Đến buôn Đôn nghe kể chuyện voi

Thứ Năm, 28/06/2007, 11:00

Không ai hình dung nổi Buôn Đôn (Đắk Lắk) sẽ như thế nào nếu không còn voi. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa đại ngàn, câu chuyện giữa Ma Huệ - Bí thư Đảng ủy xã Eaven, huyện Buôn Đôn và chúng tôi từ nhiều vấn đề cuối cùng lại xoay quanh chuyện voi. Ma Huệ đã kể cho chúng tôi những kỷ niệm thời trai trẻ đi săn voi đến nỗi lo mất voi đang ám ảnh ông...

Chuyện săn voi

Chánh án huyện Buôn Đôn giới thiệu với tôi một người đàn ông trạc năm mươi, nước da bánh mật, hàm răng trắng cười lấp lóa, có tên Ma Huệ.  Ma Huệ nghĩa là bố cái Huệ vậy thôi. Yđưng Knul, tên thật của Ma Huệ, từng là Chủ tịch xã và bây giờ là Bí thư Đảng ủy  xã Eaver, huyện Buôn Đôn. Ma Huệ người Mnông, một trong hai tộc người bản địa đông dân nhất ở vùng cao nguyên Trung phần này.

Câu chuyện với ông xoay quanh chuyện phá rừng: "Trước 1995, ở đây cây rừng, nhiều nhất là khộp, còn xanh tốt lắm chớ. Có nhiều loại lan  rất đẹp. Voi rừng vẫn về mà. Nhưng bây giờ thì mất nhiều rừng lắm rồi"… Bằng giọng Kinh lơ lớ và nụ cười hiền hậu, chúng tôi cảm nhận được tâm sự của ông.

Khi chén rượu đã ngất ngư, khi dường như đã hiểu được cái bụng của nhau, Ma Huệ say sưa nói về quê hương hùng vĩ của ông, nhất là voi. Buôn Đôn được đánh giá là cái nôi của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi có một không hai ở Đông Nam Á.

Như những người đàn ông của buôn làng, săn bắt voi là một hoạt động đầy hãnh diện của Ma Huệ. Thời trai trẻ ông cũng đã bắt được 7 con voi rừng. Một con voi của Ma Huệ đã được tặng cho nước bạn Cu Ba năm 1985 và một con chuyển về Đoàn xiếc Trung ương.

 - Săn voi chắc khó lắm, Ma Huệ?

 - Khó chớ. Để săn được voi bọn mình phải  chuẩn bị và giữ gìn nhiều thứ lắm. Một đội săn voi phải có 20 người và 10 voi chiến. Voi chiến phải là voi đực, khỏe. Khi gặp đàn voi rừng thì đàn voi chiến xông vào, phải khống chế được con đầu đàn. Trong lúc đó voi săn phải áp sát vào voi con đang quanh quẩn bên voi mẹ.

Khi voi rừng đã thua, chạy lung tung thì người đi săn tìm  cách quăng được tròng vào chân sau của voi con. Voi con chạy một lúc thì ta lựa một cây to để quàng dây vào. Voi con chạy quanh gốc thì tự trói mình lại thôi mà.

 - Thế thì về chia nhau làm sao?

 - Ồ, không chia nhau đâu. Ai quăng được tròng vào chân phải sau của voi thì người đó được. Mọi người khác không đòi hỏi gì cả. Giúp nhau thôi. Nếu quăng đúng chân trái thì phải thả voi về rừng đấy. Rừng không muốn mình bắt được con voi ấy mà.

 - Ma Huệ nói là phải giữ gìn nhiều lắm là giữ những gì vậy? - Tôi tò mò.

 - Cữ nhiều thứ lắm. Trước khi đi chúng tôi tập trung ở nhà đội trưởng để cúng. Không ai được quan hệ vợ chồng. Người đi săn phải quấn khố, ở trần. Tối ngủ mới được đắp chăn…Vợ  người đi săn ở nhà phải chung thủy, không được tắm hay gội đầu bằng nước vo gạo hay các loại lá rừng. Không được đùa giỡn với ai.

