bay – bởi đó vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất”. Màn hài kịch đó được đưa vào bộ phim chính là để giảm nhẹ hiệu ứng tinh thần của vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Bộ phim đầu tiên đưa hẳn sự kiện 11/9 vào cốt truyện là “Chuyến bay 93” (của đạo diễn Paul Greengrass, 2006), kể về sự hy sinh của hành khách trên một chiếc máy bay bị không tặc. Đây là một bài ca về tính công dân – cơ sở của sự đoàn kết đất nước khi phải đối mặt với hiểm nguy.

Hình tượng tương tự có thể thấy trong bộ phim “Tháp đôi” (đạo diễn Oliver Stone, 2006) vừa giễu nhại tính vị kỷ của một dân tộc, vừa ca ngợi đức dũng cảm của những người dân bình thường.

Tựa như “Munchen” của Steven Spielberg, bộ phim “Chuyến bay 93” thuộc xu hướng mới của Hollywood: tái dựng những khoảnh khắc, những giai đoạn lịch sử trước đó chưa hề được biết đến bằng phong cách của phim tư liệu và con mắt rà soát.

Trong “Thế giới đại chiến” của Steven Spielberg, khi tổng hợp hai tấn bi kịch Hirosima và Holocaus với nhau, tác giả nhằm vào tập thể vô thức phương Tây và nâng sự kiện 11/9 lên tầm khủng hoảng toàn cầu, bằng cách đó nói lên rằng việc hiện thực hóa ý đồ của nước Mỹ bị chi phối bởi không phải tính đỏng đảnh thất thường, mà do nhu cầu nội tại.

Tình trạng khẩn cấp đặt ra từ ngày 11/9 có cơ sở từ cảm giác về một mối nguy cơ kép – cả bên trong lẫn bên ngoài. Bộ phim “Chúc ngủ ngon và thành đạt” (đạo diễn George Clooney, 2006), chính là sự phê phán chính sách mà Nhà Trắng đang theo đuổi.

Tuy nhiên, Hollywood không thể từ bỏ nhiệm vụ nhen nhóm lòng tin trong cộng đồng đặng giữ gìn sự thống nhất dân tộc. Trong “Thế giới đại chiến”, những kẻ viễn chinh đã bị “trời phạt”, trở thành nạn nhân của một loại virus lạ lùng – điều này được hiểu như một lẽ đương nhiên…

Một sự thay đổi quan trọng khác khi vỡ lở chuyện nhà cầm quyền cho nghe trộm điện thoại để theo dõi dân chúng và bị dư luận nhất loạt lên án. Sau 11/9, tất cả mọi người dân đều bị theo dõi, không loại trừ một ai.

Đạo diễn James McTeigue đã chỉ ra một xã hội tương lai, nơi mọi công dân đều phải tuân theo những nguyên tắc hành xử do Chính phủ quy định (phim “V có nghĩa Vendetta”, năm 2005). Nếu như bộ phim đó khuấy lên tinh thần phản kháng hành vi gián điệp, thì “Người nhện” và “Siêu nhân” đóng vai trò người giám sát việc thực thi pháp luật, bay lượn trên khắp hành tinh, nghe được tất cả các cỡ âm thanh để ứng đáp mọi lời kêu cứu.

Tình hình rối ren đến mức chỉ cần “Người nhện” cất vào tủ bộ cánh độc đáo của mình, tội phạm liền tăng đến 70%. Các nhà làm phim như muốn tạo ra những phép thần để nuôi dưỡng lòng tin nơi khán giả.

Nếu như loạt phim về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai muốn biện minh cho sự tham gia của quân đội Mỹ ở châu Âu thì những bộ phim sau sự kiện Tháp đôi của Hollywood như muốn hòa vào logic của một cuộc đáp trả những tên khủng bố thời nay

Đăng Bẩy
.
.