Đại thi hào Đức J.W. Goethe: Còn nhiều chuyện lạ

Thứ Hai, 31/08/2009, 10:00

Ngày 28/ 8 này là chẵn 260 năm ngày sinh đại thi hào Đức Johann Wollgang von Goethe (1749-1832), tác giả tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werthers" và truyện thơ "Faust" bất hủ. Nhân dịp này, nhiều tờ báo ở Đức cũng như các nước châu Âu đã có bài ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hùng vĩ của ông, trong đó có những chuyện vui liên quan đến sở thích và các sinh hoạt đời thường của bậc thiên tài. Sau đây là một đôi câu chuyện xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Sinh thời, Goethe có người bạn rất tâm đầu ý hợp là nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại Friedrich Schiller (tác giả vở bi kịch "Âm mưu và tình yêu" trứ danh). Ông này kém Goethe 10 tuổi song lại mất sớm (khi mới 46 tuổi). Thi hài của Schiller được chôn cất tại lăng mộ trong nghĩa trang Jacobs ở Weimar. Gần 30 năm sau, Goethe tạ thế và thể theo ý nguyện của ông, người ta chôn cất ông bên cạnh Schiller.

Điều oái oăm là cách đây hơn năm, báo chí Đức và nhiều nước rộ lên thông tin: Qua so sánh ADN hộp sọ được xem là của Schiller với ADN những người thân của ông, các chuyên gia đi đến kết luận: Hộp sọ trong lăng mộ bên cạnh lăng mộ của Goethe không phải của Schiller. Còn hộp sọ của Schiller ở đâu, câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp. Như vậy, nói như một nhà nghiên cứu văn học, hẳn trong lăng mộ, Goethe giờ đang rất "cô đơn".

Nước Đức vốn có truyền thống bảo tồn, bảo tàng. Với một con người được xem là "khổng lồ của thiên niên kỷ" như Goethe thì ngay từ khi ông còn sống, mọi thứ liên quan đến ông đều được nâng niu trân trọng. Tất cả các ý kiến miệng, dù lớn dù nhỏ của ông liên quan đến văn học nghệ thuật đều được ghi lại và sau đó được xuất bản thành sách. Các thư từ, lưu bút được bảo quản chặt chẽ. Nhiều câu nói của ông được xem là chân lý và được truyền tụng.

Sinh ra ở Frankfurt và mặc dù chỉ sống ở thành phố này tới năm 16 tuổi, song đến nay, những vật dụng gắn liền với những kỷ niệm liên quan tới Goethe đều được chính quyền địa phương lưu giữ cẩn thận. Ngôi nhà thuở thiếu thời của Goethe còn đấy. Khách đến tham quan còn được thấy cái bàn cao mà một thời Goethe phải... đứng kiễng chân để viết. Bộ đồ bếp bằng đồng mà mẹ ông từng dùng vẫn được bảo tồn một cách trân trọng. Cạnh ngôi nhà là bảo tàng và thư viện mang tên Goethe.

Tương tự vậy, ở thành phố Leipzig, nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Goethe, khi đi vào khu vực các tòa nhà cổ, du khách sẽ được thấy hai bức tượng mô tả cảnh sinh hoạt của đôi nhân vật trong truyện thơ "Faust". Nhà hàng được Goethe đưa vào cuốn truyện thơ nói trên hiện cũng có một phòng được đặt tên là phòng Goethe.

Tại Đức, từ lâu người ta đã đặt ra một giải thưởng mang tên Goethe. Nhiều tên tuổi sáng giá của Đức như Sigmund Freaud, như Herman Hesse, Ingmar Bergmar đã được trao giải thưởng này. Giải thưởng được trao hai năm một lần, tại thành phố Frankfurt. Trị giá giải thưởng lần gần đây nhất tương đương với 1 tỉ đồng Việt Nam.

Nếu như gần hai trăm năm nay, công chúng yêu văn học ở Đức đã quá quen thuộc với câu chuyện tình nổi tiếng, có phần "trái khoáy" của Goethe với một thiếu nữ kém ông tới...55 tuổi, thì gần đây, họ lại rộ lên bàn tán trước một giả thuyết: Trong thời thanh xuân, Goethe từng phải lòng và có quan hệ luyến ái với bà Anna Amali, người từng có thời gian trị vì Waimar. Điều đáng nói là người phụ này, theo tác giả của giả thuyết nói trên cho biết, lại trên Goethe tới...10 tuổi. Giả thuyết này hiện không được mấy độc giả Đức "chấp nhận". Có lẽ, lòng sủng ái Goethe của độc giả Đức lớn đến mức, họ có thể "ưng ý" với việc một ông lão Goethe ở tuổi ngoài bảy mươi ngỏ lời cầu hôn với một cô gái mới... 17 tuổi hơn là việc một chàng trai ở tuổi ngoài ba mươi có quan hệ luyến ái với một người đàn bà trên mình tới 10 tuổi? Tất nhiên, đây cũng chỉ là giả thuyết

Phan Thành Thắng
.
.