Đạo diễn Roman Karmen và những thước phim quý về Hà nội

Thứ Tư, 22/10/2014, 08:00

Roman Karmen (1906 - 1978) là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cuộc đời nghệ thuật của ông rất đa dạng trong các vai trò: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. Những thước phim tư liệu mà Karmen để lại thật sự là những thiên anh hùng ca huyền thoại.

Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử

Những ngày mùa thu lịch sử này, khi người dân trên khắp mọi miền đất nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), trên sóng truyền hình, chúng ta xúc động được xem những hình ảnh tư liệu (màu) ghi lại thời khắc lịch sử của Thủ đô trong ngày tiếp quản tháng 10/1954. Tác giả của những thước phim vô cùng qúy báu về Hà Nội ấy là đạo diễn Xô viết kiệt xuất Roman Karmen.

Đạo diễn Roman Karmen cùng hai đồng sự Xôviết Evghenhi Mukhin và Vladimia Echurin được Nhà nước Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim tài liệu vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Được sự chỉ dẫn của Bác Hồ, sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam, Karmen đã miệt mài lao động, hoàn thành xuất sắc bộ phim màu "Việt Nam" (1954) ghi lại những giây phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Tháng 10/1954, từ chiến khu Việt Bắc, Roman Karmen về Hà Nội để chứng kiến giờ phút bộ đội ta tiếp quản Thủ đô. Theo lời kể của ông Lưu Phúc Thái, sĩ quan liên lạc dẫn đường cho đạo diễn Roman Karmen ở Hà Nội, đoàn làm phim đi trên 3 chiếc xe Commăngca, xuất phát từ làng Vòng lúc 5h30 sáng ngày 9/10, tiến vào trung tâm thành phố. Đường phố Hà Nội vắng vẻ, chỉ có những người lính Pháp chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn... Chợt Karmen muốn được quay cảnh bối rối của lính Pháp trước giờ rút khỏi Hà Nội nên đoàn làm phim tiến vào khu Cột Cờ, điểm không có trong kịch bản. Đến 16h30 cùng ngày, khi những chiếc xe cuối cùng của quân Pháp rút qua cầu Long Biên, Karmen quay cảnh nhân dân Hà Nội đổ ra đường với ngập tràn cờ hoa. Người người rộn ràng theo đoàn quân giải phóng tiến về Bờ Hồ. Đoàn xe của Karmen đi đầu, ông đứng trên xe, hiên ngang giữa rừng cờ hoa. Nhân dân reo hò và vị đạo diễn đã hướng ống kính máy quay ghi lại những hình ảnh cảm động ấy.

Sau bộ phim "Việt Nam", Karmen còn viết 2 cuốn sách về những kỷ niệm ở Việt Nam "Ánh sáng trong rừng sâu" (1957) và "Việt Nam chiến đấu" (1958) với nhiều câu chuyện hay và cảm động. Ông cho biết, hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân Hà Nội là cảnh quay đẹp. Ông đã chuẩn bị cho những cảnh quay này rất kỹ với một niềm ưu ái và cảm hứng vô bờ. Karmen viết: "Bảy tháng ở Việt Nam, thời gian trôi nhanh đến mức không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đã đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân… Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và suốt đời tôi còn yêu mến nó".

Cảnh trong phim "Việt Nam" của đạo diễn Karmen.

Đối với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam non trẻ, Karmen như người thầy, người anh, người bạn lớn. Bộ phim "Việt Nam" của ông đã để lại dấu ấn và những kinh nghiệm sâu sắc cho nền điện ảnh Việt Nam. Ngày 18-7-1955, đạo diễn Roman Karmen vinh dự được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Người viết sử bằng máy quay

Roman Lazarovic Karmen sinh ngày 16/11/1906 tại Odessa, một thành phố cảng biển thuộc Ukraine. Bố ông là nhà văn Lazaoximovich Karmen. Do hoạt động cách mạng, cụ bị bọn Bạch vệ bắt giam và bị chết trong tù. Mồ côi cha từ năm 14 tuổi, cậu bé Karmen và mẹ phải trải qua những năm tháng nặng nề, cực nhọc. Cậu vừa đi học, vừa bán báo, làm thợ phụ ngoài cảng giúp mẹ kiếm sống. Lúc rảnh rỗi, cậu mày mò tập chụp ảnh với niềm say mê lạ thường.

