Con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn và ba lần gặp cha

Thứ Sáu, 30/03/2007, 13:00
“Đang đi, cha tôi chợt rẽ hàng, bước đến bên tôi. Lúc đó đang là mùa đông, tuyết rơi nhiều lắm nên ai nấy đều mặc áo choàng, đội mũ, quàng khăn kín mít. Vậy mà cha vẫn nhận ra tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác, sung sướng lẫn xúc động, tự hào vô cùng khi ấy”.

Đập vào mắt tôi khi bước chân vào phòng khách căn nhà số 31, đường Nguyễn Thông, quận 3 (TP HCM) là bức ảnh của người đàn ông đứng tuổi với đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị, mái tóc muối tiêu treo trang trọng ở giữa nhà. Vợ chồng chủ nhân ngôi nhà lặng ngắm bức ảnh rồi nói: "Sắp đến sinh nhật lần thứ 100 của cha rồi. Những ngày này càng nhớ cha hơn bao giờ hết". Chủ nhân ngôi nhà chính là Đại tá Lê Hãn, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 7, con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

“Mấy bữa nay ông ấy bệnh đấy chứ. Nhưng nghe nói có nhà báo hẹn để nói chuyện về ông cụ, ông ấy nhất định bắt tôi phải mời đến ngay” – con dâu cố Tổng Bí thư giải thích.

Đại tá Lê Hãn năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm (79 tuổi) mắt đã mờ, nhưng tinh thần còn rất minh mẫn. Và với ông, những ký ức, những kỷ niệm về người cha đáng kính vẫn vẹn nguyên, không hề phai nhạt.

Không để tôi kịp hỏi, bằng chất giọng trầm ấm, ông bắt đầu câu chuyện về những lần được gặp cha. Trong 28 năm, từ khi sinh ra cho đến khi  theo học ở Học viện Không quân Giucốp (Liên Xô), ông được gặp cha vẻn vẹn 3 lần, lần nào cũng ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm, chan chứa tình cha con. Qua câu chuyện của ông, hình ảnh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc sống thường nhật, trong tình cha con hiện lên thật sinh động và cũng thật xúc động.

Năm 7 tuổi, cậu bé Lê Hãn bắt đầu ý thức được về việc mình không có cha bên cạnh như bao đứa trẻ khác trong làng. Cậu hỏi ông nội, ông nội không nói gì. Hỏi mạ, mạ chỉ  khóc và bảo: “Hiện chừ cha con đang ở xa lắm!”.

Không bằng lòng với câu trả lời đó, cậu đi khắp làng Hậu Kiên lúc đó, tìm gặp những người thân quen để hỏi về cha. “Cha mi đi làm cách mạng, bị giặc Pháp bắt vào tù” – mọi người trả lời cậu như vậy. Đầu óc non nớt của cậu chưa hình dung ra làm cách mạng là làm gì, bị giặc bắt là như thế nào?.

“Lúc đó, tôi thấy thương cha vô cùng và ước ao được gặp cha, dù chỉ một lần. Rồi một hôm, đang chơi ở ngõ, tôi thấy một tên lính khố xanh dẫn theo một người tù vào nhà mình. Người đấy mặc bộ quần áo tù còn nguyên số, cao lớn, nước da đen, gầy nhưng có vẻ khỏe mạnh và đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt người ấy sáng lắm, cứ nhìn tôi mãi.

Chợt cả nhà như òa ra, từ ông nội cho đến mạ, rồi cả bà cô nữa đều chạy đến ôm chầm lấy người tù mà mừng rỡ. Tôi thấy tên lính khố xanh bảo với ông nội tôi là cha được trả tự do trước thời hạn. Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp cha. Cha không khác với hình dung của tôi là mấy.

Sau những phút bùi ngùi, mừng tủi, ông kéo tôi vào lòng, xoa đầu và hỏi han rất nhiều, rằng tôi đã đi học chưa...  khiến tôi trả lời không kịp” – Ông Hãn kể lại lần đầu tiên được gặp cha, giọng run run xúc động nhưng gương mặt thì ngời sáng niềm hạnh phúc như thuở nào.

Qua giây phút xúc động, người con trai được người cha hết mực yêu thương nở nụ cười, nói tiếp: “Những ngày sau đó, nhà tôi vui như có hội. Tôi với em tôi quấn lấy cha, nghe cha kể chuyện đi hoạt động cách mạng, kể chuyện ở trong tù. Cha dạy tôi học, ông dạy tôi hát bài “Quốc tế ca” từ lúc đó và dặn tôi phải cố gắng học hành, giúp đỡ ông nội, mạ. Còn mạ thì mua nhiều thứ về tẩm bổ cho cha, nhưng cha nhất định không chịu ăn một mình.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai (Lê Hãn đứng ngoài cùng, bên phải).

Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu liên lạc với các đồng chí cũ. Không hiểu ông giác ngộ, tuyên truyền thế nào mà tên tri phủ, là dân Tây học về cho ông ra khỏi huyện mà không cần xin phép.

Năm 1937, ông xin phép và được tên công xứ tỉnh cho vào Huế mở hiệu sách, thực ra để liên lạc, củng cố các Đảng bộ tỉnh. Đến năm 1940, ông vào Nam, hoạt động bên cạnh bác Nguyễn Văn Cừ”.

“Vậy trong thời gian cố Tổng Bí thư vào Huế hoạt động, bác có thường xuyên được gặp cha không ạ?” – Tôi xin phép chen ngang câu chuyện. Ông bảo: “Cha tôi thi thoảng có ghé về thăm nhà một lúc, nhưng chỉ vào đêm khuya, lúc đó tôi đã ngủ rồi. Nhưng mạ tôi  kể, lần nào ông cũng vào giường tôi nằm, nhìn ngắm tôi thật lâu”. Ông Lê Hãn cũng không ngờ rằng phải rất lâu sau, ông mới gặp lại cha mình.

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Mất liên lạc với cha, cậu bé Hãn được ông nội dắt theo đi chùa xem tử vi, đi rút thẻ để “tìm cha”. Ở đâu, mọi người cũng bảo rằng người này hiện đang gặp hạn nặng nhưng mạng lớn nên không chết, sau này còn đứng đầu đất nước.

Ngay từ lúc đó, cậu đã tin điều đó là có cơ sở bởi những người bạn học cùng cha, đều nói cha là người rất giỏi, rất đặc biệt, mang cốt cách của người làm việc lớn. Và trong thời gian vắng cha, tuy mới 11, 12 tuổi nhưng cậu bé Hãn đã được các bác, các chú đảng viên trong làng giác ngộ rồi sau đó tham gia Việt Minh, đi rải truyền đơn, làm liên lạc cho các cô, các chú.

Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Quảng Trị và ngay sau đó, được đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ chọn làm thư ký khi mới 16 tuổi.

Năm 1946, ông gia nhập đoàn quân Nam tiến và được đưa đi học một lớp tình báo của Trung Bộ mở ở Quảng Ngãi. Hạnh phúc đến thật bất ngờ khi chính ở đây, ông được gặp lại cha sau gần 10 năm xa cách với bao nhớ nhung, lo lắng.

“Lúc này cha tôi được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Ông đang trên đường trở lại miền Nam. Hai cha con được bố trí gặp nhau ở ngôi nhà đẹp nhất của tỉnh. Thời gian gặp cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi nhớ lúc đó, ông đã hỏi tôi rằng có muốn theo ông vào Nam Bộ không nhưng tôi trả lời tôi muốn ở lại. Thực ra tôi cũng muốn gần ông nhưng lại nghĩ, tôi cần đứng trên đôi chân của mình, không núp bóng cha”.--PageBreak--

Ở Nam Trung Bộ công tác nhưng ông Hãn luôn dõi theo tin tức của người cha kính yêu. Hễ có đoàn nào từ Nam Bộ ra, ông đều tìm gặp bằng được để hỏi chuyện. Nhờ thế mà ông biết cha mình được đồng chí nể trọng, đồng bào yêu quý như thế nào. Ví như biệt danh “ông 200 ngọn nến” mà đồng chí, đồng bào dành cho cha khiến ông vô cùng tự hào và càng kính yêu cha nhiều hơn.

Năm 1951, ông được cử sang Trung Quốc học pháo binh và trở về chiến đấu trong đại đoàn pháo binh tham gia các trận đánh lẫy lừng ở Tây Bắc, thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc nào ông cũng tâm niệm phải chiến đấu hết sức mình với quyết tâm sắt đá “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” để xứng đáng là con của cha và làm gương cho các em noi theo. Có những lúc bom đạn nổ ác liệt xung quanh nhưng ông và đồng đội vẫn không hề lùi bước. Đôi mắt ông bây giờ không còn nhìn thấy cũng là di chứng của những năm tháng chiến đấu dũng cảm, gan dạ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông mong mau đến ngày gặp cha, để kể cho cha nghe về những chiến công lập được. Nhưng cha ông đã xin Bác Hồ cho ở lại miền Nam chiến đấu bởi miền Nam còn trong lửa chiến tranh. Biết như vậy là vô cùng nguy hiểm cho cha nhưng ông càng kính trọng cha hơn, một người chỉ biết toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng.

Năm 1955, ông được cử sang Liên Xô học ở Học viện Không quân Giucốp, nơi đào tạo các kỹ sư chế tạo máy bay. Trước ông đã có đồng chí Lê Hồng Phong học ở học viện danh tiếng này.

