Người cuối cùng trong bộ tứ hội họa Việt Nam

Đã nhẹ gót phiêu bồng

Thứ Sáu, 24/06/2016, 07:38
Vẫn biết là "sinh, lão, bệnh, tử" nhưng sự ra đi của một cây đại thụ khiến cho Hội họa Việt Nam như chông chênh hơn vì mất mát. Sẽ rất lâu nữa, hội họa Việt Nam mới lại có được một họa sĩ có sự nghiệp hội họa đồ sộ như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm...


Mỹ thuật Việt Nam hiện đại có 2 "bộ tứ" được nhắc đến thường xuyên là bộ tứ "Trí - Lân - Vân - Cẩn"; và "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái". Họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Không biết có phải có một sợi dây tâm linh nào đó ràng rịt giữa những cây đại thụ về hội họa này không mà 28 năm trước, ba người trong bộ tứ thứ 2 gồm Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái đã không hẹn mà cùng lần lượt rũ áo mù sa trong 1 năm (1988). 28 năm sau, cùng ngày mất của họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - người cuối cùng của bộ tứ ấy cũng đã nhẹ gót vào cõi phiêu bồng.

Nhà báo Văn Bảy, một trong những nhà báo kỳ cựu viết về hội họa Việt Nam đã chia sẻ rằng: "Mỹ thuật hiện đại Đông Dương và rộng hơn là Đông Nam Á thời kỳ đầu (nửa đầu thế kỷ XX), hiếm nước nào có được những bộ tứ giống như Việt Nam. Họ cùng Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Lương Xuân Nhị…cùng vài danh họa khác làm nên phong thái và diện mạo đa dạng cho mỹ thuật Việt Nam trong tầm nhìn của thị trường thế giới.

Nếu từ cơ sở vững vàng này, cộng với sự nghiêm minh của luật pháp, sự tự trọng, tử tế của giới mua bán nội địa thì Việt Nam hiện nay chắc chắn đã có nhiều tác phẩm đạt giá từ 1 triệu USD. Đây cũng là dự đoán mà nhà đấu giá Sotheby's đưa ra từ đầu thập niên 1990". Nói như thế để thấy rằng, hội họa Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX đã có những danh họa tên tuổi sáng chói với những tác phẩm hội họa đạt đến trình độ thẩm mỹ sánh ngang tầm thế giới.

Vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Thu Giang tại nhà riêng năm 2013. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Một trong những tên tuổi lớn còn lại trong bộ tứ cuối cùng là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông đã sống lặng lẽ, ẩn dật nhiều năm với người vợ kém mình 28 tuổi, là bà Thu Giang - con gái út của cố nhà văn Nguyễn Tuân - trong một cuộc hôn nhân bình yên và ấm áp trên con phố cổ của Hà Nội. Ông tạ thế vào hồi 10h27’  ngày 15-6-2016 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Vẫn biết là "sinh, lão, bệnh, tử" nhưng sự ra đi của một cây đại thụ khiến cho Hội họa Việt Nam như chông chênh hơn vì mất mát. Sẽ rất lâu nữa, hội họa Việt Nam mới lại có được một họa sĩ có sự nghiệp hội họa đồ sộ như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Theo tư liệu Bách khoa toàn thư, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20-10-1922 trong một gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (giấy khai sinh ghi năm 1922 nhưng thực tế ông sinh năm 1918, tuổi Mậu Ngọ như đã thể hiện trong rất nhiều tranh vẽ ngựa sau này). Cha ông là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, đỗ cùng khoa thi với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), làm quan rồi từ nhiệm về quê khai hoang, lập nên ấp Lạc Lâm và được dân làng tôn làm thành hoàng.

Mẹ ông, cụ Trần Thị Luật là người trọng chữ nghĩa, đã khuyến khích con trai nặn tượng đất thó, từ tấm bé, khởi điểm cho con đường nghệ thuật của danh họa về sau. Gia đình của danh họa có 7 anh chị em, tất cả đều thành đạt. Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông đã gây chú ý giới hội hoạ với tác phẩm đầu tay là bức tranh sơn dầu "Người gác Văn Miếu" chỉ có một mảng màu giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944.

