Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đã từng nghĩ có thể gục ngã trên trường quay

Thứ Sáu, 03/11/2017, 08:16
Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh bất ngờ tái xuất với hai dự án phim truyền hình là "Hoa cỏ may" (phần 3) và "Thương nhớ ở ai" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng). Với tâm niệm, làm phim lần nào cũng tươi mới như lần đầu tiên, các tác phẩm của vị đạo diễn có vẻ ngoài nam tính và có phần xù xì ấy luôn đầy ắp sự bất ngờ, thú vị.


Từ trước đến nay, Lưu Trọng Ninh vốn không phải là đạo diễn... chăm làm phim. Thậm chí gần đây, người ta thấy anh gần như vắng bóng trên đời sống điện ảnh. Tuy nhiên, mỗi lần phim của anh ra mắt khán giả đều gây được sự chú ý đặc biệt của khán giả cũng như truyền thông. Lưu Trọng Ninh chia sẻ về lý do "mất tích" của mình là do sức khỏe.

"Sau khi làm phim "Hoa cỏ may" tôi bị bệnh, sút tới 10 kg. Bệnh tim nặng, bác sĩ bắt tôi phải kiêng khá nhiều bởi nếu không có thể ngã gục ở trường quay bất cứ lúc nào. Chính vì thế khi làm phim "Thương nhớ ở ai" tôi đã đề xuất với lãnh đạo VFC cho tôi thêm một đạo diễn nữa để phòng trường hợp tôi gục bất cứ lúc nào".

May nhờ chăm chỉ tập Thiền, giờ đây, sức khỏe của Lưu Trọng Ninh đã khá hơn rất nhiều. Trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim truyền hình "Thương nhớ ở ai", đạo diễn Lưu Trọng Ninh luôn khiến cánh nhà báo hài lòng vì sự nhiệt tình và thẳng thắn khi không né tránh bất kỳ một thắc mắc nào.

"Thương nhớ ở ai" không chỉ là một bộ phim mới của đạo diễn Lưu Trọng Ninh mà còn có thể coi là "phiên bản truyền hình" của bộ phim điện ảnh "Bến không chồng" do chính anh vừa là đạo diễn vừa thủ vai nam chính trước đó. Hỏi đạo diễn Lưu Trọng Ninh là anh làm phiên bản truyền hình của "Bến không chồng" có phải vì lý do thiếu vắng kịch bản hay không, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn: "Quả thật là số tôi ít khi được cầm trên tay kịch bản hay do người khác viết nên tôi thường tự viết kịch bản cho phim của mình.

Tôi ước có được kịch bản người khác viết thì vừa nhàn vừa có phim hay hơn. Nhưng sự thực là cá tính của tôi khó có thể hợp với người khác, vì thế tôi thường tự viết kịch bản cho mình. Cũng có người bảo tôi "Thương nhớ ở ai" mang đề tài cũ quá.

Tôi cho rằng, phim ảnh không có cũ mới. Bộ phim "Bến không chồng" trước đó để lại cho tôi nhiều tiếc nuối. Giá như chưa làm "Bến không chồng", tôi sẽ có nhiều đất để tung tẩy hơn, vì những trường đoạn hay nhất tôi đã thực hiện ở phim ấy rồi. Mặc dù vậy, "Thương nhớ ở ai" vẫn đầy ắp sự khác biệt. Nếu như bối cảnh của "Bến không chồng" chỉ xoay quanh một bến nước với mấy người đàn bà thì không gian của "Thương nhớ ở ai" rộng hơn.

Đây là cả một ngôi làng với nhiều mối quan hệ giằng chéo, nhiều cuộc đời, số phận. Với "Thương nhớ ở ai" bằng cách thể hiện mới của thể loại phim truyền hình, tôi muốn mang đến những cảm xúc mới. Vẫn là cái xương của "Bến không chồng" nhưng đã được đắp bởi da thịt khác".

