Cuối năm, gặp ông lão “nối kết thế giới bằng cây bút mực”

Chủ Nhật, 19/01/2020, 07:40
“Lần đầu cháu viết thư tình phải hông? Ý tứ sao rắc rối quá hà”. Ông cụ trêu khách rồi sửa lại cặp kính lão, lấy giấy, bút, bắt đầu dịch bức thư sang tiếng Pháp...


Một ngày cuối năm, ở chiếc bàn gỗ quen thuộc của Bưu điện TP Hồ Chí Minh, ông Dương Văn Ngộ – người mà một tờ báo Đức trìu mến gọi là ông lão “nối kết thế giới bằng cây bút mực” – tỉ mẩn chuyển nỗi lòng của cô gái đang yêu đến trời Tây xa xôi.

Sứ giả của tình xa

Cuối năm, đại sảnh Bưu điện trung tâm trở nên đông đúc, tấp nập khách Việt, ngoại quốc. Kẻ gửi bưu phẩm, chuyển tiền; người tham quan, chụp hình để ghi dấu một lần đặt chân đến tòa nhà có kiến trúc cổ kính mang đặc trưng phong cách Á-Âu. Công việc của các nhân viên bưu điện vì thế cũng trở nên bận rộn, khẩn trương hơn thường ngày.

Cặm cụi trên chiếc bàn gỗ treo tấm biển “Nơi chỉ dẫn và viết thuê” là ông cụ 90 tuổi gầy gò, tóc bạc phơ, chỉnh tề trong chiếc áo sơ mi cộc tay. Giữa không gian ồn ã, góc nhỏ của người mà Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập “Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam” vẫn tĩnh lặng với nét bút chậm rãi trên tấm bưu thiếp.

Khi tôi đến, ông đang tiếp một cô gái đôi mươi. Khách cất tiếng chào, ông cụ ngước lên, bắt tay như người quen rồi hỏi: “Cháu cần bác giúp gì?”. Khách ngượng ngùng: “Dạ, cháu muốn viết bức thư gửi chàng trai Pháp mới quen. Nhưng cháu không biết tiếng Pháp ạ”. Hiểu ý, ông lấy giấy, bút đưa cho cô bé: “Nỗi lòng của cháu ra sao thì viết vô đây.

Cụ Dương Văn Ngộ viết thư thuê cho khách.

Viết xong, bác dịch, sửa văn phong cho”. Cô lí nhí: “Nhưng cháu… cháu không biết viết thế nào?”. Ông vỗ vai tôi: “Cháu viết những gì cháu muốn nói với người ta, về kỉ niệm của hai đứa… Chứ bác viết giùm sao đặng. Lá thư quan trọng ở chỗ nó thể hiện cái tâm, lòng thành của mình, cháu à”.

Chị Lê Thị Hằng, khách quen của ông cụ bảo tôi, đó là cách ông chuyển tải chân thực nhất thông điệp của người viết, nhất là thư tình cảm. Dù viết thư thuê bằng tiếng Việt, Anh hay Pháp, ông cũng lắng nghe hết ý định của khách hàng, tư vấn thật kỹ cho họ rồi mới viết chứ không bao giờ bịa chuyện hoặc rập khuôn theo yêu cầu.

Chị Hằng tâm sự: Mối tình của chị với người chồng Đan Mạch là nhờ những cánh thư của ông se duyên. Năm nay, chồng đón năm mới tại quê nhà nên chị mua ít quà Tết, gửi thiệp xuân cho anh và gia đình chồng. “Tui thương ông như thương ông ngoại mình vậy. Năm nào ăn Tết ở Việt Nam, vợ chồng tui cũng ghé thăm ông. Nhìn ông mừng mà rớt nước mắt. Quà cáp ông hổng chịu nhận đâu. Ông xem khách hàng như người thân của mình vậy”.

Cô gái đã viết xong lá thư. Ông đọc thư khá kỹ. Bàn tay nhăn nheo, gầy gò run run lần trên từng con chữ. Thỉnh thoảng gặp chỗ khó đọc, chữ nhỏ, ông dùng kính lúp soi. “Lần đầu cháu viết thư tình à?”. Ông cười, trêu cô rồi lấy giấy, bút bắt đầu dịch. Từng hàng chữ tiếng Pháp hiện ra, chậm rãi. Chốc chốc gặp từ khó, ông lấy kính lúp tra trong cuốn từ điển Pháp – Việt sờn bìa, giấy ố vàng. Cuốn từ điển cũ mèm chi chít nét mực. Đó là vốn từ ông lượm lặt, bổ sung trong quá trình dịch thuật.

Dịch lá thư xong ông kiểm tra lại, sửa lỗi chính tả, câu cú rồi diễn giải bản dịch bằng tiếng Việt cho khách nghe để xem có đúng ý. Ông bảo chuyện cô bé giống chuyện đôi tình nhân Việt-Mỹ mà ngày trước ông viết thư tỏ tình giùm cô gái. Đã có hàng vạn bức thư tình như thế vượt nghìn trùng xa cách, kết nối những người đang yêu. Trong số đó, không ít cặp nên duyên vợ chồng. Với nghiệp viết thư thuê, ông Ngộ trở thành vị sứ giả của những mối tình xa đã gần hơn 30 năm nay.

Khách hỏi hết bao nhiêu tiền, ông nói tùy tâm. Một trang A4 giá 10.000 đồng nhưng chỉ là tượng trưng, khách cho bao nhiêu thì cho. Bởi đối với bác nông dân lam lũ mù chữ hay chàng sinh viên nghèo lặn lội lên thành phố nhờ ông viết lá thư thì ông sẵn lòng viết biếu, không nỡ nhận tiền.