Thời đó, tác phẩm này được đánh giá rất cao, là tranh hiện đại và được giải nhất cuộc Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) thời đó. Đồng thời ông còn hai bức "Cổng làng Mía" và "Cánh đồng quê" cũng rất nổi tiếng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc. Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ Nghệ Hà Nội (1959 - 1960). Năm 1952, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được phân công phụ trách Xưởng họa của Hội Văn Nghệ Việt Nam. Tại đây, ông đã cùng một số họa sĩ thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, đặc biệt ông đã đưa được gam màu lạnh, xanh lam, xanh lá cây vào tranh sơn mài, tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam...

Giới phê bình nghệ thuật thời bấy giờ từng nhìn nhận, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín ngưỡng dân tộc - và các nền văn hóa lân cận Đông Nam Á.

Chất liệu mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống nhưng không mài, và về sau là bột màu, giấy dó. Chủ đề hay gặp trong tranh ông là những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và những con giáp. Màu ông yêu thích là màu của dân gian Việt Nam. Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ, cùng một ông Gióng, một con ngựa, mà chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau. Ông từng nói: "Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại". Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật rất đáng nể phục, ông vẽ hàng ngày và nghiêm túc tìm tòi sáng tạo, ngay cả khi đã ngoài 90 tuổi.

Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ: "Những yếu tố tâm linh trong tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có khuynh hướng thần bí, rung cảm như bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông hướng theo thi pháp huyền nhiệm poétique mystique. Và từng tác phẩm một thỉnh thoảng truyền đạt một cảm xúc thần bí.

Một số tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Trần Khánh Chương.

Người không nắm bắt được xúc cảm này, cho rằng ông cầu kỳ hay lập dị nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống, trong ý chí bảo thủ, mà là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể hiện, hóa thân, thành nghệ thuật. Chất dân tộc không phải là hoài niệm, mà là khai phóng và dự phóng, là siêu hình hiển linh thành hình khối, một "truyền kỳ họa lục".

Có vậy mới hóa giải được mâu thuẫn trong tranh ông: chất cổ truyền trong nét hiện đại, chất dân tộc và tầm thế giới.  Nhà sưu tầm và trưng bày nghệ thuật từ Lotus Gallery, Sài Gòn Xuân Phượng chia sẻ về tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm: "Khi người ta xem những bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, nó có nét đằm thắm của tâm hồn Việt Nam vẽ theo lối rất sâu sắc, những nét gọn, nhanh vừa đồng thời hiện đại, lại vừa rất cổ điển.

Cái quý nhất, cái hiếm nhất và cái làm cho chúng tôi rất yêu mến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ở chỗ anh ấy đem được tâm hồn Việt Nam, kết hợp với tài năng riêng của mình để tạo những bức tranh mà người xem nhìn vào biết chắc đây là tranh của người Việt Nam nhưng đồng thời cũng thấy đây là bút pháp của một người đầy cách tân, một người đầy hiện đại".

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có một cuộc hôn nhân đặc biệt. Ông chính thức lập gia đình khi đã 70 tuổi. Đó là mùa thu năm 1991, Nguyễn Tư Nghiêm gặp lại họa sĩ Thu Giang, con gái út của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Bà Thu Giang lúc đó cũng đã ngoài 40, đã từng lập gia đình. Những kỷ niệm thời thơ ấu và những đồng cảm với người họa sĩ tài năng đã gọi tình yêu trở về.

Thời gian này, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ nhiều chân dung và cả tranh nude của bà Thu Giang. Mối tình kết thúc đẹp với câu chuyện tỏ tình mà ông bà từng chia sẻ với báo giới. Nguyễn Tư Nghiêm đã nói với bà Thu Giang rằng: "Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em". Ông cho biết: "Quanh tôi lúc nào cũng có nhiều phụ nữ, nhưng tôi chưa từng cưới và công nhận ai là vợ. Chỉ Thu Giang là vợ tôi".

Ông bà đã sống trọn vẹn bên nhau thêm gần 30 năm hạnh phúc nữa. Bà đã chăm sóc ông bằng tất cả tình yêu và sự ngưỡng mộ của một người vợ yêu, hiểu và trọng tài năng của chồng.

Thanh Bình (tổng hợp)
.
.