Nổi tiếng là đạo diễn kỹ tính và cầu toàn, chính vì thế, mặc dù là phim truyền hình nhưng "Thương nhớ ở ai" thậm chí còn được quay kỹ hơn điện ảnh. Đạo diễn chia sẻ, để có được ngôi làng Bắc Bộ thuần khiết đẹp như mơ trong phim anh và đoàn làm phim đã phải vác máy quay đi 6 tỉnh, 18 làng. Một mái đình ở làng này, cầu ao ở làng kia, bến nước ở làng khác. Chính vì vậy, phim sử dụng kỹ xảo khá nhiều để khán giả có cảm giác đây vẫn chỉ là một cái làng. Việc đầu tư vào kỹ xảo được coi là một yếu tố quan trọng để phục dựng lại những bối cảnh nông thôn vốn đã không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Sự đầu tư kỳ công không chỉ về tiền bạc mà còn về công sức, chất xám của cả ê kíp.

"Chưa nói tới truyện phim, đầu tiên tôi muốn dâng cho mọi người một ngôi làng đã có cách đây hơn 40 năm và hiện tại không còn nữa. Khán giả của tôi là những người hoài niệm về làng quê. Tôi muốn dành tặng cho mọi người ký ức mà mọi người đang tìm kiếm" - đạo diễn Lưu Trọng Ninh bộc bạch.

Phim của Lưu Trọng Ninh lúc nào cũng đầy ắp chất thơ và sự lãng mạn, mặc dù câu chuyện phim không kém sự khốc liệt. Ngay từ tên phim "Thương nhớ ở ai", đạo diễn Lưu Trọng Ninh lý giải đó là một câu hát trong quan họ. Nó như một lời tỏ tình, một lời trách ai yêu ai, ai với ai. Cũng như số phận, cuộc đời của người phụ nữ luôn được Lưu Trọng Ninh nhìn bằng con mắt cảm thông, chia sẻ: "Tôi cho rằng, người đàn bà phản ánh đời sống xã hội mạnh mẽ nhất. Họ gặp nhiều đau khổ, mất mát nhưng luôn biết cách vươn lên trong cuộc sống".

Lưu Trọng Ninh khẳng định dấu ấn cá nhân ngay từ cách chọn diễn viên... không giống ai của mình. Mỗi bộ phim của Lưu Trọng Ninh luôn xuất hiện những gương mặt mới. Có những diễn viên, sau khi tham gia trong phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã trở thành gương mặt được khán giả chú ý như Thúy Hà (phim "Bến không chồng").

Nhân vật Vạn trong "Bến không chồng" do chính Lưu Trọng Ninh thủ vai lần này đã được giao cho Lâm Visay - một diễn viên Việt kiều mang hai dòng máu Việt - Lào. Lý giải cho thắc mắc rằng Lâm Visay có gương mặt khá Tây so với hình dung về một anh bộ đội xuất ngũ về làng, Lưu Trọng Ninh cương quyết: "Mọi người hay nhìn diễn viên theo ngoại hình, vóc dáng, gương mặt, tôi chọn diễn viên theo thần thái. Lâm Visay có chất đàn ông nam tính tôi cần ở nhân vật Vạn.

Chuyện Lâm Visay nói tiếng Việt chưa thật chuẩn với tôi cũng không có ý nghĩa gì. Ngày tôi đóng vai Vạn cũng vô cùng ngượng nghịu. Đến nỗi phim công chiếu tôi còn không dám xem lại. Nhưng sau đó tôi lại nhận được khá nhiều lời khen ngợi. Một diễn viên nổi tiếng hay giảo hoạt, sắc sảo không phải là điều tôi kiếm tìm. Tôi muốn Lâm Vi say xóa hình ảnh của tôi đi.

Vai Hạnh trong phim này, tôi cũng chỉ quyết định trong vòng mấy phút. Ban đầu, có một diễn viên miền Nam được nhắm cho vai Hạnh nhưng khi cô ấy ra ngoài này thử vai thì tôi lại thấy không hợp. Trong lúc chán nản từ trường quay trở về Hà Nội thì bất ngờ nhận được cuộc điện thoại hỏi thăm của Trà My. Tôi buột miệng hỏi cô này có lên trường quay chơi không? Và thế là vai Hạnh đã được tìm thấy.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (thứ 2 từ phải sang) cùng các diễn viên trong phim “Hoa cỏ may”.

