Condoleezza Rice, tai mắt của hai đời Tổng thống Mỹ

Thứ Ba, 27/05/2008, 13:30
Theo giải thích của bà mẹ, cái tên Condoleezza Rice lấy nguồn gốc từ thuật ngữ âm nhạc tiếng Italia, có nghĩa là "hãy tấu lên thật ngọt ngào". Cha mẹ của Rice luôn dạy cô con gái cưng rằng: "Kiến thức là chiếc chìa khóa kỳ diệu mở đường cho con người bước vào cuộc sống một cách đàng hoàng, tốt đẹp nhất. Nếu con cố gắng học giỏi, lao động tốt, con vẫn có thể trở thành tổng thống".

Bắt đầu từ sự lựa chọn muộn màng

Condoleezza Rice sinh ngày 14/11/1954 tại Tp Birmingham, tiểu bang Alabama.

Từ nhỏ Rice tỏ ra có năng khiếu âm nhạc, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô trở thành sinh viên khoa Âm nhạc của Trường đại học Tổng hợp Denver. Nhưng chỉ một năm sau, cô đột ngột đổi ý, chuyển sang học khoa Chính trị, để có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về Liên Xô (cũ). Cô cho rằng, Liên Xô là một nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Mỹ và quan hệ Xô - Mỹ có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến hệ thống chính trị toàn cầu.

Rice tâm niệm: "Nếu ai đó muốn trở thành chuyên gia về lĩnh vực Xô - Mỹ, người ấy phải biết đến những cái ngưỡng mà người khác không bao giờ có thể với tới được". Để vươn tới "cái ngưỡng" đó, Rice đã chuyên tâm học hành, trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường. 20 tuổi, cô nhận bằng cCử nhân, 21 tuổi nhận bằng thạc sĩ. Cô là tác giả của hàng loạt bài bình luận xuất sắc về quan hệ Liên Xô - Tiệp Khắc - một mối quan hệ tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới cục diện châu Âu và thu hút sự quan tâm hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ.

Mới 26 tuổi, Rice đã được nhận học vị Tiến sĩ Chính trị học, trở thành chuyên gia về Học thuyết chiến tranh, về quân đội Liên Xô và những vấn đề an ninh của các nước Tây Âu. 36 tuổi, Rice được bầu làm Phó giáo sư, rồi trở thành Hiệu trưởng của Trường đại học Stanford. Cô còn được rất nhiều trường đại học danh tiếng phong làm Tiến sĩ danh dự: Đại học Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Morehouse, Đại học Alabama, Đại học Notre Dame, Đại học an ninh Quốc gia, Đại học Luật Mississippi, Đại học Louisville và Đại học Quốc gia Michigan... Quả là chưa từng có người phụ nữ nào trên thế giới ở độ tuổi dưới 30 đã trở thành Tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học danh tiếng đến như vậy! Rice còn thông thạo tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.

Trở thành người thân cận của hai đời Tổng thống Mỹ

Cả hai cha con Tổng thống George W. Bush đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và có quan hệ đặc biệt với Condoleezza Rice. Đây là điều gây nhiều chú ý đối với dân chúng, giới truyền thông Mỹ và thế giới. Người ta không thể hiểu nổi vì sao, cha con Tổng thống George W. Bush lại gắn bó, vị nể và tin dùng người phụ nữ da đen này đến như vậy.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Nền chính trị của chế độ chỉ huy tập trung: Trường hợp của Tiệp Khắc 1948-1975", Rice liên tiếp cho xuất bản bốn quyển sách: "Một liên minh lỏng lẻo", "Liên bang Xô viết và quân đội Tiệp Khắc", "Kỷ nguyên Gorbachev", "Nước Đức thống nhất và một châu Âu chuyển đổi". Những quyển sách của cô gái da đen gốc Phi lập tức được Tổng thống George H. Bush (Bush cha) và các quan chức cao cấp của Nhà Trắng đặc biệt quan tâm rồi sử dụng như một trợ thủ đắc lực, trợ lý hàng đầu của Tổng thống trong vấn đề Liên Xô và châu Âu.

Cô thường xuyên xuất hiện giữa những người đàn ông có thế lực ở khắp mọi nơi trên trái đất, đơn giản vì cô là "từ điển sống", là chuyên gia về nước Nga và châu Âu, thành thạo tiếng Nga.

Tổng thống George H. Bush thừa nhận "Cô ta nói với tôi tất cả những điều cần thiết về Liên bang Xô viết". Đến khi con trai tranh cử tổng thống, Bush cha đã giới thiệu Rice cho Bush con với ý đồ sử dụng triệt để "cái đầu có chỉ số IQ cao" của người phụ nữ  da đen đặc biệt này.

"Ông đã phải tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục, Rice mới chịu tin rằng, hiện tại, con trai ông là một chàng sinh viên sống buông thả, luôn có mặt ở các quán bar, tiệm rượu, nhưng nhất định sẽ trở thành một người đàn ông có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới" (dẫn theo sách).