 35.000 cánh thư - chuyện đời dưới ngòi bút

Ông Dương Văn Ngộ sinh ngày 3-3-1930 tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi ông trở thành nhân viên của Bưu điện Sài Gòn, nay là Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ông thông thạo cả 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức. Năm 1990, ông nghỉ hưu nhưng phần vì nhớ nghề, phần được mọi người yêu mến vì sự cần cù, mẫu mực trong hơn 40 năm làm việc, ông được lãnh đạo bưu điện bố trí một góc nhỏ để viết thư thuê cho ai có nhu cầu.

Ông kể, ngày đó có 7 người làm công việc này. Nhưng rồi sinh lão bệnh tử, đồng nghiệp của ông dần ra đi. Bây giờ, ở bưu điện chỉ còn mình ông viết thư thuê chuyên nghiệp và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của đất Sài Thành. Thấm thoắt đã gần 70 năm ông gắn bó với bưu điện.

Cũng như mọi nhân viên khác, ông làm việc giờ hành chính. Cứ sáng sáng, người ta lại thấy một ông cụ lọc cọc đạp xe từ chân cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh lên Bưu điện thành phố. Hành trang của ông là chiếc túi da đen, chi chít mũi khâu, vết vá. Chiếc túi chứa gần 20kg “đồ nghề”: Từ điển Anh-Pháp-Việt, mã thư tín các nước, kính lúp, hộp bút,… đã cùng ông bước qua hai thế kỷ.

Đến tận bây giờ, ông không nhớ mình đã viết bao nhiêu bức thư, chứng kiến bao nhiêu câu chuyện. Ông vỗ vỗ trán rồi bảo trí nhớ kém lắm rồi, nhớ nhớ quên quên. Chỉ biết, nhiều, nhiều lắm. Rồi ông nhẩm tính, mỗi ngày trung bình viết 6 bức, một tuần làm 5 ngày, thì đến nay đã có trên 35.000 bức. Vậy là gần 30 năm qua, từ chiếc bàn gỗ này, hàng vạn bức thư đã tỏa đi khắp thế giới, mang theo bao buồn vui, hạnh phúc, khổ đau... của đời người.

Mỗi vị khách tìm đến ông là một câu chuyện. Có người nhờ ông viết thư cho chuyện kinh doanh. Có người thăm hỏi gia đình, bạn bè… ở nước ngoài hoặc tìm người thân ly tán trong chiến tranh. Cũng có người nhờ ông viết thư để… đốt cho người cõi dưới; đám học sinh lười biếng lấy thư làm bài nộp cô giáo cho đề Tập làm văn “Em hãy viết một bức thư gửi người em yêu quý”; hoặc người ta dùng thư để chửi nhau cho hả dạ…

Tất thảy chuyện cười ra nước mắt ấy, theo lương tâm, có cái ông viết, có cái không. Những lá thư khách không đến nhận, ông còn giữ. Nói đoạn, ông lấy những bức thư cất kỹ trong bọc nilon cho tôi xem. Có hàng trăm bức như thế. Hỏi sao không bỏ đi, ông trầm ngâm: “Biết đâu người ta quay lại, mình không có mà đưa thì kỳ lắm. Hơn nữa, đêm nào không ngủ được, lật nó ra coi, cũng thấm cái lẽ đời”.

Hơn 35.000 bức thì gần một nửa là thư tình. Tôi xin ông kể chi tiết một câu chuyện thì ông vội xua tay: “Đó là bí mật thư tín, chuyện đời tư của người ta không thể tiết lộ được. Trước đây có người ngỏ ý muốn in mấy bức thư tình thành sách nhưng bác từ chối. Bác không lưu bản nháp, viết xong là ráng quên ngay nội dung mình viết”.

Có lẽ nhờ nguyên tắc “sống để bụng, chết mang theo” cùng sự hết lòng trong công việc mà ông Ngộ được khách hàng tin tưởng, quý mến. Khi thấy chiếc bàn quen thuộc vắng bóng ông, khách lại sốt sắng hỏi nhân viên bưu điện để rồi họ buồn bã ra về khi biết ông bị ốm. Họ chờ ông, một hôm, hai hôm… , chờ đến khi ông khỏi bệnh. Đôi khi ông nhận được thư cảm ơn từ nước ngoài với dòng địa chỉ người nhận: Người viết thư thuê, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, số 2 Công Xã Paris, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Niềm hạnh phúc của ông là những điều giản đơn ấy.

Cuối năm khách đến với ông nhiều hơn thường ngày. Khi thư điện tử tiện lợi, gửi và nhận tính bằng giây thì bức thư tay vẫn giữ được hồn của mình dẫu ít người chuộng.  Ông bảo dạo này sức khỏe giảm sút nhiều, mắt nhìn con chữ cứ nhập nhòe dù trí nhớ thì vẫn minh mẫn. “Giờ, bác thường viết cho khách chép lại vì mắt không tỏ, chữ viết ra cứ chệch choạc như thằng say rượu. Bác không nhận thư về nhà hoặc để ngày mai, ngày kia viết nữa, biết đâu mình nhắm mắt xuôi tay thì ngày mai, ngày kia ai viết cho…”.

Đồng hồ điểm 3h chiều. “Khỏe không ông Ngộ? Tui nhờ ông viết lá thư, thiệp Tết gửi thằng con ở Nga!”. Tôi tạm biệt ông, nhường chỗ cho vị khách tiếp theo. Giữa không gian nhộn nhịp, dáng ông cụ vẫn cặm cụi trên chiếc bàn gỗ quen thuộc. Bàn tay nhăn nheo nắn nót từng nét chữ trên tấm thiệp óng ánh sắc xuân…

Mai Quỳnh Nga
.
.