Kỷ niệm 58 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2012)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức của người thư ký

Thứ Tư, 16/05/2012, 08:00
Có một điều mà mãi đến thời gian gần đây tôi mới biết về Phạm Khắc Lãm: Ông đã có 7 năm (1947-1954) công tác tại Phòng bí thư với cương vị là thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã biết đến ông. Ít lâu sau, qua những lần tiếp xúc, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, ông là con trai cả của cụ Phạm Khắc Hòe, Nguyên Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Triều đình Huế - một nhân sĩ yêu nước đã có công thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến Nhà Nguyễn từ bên trong bằng việc vận động vua Bảo Đại phải chấp nhận: "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ". Ông là Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trong những năm đầu đất nước bước vào công cuộc đổi mới với bao gian nan, nhưng rất đỗi tự hào.

Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2012), tôi đã tìm gặp ông để nghe ông kể về những ngày ông và các đồng sự giúp việc Đại tướng ở chiến khu Việt Bắc.

Theo cuốn Hồi ký "Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc" của cụ Phạm Khắc Hòe thì sau khi soạn thảo chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại; cụ đã chọn con đường mà Bác Hồ đã vạch ra cho toàn thể đồng bào. Đó là con đường như cụ đã từng khẳng định: "Con đường đẹp nhất", vì nó phù hợp với quy luật phát triển của dân tộc Việt Nam. Do vậy, sau ngày Bảo Đại thoái vị, để lại người vợ tại quê nhà, cụ Phạm Khắc Hòe cùng 2 người con trai là Phạm Khắc Lãm và Phạm Khắc Hằng ra Hà Nội.

Tại đây, thoát khỏi cái "bóng" của vua Bảo Đại, được gặp Bác Hồ, cụ được giao giữ chức Giám đốc Nha Pháp chính, rồi Đổng Lý Văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa; tham gia các cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Đà Lạt và ở Phôngtennơblô (Pháp) với tư cách là cố vấn kiêm Tổng thư ký của đoàn đại biểu Việt Nam.

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cũng trong thời gian này, cụ Hòe bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, sau đó đưa đi đày ở Sài Gòn và Đà Lạt. Tại những nơi này, chúng tìm mọi thủ đoạn để dụ dỗ và mua chuộc, song cụ một mực khước từ, buộc chúng phải đưa cụ về Hà Nội quản thúc. Kháng chiến bùng nổ, cụ và 2 người con trai được các chiến sĩ Công an khu 11 tổ chức trốn khỏi vùng tạm chiếm để lên chiến khu Việt Bắc. Đó là chuyến đi đầy hiểm nguy và gian khổ. Đến ATK, cụ được gặp lại Bác Hồ và được Bác tiếp tục giao giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người thư ký cũ (ảnh chụp ở Bến Nhà Rồng, Tp HCM năm 2005).

Thời gian này, Bảo Đại đang sống ở Hồng Kông (Trung Quốc). Sẵn có mối quan hệ với Bảo Đại, cụ Phạm Khắc Hòe được Bác Hồ và Trung ương giao nhiệm vụ đặc biệt. Đó là sang Trung Quốc để gặp và thuyết phục Bảo Đại không theo giặc và trở về phụng sự Tổ quốc. Cụ vui vẻ nhận nhiệm vụ. Trước ngày lên đường, cụ Phạm Khắc Hòe đến gặp Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tại cuộc gặp, cụ nhờ Tổng tư lệnh chăm sóc, giáo dục và đào tạo 2 cậu con trai: Phạm Khắc Lãm và Phạm Khắc Hằng. Sau khi nghe cụ trình bày nguyện vọng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đồng ý. Ít ngày sau, chàng thanh niên Phạm Khắc Lãm được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp giữ lại công tác tại phòng bí thư thuộc Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh. Còn người em trai là Phạm Khắc Hằng, theo nguyện vọng cá nhân được biên chế vào Tiểu đoàn 11, Đại đoàn 308. Mọi việc diễn ra tưởng như theo kế hoạch, nào ngờ tháng 11/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc, với dã tâm đánh úp Chính phủ Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến chuyến đi của cụ Phạm Khắc Hòe phải đình hoãn. Ở lại Việt Bắc, cụ tiếp tục các công việc mà Bác Hồ và Chính phủ giao phó.

Hơn nửa thế kỷ trôi đi, cụ Phạm Khắc Hòe đã đi vào cõi vĩnh hằng vào năm 1995; còn người con trai cả của cụ là Phạm Khắc Lãm nay cũng đã lên chức "cụ" ở tuổi ngoài tám mươi; song những gì diễn ra ngày ấy, "cụ Lãm" vẫn còn nhớ khá chi tiết. Theo "cụ" Lãm thì hồi đó, Phòng bí thư của Đại tướng do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, người mà sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phụ trách. Ngày ấy ở chiến khu Việt Bắc bộn bề những khó khăn và thử thách. Cơ quan ở ATK, song để đảm bảo bí mật và an toàn, Đại tướng cũng như anh em công tác ở Văn phòng thường phải di chuyển địa điểm. Nay ở khu vực này, tháng sau lại phải chuyển đến địa điểm khác. Duy chỉ có một địa điểm trú quân lâu nhất là bản Lục Giã thuộc huyện Định Hóa, Thái Nguyên dưới chân Đèo Nhe. Hồi đó, mọi người đều không có lương; ăn uống thì kham khổ. Thi thoảng vào ngày Lễ, tết mới được ăn bữa tươi có chút thịt, cá; vậy mà ai cũng thấy cuộc sống đầm ấm và lạc quan. Ôtô không có, khi đi chiến dịch, Đại tướng lúc thì đi bằng ngựa, khi thì cả thầy và trò cơm đùm, khăn gói hành quân bằng xe đạp hoặc cuốc bộ. Còn về đêm thì ngủ tại nhà dân.

