Di cảo Lưu Quang Vũ: Những điều ký gửi…

Thứ Ba, 21/10/2008, 14:00
Lưu Quang Vũ là người tài năng phát lộ sớm. Mới hai mươi tuổi, anh đã có tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" in chung với Bằng Việt. Bài thơ "Vườn trong phố" (hiện được xem là bài có sức vượt thời gian của Lưu Quang Vũ) cũng xuất hiện trong tập thơ này. Vậy "mầm thơ" của Lưu Quang Vũ đã được hình thành và phát triển như thế nào?

Ảnh hưởng của gia đình và tác động của xã hội tới đâu? Rồi không gian "văn hóa đọc" của anh… Những điều mà bạn yêu thơ và các nhà nghiên cứu văn học quan tâm ít nhiều sẽ được giải đáp ở phần I của cuốn sách - tức phần nhật ký của Lưu Quang Vũ.

Các nhà văn Việt Nam ít người có thói quen viết nhật ký. Càng ít người bắt tay viết nhật ký khi tuổi đời còn nhỏ, lúc chưa thành đạt. Thật may mắn cho những ai quan tâm nghiên cứu sự nghiệp thi ca Lưu Quang Vũ, bởi ngay ở tuổi niên thiếu, anh đã rất ý thức về mình và nói như TS.

Lưu Khánh Thơ, em gái anh,  thì "thời đi học, Lưu Quang Vũ có ba niềm say mê lớn, đó là: ghi nhật ký, vẽ tranh và làm thơ". Cũng là may mắn cho Lưu Quang Vũ bởi gia đình anh là một gia đình làm nghệ thuật - những di cảo của anh đã được họ gìn giữ cẩn thận để nay có cơ hội ra mắt bạn đọc.

Nếu như ngay ở bìa 1 của tập sách, bạn đọc được tiếp xúc với 2 bức ảnh ghi lại gương mặt "non choẹt" của cậu học sinh cấp III Trường Việt - Đức Lưu Quang Vũ (ảnh chụp năm 1964), thì hẳn khó ai có thể hình dung nổi, cũng chính cậu học sinh này, qua nhật ký, lại thể hiện là một chàng trai có những ý nghĩ hết sức nghiêm túc, già dặn.

Ở tuổi 15, anh ước muốn viết được "một cuốn hồi ký dài về tuổi thơ của mình và những người thân", kẻo "sau này lớn lên, quên hết về những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống"; anh "muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời yêu mến".

Ngoài văn thơ, Lưu Quang Vũ còn ham vẽ. Anh tỏ ra khá trăn trở với thể loại này: "Sau một thời gian dài nghỉ vẽ đã nghiên cứu và tìm tòi hơn. Vẽ một loạt tranh. Màu sắc không những khỏe như trước mà trữ tình hơn, suy nghĩ hơn, cách vẽ chỗ nhẹ chỗ đậm chứ không bốc lửa như trước".

Anh cũng cho biết anh đã bắt tay vào viết một vở kịch ngắn, lấy tên là "Trên sân ga" (trong phần nhật ký có in kèm vở kịch cùng bức vẽ minh họa của chính Lưu Quang Vũ).

Với thơ ca, là phần Lưu Quang Vũ dành nhiều tâm huyết nhất giai đoạn ấy, cũng đã có lúc anh phải nghiêm khắc nhìn nhận: "Đọc lại các bài thơ của mình, một điểm yếu quá rõ ràng: lời dễ dãi, hình ảnh chưa sâu. Cần tìm tòi hơn". Người đời thường nói "ngựa non háu đá".

Mặc dù mới 15 tuổi nhưng những dòng nhật ký của Lưu Quang Vũ đã cho ta thấy, rất hiếm khi anh tự "ve vuốt", "cưng nựng" mình mà luôn nghiêm khắc ngẫm ngợi, trở đi trở lại vấn đề nhằm tìm ra những điểm hạn chế trong sáng tác của mình để điều chỉnh. Điều này lý giải tại sao Lưu Quang Vũ lại có những bứt phá trong sáng tác ở vào những năm tiếp theo…

Đọc nhật ký Lưu Quang Vũ, ta nhận thấy môi trường văn hóa giai đoạn ấy đã ảnh hưởng rất tốt tới việc hình thành khuynh hướng thẩm mỹ của anh. Anh đọc các truyện dịch của Pauxtốpxki, đọc "Âm mưu và tình yêu" của Sile, đọc "Chiến tranh và hòa bình" của Lép Tônxtôi, xem phim "Phục sinh", phim "Tiểu thư Mêri" (chuyển thể từ tác phẩm của Tônxtôi và Lécmôntốp).

