Danh họa Lucian Freud: Lập kỷ lục thế giới với bức tranh dị thường

Thứ Sáu, 12/08/2011, 08:10
Rất thích vẽ nude song cả gương mặt và hình thể nhân vật trong tranh của ông thường tạo ấn tượng nặng nề, "khủng khiếp". Người thưởng thức rất hiếm tìm thấy ở đấy sự gợi tình cũng như những nét đẹp cố hữu đã được khẳng định tự ngàn đời nay. Mặc dầu vậy, ông luôn nằm trong số những họa sĩ "ăn khách" bậc nhất...

Bức tranh Lucian Freud vẽ một phụ nữ béo phì nằm khỏa thân trên ghế sofa được trả tới giá 33,6 triệu USD cách đây 3 năm - cái giá cao nhất thế giới dành cho một tác giả còn sống. Bức ông vẽ siêu mẫu Kate Moss trong tư thế nude toàn phần khi đang mang bầu cũng được đặt giá cao ngất ngưởng hồi năm 2004. Ông được ghi nhận là nhân vật xuất chúng trong nền hội họa thế giới mấy chục năm nay. Ông là họa sĩ Lucian Freud, người đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở London đêm 20/7 vừa qua, hưởng thọ 89 tuổi.

Lucian Freud sinh năm 1922 tại Berlin, trong một gia đình danh giá. Bố ông là một kiến trúc sư, còn ông nội ông là nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud. Mang trong mình gốc tích Do Thái, 11 tuổi, ông phải theo gia đình sang Anh lánh nạn bởi chính sách cực đoan, bài Do Thái của chính quyền Hitler. Tại đây, sau một thời gian phục vụ trong một đội thợ máy của Hải quân Anh, Lucian Freud chính thức  đi vào con đường hội họa, bắt đầu một chặng hành trình nhọc nhằn và say mê kéo dài tới gần bảy thập niên…

Thoạt đầu, Lucian còn tham gia vẽ… tạp. Ông được một nhà xuất bản thuê vẽ minh họa cho một tập thơ của Nicolas Moore. Nhưng rồi tay nghề của ông được thử thách dần. Đến năm 1944, Lucian đã có thể đứng ra tổ chức một triển lãm tranh đầu tiên tại phòng trưng bày Lefevre. Sau khi cuộc đại chiến thế giới kết thúc, Lucian rời nước Anh chuyển sang hành nghề tại Pháp, tiếp đến là Hy Lạp. Năm 1948, ông trở lại Anh và bắt đầu mở triển lãm giới thiệu với công chúng tác phẩm của mình, đồng thời tham gia giảng dạy tại một số cơ sở nghệ thuật.

Triển lãm lớn đầu tiên của Lucian Freud là cuộc triển lãm được tổ chức tại phòng trưng bày Hayward ở London năm 1974. 18 năm sau, cũng tại London, ở Bảo tàng Tate Britain, Luican Freud đã cho tổ chức cuộc triển lãm tranh được dư luận ghi nhận là lớn nhất trong đời hoạt động nghệ thuật của ông. Cũng tại đây, ông được đánh giá là "một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thế giới thế kỷ XX và XXI". 

Lucian Freud là họa sĩ có lối làm việc độc đáo. Ông không thích mượn những người mẫu chuyên nghiệp, đặc biệt là những người hợp tác với ông chỉ với một mục đích duy nhất là tiền. Ông thích vẽ những người quen biết, những người vô tình ông bắt gặp mà vóc dáng, gương mặt họ có thể phục vụ cho một chủ đề sáng tác nào đó. Ông thích vẽ nude và khi vẽ, ông muốn nguyên mẫu phải đối diện với sự thật trần trụi nhất, nghĩa là họ phải cởi bỏ tất cả lớp áo xống họ khoác trên người. Lucian Freud tin rằng, chỉ khi họ không còn chút "nhân tạo" nào trên người thì lúc ấy, cơ thể họ mới "lên tiếng" bộc lộ được đủ đầy những khao khát bản năng. Với một quan niệm nghệ thuật có phần kỳ dị, có thể nói, hầu hết những người mẫu khi vào tranh của Lucian đều… xấu và "kinh khiếp" hơn ở ngoài đời khá nhiều (như trường hợp siêu mẫu Kate Moss trong bức tranh "Chân dung khỏa thân 2002" và Sue Tilley trong bức "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa").

Những ai từng ngưỡng mộ vẻ đẹp nồng nàn của cô người mẫu chân dài Kate Moss hẳn sẽ hết sức ngỡ ngàng khi thấy trong bức tranh lại là một người đàn bà với gương mặt gầy hốc hác và một cơ thể trông “nhọ nhem” đến dễ sợ. Cũng vậy, người phụ nữ đẫy đà tên gọi Sue Tilley (còn có biệt hiệu là "Sue béo") thoạt đầu cũng ngạc nhiên không nhận ra người đàn bà ụ ị, ngồn ngộn những múi thịt kinh khiếp cả ở bụng, ở ngực lẫn ở mặt đang nằm trần truồng trên chiếc ghế sofa kia chính là mình (ở ngoài đời, Sue trông "dễ chịu" hơn nhiều). Nhưng rồi, có lẽ hiểu ra thông điệp mà nhà họa sĩ đại tài muốn thông qua mình để gửi tới công chúng nên họ đều cảm thấy hài lòng với chân dung của mình trên bức tranh.

Bức tranh "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa" của Lucian Freud từng lập kỷ lục bức tranh được bán giá đắt nhất thế giới đối với một tác giả còn sống.

