Đi tìm di vật của tiền nhân

Thứ Năm, 06/01/2011, 11:09

Một số anh chị em làm văn, làm báo chắc có nghe loáng thoáng việc làm Bảo tàng Văn  học Việt Nam (VHVN) là có nhiều chuyện khó khăn và thú vị, nên đã mấy lần gợi ý chúng tôi kể ra.

Thành công nào mà chả phải vượt qua nhiều khó khăn? Giá trị nào mà trong đó không có nhiều thú vị? Chúng tôi vẫn biết thế, nhưng không khỏi ngại ngần.

Thôi thì, cũng là chuyện làng chuyện nhà cả... Nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đây không phải - tất nhiên, không phải là báo cáo công tác, sau đây, chỉ là lược thuật một vài ấn tượng nổi bật với một số sự việc thường được nhớ tới của một người trong cuộc.

1.Quan niệm một cách không sai, tuy còn đơn giản, thì: Bảo tàng VHVN là nơi lưu giữ, trình bày thành phẩm lao động của các nhà văn Việt Nam.

Vậy "các nhà văn Việt Nam" ở đây gồm những ai? Họ là những tác gia kì vĩ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... hay cả các đấng quân vương có thành tựu sáng tác như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông? Rồi những tướng lĩnh kiệt xuất, những nhà sư thời Lý - Trần... có viết hịch làm văn, có sáng tác thi từ được nhiều đời truyền tụng, họ có phải là "nhà văn Việt Nam". Sang thời cận đại và hiện đại, văn học Việt Nam phát triển tưng bừng, đa sắc đa thanh, thì "nhà văn Việt Nam" là những ai vậy? Là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam ư? Thế những Vũ Trọng Phụng với Hồ Biểu Chánh, rồi các vị khai sinh văn xuôi quốc ngữ, các nhà sáng tác văn chương Việt Nam giàu tinh thần dân tộc đã và đang ở nước ngoài có phải là "nhà văn Việt Nam" cần hiện diện trong Bảo tàng VHVN không?

Và nữa: Nếu Bảo tàng VHVN chỉ trưng bày các thành phẩm của lao động nhà văn Việt Nam, đương nhiên, là các sách đã xuất bản, thì đã tạo dựng được một tập hợp chân dung văn học Việt Nam khả dĩ chưa? Nếu chỉ sưu tầm và trưng bày thế, thì có nguy cơ biến Bảo tàng VHVN thành một tàng thư chăng?

Thế là, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo có tính chất chuyên đề giữa những người được lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam phân công làm Bảo tàng VHVN với các cộng tác viên trong suốt các năm 2004, 2005 trở đi đã được tổ chức ở Hà Nội, Huế, TP. HCM...

Mọi người dần dần nhận ra, Bảo tàng VHVN phải là:

Một sự phác họa, trình bày quá trình phát triển của toàn bộ nền văn học Việt Nam nói chung, và sự sinh thành của những tác phẩm lừng danh, những nhà văn nhà thơ có vị trí nổi bật, cắm mốc trên cái nền của hàng trăm hàng nghìn tác giả với hàng chục vạn tác phẩm nói riêng, bằng một hệ thống hiện vật đa dạng, phong phú mà có chính, có phụ, có đặc tả và có cả mờ ảo bổ sung...

Qua sự trình bày ấy cố nhiên, phải khắc họa được đặc trưng của văn học Việt Nam, với những dòng sáng tạo chính yếu...; đồng thời, cũng thể hiện được sự tôn vinh những giá trị cao đẹp của đương thời đối với các thành tựu mà lớp lớp nhà thơ nhà văn Việt Nam từ cả nghìn năm nay đã tạo ra.

Bảo tàng VHVN như thế, là lịch sử văn học Việt Nam bằng hiện vật được sắp xếp, trưng bày một cách có chọn lọc, có hệ thống.

Nhóm người đầu tiên, được lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam giao trách nhiệm, là những người có tên trong Ban Quản lý Dự án Bảo tàng VHVN như Cao Tiến Lê (Trưởng ban), và các phó ban: Trần Nhương, Yên Đức, Nguyên An, Nguyễn Thanh Minh, cùng các nhân viên khác.