Nghe Ma Huệ nói tôi thầm nghĩ, cách kiêng kị như thế để người chồng đi săn yên tâm vậy thôi. Nếu không kiêng thì người chồng lo vợ ở nhà dan díu với ai đó thì làm sao có thể toàn tâm toàn ý với công việc đi săn đầy khó khăn, nguy hiểm được. Té ra người Mnông thâm thúy thật.

 - Ngay cả khi bắt được voi về cũng phải cữ nhiều thứ. Ban đêm đàn bà cho nó ăn cỏ thật sạch. Bắt được voi về phải cúng 1 con gà, 1 con heo và 1 con cá. Cúng tổ tiên để đặt tên cho nó nhập buôn. Nói về cúng thì nhiều lần lắm. Cúng dụng cụ đi săn. Cúng khi mua được voi. Cúng khi nhặt được ngà voi…

 - Nếu chẳng may voi chết thì chia thịt thế nào hả Ma Huệ?

 - Ối, voi chết thì chôn chớ. Không ai ăn thịt voi đâu. Ai ăn thịt voi  sẽ bị phạt đấy. Khi voi chết cũng được làm ma như con người, rồi làm lễ bỏ mả. Không có chuyện ăn thịt voi…

Nỗi lo mất voi

 - Nhưng bây giờ thì mất nhiều voi quá rồi - Giọng Ma Huệ trầm buồn. Ông dõi mắt về phía ngọn núi trước mặt.  Cả xã tôi có 13 thôn buôn mà bây giờ chỉ còn có ba con voi.

Nỗi lo mất voi không chỉ của riêng Ma Huệ. Các nhà khoa học đã dự đoán rằng, nếu không có biện pháp kịp thời thì thời gian không xa nữa, Buôn Đôn sẽ không còn voi.

 - Nhiều năm Nhà nước không cho săn bắt voi, rồi người già mất đi cũng không truyền lại được nghề săn voi cho con cháu nữa. Anh có nhớ vụ người ta thuê chuyên gia Malaysia mất khá nhiều tiền để đưa mấy con voi từ rừng Tánh Linh về đây không? Mất tiền mà chết mất một con đấy. Họ bắn thuốc mê mà. Họ đi khỏi, voi lại quay về Tánh Linh. Lần này chỉ mấy người Buôn Đôn mang voi đi lùa được nó về ngay. Nhưng những người săn voi giỏi cũng đang vắng dần đi rồi - Ma Huệ uống một hớp rượu rồi gõ gõ ngón tay lên mặt bàn. Im lặng. Gió qua những tán rừng khộp xào xạc trong ráng chiều.

Trong đề án bảo tồn và phát triển đàn voi nhà do GS.TSKH Lê Huy Bá làm chủ nhiệm trình bày tại Hội thảo tổ chức mới đây ở Buôn Ma Thuột cho biết, năm 1980 cả tỉnh Đắk Lắk  còn 502 con, nhưng hiện nay chỉ còn 64 con, trong đó nhiều nhất là Buôn Đôn và huyện Lắk, mỗi huyện 27 con.

 - Voi không đẻ sao?

 - Voi biết đẻ nhưng voi nhà có được gặp nhau đâu mà đẻ. Mới rồi, Ama Đưa ở buôn Rếch bị voi nhà khùng  lên chà chết đấy. Nó muốn đi tìm voi cái  nhưng cái chân bị xích không đi được mà. Mấy vụ tấn công người xảy ra rồi.

 - Tại sao không thả voi ra để nó giao phối, có voi con bán được nhiều tiền?

