Còn như mới đây những ngày rong ruổi

Thứ Ba, 21/11/2006, 10:27

Những năm tháng ấy... Nhớ mãi cái ngày tôi từ cơ quan Cục Cảnh sát bảo vệ khoác ba lô nhập vào gia đình Báo Công an nhân dân. Đó là một ngày nực trời chuẩn bị bước sang mùa hè năm 1984.

Đến cổng thì đã thấy Nguyễn Văn Phán - chiến sĩ Tiểu đoàn cơ động Cục CSBV, cũng được điều động về Báo CAND - đã có mặt tự bao giờ, với một hòm gỗ nhỏ, một chiếu cói dựng ở chân cột cổng trụ sở Báo.

Hai chúng tôi vào báo cáo với Tổng Biên tập Trần Liêu là đã có mặt theo đúng quyết định điều động. Cả cơ quan quây lại thân tình đón chúng tôi. Các anh, chị bảo: Cái thằng cao gù (chỉ anh Phán) lém quá, nói như "thánh phán" ấy! (Phán mang danh "Tống Thánh Phán" từ đây). Cánh phóng viên như anh Phúc Bồng, Phạm Miên, chị Thùy Linh... đang công tác tận Cà Mau khi nghe tin chúng tôi "nhập gia" cũng gọi điện về hỏi han. Tôi được phân về Phòng Thư ký tòa soạn; Phán về Trị sự làm lái xe...

Ngày ấy, việc ăn ở, sinh hoạt ngủ nghê của anh em còn vất vả lắm. Trừ số ít cán bộ của báo có nhà riêng, còn số đông anh em ở ngay tại Tòa soạn. Ngày, việc chuyên môn của ai người ấy làm, đến giờ thì rủ nhau đi ăn cơm "khách sạn", tối về đàn hát, vẽ minh họa, viết bài, tráng phim rửa ảnh, và lăn ra "khò" ngay trên bàn làm việc.

Vất vả nhưng mà vui. Riêng về cái khoản "ăn khách sạn" nghe qua cứ tưởng quý phái, sang trọng, nhưng không phải thế. Có sự "sang trọng" ấy thực ra do nhiều "sáng kiến" của anh em theo kiểu "cái khó ló cái khôn". Để được đi ăn khách sạn, anh em nhờ sự quan tâm của Tổng Biên tập Trần Liêu.

Chả là khi về Báo thấy anh em không có chỗ ăn ổn định, ông nhờ Công an Đường sắt giúp mua vé cơm tháng của Khách sạn Đường sắt, nằm ở góc đường Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Khách sạn chủ yếu phục vụ ăn uống cho nhân viên đường sắt.

Một chén rượu suông đạm bạc, nhưng nghĩa tình luôn đậm sâu.
Cứ trưa 11h30, chiều 4h30 là cánh thanh niên của báo lại xúm xít lên chiếc mô tô ba bánh của Nguyễn Văn Phán phi từ số 3 Hồ Giám - đường Tôn Đức Thắng vượt phố gần 3km ra Lý Thường Kiệt để thưởng món cơm khách sạn mỗi người một suất: gạo kho, rau đậu... mà chẳng mấy khi ấm bụng.

Ngự trên xe thường là tôi, anh Quang Hào, anh Thành Trung, Hà Cương, Lương Xuân Tý, anh Phúc Bồng... Anh Nguyễn Chiển, Phó phòng Nghiệp vụ, thì có cách di chuyển riêng. Đến giờ đi ăn là anh kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cà tàng, bàn đạp chỉ còn hai cái “bút chì", chẳng biết xe của anh nguyên bản được sơn màu gì, chỉ thấy khi anh dắt nó qua chỗ xóc là phải vài lần cúi xuống nhặt vỏ yên xe. Ăn xong, anh em chúng tôi ngược về đến Tòa soạn thì nghe trong bụng đã nhộn nhạo đói trở lại...

Ngày ấy, hình như tài hoa được dịp nảy sinh trong lúc khó khăn. Anh Đặng Lân (nay là Phó Tổng biên tập), trình bày báo, vốn đã rất khéo tay trong việc khắc gỗ tranh minh họa báo, mỗi khi có dịp đơn vị được ăn tươi, anh có thể chia một quả tim lợn, một lá gan lợn thành hơn hai mươi phần đều nhau không chênh đến một hoa.

