Cuối thu của một trưởng lão

Thứ Ba, 03/04/2012, 08:00

Cách gọi trưởng lão¸ ai cũng hiểu là một người già, nhưng không phải ai già cũng được gọi là trưởng lão, trừ khi vừa kính trọng vừa gọi vui thân mật bậc cao niên trong nghề, trong dòng họ. Ta chỉ quen cách gọi bình dân hơn là các bô lão, già làng… Nét đẹp truyền thống kết đọng tôn vinh người cao tuổi trong lịch sử dân tộc ta là Hội nghị Diên Hồng, khi vua nhà Trần cần tham vấn chuyện sinh tử của đất nước.

TS Phan Hồng Giang mới có bài viết về cuộc họp mặt đầu năm của một nhóm nhà văn, nhà văn hóa cao tuổi, tên bài "Mùa xuân của các bậc trưởng lão" làm sang hẳn bài viết nhờ gợi cho ta liên tưởng tới kiệt tác "Mùa thu của bậc trưởng lão" của văn hào Columbia G.Garcia Marquez. Qua cuộc đời và tên tuổi nhóm danh sĩ đó, mặc nhiên đã hợp nhất quan niệm Đông Tây về khái niệm trưởng lão, ở  tầm cao, với những bậc tuổi cao đáng kính về nhân cách, về kiến văn và sự đóng góp tài năng, sở học cho cộng đồng.

TS Phan Hồng Giang đã sơ lược giới thiệu những nét tổng quát về mỗi vị, mà tôi may mắn vì quan hệ công việc và sinh hoạt xã hội lại biết khá kỹ về hai vị trong số đó vài chục năm qua, dù chỉ là chân điếu đóm cho hai vị ấy. Người hôm nay tôi muốn giới thiệu ở đây là họa sĩ Phan Kế An, nhân ngày 20 tháng 3 này là ông tròn tuổi 90 - tính theo tuổi mụ. Mà cũng chỉ dám khoanh vùng giai đoạn cuối thu, với những thông tin mới nhất trong đời sống của ông.

Khái quát tình trạng gia đình và sức khỏe của vợ chồng ông hiện nay: Có 3 cô con gái thì đi lấy chồng và ở nhà chồng cả ba, tuy đều ở gần quanh đấy, nhưng đêm hôm, tối lửa tắt đèn chỉ hai vợ chồng già săn sóc nhau. Phan Kế An là người có tiếng thích "xê dịch" và quảng giao, đi không biết mỏi, rượu uống không biết say, mỗi tuần ngoài những giờ cặm cụi bên giá vẽ, ông phải có vài cuộc gặp mặt theo định kỳ với từng nhóm bạn. Nhưng khoảng hai ba năm trở lại đây, ông đã không thể chủ quan về sức khỏe được nữa! Đầu tiên là bị viêm dây thần kinh số 5 gì đó, tê dại cả một khoang hàm mặt, rất khó chữa, nhai nuốt đều đau. Bà Khanh, vợ ông cả ngày chỉ lo "cháo hóa" mọi thức ăn, sao cho ông ăn ít như vậy mà vẫn phải đủ chất dinh dưỡng. Vợ con rất lo chuyện đi lại của ông giữa cái thành phố xe cộ đông hơn hội, lại luôn có va chạm này!

Những năm ngoài tuổi 70, ông còn đi chiếc xe đạp pơgiô cũ, đi họp Mặt trận (ông là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), họp Văn nghệ sĩ Xứ Đoài (ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ), bạn học cũ trường Bưởi, các họa sĩ đồng nghiệp… vài nhóm bạn có lịch họp mặt hằng tuần (mà "Câu lạc bộ bia" của chúng tôi là một). Bạn bè ở góc nào trong thành phố mời là có mặt ông, không nề hà gì đường sá! Đến năm gần tuổi 80, vợ con kiên quyết "tịch thu" chiếc xe đạp, để ông đi xe ôm.

Giai đoạn xe ôm kéo dài đến nỗi ông và anh bạn lái xe ôm trở thành thân tình "bác bác cháu cháu" như người nhà. Nhưng đã gọi là giai đoạn thì thế nào cũng có kết thúc. Đến tuổi 85, khi mọi người trong gia đình bàn nhau tìm mọi cách để ông bỏ bớt các cuộc họp mặt, nhất là mấy cái câu lạc bộ ngẫu hứng mà thành, chẳng có nội dung gì, tỷ như cái nhóm uống bia hơi của chúng tôi. Nhưng cũng không ai dám lên tiếng can ngăn, vì ai cũng rõ tính ông, gặp bạn là một nhu cầu với ông như cơm ăn nước uống vậy! (thực ra, đây là nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin, đàm luận thế sự nói chung, văn hóa văn nghệ nói riêng…).  