"Cụ" Lãm nhớ lại: Năm 1950, quân ta mở chiến dịch Hà Nam Ninh. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, Đại tướng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch từ Việt Bắc vượt qua dốc Cun về đóng quân ở một vùng núi tỉnh Ninh Bình. Trong chiến dịch này, trận đánh  Chùa Cao  bắt đầu vào lúc nửa đêm. Quân ta nổ súng, phá rào, nhưng không thể nào tấn công vào bên trong, nơi địch phòng thủ trong các lô cốt kiên cố. Nhận được báo cáo của chỉ huy một đơn vị thuộc Đại đoàn 308, Đại tướng đã thức suốt đêm để theo dõi trận đánh. Khi vừng đông bắt đầu hửng, qua hệ thống điện đàm, Đại tướng hỏi vị chỉ huy: "Đã vào được trong đồn chưa?". Vị chỉ huy báo cáo: "Chưa!". Đại tướng lại hỏi: "Trời đã sáng chưa?". Từ đầu dây bên kia lại báo cáo: "Trời bắt đầu sáng và có tiếng máy bay địch từ xa vọng tới".

Điều đó có nghĩa là quân ta sẽ nằm dưới làn đạn của máy bay địch. Nó lại diễn ra vào lúc trời đã sáng rõ, lại ở đồng bằng, trơ trụi không có cây ngụy trang. Sau một hồi suy nghĩ, đi đi, lại lại trong sân của một nhà dân mà Đại tướng và những người giúp việc tá túc, Đại tướng ra lệnh: "Rút quân để tránh gặp thương vong cho chiến sĩ". Chứng kiến việc làm của Đại tướng, "cụ" Lãm cũng như những người giúp việc Đại tướng thời đó càng thấu hiểu phẩm chất cao quý và có tính nguyên tắc của người cầm quân: Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của quân đội ta. Điều này những người giúp việc Đại tướng càng thấu hiểu ở Mặt trận Điện Biên Phủ khi Đại tướng ra lệnh kéo pháo ra với mục đích để chiến sĩ ta đỡ bớt thương vong. Phẩm chất ấy xuất phát từ tình thương bao la của Đại tướng đối với các chiến sĩ của mình.

"Cụ" Lãm kể tiếp: Đầu năm 1954, Bác Hồ và Trung ương quyết định mở chiến dịch tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao nhiệm vụ là Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Thời điểm này, dự kiến kháng chiến chống Pháp sắp đến ngày thắng lợi, Trung ương chủ trương lựa chọn một số cán bộ trẻ có trình độ văn hóa cử đi nước ngoài học tập để sau này về xây dựng đất nước. Trong số những người được cử đi du học hồi ấy, có chàng thanh niên Phạm Khắc Lãm. Trước ngày lên đường, Phạm Khắc Lãm vinh dự được Đại tướng dặn dò và tặng một bức ảnh chân dung của Đại tướng. Mặt sau bức ảnh chân dung ấy Đại tướng ghi: "Chúc cậu Lãm học chuyên môn giỏi và chú ý tự rèn luyện về chính trị".

Sang Bắc Kinh, Phạm Khắc Lãm được phân vào học Khoa Báo chí, Đại học Bắc Kinh. Sau 5 năm theo học ở mái trường này, ông về nhận công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1988, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, ông được điều về làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Sau 6 năm công tác ở đây, ông về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài cho đến ngày nghỉ hưu năm 2000.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song hình ảnh Đại tướng vẫn luôn lắng đọng trong ông. Trong một lần hành hương về Điện Biên, đến thăm Mường Phăng - nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, "cụ" Lãm đã viết bài thơ "Thăm lại Mường Phăng":

Sáng nay trở lại Mường Phăng
Trời xanh gió nhẹ nắng vàng cuối thu
Núi xa thấp thoáng sương mù
Thuyền con buông lưới trên hồ Pù- khoang… 

Lần theo đường cũ lối mòn
Vượt qua vọng gác không còn người canh
Giục nhau rảo bước đi nhanh
Cuối hầm địa đạo lán Anh đây rồi
Anh như đứng đó mỉm cười
Mường Phăng rực sáng, rợp trời cờ sao.

Cũng với tình cảm và dòng ký ức ấy, năm 2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn tuổi 100, "cụ" Lãm viết tiếp bài thơ "Mừng thọ anh Văn tròn tuổi 100":

Sức khỏe không chỉ là thể lực
Tuổi thọ càng cốt ở tinh thần
Tim còn đập còn lo vận nước
Mắt có mờ vẫn thấu lòng dân

L.V.
.
.