Cố thủ tướng Benazir Bhutto: Vinh quang và bất hạnh

Thứ Ba, 29/07/2008, 16:15
Ngày 27 tháng 12 năm 2007, bà Benazir Bhutto đã thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết tại Tp Rawalpindi - Pakistan, ngay sau khi  kết thúc bài diễn thuyết trong cuộc vận động tranh cử.

Từ giờ phút đó, cuộc đời và sự nghiệp của người phụ nữ từng được tạp chí "People" bình chọn là "một trong năm người đàn bà đẹp nhất thế giới", người phụ nữ mới 35 tuổi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở một đất nước mà tuyệt đại đa số dân cư là tín đồ Hồi giáo càng trở thành mối quan tâm của hàng triệu người trên thế giới.

Sách viết về bà liên tiếp được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau: "Bhutto Benazir - Đứa con của định mệnh", "Những bài phát biểu của Benazir Bhutto", "Benazir Bhutto - Từ tù nhân đến người đứng đầu đất nước", "Người con gái phương Đông" - Benazir Bhutto tự truyện... Cuộc đời của Benazir Bhutto- một "cuộc đời phản chiếu sự hỗn loạn, bi kịch và những vinh quang trong cuộc sống" của đất nước Pakistan đã được nhiều người biết đến, cùng với sự khâm phục và nỗi xót xa cho một số phận đã từng rất lận đận trên con đường đến với quyền lực.

Điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của các nữ chính trị gia trên thế giới, không ai có số phận "long đong, lận đận" như Benazir Bhutto - Thủ tướng Pakistan. Để đến với chiếc ghế quyền lực ở một đất nước đã hàng chục năm chìm đắm trong bóng đêm của chế độ độc tài, Benazir Bhutto không được đi trên con đường "trải thảm đỏ" hay "lát hoa hồng" như một số nữ thủ tướng khác, mà phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai, thử thách.

Bắt đầu là 7 năm biệt giam cầm cố trong các nhà tù nghiệt ngã nhất của Pakistan. Tiếp đến là 3 năm sống lưu vong nơi đất khách quê người, khi trở về Tổ quốc chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tự do, trở thành nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới. Nhưng sau đó 8 năm, do những cáo buộc tham nhũng, bà lại bị trục xuất, phải sống tiếp 8 năm lưu vong  ở Dubai, London. Và cuối cùng, năm 2007, Benazir Bhutto đã trở về quê hương…

..."Pakistan không phải là một đất nước bình thường và cuộc đời tôi không phải là một cuộc đời bình lặng"- trong cuốn tự truyện "Người con gái phương Đông" Benazir Bhutto đã bộc bạch như vậy. Quả thực, trước khi tham gia chính trường, Benazir đã từng có những năm tháng ở trên "thiên đường" hạnh phúc.

Có cha từng giữ những trọng trách như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, sau khi tốt nghiệp trung học, Benazir được gửi đi đào tạo tại những trường đại học hàng đầu ở Mỹ và Anh: Đại học Harvard và Đại học Oxford. Những năm tháng học xa nhà, Benazir được chăm sóc, cung phụng như một nữ hoàng. Việc cơm nước, giặt giũ, đi lại đã có một vệ sĩ và một trợ lý đảm nhiệm. Cô chỉ phải lo việc học và trả lời điện thoại.

Là chủ sở hữu của một chiếc ôtô thể thao đắt tiền hiệu MBG mui trần, những kỳ nghỉ, cô có thể phóng ra ngoại ô, đi tới những tụ điểm du lịch. Cô cũng thường xuyên được đi theo cha trong những chuyến công du khắp thế giới, có dịp tiếp xúc với những Bộ trưởng Ngoại giao của những cường quốc... Trong số năm người con, Benazir được chọn là người kế tục sự nghiệp chính trị của cha, bởi ông Ali Bhutto đã phát hiện thấy ở người con gái cả những tố chất của một người lãnh đạo có ban lĩnh can trường. 

Song, "sóng gió" đã nổi lên trong cuộc đời Benazir Bhutto sau cái ngày 7 tháng 7 năm 1977 - ngày tướng Zia làm đảo chính lật đổ Thủ tướng Ali Bhutto, thiết lập chế độ độc tài, đẩy đất nước Pakistan lún sâu vào tình cảnh hỗn loạn. Ông Ali bị bắt và treo cổ. Benazir và tất cả những người trong dòng họ Bhutto trở thành đối tượng truy sát của chế độ độc tài. Hai người em trai phải trốn chạy ra nước ngoài, mẹ cũng bị đày đọa trong tù ngục. Bản thân Benazir trở thành đối tượng tiêu diệt bởi tướng Zia đã phát hiện thấy cô chính là người kế tục sự nghịêp chính trị của cha.

Trong suốt 7 năm, từ một tiểu thư đài các sống trong nhung lụa, Benazir bị tống giam  tại những nhà tù hà khắc nhất: nhà tù Sukkur, nhà tù trung tâm Karachi, nhà tù Al - Murtaza, trong những phòng giam "...giống như một chiếc lồng. Buổi tối không có điện. Chẳng hề có chăn màn hay quần áo ấm, cái lạnh hành hạ khiến cho việc ngủ trên giường dây chão trở thành một cực hình... Cát sa mạc theo gió tràn vào phòng giam, để lại từng lớp bụi bám trên da mặt, làm cho làn da bị nứt nẻ, bong ra từng mảng.

Do không được ăn uống đầy đủ, tóc của cô cũng bị rụng từng nắm...". Đã từng có một âm mưu ám sát Benazir trên bàn mổ khi cô được đưa đến bệnh viện để chữa tai. Cũng từng có những tên cai ngục khuyên cô tự sát để thoát khỏi sự hành hạ về thể xác và tinh thần... Không thể hình dung nổi một Benazir đẹp như "một minh tinh màn bạc" lại có thể tiều tụy và khốn khổ đến thế.

