Đại văn hào cũng phải...chịu

Thứ Tư, 25/02/2009, 14:00
Một nhà văn thời đó đã ví von một cách hình ảnh rằng: “Tuy nhà văn vĩ đại sống trong tòa nhà đồ sộ, với lối sống thoạt nhìn cứ ngỡ là vương giả, song khách khứa đến thăm gia chủ phải luôn xác định rằng: Chỉ mang bộ óc vào đó thôi, còn dạ dày thì hãy để... bên ngoài hành lang, vì rằng, rất hiếm khi nhà văn chịu mời họ dùng bữa với gia đình mình”.

Trong bài báo "Kết thúc vụ kiện xuất bản tiểu thuyết Những người khốn khổ - 2" in trên Chuyên đề Văn nghệ Công an số tết Kỷ Sửu vừa qua, bạn đọc đã được làm quen với những ý kiến rất "thoáng" của đại văn hào Pháp Victor Hugo về vấn đề bản quyền. Ấy là khi ông phát biểu tại Hội nghị Văn học Quốc tế ngày 21/6/1878 cho phép... hậu thế có thể sử dụng, khai thác tác phẩm của mình một cách vô điều kiện: "Khi cuốn sách đã rời nhà in, tác giả không còn là người chủ của nó nữa... Nhà văn để lại cho hậu thế không chỉ là tài sản mà là di sản tinh thần, đó là di sản của con người, nghĩa là tài sản chung".

Ý kiến này có thể khiến cho nhiều độc giả có cảm tưởng rằng, Victor Hugo là người rất hào phóng trong không chỉ vấn đề liên quan đến bản quyền. Vả chăng đây đó, chúng ta từng được tiếp xúc với rất nhiều câu chuyện nói về tính tài tử, lối tiêu pha hoang toàng để rồi dẫn tới tình cảnh hoặc công nợ, hoặc phá sản, nghèo túng của các văn nhân, thi sĩ. Song không phải ai cũng vậy.

Thực tế cho thấy có không ít nhà văn, nhà thơ đã biết chặt chẽ trong chi tiêu, trong quản lý tài chính. Họ không chỉ là những nhà văn bình thường, mà còn là những tài năng lớn, được cả thế giới biết đến. Thậm chí, đến như Victor Hugo cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, ngay từ lúc còn trẻ, khi mà sức sáng tạo dồi dào nhất, Hugo đã có cách tích lũy tiền khá hiện đại: Gửi nhà băng để lấy lãi. Cả người vợ lẫn người tình bí mật của ông đều phải chi tiêu hết sức tằn tiện để phục vụ cho mục đích này của ông.

Một nhà văn thời đó đã ví von một cách hình ảnh rằng: “Tuy nhà văn vĩ đại sống trong tòa nhà đồ sộ, với lối sống thoạt nhìn cứ ngỡ là vương giả, song khách khứa đến thăm gia chủ phải luôn xác định rằng: Chỉ mang bộ óc vào đó thôi, còn dạ dày thì hãy để... bên ngoài hành lang, vì rằng, rất hiếm khi nhà văn chịu mời họ dùng bữa với gia đình mình”. Đọc bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ", bạn đọc có thể thấy bóng dáng những năm tháng cơ hàn của tác giả trong chương đoạn nói về thời thanh niên của chàng Marius. Nhiều người tỏ ra mê đắm nhân vật này ở lối sống khoáng đạt, rất lãng mạn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu thì trong thực tế, Hugo không được "hào hoa" như thế. Với người yêu Juliette, ông phát tiền tiêu pha từng ngày, và tiêu vào việc gì phải có "giải trình", báo cáo.

Các nhà nghiên cứu văn học thường đem so sánh Hugo với Balzac để nói lên một nghịch lý: Hugo rất lãng mạn (trong văn chương) nhưng ngoài đời ông lại rất hiện thực. Còn Balzac là bậc thầy của văn chương "hiện thực" nhưng lối sống lại đầy mộng ảo, nên cuối cùng công nợ đầm đìa.

Văn hào Anh Charles Dichkens, được bạn đọc Việt Nam biết đến nhiều bởi những tác phẩm trứ danh như "David Copperfield", "Oliver Twist", "Thời gian khổ". Theo một số tài liệu mà hậu duệ Dichkens vừa đem bán đấu giá, người ta có thể thấy, Dichkens là người luôn "đấu tranh" về quyền lợi với các chủ xuất bản để tìm phần có lợi nhất cho mình. Thậm chí, khi ký hợp đồng, ông thường tham khảo ý kiến các luật sư. Việc nhà xuất bản chịu trả nhuận bút sau khi tái bản sách của nhà văn hiện nay là có công lớn của Dichkens. Ông là một người đi tiên phong trong vấn đề này.

Thi hào Đức Johann Wolfgang Goethe cũng nổi tiếng là người tiêu pha tính toán. Ông có một quyển sổ ghi chép rất tỉ mỉ. Có thời kỳ ông đệ đơn lên Hoàng đế Auguste xin giảm thuế các tác phẩm đã in ra của mình bởi lẽ có quá nhiều người hâm mộ thường xuyên gửi thư cho ông, thành thử việc chi cước phí bưu điện rất tốn kém. Đơn kiến nghị này của nhà đại thi hào đã được người đứng đầu triều đình Weimar vui vẻ ưng thuận... 

Hoàng Lược
.
.