Công việc càng phát triển, nhất là khi giai đoạn hai được đẩy mạnh, thì nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài Hội, trong và ngoài ngành ngữ văn học đã được mời vào hai Hội đồng tư vấn là: Hội đồng thẩm định hiện vật và Hội đồng khoa học.

Chúng tôi đã tham gia tổ chức và trực tiếp làm thư ký cho tất cả các phiên họp của hai Hội đồng này trong mấy năm qua, đã chứng kiến rất nhiều cuộc tranh luận, biện giải, bình giá,... với hầu đủ các sắc thái, bộc lộ thật rõ trách nhiệm khoa học và cả tâm tính của các nhà chuyên môn. Từ đó, càng thấm thía rằng: Quả thực, Hội đồng khoa học đã tư vấn cho lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam rất nhiều ý kiến xác thực, từ những chuyện khái quát về một giai đoạn văn học, một trào lưu văn học, một nhóm tác giả..., đến những lưu ý cụ thể như địa chỉ khoa học của những hiện vật - tư liệu cần có về một nhà văn, về một tác phẩm; Hội đồng thẩm định hiện vật đã giúp lãnh đạo Hội Nhà văn và cán bộ sưu tầm những chỉ dẫn về nguồn hiện vật, về giá trị của hiện vật... và cả những gợi ý về việc phục dựng phục chế, tái tạo tái hiện khi cần thiết.

Nhờ sự có mặt của hai Hội đồng này, công việc sưu tầm và chuẩn bị thiết kế, thi công, trưng bày, thuyết minh... tại Bảo tàng VHVN đã có được những tiền đề khoa học và pháp lý đáng tin cậy. Công việc ở giai đoạn thứ hai đã có định hướng rõ ràng và chắc chắn hơn. Từ sự dẫn dắt khoa học này, rất nhiều nhà văn Việt Nam đã tham gia làm Bảo tàng VHVN. Họ đóng góp tư liệu, hiện vật cá nhân, họ tham gia sưu tầm và thẩm định giá trị hiện vật. Họ là những người cụ thể như Lê Văn Thảo, Nguyễn Duy, Thanh Quế, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ... và rất nhiều thân nhân, bạn hữu của các nhà văn.

2. Sau lần đưa được cái bàn thi hào Nguyễn Du từng dùng khi cụ lưu lạc ở nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuân từ Thái Bình về Hà Nội, chúng tôi đã định ra được một quy trình cho công việc sưu tầm hiện vật. Trong quy trình đó, chặng tìm hiểu về nguồn gốc, lai lịch... của hiện vật với những người/ nhân chứng liên quan được ví như một loạt các hoạt động trinh sát khoa học thật tỉ mỉ, công phu... Và khi đã quyết định đưa hiện vật về cho bằng được, thì nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: Khi đã xác định được hiện vật quý rồi thì cố gắng tìm cách đưa về ngay, kẻo để lâu người ta nghĩ lại đấy...

Chúng tôi lên đường, đã chớm thu, mới vào đến Thanh Hóa lúc 9 giờ sáng, mà nắng đã rang rang. Xe bon bon, người hối nhau: Vào giữa trưa cho kịp gặp bà con đi làm đồng về, có thì giờ mà bàn bạc. Quá ngọ, qua màn hơi nước ngùn ngụt trên sông Lam, đã thấy bến Giang Đình rưng rưng kia rồi!

Mừng quá, chả nghĩ đến ăn trưa, mấy anh em đi thẳng đến Nhà thờ cụ Nguyễn Công Trứ. Để cho tự nhiên mới có tư liệu xác thực làm lý lịch hiện vật, trong khi tôi chào hỏi, xin phép thắp hương thì Nguyễn Xuân Thành - một nhân viên của Bảo tàng VHVN đã chọn xong góc độ bấm máy, còn Nguyễn Phương Hùng đã sắp mở ghi âm. Trong hương trầm ngào ngạt, người hỏi người nói rủ rỉ rì rầm giữa vườn nắng chang chang...