Năm 16 tuổi, Karmen trở thành phóng viên nhiếp ảnh cho Tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" ở Moskva. Công việc cho phép cậu tiếp xúc với nhiều nhân vật và sự kiện tiêu biểu đồng thời giúp cậu hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh. Karmen mơ ước được cầm máy quay phim, quay những hình ảnh động để phản ánh hiện thực đầy đủ hơn. Năm 1928, cậu nộp hồ sơ và thi đỗ vào Trường Điện ảnh Quốc gia Moskva. Tốt nghiệp năm 1932, cậu về công tác Xưởng phim Tài liệu Trung ương.

Ngay trong các phim đầu tay, Karmen đã bộc lộ một tư duy sáng tạo độc đáo với lối dựng phim rành mạch, giàu tính tạo hình, giải pháp kịch bản mới mẻ, ống kính luôn hướng sự chú ý vào con người, dù đó là cá nhân hay tập thể. Ở cậu nổi bật đức tính kiên trì, bền bỉ, lòng khát khao công việc. Karmen được đánh giá là nhà làm phim tài liệu năng động và đầy triển vọng.

Hoạt động nghệ thuật của Karmen được xác định bởi 2 tọa độ không gian chính: Tổ quốc Xôviết của ông và trên nhiều điểm nóng, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử ở nhiều đất nước khác nhau. Năm 1934 - 1935, Karmen đến với những chiến sĩ của khởi nghĩa Quảng Châu và Nam Kinh (Trung Quốc). Năm 1936, Karmen có mặt ở Tây Ban Nha, quay những thước phim nóng bỏng về cuộc nội chiến ở đất nước này. Năm 1938, Karmen làm phim về cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc (phim "Trung Hoa trong chiến đấu"). Trở về quê hương, ông lại say sưa với đề tài xây dựng đất nước Xôviết. Khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô tháng 6/1941, Karmen thuộc số ít những nhà quay phim đầu tiên sát cánh cùng Hồng quân trên các chiến tuyến. Ông quay được nhiều hình ảnh chân thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Leningrad, Moskva… Những cảnh phim ấy đã trở thành chất liệu cực kỳ qúy cho bộ phim "Thất bại của quân Đức ở ngoại ô Moskva" (1942 - đạo diễn L.Varlamova và I.Copalin). Phim đoạt giải Oscar và Giải thưởng Quốc gia năm 1943.

Roman Karmen là người đã đi suốt từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, có mặt tại hầu hết các mặt trận quan trọng nhất, từ Moskva đến Berlin, hang ổ của chủ nghĩa phát xít. Ông đã quay được những thước phim vô giá như: bắt sống Thống chế Đức Paolut, cảnh thảm khốc ở trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), hình ảnh những người lính Xôviết chiếm tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin, xét xử bọn trùm Quốc xã… Năm 1946, Karmen đạo diễn bộ phim "Tòa án của các dân tộc", một tác phẩm chính luận đặc sắc về tòa án quốc tế Nuremberrg xét xử tội phạm chiến tranh. Với giá trị tư liệu lịch sử to lớn, với tính nghệ thuật cao, đặc biệt là sự lý giải thuyết phục nguyên nhân của chiến tranh phát xít, bộ phim đã được tặng giải thưởng Quốc gia, được giới sử học điện ảnh Xôviết xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển về đề tài chống phát xít.

Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Roman Karmen lần lượt có mặt ở Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Cuba… Nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật quan trọng của thời đại (như Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Che Guevara, Salvador Allende...) được Karmen quay vào phim nhựa và xây dựng thành các tác phẩm điện ảnh tài liệu có giá trị như: "Việt Nam" (1954), "Buổi sáng ở Ấn Độ" (1959), "Hòn đảo rực cháy", "Ngọn đèn màu xanh" (1961), "Người khách của hòn đảo Tự do" (1963), "Chile - Thời gian âu lo và tranh đấu" (1973)…

Đi nhiều, quay khỏe, Karmen để lại dấu chân in trên nhiều miền đất khắp các lục địa, song ông cũng không quên một đề tài quan trọng: Hiện thực lao động của con người Xôviết xây dựng đất nước. Ở đề tài này, Karmen cũng gặt hái thành công. Hai bộ phim tài liệu: "Chuyện về những người thợ dầu trên biển Caspi" (1953) và "Những người chinh phục biển cả" (1959) của ông vinh dự được nhận Giải thưởng Lênin năm 1960.

Roman Karmen qua đời ngày 28/4/1978 giữa lúc ông đang hoàn thiện những công việc cuối cùng cho bộ sử thi 20 tập "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" (được trình chiếu ở Mỹ dưới cái tên "Cuộc chiến tranh chưa được biết đến"). Thiên sử thi này đã chinh phục hàng trăm triệu lượt người xem trên toàn thế giới, đoạt nhiều giải thưởng lớn và đưa tên tuổi Roman Karmen lên hàng những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX

Thu Hằng
.
.