Họa sĩ Phan Kế An (bên phải) và tác giả bài viết.

Rồi một sự kiện xảy ra với ông: Trái tim sôi nổi bỗng có vấn đề, lần lượt được bác sĩ gài cho 3 chiếc tents vào động mạch vành. Trong cái không may, vợ con lại có cớ để giữ ông ở nhà. Anh bạn lái xe ôm đưa ra chứng cứ để mọi người thấy ông không đủ sức ngồi vững sau xe máy: "Thú thực, ông thì nhẹ, nhưng trách nhiệm của cháu thì quá nặng nề! Nhỡ ra…". Không xe ôm thì ông đi taxi, có vấn đề gì đâu! Nhưng mỗi tuổi mỗi khác, ông lại có vấn đề ở tai, nghe không rõ nữa, địa điểm họp mặt lại thay đổi, muốn chỉ dẫn đường phải có sự trao đi đổi lại với người lái. Đã tưởng khó khăn luôn xuất hiện như vậy, ông sẽ thoái chí… Nào ngờ nghỉ được một kỳ, đến tuần thứ hai lại thấy ông đến. Có điều lạ, ngồi cạnh ông lại là anh người lái xe ôm quen thuộc. Họa sĩ tủm tỉm giới thiệu: "Đây là trợ lý phiên dịch cho tôi!" (chúng tôi đoán anh xe ôm chắc được phu nhân họa sĩ giao thêm cho việc săn sóc ông).

Phan Kế An là người không ngừng gây những bất ngờ (nho nhỏ) cho chúng tôi. Được dăm kỳ đi taxi có trợ lý như vậy, đến tuần vừa qua, lại thấy "cụ" ngồi taxi một mình. Tôi đỡ cụ xuống xe, đến cửa quán, không nén được tò mò lâu hơn, tôi hét vào tai cụ: "Hôm nay trợ lý bận à?". Cụ An khi hài hước, thường nói như quát: "Mình lớn rồi, không cần người đi kèm nữa!".                                 

Cụ vẫn còn sức để kể nhiều chuyện vui, chúng tôi thích nhất những hồi ức thuở trẻ của cụ, thi thoảng lại nhặt ra được một tư liệu sống động liên quan đến các danh sĩ khác. Thí dụ chuyện này:

Cuộc triển lãm tranh toàn quốc ở Nhà Hát lớn Hà Nội (1946) vừa kết thúc, các họa sĩ đi xem phòng tranh trước khi thu tranh lại, cũng là để xem phút cuối cùng có khách nào mua thêm tranh, nhất là chọn mua tác phẩm của mình? Nếu có, đó là một niềm vui, nhưng cũng có khi xen nỗi buồn không nhỏ: họa sĩ muốn giữ bức tranh thêm một thời gian, vì đó là một thể nghiệm tâm huyết của mình, nên đã đề giá cao để giữ tranh. Thế mà vẫn không "thoát" cặp mắt tinh đời của một vài người sẵn tiền đã chọn mua, đem đi mất. Họa sĩ Phan Kế An cũng có một bức đề giá cao như vậy, ông thấy một danh thiếp  in tên nhà văn Nguyên Hồng, gài bên tranh của mình, có ghi mấy chữ "Tôi rất thích bức tranh này! Muốn được gặp họa sĩ". Ông nửa vui nửa buồn, nửa tin nửa ngờ, thích không hoàn toàn đồng nghĩa với muốn mua. Mua không chắc đã chấp nhận giá ấy hay còn  thương lượng… Dù sao trước tiên là vui đã, vì được khen bởi một nhà văn đang nổi tiếng với những Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu, Quán Nải…  mà sao thấy bảo nhà văn này nghèo lắm, lại dám mua tranh ư? 

Phan Kế An đến trụ sở Hội Văn hóa Cứu quốc tìm gặp nhà văn Nguyên Hồng. Vừa gặp, ông ngờ ngợ như đã gặp ông này ở đâu rồi! "À" một tiếng, ông đã nhớ! Thì ra ông đã có một thời thơ ấu được học cùng lớp với nhà văn ở trường dòng Nam Định. Trường này nổi tiếng dạy toán giỏi, nên khi cụ Phan Kế Toại được điều về làm thương tá (trợ lý cho Tổng đốc) Nam Định, cụ đưa cậu bé An về học lớp élémentaire (lớp 3). Anh Nguyên Hồng đang học lớp ấy nhưng lớn hơn ông nhiều, sau mới biết anh vừa bị “đúp” liền 3 lớp enfantin, préparatoire, élémentaire. An học 3 năm thì Nguyên Hồng phải học 6 năm. Vì vậy năm cuối học cùng lớp élémentaire, An mới lên 8 thì anh Hồng đã 11, 12 tuổi. Điều dễ nhớ nhất là lúc ra sân bóng, anh Hồng cao lêu nghêu, nên An hễ tranh bóng đụng phải anh, là ngã bắn ra xa. Nên An thấy anh đến gần là… nhường bóng, "tránh voi chả xấu mặt nào"!

