Cựu Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và chuyện “trải thảm đỏ”…

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:44
Sau sự kiện cá biển chết hàng loạt ở nhiều tỉnh miền Trung do thảm họa môi trường từ chất thải độc của Fomosa, nhiều tờ báo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường đầu tư ở nước ta. Chúng ta sẵn sàng trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư trên khắp thế giới nhưng cũng kiên quyết không để những "bàn chân bẩn" bước lên thảm đỏ.


Tôi lại nhớ đến cựu Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhớ đến câu chuyện "trải thảm đỏ" mà nhiều lần ông đã trò chuyện với tôi. Khi Tiến sỹ Phạm Khôi Nguyên còn đương chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thoảng hoặc vào ngày chủ nhật tôi thấy ông đi xe máy qua nhà tôi, khoác trên vai chiếc túi da đựng đôi vợt tennis. Ông thường giơ tay chào, vui vẻ và ung dung như một người nhàn rỗi.

Rồi lên làm Bộ trưởng, ông rất bận. Tôi biết thế vì mỗi lần qua nhà ông để bàn công việc liên quan đến công tác truyền thông cho những dự án về môi trường, tôi đều phải đợi khá lâu vì quá nhiều người cũng đang đợi như tôi.

Dạo đó, nhà ông ở Hoàng Cầu gần khu nhà tôi. Mỗi lần đi qua nhà ông, tôi thấy rất đông người ngồi đứng xung quanh, thì ra người dân đến khiếu kiện về đất đai, họ vây quanh nhà ông, ai cũng muốn được gặp ông Bộ trưởng để giãi bày…

Ông nói ông rất thông cảm với những người đến đây, ông đều khuyên họ đến cơ quan Bộ, tận tình xem xét từng trường hợp cụ thể. Cho đến khi nghỉ hưu rồi ông vẫn còn đau đáu với những vấn đề nóng bỏng về sở hữu đất đai ở đất nước mình.

Bây giờ, ông chuyển đến tòa nhà cao tầng 170 La Thành ở tít tầng 22. Ông nói ngôi nhà cũ giờ chuyển cho cậu con trai. Tôi bảo ông rằng, người phụ trách đất đai của cả nước suốt một thời gian dài thì thiếu gì đất mà phải ở chung cư!

Ông cười: "Tôi làm Bộ trưởng ngần ấy năm mà chưa được nhà nước phân một mét đất nào cả". Tôi hỏi ông từ ngày nghỉ hưu, ông có hay chơi tennis nữa không? Ông lắc đầu, chỉ chiếc xe đạp để ở ngoài ban công. Hằng ngày, ông dậy từ sáng sớm, đạp xe lên hồ Tây, bây giờ, ông luyện tập bằng xe đạp, ông nói đi xe đạp ngắm phố phường giao lưu với bạn bè thích lắm.

Tôi còn nhớ, trong vụ "Vedan đầu độc sông Thị Vải" ông là người lên tiếng quyết liệt nhất và đã đòi được trên 150 tỷ tiền đền bù thiệt hại cho những người dân thấp cổ bé họng ở hai bên sông. Ông có một câu nói nổi tiếng mà báo chí thường nhắc lại: "Đã đến lúc chúng ta chọn nhà đầu tư chứ không để nhà đầu tư chọn chúng ta. Không đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, không để Việt Nam biến thành bãi rác công nghệ".

Lúc còn đương chức, nhiều lần gặp nhau ông đều nói, trước đây, khi mới mở cửa cho các nhà đầu tư ào ạt vào Việt Nam, ta trải thảm đỏ cho cả bàn chân sạch lẫn bàn chân bẩn, đã để lại hậu quả là môi trường bị tàn phá, nhiều nhà máy cũ nát, nhiều công nghệ lạc hậu đang hiện hữu trên đất nước mình…

Ông cho rằng phải giải cho được bài toán: Vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường quả là một bài toán khó! Nhưng dù khó đến đâu chúng ta cũng nhất quyết chỉ trải thảm đỏ đón những bàn chân sạch…

Giờ ngồi trò chuyện với ông ở căn hộ trên tầng 22, tôi mới biết nhiều chuyện về gia đình ông mà trước đây tôi cứ ngỡ…Tôi nhìn bức ảnh Nữ hoàng Anh đang bắt tay một thiếu nữ Việt Nam trẻ, đẹp treo trên tường và chợt giật mình.