Lúc này, "năng lực ngoại giao" trong anh em được phát huy tối đa. Không có chuyện dùng bài viết để "gây ảnh hưởng" đối với bên ngoài, bởi báo lúc đó chỉ phát hành nội bộ. Nhưng công tác ngoại giao anh em làm rất tốt, tuyệt nhiên không có điều tiếng xấu cho cá nhân hay đơn vị. Anh Hà Cương (nay là Phó trưởng cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh) cứ vài tháng lại báo cáo lãnh đạo Báo cho xe ba bánh lên Công ty cá Hồ Tây lĩnh phần chi viện thực phẩm cho cán bộ, chiến sỹ Báo CAND để "tăng cường sức chiến đấu, trên mặt trận tuyên truyền". Một miếng khi đói... nghĩ lại thấy tình cảm ấy quý hoá làm sao!...

"Tê Ka" (bút danh anh Trần Kính - lúc đó là Trưởng phòng Biên tập Nghiệp vụ của báo) một hôm gọi anh Phạm Văn Miên (nay là Phó Tổng biên tập), anh Hà Cương, tôi và Phán đến "chỉ đạo": "Sớm mai, bốn cậu đi công tác Hà Nam Ninh gấp nhé. Đi đón khách". Anh Hà Cương nhăn nhó: "Thưa, có cái xe ba bánh, bốn thằng chúng em ngồi còn thiếu, đón thêm khách, thì khách ngồi đâu?". "Tớ tính toán rồi, đủ!". Rồi với cái giọng oang oang anh giao nhiệm vụ. Bốn anh em chợt cười vỡ ra vui như...Tết. Tê Ka đứng dậy: "Thế nhé, lâu lắm rồi anh em mình chưa được ăn tươi". Té ra vẫn là cái việc giải quyết "kế hoạch ba"- lo cải thiện đời sống cho anh chị em...--PageBreak--

Sớm hôm sau chiếc xe ba bánh xít-đờ-ca dưới bàn tay lái lụa của Nguyễn Văn Phán phành phạch chở ba anh em chúng tôi nhằm hướng Duy Tiên - Hà Nam Ninh thẳng tiến. Tôi còn nhớ mãi cảnh chị Đinh Hiền (Hiền còi) người mảnh mai như cái dãi khoai vắt trên lan can tầng hai của Tòa soạn, vẫy tay: "Thượng lộ bình an nhé"...

Do đã hẹn trước và được sự giúp đỡ của anh Bút, Trưởng Công an huyện Duy Tiên, bốn anh em chúng tôi tìm địa chỉ cần đến không mấy khó khăn. Sau cái bắt tay hồ hởi với khách, ông chủ nhà dẫn chúng tôi ra chuồng lợn, chỉ vào một họ nhà "Trư" béo tròn đang ụt ịt rúc đầu vào đống rác góc chuồng: "Báo cáo các đồng chí, nó khoảng sáu mươi cân. Tháng này là em xuất nó theo định mức do xã giao. Em được ông chủ nhiệm cho hay, đợt này lợn của gia đình em không phải bắt đi đâu cân cả, đã có kế hoạch bán tại chuồng... Cho lên xe ngay chứ ạ?".

Lão “Trư” kễnh bụng vừa được chủ cho ăn (hình như nó được nhồi quá no nên tiếng thở có phần ì ạch), nhanh chóng chịu trói bốn chân, với vài động tác gọn gàng của mấy ông khách, chú đã nằm gọn trong thùng chiếc xít-đờ-ca. Anh Hà Cương ngồi sau lưng lái xe hộ tống; tôi và anh Miên ngồi vắt vẻo trên thùng, chân lựa để lên lưng lão “Trư” đang nằm ngoan ngoãn trong thùng xe, thỉnh thoảng nó lại khịt lên vài tiếng như người viêm mũi sợ mùi xăng dầu. Gia chủ cẩn thận chặt vài tàu lá chuối phủ lên con vật: "Không thế, em sợ nắng quá, nó chết mất các bác ạ, giời nắng thế này...".

Sau những cái siết tay thân tình, chiếc xe ba bánh long sòng sọc từ hướng bờ sông Hồng rẽ ra quốc lộ 1 bon bon ngược về Hà Nội. Qua đoạn cầu Giẽ, đang mát tay ga, bỗng "khực" một cái! Rồi tiếng bánh phía bên thuyền xe sát vào chắn bùn rít lên chói tai, mùi cao su bốc khét lẹt. Phán hét: "Bám chặt, gãy trục bánh thùng rồi!". Ba chúng tôi vội bám vào chỗ nào có thể bám để tránh bị văng đi theo quán tính của tốc độ con xít-đờ-ca đang đà hồng hộc lao trên đường nhựa.