Tất nhiên, chả ai nghĩ sau này cả hai cầu thủ nhí ấy đều trở thành người tên tuổi, chỉ khác một bên nổi tiếng nhà văn, một bên nổi tiếng nhà họa.

Tôi chỉ quên hỏi Phan Kế An xem ngày ấy nhà văn dốt toán hay dốt… văn?

Có lần Phan Kế An đố chúng tôi: Triển lãm mỹ thuật cá nhân ngay sau Cách mạng Tháng Tám là của họa sĩ nào, do ai tổ chức? Anh bạn tôi ngồi bên cũng học lịch sử mỹ thuật, đưa ra tên mấy cuộc triển lãm đều bị ông lắc đầu. Tôi lại càng dốt hơn nữa, ngồi ngây ra chờ ông giải đáp. Ông bỗng quay lại bảo tôi: "Cậu này biết đấy, sao không nói?". Câu nhắc vở cho tôi nhớ ngay sự việc: Năm Phan Kế An 25 tuổi, ông được lên An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên vẽ Bác Hồ. Ông ăn ở tại đây hàng tháng trời, vẽ được khoảng hai chục bức tốc họa, một bức thâm họa. Khi ngỏ ý đưa Bác xem thì Bác ôn tồn bảo: "Chú hãy treo tất cả tranh lên tấm liếp nhà tập thể, mời tất cả anh chị em cơ quan cùng xem với Bác!". Đúng là một cuộc triển lãm hội họa giữa rừng thật, do chính Bác Hồ "tổ chức" chứ ai! Tôi có viết một bài báo về sự việc này nhưng đầu óc lại lơ ngơ nghĩ về một cuộc triển lãm chính thức nào đó… Không khái quát nhanh như ông.

Thỉnh thoảng tôi lại hỏi thăm xem Phan Kế An vẽ thêm được gì? Ông thường thở dài: "Toàn vẽ để trả nợ ấy mà!". Tôi đã hiểu nghĩa chữ trả nợ của ông. Không phải ông vay mượn gì mà phải trả, đây là trả tranh cho những người yêu tranh ông, cứ đặt trước tiền, thời hạn không ai dám ra hạn, nhưng không hiểu bằng cách nào, cứ khi ông vẽ gần xong một bức thì đã thấy người đặt tiền xuất hiện…

Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhắc gì đến bà Khanh, người vợ như tự biết giời sinh ra mình chỉ để chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng… vẽ. Không chỉ có thế, bà còn rất hiểu nhu cầu bè bạn của chồng. Như người khác ở tuổi này, chồng mình càng ít ra đường càng tốt, thế mà khi nhóm bia hơi chúng tôi nghỉ một hai kỳ vì mỗi người bận một việc, khi gọi điện báo "hội bia" sinh hoạt bình thường thì giọng bà vui hẳn lên. Không thể nghĩ bà đang mang căn bệnh hiểm ở phổi hơn một năm nay, cũng gần tuổi 80, vẫn nói nhanh như… súng liên thanh, rất quý các bạn chồng. Tính tình hai ông bà già, bệnh hiểm mà vẫn xởi lởi vui đời như vậy nên các cô, các bà hàng xóm bán hàng ngay đầu ngõ luôn săm sắn giúp đỡ, nhất là khi không cô con gái nào của ông bà có mặt. Họ lên căn gác của ông bà, tự phát hiện ra việc cần làm khi thấy nhà bẩn, bát rếch… Đó cũng là lý do ông bà đã mua nhà mới ở gần Viện lão khoa mà chưa thể dời chỗ này đi được. Tuy sẽ ở với hai vợ chồng con gái, nhà mấy tầng, nhưng không đâu có hàng xóm tận tình giúp đỡ các cụ như ở đây! Con cháu thì cũng phải đi làm, đi học chứ!

Cứ như vậy, có lẽ vợ chồng họa sĩ Phan Kế An cứ trẻ và vui (mặc lá phổi, con tim đã xuống cấp) đến… suốt đời!

Vân Long
.
.