“Điểm tựa” trong đời

Thứ Năm, 12/04/2007, 14:00

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, chỉ có 5 nghệ sĩ (trong đó, nữ sĩ Anh Thơ đã mất) được vinh danh, đủ thấy được ý nghĩa cao quý của giải. Nhưng, để có được niềm vinh dự hôm nay, các nghệ sĩ đã phải lao động nghệ thuật suốt cuộc đời, hy sinh lợi ích bản thân, dù không một ai phấn đấu với mục đích được vinh danh. Trong bao cay đắng ngọt bùi, chỉ người bạn đời mới thấu hiểu và chung vai gánh vác trước khi họ đến được vinh quang.

VNCA xin trân trọng giới thiệu những chuyện cảm động về người bạn đời của NSND Đình Quang, NSND Bùi Đình Hạc và nữ sĩ Anh Thơ.

Vợ của NSND Đình Quang

Mùa hè 1957, qua sự giới thiệu của người bạn thân, chàng sinh viên Đình Quang đã làm quen với hoa khôi trường nhạc Nguyễn Mỹ Hạnh, ái nữ của ông Nguyễn Đình Hiền – Giám đốc hỏa xa Việt Nam.

Trước khi con tàu lăn bánh đưa Đình Quang trở lại học tại Hý kịch Bắc Kinh, ông nhẹ giúi vào tay Mỹ Hạnh tấm ảnh của … mẹ ông với dòng chữ: “Hy vọng đây không phải là mẹ của riêng anh.” Chỉ với cách tỏ tình độc đáo ấy, mà cô nữ sinh trường nhạc đã từ chối sự săn đuổi của nhiều chàng trai để đợi chờ đám cưới vào năm 1961.

Gia đình GS.TS - NSND Đình Quang.

Sau gần nửa thế kỷ bên nhau, ông vẫn tự hào: “Tôi may mắn nên có được bà ấy – một phụ nữ đảm đang, gia phong, nhân hậu. Không có hạnh phúc và sự yên ấm bà ấy tạo dựng, tôi không có được sự yên tĩnh để dồn tâm huyết cho công tác xã hội. Những gì tôi có hôm nay, công bà ấy lớn lắm”.

Năm 1961, ngay khi rời quân ngũ, ông trở thành Hiệu trưởng Trường Kịch nói, sau đó, làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Ngay từ khi lấy chồng, bà đã là vợ “sếp”, thế nhưng, chưa bao giờ bà can dự vào công việc của chồng, thậm chí, hiếm khi xuất hiện nơi ông làm việc. Đến nỗi, khi ông là Thứ trưởng, có lần phải đến gặp ông, qua thường trực bà đã bị giữ lại, yêu cầu xuất trình giấy tờ và giấy hẹn. May có nhân viên biết bà mới… xin cho vào.

Ông tâm sự: “Trong công việc của chồng, bà ấy nguyên tắc thế, nhưng ở nhà, bà ấy rất chu toàn với chồng con, họ hàng và bè bạn”.

Làm lãnh đạo, lại thường đi công tác xa, việc gia đình, nuôi dạy con cái hầu như một tay bà gánh vác. Ông vẫn xúc động khi nhớ lại ngày cô con gái út Mỹ Linh (nay là biên tập viên của VTV3) ra đời, ông đang ở xa. Bà phải một mình chăm con với bao thiếu thốn, gạo không đủ ăn, sữa không có đủ cho con bú nên càng vất vả. Nhưng bà không một lời phàn nàn, vì sợ ông lo lắng.

Thời bao cấp với bao khó khăn, vậy mà bà vừa đảm đương nuôi dạy hai con học hành, vừa khẳng định mình trong công việc ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Có thời gian, bà còn đón mẹ chồng về chăm sóc để ông đi công tác được yên tâm.

 Làm dâu trong một gia đình đông tới 16 anh em, nhưng sự chu đáo và tận tụy của bà trong mọi việc nhà chồng khiến bà không chỉ có được tình cảm quí mến mà cả sự vì nể của anh trong nhà.

Tài năng, lại hoạt động trong ngành nghệ thuật nên ông thường “bị” phái đẹp săn đuổi . Nhưng tình yêu chung thủy, niềm tin tưởng tuyệt đối của bà với ông đã là sức mạnh, để ông lánh xa mọi cám dỗ tầm thường, không phụ lòng tin yêu của bà. Bà chính là điểm tựa hạnh phúc trong cuộc đời của GS. TS. NSND Đình Quang, là bến đỗ bình yên nhất mà ông có được…

Chồng của nữ sĩ Anh Thơ

Lễ thành hôn của nữ sĩ Anh Thơ và y sĩ Nguyễn Văn Dinh ( Hà Nội 1957).
Trước khi nữ sĩ Anh Thơ qua đời, tôi có dịp đến thăm bà ở tầng 3 Khu tập thể Văn Chương, Hà Nội. Căn phòng nhỏ xíu và bộn bề sách vở, tài liệu như vẫn còn hơi ấm của ông khi những bức ảnh hai người và bức họa chân dung ông được treo khá nhiều, nhắc gợi một tình yêu sâu đậm. Trong ký ức nghẹn ngào, bà nhắc về ông với niềm nhớ thương và trân trọng.

