Đầu Xuân nhớ về một “Giọt lệ xuân”

Thứ Ba, 08/03/2005, 07:28
Một lần bà cùng cha tiễn một người thân ra ga, cô bé Ngân Giang đã buột miệng: “Tàu về rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”. Năm 16 tuổi, Ngân Giang đã cho xuất bản tập Giọt lệ xuân đánh dấu những dự cảm chính xác của bà về cuộc đời mình. Bốn lần sang sông, cả bốn lần đều phải lội ngược dòng hạnh phúc trong những sầu muộn, tủi hờn, mà chỉ bà và thơ biết.

Trong kỷ niệm của nhiều người cùng thời, nữ sĩ Ngân Giang - Đỗ Thị Quế là một giai nhân của đất Hà Thành. Tuổi trẻ bà rất sôi nổi, da trắng, má hồng, mắt to và lóng lánh như nước hồ thu. Mỗi sáng nữ sĩ ra mở hộp thư trước cửa nhà. Thư nhiều đến nỗi đọc không sao kể, đành chọn những phong bì đẹp giở ra xem. Hằng đêm vẫn có những người đứng chờ qua đêm để được thoáng thấy bóng hồng bên ô cửa nhỏ (ngay cả khi bà đã yên bề gia thất).

Chính nữ sĩ Ngân Giang trong những lúc tuyệt vọng, bất lực trước vận mình cũng đã tự thán rằng: “Tài làm cho lụỵ mãi rồi/ Lại còn sắc nữa, hỡi trời ơi!”. Nhân gian có câu “Hồng nhan bạc phận” và “Tài mệnh tương đố”. Bà vừa nhan sắc, lại thơ hay, đàn giỏi, gia chánh đảm đang, tâm hồn thì mộng mơ, sương khói... thì làm sao thoát khỏi kiếp trầm luân ở đời.

Sinh thời, bà từng đấu cờ với nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, đã có lần bà đánh đàn cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu nghe, tiếng tăm đã dậy cả một vùng. Bà cộng tác cùng lúc với nhiều báo như Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ thời đàm, Tân văn, Tri tân... Bạn văn của bà có ở khắp trong Nam ngoài Bắc đều hết sức yêu mến bởi sự tài hoa và phong cách sống phong lưu, khảng khái của bà.

Thật buồn vì nữ sĩ Ngân Giang lại sinh ra và lớn lên vào buổi xã hội Việt Nam còn chìm trong những quan niệm khắt khe, cổ hủ với giới nữ. Cha bà thấy bà hay thơ, sợ rằng con gái sẽ rơi vào những bể trầm luân khổ lụy của những Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương, nên đã có ý định ngăn chặn bằng một cuộc hôn nhân sắp đặt, trong khi nữ sĩ lại đang mơ về một hình bóng khác.

Nữ sĩ Ngân GIang tiếp bạn văn tại nhà riêng.

Khi bà cưỡng lời, người cha nổi giận, đuổi đánh gãy nát cả một giàn tầm xuân khi bà chui vào đó trốn, khiến hàng xóm phải ra tay can ngăn. Bà đành phải thuận lòng cha mẹ về nhà chồng trong sự xót xa cho phận mình. Để rồi, một đêm mưa gió bão bùng, bụng mang dạ chửa, bà từ nhà chồng ra đi trong tiếng chì chiết của mẹ chồng, rằng “đúng là rước họa về nhà”. Quá buồn khổ, bà lại thêm một lần tự vẫn nhưng không thành.

Từ cái đêm mưa gió ấy, những bão giông trong cuộc đời bà dường như không lúc nào ngơi nghỉ. Đó là những lần chuyển nhà liên tiếp nhau. Mỗi lần bà đứt gánh, con cái đều đi theo bà, dọn đến những ngôi nhà mới, có thể rộng rãi hoặc chật chội hơn ngôi nhà cũ.

Con đông, những mười một người cả nam lẫn nữ, nhưng là của 4 dòng máu khác nhau, không thể tránh khỏi những khúc mắc, những va đập trong cuộc sống đời thường. Bài học suốt đời bà dạy các con là bài học về lòng nhân ái. Bà thường nói với các con: “Đừng thấy người ta xấu 9 phần mà vùi dập, phải đưa phần tốt lên”.

Có lẽ, hơn ai hết, nữ sĩ Ngân Giang là người có cơ duyên với thơ, vì thơ mà nên nông nỗi đoạn trường, mà nên những khổ lụy, buồn đau, những hờn ghen, sầu muộn sau ánh hào thơ chói lòa. Tuổi cầm bút của của bà có lẽ nhiều nhất trong số những nhà văn Việt Nam (hơn 70 năm), nhưng những chuân chuyên của bà còn nhiều hơn cả tuổi đời và tuổi cầm bút.

Bà thường nói với bạn văn rằng, kiếp trước bà đã giết nhầm một nhà thơ, cho nên kiếp này bà phải trầm luân trả nợ. Có lần bà tâm sự: “Tôi sinh ra để làm thơ, ngày mệt nhọc toan lo cuộc sống để đêm nằm mơ lại bật dậy sáng tác thơ theo cảm hứng hoặc nghĩ ra tứ mới...”.