Thời gian thấm thoát trôi, ông không ngờ mình được gặp lại cha. Đó là vào tháng 11/1957, nước Nga Xôviết tổ chức kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Đại sứ quán nước ta báo cho ông biết đoàn Việt Nam sang dự kỷ niệm do Bác Hồ dẫn đầu và trong đoàn có cả cha ông. Ông vui mừng đến nghẹn ngào.

Cùng với các sinh viên đang theo học tại đây, ông ra đón đoàn tại sân bay. Đây là lần đầu tiên, ông được ngắm nhìn Bác Hồ ở khoảng cách gần như thế. Lần trước, đi trong đoàn duyệt binh sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chỉ mới được nhìn thấy Bác đứng trên bục cao ở Quảng trường Ba Đình. Và đi ngay sau Bác là cha ông, người cha đã 12 năm vì chiến tranh ly biệt, ông không được gặp mặt.

Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng với gia đình.

“Đang đi, cha tôi chợt rẽ hàng, bước đến bên tôi. Lúc đó đang là mùa đông, tuyết rơi nhiều lắm nên ai nấy đều mặc áo choàng, đội mũ, quàng khăn kín mít. Vậy mà cha vẫn nhận ra tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác, sung sướng lẫn xúc động, tự hào vô cùng khi ấy” – Nói rồi, ông quay về phía bức ảnh người cha và khẽ lau dòng nước mắt.

Những ngày sau đó là những ngày thật đáng nhớ với ông. Ông được đưa đến gặp cha ở khách sạn, được cha giới thiệu với Bác Hồ, với Đặng Tiểu Bình.

Khi được Đặng Tiểu Bình hỏi: “Anh đang học trường gì” bằng tiếng Pháp, ông đã trả lời lại bằng tiếng Trung Quốc và vị lãnh tụ Trung Hoa đã phải thốt lên: “Anh nói tiếng Trung Quốc hay như người Bắc Kinh”. Lúc đó trong mắt cha ông thấy ánh lên niềm hãnh diện. Điều đó khiến ông thật sự sung sướng.

Sau này, khi đã trở lại Hà Nội công tác, hai cha con có thời gian gần gũi nhau hơn. Ngoài những lúc bàn công việc, toàn những chuyện quốc gia đại sự với tư cách là đồng chí, ông cũng là người được cha tin tưởng, chia sẻ nhiều tâm tư tình cảm. Như năm em gái Vũ Anh (con cùng cha khác mẹ của Lê Hãn - NV) mất trong khi sinh nở ở Liên Xô, cha ông rất đau lòng. Ông đã ở bên cha, an ủi, động viên cha vượt qua nỗi mất mát lớn lao này.

Năm 1964, ông kết hôn với bà Nguyễn Khánh Nam (con gái đầu lòng của ông Nguyễn Khánh Mỹ, Vụ trưởng Vụ khu vực I, phụ trách các nước XHCN, Bộ Ngoại thương lúc bấy giờ - NV). Ông bà sinh được 3 người con, 2 trai một gái.

Gia đình ông Lê Hãn (ảnh chụp năm 1996).

Bà Nam kể: “Lúc tôi sinh thằng Hải (anh Lê Khánh Hải - con trai đầu - NV) năm 1966 ở Bệnh viện C, ông cụ vào thăm ngay. Khi bác sĩ Nguyễn Cận, Giám đốc Bệnh viện dẫn xuống phòng dưỡng nhi, giữa bao nhiêu đứa trẻ, chưa cần ai chỉ, ông cụ đã bế Hải lên mà nói: “Thằng cháu đích tôn của ông đây rồi. Cái miệng y chang ông đây mà”.

Thằng Hưng (anh Lê Khánh Hưng - con trai thứ 2 - NV) thì ngay từ nhỏ đã quấn ông nội. Ông nội đi đâu cũng được cho theo cùng”.

Chợt giọng bà nghẹn lại, nước mắt nhòe cả khuôn mặt: “Năm 1986, biết tin ông cụ bệnh nặng, cả nhà tôi vội vàng mua vé máy bay ra Hà Nội thăm. Nhìn thấy ông cụ gầy yếu, xanh xao vì bạo bệnh, vợ chồng tôi òa khóc. Con bé Hiếu (chị Lê Ngọc Hiếu - con gái út - NV) lúc đó mới 4 tuổi cứ thơm lên hai má ông, bảo ông ơi, ông mau khỏe để chơi với cháu. Một tuần sau thì ông cụ mất.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được những lời ông nói với tôi khi ông sắp ra đi: "Cha rất thương vợ chồng con. Thằng Hãn thì thiệt thòi từ nhỏ, không được cha chăm sóc, còn con là dâu trưởng, phải vất vả lo toan nhiều mà không bao giờ phân bì, ganh tị". Tôi hạnh phúc và tự hào được làm con dâu của cụ”.

Tôi hiểu, ông bà Lê Hãn đang nói những điều từ đáy lòng mình

Minh Tâm (ghi theo lời kể của Đại tá Lê Hãn)
.
.