Chuyện làng văn nghệ

Đặt sẵn tên con

Thứ Ba, 21/10/2014, 08:00
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, có biết bao "người bố tương lai" phải xa gia đình tham gia cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Rất nhiều người bố ấy đã quyết định tên con của mình và ghi sẵn vào một mảnh giấy để vợ giữ mà thực hiện: Nếu sinh con trai thì tên này… Nếu con gái thì tên này, và hầu hết các bà vợ đều thực hiện nguyện vọng của chồng.

Giới văn nghệ sĩ càng tự coi mình giàu chữ nghĩa và tất nhiên coi chuyện đặt tên con là trách nhiệm của mình. Tôi xin kể một vài mẩu chuyện minh chứng.

Cuối năm 1965, nhà thơ Trần Nguyên Vấn cưới vợ. Tháng 4/1966, theo yêu cầu của cơ quan (Đài Tiếng nói Việt Nam), anh đi B. Khi đó chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, vợ anh đang mang thai. Anh nhỏ nhẹ bàn với vợ:

- Quê chúng mình là xã Hương Bình, huyện Hương Trà… Anh muốn lấy tên quê đặt cho con. Nếu sinh con trai, em đặt tên con là Trần Nguyên Bình. Nếu con gái, Trần Thu Hương.

Chị Sương tán thành rồi ghi vào một mảnh giấy. Là cán bộ "có cỡ" ở Bộ Tài chính, chị dư sức nhớ tên hai con theo ý anh, nhưng chị vẫn ghi rất nắn nót để anh tin chị tôn trọng lời đề nghị của anh. Bản thân Trần Nguyên Vấn cũng phải đổi tên thành Trần Phương Trà, như tất cả các văn nghệ sĩ miền Bắc đều có bút danh mới khi vào Nam công tác. Trước khi tiễn anh lên đường, chị hỏi:

- Nhưng khi sinh con rồi, thì em làm sao báo cho anh được?

Chị hỏi thế vì trong chiến tranh, thư từ thường thất lạc, có khi đi loanh quanh hàng năm chưa đến tay người nhận. Không ngờ anh có một sáng kiến đột xuất tuyệt vời:

- Ta dùng chương trình ca nhạc và ngâm thơ theo yêu cầu thính giả để báo tin cho nhau.

Đêm 23 tháng 10 năm 1967, khi đang ngả lưng trên võng bạt trong cánh rừng huyện Hương Trà đón chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe lời chị phát thanh viên rành rọt: "Mời các bạn thưởng thức bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" của nhà thơ Nam Hà, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Linh Nhâm theo yêu cầu các bạn: Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trần Nguyên Bình, công tác ở Bộ Tài chính và…", anh ngồi phắt dậy, nói to: "Các bạn ơi, vợ mình đã sinh con trai Trần Nguyên Bình ở Hà Nội rồi!''. Anh em trong cơ quan chúc mừng và đều khen anh có sáng kiến tuyệt vời để biết được tin sinh con sớm nhất.

Mẩu chuyện thứ hai là về ông Đồ Nghệ Vương Trọng. Ai cũng biết ông này mê và thuộc Kiều từ nhỏ. Có người bảo vì ông mang họ nàng Kiều và mang tên chàng Kim nên mới mê Kiều đến thế. Trời đất xếp đặt thế nào, vợ ông cũng tên Vân, dù là Vũ Thị Vân chứ không phải Thúy Vân!

Đầu năm 1975, Vương Trọng cưới vợ xong thì được Tạp chí Văn nghệ Quân đội điều đi B, khi đó vợ anh đã mang thai. Cụ thể hơn nhà thơ Trần Nguyên Vấn, Vương Trọng ghi vào trong cuốn sổ tay của vợ: "Nếu sinh con trai, em khai sinh tên con là Vương Liêu Dương, nếu con gái là Vương Kiều Lam". Chị Vân chẳng hiểu ý nghĩa sâu xa Liêu Dương là quê hương của chàng Kim, và Lam Kiều là một điển tích quen thuộc trong "Truyện Kiều" nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận vì rất tin chồng mình.

Ngày 7 tháng 11 năm 1975, chị sinh con trai. Gia đình chồng ở xa, chị đành nhờ một ông cán bộ hành chính Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng khai sinh hộ. Ông cán bộ này thường phát âm ngọng L và N. Khi đến nơi khai sinh, ông đưa ba chữ VƯƠNG LIÊU DƯƠNG lên xem, nghĩ là chị Vân viết nhầm, liền cầm bút chữa chữ U trong chữ LIÊU thanh chữ N, miệng nói:

- Liêu với chả "lồi", vớ vẩn!

Thế là tên khai sinh con trai đầu nhà thơ Vương Trọng  là Vương Liên Dương, chứ không phải Liêu Dương nên chả liên quan gì với chàng Kim trong "Truyện Kiều".

Còn cái tên đặt sẵn Vương Kiều Lam ghi trong mảnh giấy ấy cũng không bao giờ dùng đến, dù nhà thơ có hai con, nhưng đứa thứ hai cũng không phảỉ con gái!

Dương Nguyên
.
.