Thi nhân chật vật với gánh nặng áo cơm, không biết bao nhiêu là khó nhọc, nhưng hễ có bạn văn đến nhà, nữ sĩ lại vui ngay.

Bao năm, trải qua nhiều khó nhọc, nữ sĩ Ngân Giang vẫn luôn giữ một thói quen đài các là khi có khách văn đến là lại “khơi đỉnh trầm lên”, pha một ấm trà thơm. Trầm cứ lặng lẽ tỏa hương, trà cứ tỏa hương, thơ cứ âm vang và nhạc cứ nỉ non, thánh thót. Thói quen ấy vẫn giữ cho đến ngày ra ở quán lá bên bờ sông Hồng.--PageBreak--

Thứ nam của nữ sĩ là ông Đặng Thế Quang kể lại rằng, nhà văn Nguyễn Tuân mỗi lần đến thăm bà ở đây, miệng đọc thơ từ cửa, tay gỡ cây tam thập lục treo trên tường xuống, trao vào tay bà. Có lần Nguyễn Tuân còn nói: “Đọc mỗi bài thơ Ngân Giang có thể vẽ được một bức tranh”. Bạn bè thân hữu đến chơi, thường mua hoa thay quà. Mỗi lần nhận hoa bà vui lắm.

Cho đến tận những năm tháng tuổi già, người ta vẫn không cảm nhận thấy năm tháng và tuổi tác đã đi qua trong tâm hồn. Mặc dù “Mười năm quét lá bên sông/ Hình hài để lại cái còng trên lưng”, nhưng bà vẫn trẻ, vẫn ý thức sâu sắc về cái đẹp, vẫn quan niệm việc làm đẹp là tôn trọng mình và tôn trọng mọi người.

Những người bạn của bà là nữ sĩ Cẩm Lai, Anh Thơ, Mộng Tuyết còn mê cách trang điểm, phong cách tân thời mà giản dị của bà. Không những thế, các bà còn thích ngắm nhìn cách Ngân Giang nữ sĩ cầm gương lược, thoa phấn hồng. Đó là những kỷ niệm đẹp không chỉ với bà mà với những người đã một lần gặp bà, nghe bà kể chuyện.

Những năm cuối đời, nữ sĩ Ngân Giang về bên sông Hồng, xin phép mở một quán nước chè với số vốn kinh doanh là 5 đồng, kiếm sống bằng những đồng tiền nhỏ lẻ và bầu bạn với gió trăng. Có lần, vì túng thiếu quá, mà phải bán đi một tấm gấm thêu thơ mà bà vẫn nâng niu, gìn giữ,  mua được 5 yến gạo và may bộ quần áo cho mình.

Tình yêu lớn nhất và trọn vẹn, bà dành cho thơ, chỉ có thơ mới chia sẻ được nỗi buồn, nỗi cô đơn và lạnh giá trong lòng. Cho dù Sầu riêng riêng nỗi ngậm ngùi/ Sầu chung trĩu nặng một đời thi nhân, nữ sĩ Ngân Giang vẫn dùng thơ để chở gánh tình, gánh đời, xót xa cho phận mình, phận người. Trưng nữ vương là một bài thơ như thế:  ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi....

Có câu danh ngôn rằng: “Khi cười người ta có thể cười với nhiều người, nhưng khi khóc thường chỉ khóc một mình”. Nữ sĩ Ngân Giang dù buồn, nhưng không mấy ai nhìn thấy nước mắt bà. Bà khóc một mình trong lòng, trong đêm khuya, khóc trong thơ, chứ con cái không nhìn thấy bà khóc bao giờ (trừ khi phụ thân và mẫu thân bà mất, bà khóc nhiều và có làm hai bài thơ là Khóc phụ thânKhóc mẫu thân rất thảm thiết).

Cuộc sống đã làm cho nước mắt bà cô đặc lại rồi chảy tràn trên các con chữ, thành nhạc và thơ. Bà để lại một gia tài khổng lồ là 4.000 bài thơ gồm nhiều thể, trong đó chủ yếu là thơ Đường. Nhưng hiện nay, gia đình nữ sĩ mới sưu tập được 1.720 bài. Bà là người xuất khẩu thành thơ, thơ được bà tặng cho rất nhiều bạn bè, tặng xong bà quên ngay, không còn nhớ nữa, nên việc sưu tầm lại mất khá nhiều thời gian, công sức.

Ước nguyện của nữ sĩ là xuất bản được một cuốn Thơ Ngân Giang toàn tập mà không thực hiện được. Các con trai, con gái của bà cũng mong muốn sẽ làm được phần việc này để mẹ vui lòng nơi chín suối, nhưng vì nhiều lý do, mà vẫn chưa thực hiện được.

Nữ sĩ Ngân Giang đã trả xong món nợ với kiếp hồng trần để về nơi cát bụi. Bà đang yên nghỉ ở quê nhà (làng Hướng Dương - Thường Tín - Hà Tây). Quanh mộ bà lúc nào cũng có hoa tươi của bà con quanh vùng đến viếng thăm đặt lên và trồng thêm xung quanh những bông hoa giản dị

Việt Hà
.
.