Sự xuất hiện của NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam ở phim này cũng vậy. Khi tôi lang thang vào Nhà hát chèo chọn diễn viên thì tôi nhận ra - Bà "giám đốc Nhà hát" này hợp vai hơn bất cứ diễn viên nào.

Tương tự, tôi quyết định Hồng Kim Hạnh vào vai Hơn trong sự ngạc nhiên của cả đoàn làm phim và mặc dù cô ấy ra ngoài này casting cho vai Hạnh. Cách đây khá lâu, khi đang làm phim "Hãy tha thứ cho em", tôi đang lang thang đi ngoài đường bất ngờ nhìn thấy phía xa, một cô gái rất hợp với nhân vật của mình. Tôi bèn vòng xe sang đường hỏi cô có muốn đóng phim không?

Ban đầu, thấy tôi đường đột hỏi vậy, cô ấy tưởng tôi lấy cớ để tán tỉnh... (Cười). Tôi luôn chọn diễn viên theo bản năng, cảm tính và tin vào sự lựa chọn của mình. Diễn viên phải đúng với nhân vật. Dù diễn viên có nổi tiếng đến mấy nhưng không đúng với nhân vật, tôi cũng không mời. Tôi cũng nghiệm ra, cứ chọn diễn viên chắc chắn theo logic là... thất bại".

Mê điện ảnh nhưng lại lăn lộn với phim truyền hình, với Lưu Trọng Ninh là một giải pháp thỏa mãn tình yêu nghề trong điều kiện làm phim khó khăn hiện nay.

"Tôi luôn quan niệm, làm điện ảnh phải làm cái gì ghê gớm chứ chả nhẽ lại làm phim giải trí. Những phim tôi thực sự mong muốn làm thì rất khó ăn khách. Tôi quan niệm khán giả không phải là thước đo duy nhất cho chất lượng một bộ phim. Mỗi phim chỉ nên đáp ứng nhu cầu của một lớp đối tượng khán giả nào đó. Không thể làm phim cho tất cả mọi người. Trong thị trường phim ảnh của chúng ta vẫn đang bị lẫn và chiều chuộng theo thị hiếu khán giả.

Phim của tôi có thể còn chưa hoàn chỉnh ở điều này điều kia nhưng chắc chắn luôn có những trường đoạn đắt giá". Không phủ nhận mình là người có cá tính mạnh, tới mức cực đoan đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn: "Chính vì thế phim của tôi là phim có lỗi. Nhưng tôi chấp nhận điều đó miễn là mang phong cách cá nhân của tôi"

Điện ảnh với Lưu Trọng Ninh đến tình cờ như sự bất ngờ của số phận dành cho chàng kỹ sư Bách khoa sau khi rời quân ngũ. Nhưng giờ đây đã trở thành nỗi đau đáu của cuộc đời anh. Lưu Trọng Ninh quan niệm, bộ phim nào ra mắt công chúng cũng có nghĩa đã ở sau lưng để anh bắt đầu cho những dự án phim mới. Trải lòng sau một thời gian dài vắng bóng anh bảo: "So với tình yêu điện ảnh trước đây thì chỉ có chăng tôi tỉnh táo hơn chứ năng lượng yêu không hề thua kém.

Trước đây, tôi từng làm 2 bộ phim trong đó có "Khát vọng Thăng Long" trong tình trạng không có kịch bản sẵn. Cứ viết tới đâu, cả đoàn quay tới đó. Tôi làm được vậy vì tôi quá tự tin. Nhưng giờ tôi cho rằng sự tự tin ấy là ngớ ngẩn và không cần thiết nên các phim sau này, tôi chuẩn bị kịch bản khá kỹ. Giờ đây, tôi đang bắt tay vào làm phim "Kiều" - một bộ phim tôi tin là sẽ mang nhiều bất ngờ, thú vị cho khán giả".

Thảo Duyên
.
.