Anh suy ngẫm về cái hay của "Truyện Kiều", của thơ Hồ Xuân Hương… Sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật (cụ thân sinh của anh là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận), Lưu Quang Vũ cũng có điều kiện tiếp xúc với các bác, các cô chú là bạn văn nghệ sĩ của bố mẹ.

Từ đó, anh được tiếp xúc với những thi phẩm bấy giờ không phải ai cũng có điều kiện được đọc như thơ tiền chiến của Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên…

So với một học sinh THCS thời nay (vốn có lợi thế hơn hẳn về các công cụ hỗ trợ), những thứ đọc, xem, nghe… ấy kể cũng đã là nhiều, song cái chính là Lưu Quang Vũ đã đến với chúng bằng một sự say mê hiếm thấy: Anh tiếp thu và nghiền ngẫm kỹ. Những điều ấy đã tạo cho anh một cái nền vững chắc để tạo đà vươn xa…

Bên cạnh những chuyện liên quan đến sáng tác, phần nhật ký cũng cho thấy một Lưu Quang Vũ với tất cả sự trong sáng, hăm hở, đầy ước vọng của một thế hệ học sinh khi phải đối mặt với một thực tế đất nước đang trong lửa đạn.

Và phần nhật ký kết thúc bằng những dòng Lưu Quang Vũ ghi lại sau một buổi học chính trị tại Đa Phúc - nơi anh trở thành thợ máy thuộc Quân chủng Phòng không Không quân.--PageBreak--

Phần II của cuốn sách là phần thơ, với tên gọi "Những bông hoa không chết". Sinh thời, Lưu Quang Vũ mới chỉ được in có nửa tập thơ (chung với Bằng Việt, đã nhắc ở đầu bài viết).

Sau khi anh mất, bạn đọc được biết thêm các tập: "Mây trắng của đời tôi" (1989), "Bầy ong trong đêm sâu" (1993), "Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" (1994), "Thơ tình Lưu Quang Vũ" (2000), một số tập sách chuyên đề có in kèm thơ Lưu Quang Vũ, như "Lưu Quang Vũ - tài năng và nghệ thuật" (2001), "Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" (2007).

Mặc dù ở các tập đó, bạn đọc đã được tiếp xúc với một số bài thơ của Lưu Quang Vũ lần đầu được công bố, tuy nhiên, với 34 bài thơ xuất bản lần này, đây mới thực là một tập hợp đầy đặn những bài còn lại trong "di cảo" của anh.

Đúng như nhận định của TS. Lưu Khánh Thơ - người biên soạn cuốn sách này - phần thơ di cảo của Lưu Quang Vũ được anh viết trong khoảng 5 năm (từ 1971 đến 1975). Mặc dù không mấy bài thơ được Lưu Quang Vũ ghi mốc thời gian sáng tác, song đọc nội dung của chúng, những người kinh qua thực tế đều có thể dễ dàng nhận ra thời điểm chúng chào đời.

Dường như với Lưu Quang Vũ, thơ ca cũng là một thứ nhật ký tâm hồn, hơn thế, còn là "nhật ký cuộc đời", nên thơ anh rất giàu tâm trạng và có nhiều hình ảnh, chi tiết khơi gợi không khí thời đại.

Trong 34 bài, có bài viết về những sự kiện lịch sử xảy ra trong quá khứ, có bài viết về tình yêu, có bài là sự ngưỡng vọng trước vẻ đẹp thiên nhiên, có bài trĩu nặng nỗi lo đời thường cơm áo, nhưng đa phần là những bài nói nên nỗi buồn đau, mất mát trước sự khốc liệt của chiến tranh, thậm chí tâm trạng của tác giả có lúc trở nên tù túng, luẩn quẩn.

Những bài thơ này ở vào thời điểm ấy không thể in được (và cũng không nên đưa in) vì nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người ra trận, song đọc lại trong bối cảnh hiện nay, ta càng thấy sự nghiêm trọng của chiến tranh, thấy sự hy sinh vô bờ bến mà toàn thể dân tộc ta phải gánh chịu. Quả đúng như lời một bài hát "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa".