 - Nương rẫy có chủ rồi, voi phá phải đền. Hai nữa là bọn săn trộm. Một ký ngà voi giá một lượng vàng, còn ngà voi nguyên chiếc thì vô giá. Một con voi đực giá đến 70 - 80 triệu. Chả ai dám thả voi vào rừng. Mà voi có bầu thì phải nghỉ làm. Thiệt chớ. Vì thế mà có lúc người ta lấy lửa đốt dương vật của voi đực khi nó hứng tình. Nó điên lên đuổi dân làng chạy bán sống bán chết. Thế là nó bị bắn vì người ta cho rằng nó điên…

Theo các chuyên gia, voi là loài vật chung thủy, rất kén trong việc lựa chọn bạn tình nên không dễ sinh sản như những loài khác. Hơn nữa nếu được thả trong rừng thì cũng xích chân nên rất khó cho chúng giao phối với nhau. Vì vậy mà ít có voi nhà sinh sản. Theo tập tục, khi hai con voi giao phối, nếu voi cái bị sẩy thai thì chủ voi đực phải đền, nên người ta thường không muốn voi nhà mình giao phối với voi cái. Mấy năm qua, ở Tây Nguyên chỉ có một chú voi con được sinh ra ở huyện Easup.

 - Mà voi nhà già hết rồi, hầu hết đều trên 50 tuổi nên sinh sản khó lắm. Voi như con người mà… - Ma Huệ thủng thẳng.

Có một thực tế là voi ở Đắk Lắk hiện nay chủ yếu phục vụ du lịch. Voi thường bị vắt kiệt sức, ăn uống không đầy đủ nên  xuống sức là điều tất yếu. Một con voi trung bình ngày đêm cần lượng thức ăn bằng 1/15 - 1/20 trọng lượng cơ thể. Trong môi trường tự nhiên voi thường đi kiếm ăn trong khoảng rừng rộng đến 6.000 ha, voi đực thì sống trên vùng đất rộng hơn, đến 20.000 ha. Voi di chuyển theo mùa để kiếm thức ăn, nước và muối khoáng.

Mùa khô, đàn voi có thể đi chuyển trên quãng đường 30 km để kiếm ăn. Vì thế việc nuôi voi trong môi trường chật hẹp đã làm giảm đi sức sống của loài vật vốn quen với môi trường hoang dã này. Nhiều voi đã chết, không phải do tuổi già, nhiều con chết khi mới 30 - 40 tuổi.

 - Người ta dự báo rằng, cứ tình trạng này thì voi Buôn Đôn, voi Đắk Lắk sẽ chết dần chết mòn và tuyệt chủng trong 50 năm nữa. Sẽ không còn lễ hội đua voi Buôn Đôn nữa đâu - Giọng Ma Huệ trùng xuống như tiếng cồng chiêng u buồn ngày lễ bỏ mả.

Hãy cứu lấy voi

Nhà nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật trong mấy chục năm qua để bảo tồn và phát triển đàn voi, nhưng bây giờ đàn voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ma Huệ có thể chưa nói ra nhưng tôi cho rằng có một nguyên nhân sâu xa là phong tục tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên mang tính minh triết sâu sắc đã bị biến dạng.

Voi vừa là tài sản lớn, con vật giúp họ lao động sản xuất, vừa là con vật thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng. Voi được tôn sùng, thờ cúng. Người ta coi voi là thần, là "ông Tượng". Ai  hiếm muộn thì chui qua bụng voi để cầu thụ thai. Ai đeo nhẫn lông voi thì sẽ may mắn. Hai người yêu nhau cùng đeo nhẫn lông voi thì sẽ được kết duyên… Chả thế mà ai  cư xử tệ bạc với voi có thể bị phạt, nặng thì bị đuổi ra khỏi buôn làng… Bản chất của niềm tin đó là kính trọng tự nhiên, hòa hợp và thuận theo tự nhiên. Thiên nhiên vừa là môi trường sống vừa là sức mạnh huyền bí, linh thiêng che chở cho con người.

Bây giờ những quan niệm đó đang mờ nhạt dần. Trước mắt chúng tôi là những con voi ngật ngưỡng chở khách kiếm tiền cho chủ bất chấp giờ giấc. Những con voi to lớn bị xiềng xích đang tru lên những tiếng gọi bạn tình thê thiết.

Thương lắm voi ơi…!

Nguyễn Phan Khiêm
.
.