Xong việc ở khu thờ - lưu niệm Nguyễn Công Trứ, chúng tôi ăn vội đĩa cơm ở quán ven đường rồi đến Trường Tiểu học Tiên Điền. Chiều đang đến, trường vắng lặng, gió vi vút đuổi lá vàng xao xác trên sân. Gọi mãi, không có ai ra, Thành trông xe, tôi và Hùng nâng nhau trèo qua hàng rào. Chúng tôi đang ngắm nghía cây đại cổ thụ và phiến đá dưới gốc cây. Mừng rỡ và thẫn thờ, đây là cây đại Nguyễn Du trồng, kia là tảng đá cụ từng ngồi... Một người đàn ông từ sau nhà Ban Giám hiệu đi ra. "Mấy anh ở mô đến rứa hề? Trèo tường vào đây giữa nắng làm chi vậy?". Nhận ra nhau, ông mời vào phòng bảo vệ. Chúng tôi không nói chuyện tìm hiện vật vội, mà hỏi chuyện nhà chuyện vườn, chuyện con gái ông đang học ở Hà Nội... Không có điện, đang nóng hừng hực bỗng thấy gió mát từ đâu thổi về, đã mừng, thì chỉ dăm phút, trời tối sầm, và mưa, rồi sấm chớp ầm ầm loe loé. Thấy Thành đang đội mưa chạy vào mà nửa mừng nửa lo, tôi gợi chuyện:

- Cây đại và tảng đá sau nhà thường dùng làm gì vậy bác?

Ông bảo vệ (vốn là một sĩ quan về hưu) bảo:

- Cây thì để cho mát, đá thì thỉnh thoảng cho các cháu ngồi...

- Bác có biết sự tích cây đại và tảng đá này chứ?

Như động đến nguồn cơn, ông hăng hái nói, giọng to dần như muốn át cả tiếng mưa, rằng đó là di vật của cụ Nguyễn (di vật là từ của ông), rằng ông và các thầy cô đã nhiều lần nói cho các cháu biết mà gìn giữ, rồi noi gương cụ Nguyễn mà học cho hay cho giỏi.

Khi tôi ngỏ ý xin một nhành cây, một phần tảng đá, ông im lặng, vẻ lung lắm. Tôi nói với ông về đặc sắc của Bảo tàng VHVN và nếu có di vật Nguyễn Du trong bảo tàng thì quý lắm, như dạo bà con ta dỡ nhà xuống lấy gỗ bắc cầu cho xe bộ đội đi hồi chống Mỹ... ông vẫn im lặng. Chúng tôi nghe thật rõ tiếng mưa tiếng gió như ào ã hơn ở bên ngoài. Được một lúc, ông nói như thở ra:

- Thì các chú chặt một cành cũng được, nhưng làm ngay đi!

Tôi bật dậy nói lời cảm ơn. Thành cầm dao chạy ra cây. Hùng tụt giày trèo lên. Loáng cái, một cành đại to đã được ba anh em khiêng đi. Ông bảo vệ cũng lướt thướt đội mưa ra mở cổng.

Khi xe qua cầu Bến Thủy, sang đến Vinh, cũng là lúc trời ngớt mưa. Hùng và Thành buộc thêm cành đại cho chắc. Tôi nhìn về dãy Hồng Lĩnh thẫm mờ trong màn mưa và thầm nói: "Xin các Cụ phù hộ...".

Lại đi qua ào ạt rồi lắc thắc mưa, qua nắng quái chiều và chập choạng đêm. Chúng tôi ra đến Thanh Hóa thì tối mịt. Mệt rã người mà mừng quá là mừng. Ăn tối chưa xong, chúng tôi đã hỏi được địa chỉ, vẽ được sơ đồ đường đi vào nhà một ông đang giữ được nhiều sách chữ Hán chữ Nôm và các vật dụng của các nhà Nho xưa.

Một sớm mai đã háo hức chờ...

Nguyên An
.
.