Đọc di cảo thơ Lưu Quang Vũ, ta vẫn gặp đây đó những giai điệu mượt mà, bay bổng, những ý thơ sắc sảo, độc đáo, những cách giãi bày tình cảm nồng nàn, thắm thiết (vốn dĩ là điểm nổi trội trong những bài thơ được độc giả yêu mến nhất của anh).

Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít những điệu thơ còn gồ ghề, ý thơ thô tháp, với những hình ảnh chỉ như bức ký họa vẽ vội. Có những bài ta đọc mà cảm tưởng như tác giả chỉ viết như một phản xạ tự nhiên, kiểu cái gì vuột ra đầu ngòi bút thì ghi lại, chứ cũng không ý thức mình viết để làm gì.

Và như vậy, rất vô tình, không ít bài thơ của Lưu Quang Vũ trong tập này đã làm trọn chức năng "nhật ký". Người đọc qua đó có thể nhận thấy được những chuyển biến trong nhận thức cùng những cảm xúc có thể "lạc điệu" với nhịp sống chung nhưng rất thực của anh.

Thơ Di cảo của Lưu Quang Vũ vì thế không chỉ đáp ứng nhu cầu của người yêu thơ mà còn giúp nhiều cho những người làm công tác nghiên cứu đi sâu vào giải mã những nhận thức cuộc sống của Lưu Quang Vũ, cùng quan điểm của riêng anh về chức năng của người sáng tác.

Ngoài phần "nhật ký" và phần thơ, cuốn "Di cảo" còn có phần "phụ lục" được đặt tên là "Người trong cõi nhớ". Phần này in 3 bài của bạn bè, đồng nghiệp viết về Lưu Quang Vũ, đều là những bài viết trong thời gian gần đây, trên tinh thần kỷ niệm 20 năm ngày mất của anh. 

Đây là 3 bài viết có nhiều chi tiết lý thú, giúp người đọc thêm hiểu con người Lưu Quang Vũ cùng những đóng góp của thơ anh. Tuy nhiên, cũng còn một đôi chi tiết chưa được chính xác, một vài ý kiến còn phải bàn lại.

Như ở bài "Lưu Quang Vũ - mộng ước, khổ đau và cái đẹp", một tác giả đã viết:  "Trong tai nạn hai mươi năm trước, máu Lưu Quang Vũ và máu của ba người trong gia đình anh đã đổ ra đau đớn vô cùng" (ngoài Lưu Quang Vũ thì có nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ - 2 chứ sao lại 3?).

Ngoài ra, cũng tác giả này đã viết như thể Lưu Quang Vũ do "nhạy cảm" dẫn tới "hoài nghi", rồi từ "sự hoài nghi lấn dần tin yêu ngày trước" mà anh xuất ngũ. Nói như thế là làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn nhiều. Nó thuộc về cái mà ta gọi là "ý thức hệ", dẫn tới "hành động phản kháng".

Kỳ thực, việc xuất ngũ của Lưu Quang Vũ chỉ có thể giải thích như nhà văn Ngô Thảo (bài viết cũng in trong tập sách này) rằng, Lưu Quang Vũ "những năm quân ngũ không nghiêm túc".

Còn bà Vũ Ngọc Khánh - mẹ đẻ của lưu Quang Vũ - trong một bài viết in ở cuốn "Lưu Quang Vũ - tài năng và lao động nghệ thuật" (NXB Văn hóa Thông tin, 2001), cũng nhận xét việc Lưu Quang Vũ gặp trắc trở thời kỳ trong quân ngũ "có lẽ một phần là do cái chất "tự do" của nghệ sĩ không thích hợp với kỷ luật sắt của quân đội".

Về điều này, trước đây tôi có đề cập tới trên tờ Văn nghệ Công an, song có lẽ vì vấn đề "thời gian có hạn" như người biên soạn đã nói ở "Lời nói đầu" mà chị chưa kịp có dịp góp ý với tác giả để chỉnh sửa chăng?

Chưa hết, ở bài viết của nhà văn Ngô Thảo cũng có một chi tiết chưa được chuẩn: ấy là thời điểm tang lễ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, nhà văn Vũ Tú Nam chưa phải là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (ông chỉ đảm trách chức vụ này vào năm 1989, sau đại hội IV của Hội).

Đây là một nhầm lẫn đã được chủ nhân của  một trang web chỉ ra. Song tôi cứ xin nhắc lại một lần nữa ở đây!

Phạm Khải
.
.