Một dạo, nhiều tờ báo đã đăng bức ảnh này, đăng bài viết về một nữ sinh Việt Nam xuất sắc đang du học ở Anh, cũng là nữ sinh Việt Nam đầu tiên được Nữ hoàng của xứ sở sương mù vinh danh tại điện Buckingham. Thì ra, nữ sinh xuất sắc đó là Phạm Lan Phương, con gái của cựu Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên.

Phạm Lan Phương sinh năm 1987. Tốt nghiệp đại học xuất sắc rồi chuyển sang làm thạc sỹ tại Anh. Mẹ Phạm Lan Phương kể, lúc còn đi học cấp một, Lan Phương là một cô bé nhanh nhẹn, việc gì cũng muốn tự mình làm lấy, không nhờ vả ai. Tính tự lập và ý chí vươn lên của cháu thể hiện ngay từ bé.

Là một nhà giáo nên bà thường tìm những từ ngữ hàm súc, tiêu biểu trong các môn học để dạy cho con. Lan Phương học giỏi các môn, nhưng cháu tỏ ra xuất sắc về sinh - hóa. Là cô bé rất hảo tâm, quan tâm đến mọi người, có được món quà gì bố mẹ cho, Lan Phương cũng thường chia cho bạn. Hiện nay Phạm Lan Phương rất chăm làm từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Tiến sỹ Phạm khôi Nguyên sinh năm 1950, tại Thường Tín (Hà Tây cũ), trong một gia đình nông dân nghèo. Thuở nhỏ, ông chăm học, học giỏi, luôn có chí vươn lên. Ông tốt nghiệp kỹ sư rồi thạc sỹ Địa vật lý tại Ba Lan.

Hơn 40 tuổi ông đã được đề bạt làm Thứ trưởng. Năm 1992, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ. Ông có hai bằng viện sỹ nước ngoài là Viện sỹ Viện Điều khiển học và Học viện Mỏ luyện kim. Ông đưa cho tôi xem ba tấm Huân chương Công trạng hạng Nhất của Tổng thống Ba Lan và Tổng thống Nga tặng ông. Ông nói, ông dạy con luôn luôn nhớ một điều là phải tự mình vươn lên, tự mình quyết định lấy tương lai, tuyệt đối không ỷ vào thế của gia đình, bố mẹ…

Không ai có thể  làm thay mình cả, nên ý chí, nghị lực là rất quan trọng. Ông kể cho tôi nghe những tháng ngày gian khổ, khi vợ ông - bà Nguyễn Thị Lan - vốn người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa sử được điều vào Thủ Đức dạy học từ năm 1977 đến năm 1985 (về sau bà dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).

Năm 1980, vợ ông sinh con trai đầu lòng, cháu Phạm Minh Khôi. Vợ chồng ở xa nhau, rất vất vả. "Vào thăm vợ con một chuyến là hết sạch lương" - ông nói. Khi cậu con trai hơn một tuổi, ông đưa con ra Bắc, ở nhờ bên nhà vợ.

"Tôi nhờ bên vợ rất nhiều, bà ngoại rồi các dì chăm sóc, nhà tôi có nghề sư phạm nên rất biết cách dạy con. Hai con tôi từ nhỏ đã được dạy dỗ rất tốt, vợ tôi cho các cháu học đàn, học nhạc, học nữ công gia chánh… tạo điều kiện cho các cháu phát triển toàn diện…". Sau khi bảo vệ thành công tấm bằng thạc sỹ về môi trường ở# Hà Lan, cậu con trai ông là Phạm Minh Khôi về nước, nối nghiệp bố làm công tác tài nguyên và môi trường.

"Vợ chồng tôi hết lòng vì các con. Làm gì thì làm, gia đình, con cháu… chính là nơi neo đậu cuối cùng của mỗi con người" - ông tâm sự.

Khi bắt tay tạm biệt ông, tôi nghe tiếng nói cười hồn nhiên, trong trẻo từ căn phòng bên cạnh vọng sang. Cô con gái xinh đẹp của Tiến sỹ Phạm Khôi Nguyên đang đùa vui với đứa cháu gái chừng ba tuổi - cháu nội của cựu Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên.

Dương Kỳ Anh
.
.