Benazir kể lại: "Đôi khi trong tù tôi đã có những phút yếu lòng để rồi buột miệng than thân trách phận và tự hỏi sao cuộc đời tôi lại khốn khổ khốn nạn thế này... Ban đêm tôi thường úp mặt khóc để những giọt nước mắt lặng lẽ chảy ướt cả gối...". Nhưng lời trăng trối của người cha thân yêu: "Người ta có thể giam cầm một con người nhưng không thể giam cầm một lý tưởng!" đã giúp Benazir vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất. Những ngày tháng khốn khổ ấy khiến Benazir lâm bệnh trọng, buộc tướng Zia phải cho cô ra nước ngoài chữa bệnh.Và thế là Benazin bắt đầu những ngày tháng sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Pháp, Tây Đức, Anh... Bất chấp những lời đe dọa luôn đeo bám và rình rập, sau khi chữa lành bệnh, Benazir quyết trở về để "kiến thiết lại Pakistan", với lời nguyền "Tôi sinh ra tại Pakistan thì tôi sẽ chết trên mảnh đất quê hương!”.

Sự "lận đận" của Benazir tạm thời chấm dứt sau khi xảy ra sự kiện tướng Zia chết trong một vụ tai nạn máy bay ngày 1/12/1988. Chế độ độc tài đã kết thúc sau 11 năm tồn tại. Sao "hắc tinh" của cuộc đời Benazir cũng đã tắt.

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 16/11/1988, Benazir Bhutto trở thành người phụ nữ đã "phá bỏ những thành trì của truyền thống khi trở thành nữ Thủ tướng dân bầu đầu tiên của Hồi giáo". Năm 1993, Bhutto tái đắc cử, nhưng bị bãi nhiệm. Năm 1996 vì những cáo buộc tham nhũng, buộc phải sống lưu vong ở Ddubai và London. Cuối năm 2007, bất chấp những lời đe dọa của chính quyền Musharraf cấm bà trở về trước kỳ tổng tuyển cử, Bhutto vẫn trở về Tổ quốc, dẫu biết rằng "sóng gió" đang đợi ở phía trước.

Bà Benazir cũng từng nói: "Dẫu khó khăn và đau khổ, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn", may mắn nhất là có một người chồng "lý tưởng" cùng với ba "thiên thần" bé nhỏ. Là cô gái rất đỗi xinh đẹp, con nhà quyền thế, xung quanh Benazir có rất nhiều "vệ tinh" theo đuổi, nhưng hầu như Benazir không để ý đến chuyện yêu đương, bởi tâm trí cô luôn "theo đuổi giấc mơ quyền lực". Mãi tới năm 34 tuổi, Benazir  mới kết hôn, mà là cuộc hôn nhân sắp đặt.

"Đối với tôi, sự lựa chọn không phải là giữa một cuộc hôn nhân có tình yêu và một cuộc hôn nhân sắp đặt, mà là giữa một cuộc hôn nhân sắp đặt và việc không lấy chồng. Đơn giản, tôi không thể hẹn hò hay tìm hiểu một người đàn ông. Thậm chí ngay cả dấu hiệu của một mối quan hệ nam nữ cũng trở thành công cụ để những kẻ đối lập phá hoại sự nghiệp chính trị của tôi".

Bà Nusrat  - mẹ của Benazir đã cất công tìm kiếm được một người đàn ông cùng trang lứa với con mình. Đó là Asif Ali Zardari, xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có, từng theo học Kinh tế và Quản trị ở London. Trong đám cưới, Asif đã nguyện thề sẽ trông nom con cái và cho phép vợ "lao vào cuộc sống nguy hiểm hay tù tội để theo đuổi niềm tin của mình, sẽ phụng sự đất nước qua việc chăm sóc vợ".

Cho đến khi chết, Benazir vẫn luôn yêu thương chồng, coi đó là người đàn ông "duy nhất": "Hai mươi năm trước, vì những biến cố của cuộc đời - cha bị ám sát, bản thân bị tù đày, trách nhiệm tiếp tục gánh vác sự nghiệp chính trị của cha - tôi chẳng còn mấy kỳ vọng về việc tìm thấy hạnh phúc riêng tư, tình yêu, hôn nhân và những đứa con. Giống như Nữ Hoàng Anh Elizabeth I, người cũng đã trải qua sự tù đày và độc thân, tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ kết hôn.

Tuy nhiên, những gì đã xảy ra với tôi đã thách thức những dự tính thiển cận này. Tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong hôn nhân dù trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi tự hào về chồng vì sự dũng cảm của anh ấy khi sát cánh bên tôi suốt 19 năm chung sống. Trong những năm ấy, anh ấy hoặc là sống ở dinh Thủ tướng hoặc là một tù nhân chính trị, bị biến thành con tin cho sự nghiệp của tôi. Và tôi cảm thấy mối quan hệ của chúng tôi đã bền chặt hơn bất chấp sự xa cách về không gian và những âm mưu khiến chúng tôi chống lại nhau".

Ở thế giới vĩnh hằng, liệu Benazir Bhutto có biết được rằng, chồng con bà đang kế tục sự nghiệp chính trị dang dở của bà. Người con trai đầu của bà tên là Bilawal 19 tuổi, hiện đang là sinh viên Đại học Oxford cùng với cha được cử làm đồng Chủ tịch của đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Hai cô con gái: Bakhtawar 17 tuổi và Aseefa 14 tuổi  cũng được cử làm người phụ trách tổ chức Phụ nữ và Thiếu niên của PPP

Mai Hiền
.
.