Những người từng làm mẫu cho Lucian Freud kể rằng, không hiếm khi Lucian phải mất tới mấy tháng, thậm chí là một năm để hoàn thành một bức chân dung. Ở tuổi bát tuần, không ít lần ông phải nổi cáu với Kate Moss khi cô đến muộn hoặc trễ nải với "công việc". Ông chăm chú quan sát từng chi tiết nhỏ trên cơ thể người mẫu. Ông từng bộc bạch: "Tôi kiên quyết không đưa vào tranh bất cứ thứ gì không thực, không hiện diện trước mắt tôi, bởi đưa những thứ không có thực ấy vào là sự dối trá không cần thiết". Nhiều chuyên gia am tường nghệ thuật cũng nhận xét rằng, những chi tiết được thể hiện một cách "kín đáo" trong tranh Lucian Freud thường tạo cho người xem tranh một cảm giác không thoải mái.

Như ở phần đầu bài đã nói, với giá bán lên tới 33,6 triệu USD, bức tranh "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa" (còn có tên gọi "Người quản lý tiền cứu tế ngủ say") của họa sĩ Lucian Freud đã gây chấn động dư luận và lập một kỷ lục: Trở thành bức tranh đắt giá nhất đối với một họa sĩ còn sống (người mua bức tranh này là tỉ phú người Nga Roman Abramovitch, ông chủ Câu lạc bộ Chelsea). Xung quanh việc Lucian Freud thực hiện bức tranh này cũng có nhiều chuyện vui:

Cũng tương tự như bức chân dung Kate Moss, bức "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa" có kích thước lớn bằng người thật. Nó được thực hiện từ năm 1995, với người mẫu là cô Sue Tilley, khi ấy 35 tuổi. Tilley trở thành người mẫu cho Lucian qua sự giới thiệu của Leigh Bowery - một nghệ sĩ biểu diễn người Australia. Theo Tilley kể lại thì khi mới bắt đầu công việc, cô được họa sĩ trả cho 20 bảng mỗi ngày. Song đó không phải là điều khiến cô quan tâm. Điều cô thấy thú vị hơn cả là được đi ăn cùng họa sĩ vào các buổi trưa sau mỗi lần vẽ hoặc vào ngày cuối tuần. "Chừng ấy là quá đủ với tôi - Cô nói - Chẳng đã có bao người mơ ước được làm việc với một họa sĩ tài năng như ông đó sao".

Để hoàn thành bức tranh, Tilley đã phải cởi bỏ quần áo, nằm cho họa sĩ vẽ trong suốt 9 tháng liền (tất nhiên trong thời gian này, họa sĩ còn tranh thủ vẽ một số bức khác với một số người mẫu khác, và mỗi tuần Tilley chỉ phải làm việc với họa sĩ trong 3 ngày). Thời kỳ đầu, Tilley phải làm việc trong trạng thái không được thoải mái lắm: Cô nằm khỏa thân trên nền nhà trống trơn. Sau rồi cô được Lucian mua cho chiếc ghế sofa và nằm trên đó để ông vẽ. Sau này, khi có nhà báo hỏi Tilley nghĩ thế nào khi để ông họa sĩ già vẽ khỏa thân như vậy, Tilley cho biết: "Kể thì lúc đầu tôi cũng có ngượng ngùng, nhưng lâu dần cũng quen, như thể mình đi khám bác sĩ vậy". Tilley cũng cho biết, để dẹp nỗi day dứt trong lòng, cô đã tự an ủi mình: "Các cô gái thanh mảnh khác thì rồi cũng thế thôi".

Nếu ai đã một lần xem bức tranh "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa" và đối chiếu với hình ảnh thực của cô Tilley ở ngoài đời, hẳn có cảm giác Tilley là người "dễ tính" khi chịu để nhà họa sĩ vẽ mình ra… như vậy. Sự thực thì lần đầu nhìn thấy bức tranh, Tilley cũng không khỏi ngỡ ngàng: "Quả là trong những giây phút đầu, tôi không nghĩ người đàn bà trong bức tranh đó là mình. Nhưng sau nhìn lại, tôi đã nhận ra gương mặt bé nhỏ buồn cười của tôi". Bức "Người phụ nữ khỏa thân trên ghế sofa" từng được đưa in trên trang nhất của tờ Thời báo Tài chính ở London. Đây là một hiện tượng cực kỳ hi hữu và nguyên mẫu của bức tranh đã rất lấy làm tự hào về điều này. 

Ngoài những người mẫu như Tilley và Kate Moss, danh sách người mẫu của Lucian Freud còn trở nên sáng giá với việc xuất hiện tên tuổi Nữ hoàng Anh  Elizabeth II. Phải sau nhiều cuộc thuyết phục, họa sĩ mới mời được bà ngồi để ông vẽ chân dung. Và bức chân dung Nữ hoàng Elizabeth II hiện được xem là bức tranh gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Lucian Freud được ghi nhận như một trong những người đã tạo nên sự thay đổi lớn lao trong cách tiếp cận hiện thực của nền hội họa thế giới. Từng có thời kỳ, quan điểm sáng tạo của ông đã nhận được sự ghẻ lạnh từ phía các nhà phê bình mỹ thuật lẫn các nhà sưu tập. Song ông vẫn kiên quyết đi theo con đường nhọc nhằn mà mình lựa chọn, cho đến lúc mọi người hiểu ra và công nhận ông là một trong những họa sĩ vĩ đại của thế kỷ

Trần Ngọc Xuân
.
.