Chết một bên bánh thuyền, chiếc xe rơi vào thế "quay com-pa", lao xô ra vệ đường. Bốn chúng tôi tái xanh mặt mày: bởi một là quật cả xe cả người, cả lợn vào những gốc xà cừ to tướng bên đường, hai là cả bọn lao xuống hồ nước sâu cách mặt đường có đến hơn 3 mét. Tống Thánh Phán gồng hết cơ bắp co tay lái để phá thế quay com-pa của xe. May mắn, chừng hơn chục mét lệch hướng, con xít-đờ-ca khự lại cách mép đường chỉ tí ti. Hú vía! Hóa ra bánh bên thuyền xe bị gẫy trục, tuột ốc. Nó cũ quá, chịu không nổi bốn nhân mạng và một "khách" nằm thuyền. Nhờ may mắn, nếu không thì chúng tôi đã thành người thiên cổ!... Loay hoay nhiều tiếng đồng hồ, Phán và anh em chúng tôi mới khắc phục được tình trạng của xe. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối.

Mọi người lúc ấy mới nhớ ra còn chú ỉn kễnh nằm trong thùng xe. Lật tàu lá chuối héo vì cái nóng như đổ lửa suốt cả buổi phơi trên đường nhựa, thấy lão Trư thoi thóp thở. Hình như nó đang hấp hối. Nắng nóng quá. Mùi xăng dầu, mùi mỡ bò trong thùng đặc quánh, ngột ngạt quá. Đường xóc lại ăn quá no, khiến chú ỉn thở nặng nhọc, sức khỏe có vẻ kém lắm.

Hà Cương khoát tay: "Thôi, nó có chết thì cũng là của đi thay người. Lên xe, về Hà Nội rồi tính". Chiếc xe ba bánh lại nhọc nhằn lần về thành phố lúc ấy đã tối mịt, phía trước mặt thành phố đã vàng ánh đèn. Về đến Hà Nội, gọi điện cho Tê Ka, anh hỏi: "Còn chọc tiết được không?". Chúng tôi nói là khó khăn đấy. Tê Ka bảo: "Thế là phương án xẻ thịt chia suất cho mọi người đi tong rồi. Tìm cách nào đi, giá hạ một chút cũng được đừng để nó chết bán sẽ không được đâu!".

Anh Hà Cương bảo: "Xin anh thông báo với Phòng Trị sự cho em quyết". Chúng tôi mang lão “Trư” đang hồi nguy cấp đến ngay một lò mổ - còn nhớ nữ chủ nhân lò mổ có tên là T. phốp pháp, nhà ở cuối đường Quốc Tử Giám - Ngô Sĩ Liên. Cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra chóng vánh. Lúc ấy đã hơn 10 giờ đêm. Chúng tôi mang tiền về báo cáo. Trong giấc ngủ, cú quay com-pa cứ chập chờn trong đầu khiến tôi giật mình thon thót... Nhắc lại chuyện này, âu cũng là phút nhớ đến lái xe Nguyễn Văn Phán, giờ anh đã đi xa vì bệnh hiểm nghèo vào năm 1999. Một thời gian khó thế Phán ơi...

Còn như mới đây những ngày rong ruổi 3 cây số đi ăn vài lưng cơm khách sạn đạm bạc. Rồi những buổi tối cánh trai lơ mượn bộ cánh của nhau để đi gặp bạn gái. Lại vẫn là những buổi cả Ban Biên tập, lãnh đạo trưởng phó phòng xúm quanh một cái bàn lớn duyệt ma két báo như trải bản đồ đánh trận, để đến ngày mai là chuyển ma két và bài từ Tòa soạn vào nhà in ở mãi Thanh Xuân…

Bây giờ, Báo CAND đã trở thành một tập đoàn mạnh với nhiều ấn phẩm. Cán bộ cốt cán hầu như vẫn là anh em Báo CAND trước đây, dưới sự  quản lý điều hành sắc sảo của Thiếu tướng - Tổng Biên tập Hữu Ước, Báo CAND và các số chuyên đề đang đà phát triển mạnh, uy tín cao trong làng báo. Đời sống cán bộ, chiến sĩ khấm khá, khác xưa nhiều lắm...

Dẫu thế, vẫn không thể quên những ngày cam khó. Ngày ấy, như mới gần đây...

.
.