… Ôm mối tình riêng, 36 tuổi, Anh Thơ vẫn lẻ bóng. Người vợ của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã làm mai cho bà với một y sĩ. Tình yêu và lòng kiên trì của ông đã chinh phục được bà. Có điều, ông lấy bà hoàn toàn không phải vì bà là nhà thơ nổi tiếng, mà chỉ vì tin rằng bà sẽ là người vợ hiền và chung thủy của ông.

Một đời ông nâng niu, vun đắp cho sự nghiệp của vợ. Mỗi chuyến đi thực tế của bà, kể cả ngay sau ngày cưới, ông đều quan tâm chu đáo. Không ít lần, nhà hết gạo mà căn phòng nhỏ của ông bà vẫn như một câu lạc bộ thơ của những thi sĩ nổi tiếng: Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh v.v...

Có lần đi cùng nhau, ông bảo: “Em nhìn kìa, cảnh đẹp quá!”. Bà nhìn theo tay ông và chỉ thấy một phụ nữ đang… mang bầu! Bà hiểu khao khát của ông. Thế nhưng khi bà bị cắt dạ con, chính ông lại giấu bà điều đó và nén nỗi đau của mình để bà yên tâm. Chuyện “bại lộ”, bà khuyên ông đi lấy vợ, nhưng ông đã ôm lấy bà và cùng khóc: “Chúng ta gắn bó cuộc đời với nhau. Sướng khổ cùng chịu. Anh không thể xa em…”.

Ba mươi năm sau, đọc nhật ký của ông, bà mới biết năm tháng ấy, ông phải chịu đựng sự giằng xé giữa tình yêu và mong muốn có người nối dõi ra sao! Khi có con nuôi, ông lại một mình đưa đón, chăm sóc con mỗi lần bà đi vắng. Ông chiều chuộng và hy sinh lặng lẽ, vì tình yêu thăm thẳm với bà. Bà nhớ về ông với nỗi xúc động dâng đầy:

- Hôm đưa ông ấy ra nghĩa trang về, còn thấy bài thơ của tôi ông đang đánh máy dở… Hóa ra, khi bị ốm, ông ấy vẫn giấu tôi đánh máy cho tôi. Ông ấy là người bạn đời lý tưởng mà tôi may mắn có được!

Vợ của NSND Bùi Đình Hạc

Vợ chồng NSND Bùi Đình Hạc - Nguyễn Thị Hiển.

Ngay phút đầu tiếp xúc, chúng tôi đã cảm nhận được sự thân tình, cởi mở của bà - PGS.TS-NSND Nguyễn Thị Hiển, phu nhân của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc. Hạnh phúc dịu dàng lan tỏa trong căn phòng ấm cúng, ánh lên gương mặt của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài danh. Bên cạnh “bộ sưu tập” huy chương của ông với 5 giải lớn quốc tế và 7 giải lớn trong nước, bà cũng có một bảng thành tích không kém: 8 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và bộ giáo trình đại học về nghệ thuật múa mà bà vừa hoàn thành.

Tôi không thể hiểu nổi vì sao người phụ nữ nhỏ bé và dịu dàng ấy lại có thể vượt lên biết bao gian khó của một thời khói lửa, thay chồng gánh vác việc gia đình một cách “ngon lành”, hơn thế, còn liên tục cho ra đời những tác phẩm xuất sắc? Nụ cười thấm đẫm hạnh phúc, bà bảo, chính bà cũng không hiểu vì sao mình có thể đủ nghị lực và sức mạnh làm nhiều việc đến thế.

 

Giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất ở miền Bắc, Bùi Đình Hạc được lệnh ra chiến trường. Lo lắng đến rối bời khi không người thân thích ở bên, máy bay Mỹ đang ầm ào đánh phá Hà Nội, mà chỉ hơn 10 ngày nữa là đứa con đầu lòng ra đời, nhưng bà vẫn động viên chồng lên đường. Sinh con xong lập tức phải xuống hầm, chỉ hai mẹ con trong căn hầm vắng vẻ, không điện, không nước. Nhưng khi ấy, bà vẫn lo nhiều hơn cho ông đang ở chiến trường…

Thời chiến, thời gian vợ chồng được gần gũi chỉ tính bằng ngày, nên mỗi lúc bên nhau bà nâng niu, chăm sóc ông với ý nghĩ là cố gắng không để cuộc sống gia đình ảnh hưởng đến công tác của ông. Thế là bà lại một mình đương đầu với mọi khó khăn, thiếu thốn, để dành sự tĩnh tâm cho ông sáng tạo nghệ thuật.

Mỗi thành công nơi ông, dù nhỏ, cũng là niềm tự hào của bà. Thế nhưng, dù phải chèo chống với cuộc sống, bà vẫn dành mọi thời gian còn lại cho môn nghệ thuật múa mà bà trót đắm say, tâm huyết từ nhỏ. Trong những lúc khó khăn nhất, bà vẫn sáng tác những tác phẩm giàu chất thơ, gây ấn tượng với khán giả như kịch múa “Trừ Văn Thố”, thơ múa “Nhớ về Đồng Lộc”, “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” được biểu diễn ở nhiều nước và cũng đưa bà đến với Giải thưởng Nhà nước từ 2001.

Không chỉ lo toan công việc gia đình cho chồng yên tâm hoạt động, sự thông tuệ, tình yêu nghệ thuật và cả nghị lực đã giúp PGS.TS - NSND Nguyễn Thị Hiển không ngừng khẳng định mình, xứng đôi vừa lứa với bậc tài danh của điện ảnh Việt Nam Bùi Đình Hạc

Ngô Thanh Hằng
.
.