Danh họa Nga Ixaắc Lêvitan: Lưu lại cho đời vẻ đẹp "thời xa vắng"

Thứ Sáu, 02/11/2012, 08:00

Trong các nền văn hóa lớn của thế giới, vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, văn hóa Nga có nhiều điều kiện thuận lợi để du nhập vào đời sống tinh thần nước ta. Văn hóa Nga cũng thực sự có nhiều điểm tương đồng, nhiều yếu tố gần gũi với tâm lí con người Việt Nam. Chúng ta yêu tranh Lêvitan (1860-1900) như đã từng yêu thơ Exênin, yêu văn Pauxtốpxki, và ngược lại… Đó là ba trong số nhiều danh nhân nước Nga từng được công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam mến mộ bởi sự thâm trầm, nhỏ nhẹ và thăm thẳm mênh mang...

Chỉ một lần rồi thôi

Hiện chúng ta có thể tìm thấy không ít phiên bản tranh của nhà danh họa Nga Ixaắc Lêvitan trong các thư phòng của một số gia đình Việt Nam. Điển hình là các bức "Mùa thu vàng", "Mùa xuân con nước" - những bức tranh phong cảnh vô cùng quyến rũ. Người ta nói, Lêvitan đã lấy cái đẹp từ tâm hồn mình để đưa vào phong cảnh Nga. Nhưng các bức tranh đó có phải chỉ đẹp bởi cảnh sắc thôi đâu? Nó len lỏi, hun hút một nỗi buồn xa vắng. Hay nói đúng hơn, các bức tranh đó càng trở nên đẹp và hấp dẫn bởi tác giả của chúng - người nghệ sĩ chưa một lần lập gia đình ấy, đã đưa được vào tranh sự cô đơn trọn kiếp của mình... Một điều thật dễ thấy: Hầu hết các bức tranh phong cảnh của Lêvitan đều...không một bóng người!

Ixaắc Lêvitan, như một số nhà nghệ sĩ, vốn có tính lập dị. Song ông không lập dị đến nỗi chối từ việc xây dựng gia đình để toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Ta có thể khẳng định điều này vì thực tế trong đời, ông đã từng tỏ tình, dù chỉ là một lần và duy nhất với một người.

Người đó chính là Maria Tsêkhôva, em gái người bạn cùng học thời thanh niên của ông: Nhicôlai Tsêkhốp. Từng có thời  kỳ, Lêvitan và Nhicôlai ở chung với nhau trong "Nhà trọ phương Đông", cùng chia sẻ hoạn nạn, đồng cam cộng khổ. Tại đây, cô em gái Maria đã có một đôi lần đến thăm anh trai. Cô gái vốn tính nhút nhát, song thật đáng yêu. ở tuổi dậy thì, đôi má cô luôn ửng đỏ vì e thẹn. Chính điều này đã thu hút nhà họa sĩ.

Một lần, không ngăn được tình cảm, nhân lúc vắng vẻ, điều kiện thuận lợi (Maria Tsêkhôva theo Lêvitan vào rừng xem ông vẽ tranh), Lêvitan đã bất ngờ quỳ xệt xuống dưới chân Maria...để thổ lộ tình yêu. Sau này Maria đã nhớ lại: "Tôi nhớ là mình đã mất bình tĩnh, không hiểu sao tôi thấy ngượng lắm và lấy tay che mặt. "Maria thân yêu, từng nét mặt cô đối với tôi đều quý giá" - Tôi nghe thấy tiếng Lêvitan. Tôi không tìm được lối thoát nào hơn là quay lại và chạy trốn xa anh ấy".

Trở về nhà, Maria ngồi lỳ trong buồng riêng, rúc đầu vào gối và khóc.

Đến giờ ăn trưa, tất cả mọi người trong nhà có mặt đông đủ (kể cả Lêvitan), duy nhất thiếu mỗi mình Maria. Antôn Tsêkhốp hỏi Maria đâu, thì cô em gái dưới Maria đã kể lại rằng cô trông thấy chị mình trong buồng, và đang khóc.