Rice trở thành chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Bush trong chiến dịch tranh cử . Khẩu hiệu do Rice nêu ra trong chiến dịch tranh cử: "W.Bush is for Women" (Bush vì phụ nữ) đã khiến Bush tranh thủ được nhiều phiếu bầu của phái nữ. Ngay sau khi trở thành tổng thống, George W.Bush đã bổ nhiệm Rice làm cố vấn An ninh Quốc gia, và năm 2005 bổ nhiệm bà làm Ngoại trưởng, với lý do như W.Bush tuyên bố: "Tiến sĩ Rice là một người rất có kinh nghiệm, một nhà quản lý tốt. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào cô và tôi sẽ rất vinh dự khi có cô tham gia chính quyền".

 Trong cuốn "Bí mật về nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush”, John W. Dean cho biết: "Bà Rice và Bush là đôi bạn thân, đặc biệt cùng chia sẻ niềm đam mê với thể thao và bà đã trở thành trợ tá thân cận nhất của ông Bush cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn". Bà cũng là người duy nhất được quyền gọi điện cho ông Bush lúc nửa đêm, luôn cùng Tổng thống công du tới các nước: Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Nga, Iraq...

Tháng 11/2007, với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà đã cùng Tổng thống George W.Bush lần đầu tiên tới Việt Nam dự Hội nghị APEC lần thứ 14. George W.Bush đã thừa nhận, trong chuyến bay bí mật tới Iraq ngày 26/11/2003, ông đã mang theo bà Rice: "Vào khoảng 8 giờ ngày 26/11, Tổng thống và bà Rice đã ngủ thiếp đi trên một chiếc xe không lắp biển. Cả hai ăn mặc sang trọng với chiếc mũ lưỡi trai kiểu bóng chày che lấp cả mắt. Chúng tôi trông như một cặp bình thường"... Cuốn sách của Antonia Felix trở nên hấp dẫn hơn  khi đã trích dẫn lời của Condoleezza Rice: "Tôi đã nói với Tổng thống tin cậy như là nói với chồng của mình"!    

Có thể nói, Rice là một người phụ nữ thành đạt, có tất cả những gì mà một người phụ nữ ao ước, ngoại trừ một người chồng và những đứa trẻ. Không ít người theo đuổi và bà cũng từng yêu, từng có ít nhất hai kế hoạch lấy chồng, song rốt cuộc vẫn là người đàn bà độc thân.

Thời gian giảng dạy ở Đại học Stanford, Rice từng có một mối tình lãng mạn với một sinh viên năm cuối, đồng thời là cầu thủ trung vệ cánh của đội San Francisco. Chàng trai có tên tên là Gene Washington -  một ngôi sao lớn, đẹp trai, có nhiều fan hâm mộ, thường xuất hiện trên phim ảnh và truyền hình. Vì yêu anh, Rice tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Liên đoàn bóng đá Mỹ, thường xuyên ngồi trên khán đài cổ vũ cho các trận đấu và trở thành một thành viên được yêu quý của Liên đoàn. Hai người đã làm lễ đính hôn và đã bắt đầu các công việc chuẩn bị cho đám cưới.

Tuy nhiên, nếu lập gia đình, Rice sẽ không thể làm việc liên tục 14 giờ trong một ngày. Và đám cưới đã bị hủy bỏ. Hiện Gene Washington là một quan chức cao cấp của Liên đoàn bóng đá Mỹ.

Giải thích về tình trạng sống độc thân của mình, Rice nói: "Tôi là một người rất sùng đạo, và nghiệm ra rằng nếu tôi có ý định lấy chồng thì Chúa Jesu sẽ tìm cho tôi một ai đó để sống cùng tôi". Dẫu bị gọi là "người đàn ông mặc váy", song nữ Ngoại trưởng Mỹ luôn thích đi siêu thị mua sắm, thích nấu nướng và diện những bộ thời trang đắt tiền của Armani và Oscaela, dùng son môi của Yve Sai Laurent, thích giày cao gót và âm nhạc của Led Zepplin.

Rice cũng có một bộ sưu tập giày ấn tượng mà không phải người phụ nữ Mỹ quyền quý nào cũng có. Bà thường xuyên xuất hiện trên tạp chí thời trang Vogue, với những bộ trang phục lộng lẫy. Và có một điều phải thừa nhận là đã ở tuổi 54, bà vẫn giữ được tấm thân mảnh dẻ, làn da mặt không một vết nhăn.

Rice bật mí: để giữ fom, cần phải có một chế độ ăn, ngủ, luyện tập nghiêm ngặt cùng với các chuyên gia hàng đầu. Hàng ngày bà dậy từ 4h30, tập thể dục rồi chơi Piano... Antonia Felix trong những lời cuối của cuốn sách đã trích lời một số nhà tiên tri, rằng Rice có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ, hay có thể là nữ Thống đốc bang California...

Mai Hiền
.
.