Ngay lập tức, ông vào buồng em gái và nói: "Tại sao cô rên rỉ thế?". Maria kể lại cho anh trai nghe tất cả nội dung câu chuyện đã xảy ra giữa cô và Lêvitan. Cô cũng thổ lộ rằng hiện cô cũng không biết trả lời Lêvitan như thế nào. "Em ạ, tất nhiên nếu em ưng, em có thể lấy anh ấy, nhưng... Em nên biết rằng, anh ấy cần những người đàn bà ở lứa tuổi kiểu Bandắc (tức phụ nữ từ quãng tuổi 30 đến 40) cơ, chứ không phải như cô đâu".

Lời nói của Tsêkhốp, tuy chỉ là "tham khảo" nhưng đối với cô gái mới lớn, lại nhút nhát như Maria, nó đã có ý nghĩa quyết định ghê gớm. Cô biết, anh trai cô muốn ngăn ngừa cho cô một chuyện "gì đó". Chính vì thế cô đã không trả lời "yêu cầu" của Lêvitan. Điều này khiến cho hàng tuần lễ liền, Lêvitan sống trong trạng thái u sầu.

Rõ ràng, Antôn Tsêkhốp đã "muốn tránh cho em gái những đau khổ có thể xảy ra. Nhưng do thận trọng, ông đã giữ gìn cô em tránh cả hạnh phúc"- như một sử gia văn học đã nhận xét.

Sau này, Maria Tsêkhốp đã trở lại "quan hệ bình thường" với họa sĩ. Cô coi ông như người anh thứ 6 trong gia đình, và có phần gần gũi về tinh thần hơn anh em ruột.

Nhưng tất cả sự việc chỉ đến vậy.

Và Lêvitan sau "thất bại" của mối tình đầu đã vĩnh viễn không bao giờ còn có ý đi tìm hạnh phúc gia đình.

Và những bức tranh phong cảnh của ông thì mãi mãi muôn đời vẫn heo hút, không một bóng người...

Đâu chỉ có "Mùa thu vàng"

Bức họa "Cái yên tĩnh vĩnh hằng" của Lêvitan.

Nhắc tới tên tuổi Lêvitan, nhiều người thường nhắc tới bức tranh tuyệt vời ông vẽ năm 1895 - bức "Mùa thu vàng", cũng như nhiều bức tranh quyến rũ về cảnh sắc thiên nhiên Nga, trong đó có nhiều bức đặc tả ruộng đồng, cô thôn, thấm thía một vẻ hoang liêu, tịnh vắng. Mỗi lần xem tranh là một lần lòng ta quặn thắt vì vẻ "đẹp và buồn" của chúng. Tuy nhiên, bức tranh có tầm vóc tư tưởng nhất, hay được các nhà nghiên cứu mỹ thuật bàn tới nhất lại chính là bức "Cái yên tĩnh vĩnh hằng". ý đồ xây dựng bức tranh tuyệt tác này bắt nguồn từ lần Lêvitan cưỡi ngựa đi chơi xa. Từ lâu ông đã nghe những câu chuyện về cái tu viện cổ kính thời xa xửa xa xưa ở ngay chỗ trang trại Garuxôvô, nghe kể về những tu sĩ sống trên hòn đảo của hồ Uđômli.

Hồ Uđômli rất trong xanh, ở giữa có một hòn đảo nhỏ. Lêvitan nhìn thấy ngôi nhà thờ và nghĩa trang ở trên bờ, nhưng trong bức phác thảo, ông đưa nhà thờ ấy ra ngoài đảo nhỏ.

Có lẽ chưa bao giờ, ở đâu nhà danh họa lại thấy có một bầu trời mênh mông, vô tận như thế này, và nước thì sáng trắng như màu sữa. Lêvitan vẽ phác thảo đầu tiên của tác phẩm "Cái yên tĩnh vĩnh hằng". Âm thanh buồn, trang trọng của "Hành khúc lễ tang" trong bản "Giao hưởng anh hùng" của Bêthôven như cuốn lấy, ám ảnh tâm trí ông suốt thời gian ông vẽ bức tranh.

Giờ đây, nhìn bức tranh, ta có thể thấy những đám mây vần vũ trong nền trời pha trộn màu đen và màu tím ngát. Có cảm tưởng như thời giai vùn vụt trôi qua. Để nhấn mạnh sự "vĩnh hằng" này, Lêvitan đã thay nhà thờ kiểu mới trong tranh bằng ngôi nhà thờ dựng bằng gỗ cổ kính mà ông thấy ở Plêxơ.

Sau khi hoàn thành một thời gian, bức tranh đã được bày tại viện bảo tàng mang tên nhà sưu tập tranh nổi tiếng nước Nga thời bấy giờ: Tơrêchiacốp.

Bức chân dung độc đáo

Nếu như trên thế giới, danh họa Hà Lan Rămbrăng (1606- 1669) được xem là một trong những người để lại nhiều bức chân dung tự họa nhất, thì nhà họa sĩ phong cảnh nổi tiếng người Nga Ixaắc Lêvitan (1860- 1900) lại chưa hề một lần trong đời cầm bút vẽ chân dung mình, mặc dù với thể tài tranh chân dung này, ông cũng đã ít nhiều thể hiện được khả năng qua các bức vẽ người thân như nhà văn Antôn Tsêkhốp, nữ nghệ sĩ Xôphia Cúpsinnhicôva... Rất may, bởi sinh thời Lêvitan từng có quan hệ mật thiết với Valentin Xêrốp (1865-1911) nên hình bóng ông đã được  lưu lại hậu thế qua hai bức tranh tuyệt tác của nhà danh họa nói trên.

Bức thứ nhất được Xêrốp thực hiện vào thời gian cuối năm 1892, đầu 1893. Hiện các sách báo in hình Lêvitan đa phần đều sử dụng bức chân dung này. Bức tranh cho thấy ở Lêvitan hình ảnh một người đàn ông có gương mặt tao nhã, vầng trán cao toát lên vẻ cao thượng, với cái nhìn tư lự, bàn tay gầy, hơi cong cong đặt lên thành ghế, trông vừa... nghệ sĩ vừa gợi vẻ thánh thiện. 

Bức chân dung hoàn chỉnh và ấn tượng đến độ, nếu sau này có ai đó vẽ chân dung Lêvitan, người đời thường lấy bức này ra so (thay vì việc đối chiếu với các bức ảnh). Thậm chí người ta tin bức chân dung này xác thực còn hơn cả... ảnh chụp Lêvitan nữa.

Bức chân dung đã cho thấy một con người có tâm hồn phong phú, cốt cách thanh tao, và ánh nhìn dịu dàng, ưu tư kia như báo trước những cơn lốc của số phận.

Hiển nhiên, bức chân dung khiến Lêvitan rất thích thú. Chẳng thế mà mỗi lần có ai đó đến thăm xưởng họa của ông, ông lại giới thiệu bức chân dung này. Ông còn phát biểu mạnh mẽ: "Xêrốp là một họa sĩ tuyệt vời. Mình tin bức chân dung của mình sẽ được bày ở Viện Bảo tàng Tơrêchiacốp". Thực tế sau này đã xảy ra đúng như điều Lêvitan tiên đoán.

Bức chân dung thứ hai về Lêvitan được Xêrốp thực hiện ngay sau khi Lêvitan qua đời (ngày 4/8/1900). Bên cạnh việc hồi tưởng lại hình bóng của bạn và tham khảo những bức ảnh Lêvitan chụp, Xêrốp còn làm một việc bất ngờ mà không ai hình dung: Ông yêu cầu anh trai của người bạn quá cố là Ađônphơ Lêvitan ngồi làm mẫu để ông vẽ. Ông này đặc biệt giống người em trai Ixaắc Lêvitan cả về ngoại hình lẫn tính cách. Thời trai trẻ, ông từng theo học trường mỹ thuật. Về tuổi tác, ông hơn người em trai chưa đầy 1 tuổi. Việc mượn gương mặt ông này để "phục chế" chân dung Ixaắc Lêvitan quả là một sáng kiến rất thông minh của Xê rốp.

Mặc dù được thực hiện qua cấp "trung gian" như vậy, song khi bức tranh hoàn thành, tất cả những người quen biết với Lêvitan đều phải thừa nhận rằng, bức tranh này đã thể hiện chính xác lạ thường thần thái của ông

Lê Thường Hạnh
.
.