Có những buổi chiều không biết cất vào đâu

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:00
Biết thơ Thi Hoàng đã lâu, nhưng phải hơn hai mươi năm sau, tôi mới gặp được ông. Thời điểm này diễn ra vào cuối năm 2000. Lần ấy, tôi cùng nhà thơ Trần Quốc Thực, Vương Tâm làm một chuyến đi Hải Phòng, chủ động tìm gặp ông ở xóm Đình, làng Chùa (Hải Phòng). Tôi nhớ mãi cách xử sự “rất vào” của Thi Hoàng. Ra về, tôi cứ ấn tượng mãi về ông và cái “không gian đồ cổ” cũng là “không gian viết” như là cảnh giới của riêng ông...


1.Trong các nhà thơ thời chống Mỹ, tôi là người rất nhớ những câu thơ gây ấn tượng mạnh của Thi Hoàng. Cứ nhắm mắt lại là tôi có thể đọc được thơ ông. Chẳng hạn: “Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc/ Trời thì xanh như rút ruột mà xanh”. Chẳng hạn: “Ở đời cái lưng tin hơn cái mặt”. Chẳng hạn: “Cứ nghĩ trẻ con là tài nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. Chẳng hạn: “Có chất lượng nào hơn chất lượng người/ Sao người tốt lại thường khổ vậy”. Chẳng hạn: “Có những buổi chiều không biết cất vào đâu…”.

Những câu thơ ấy “nói” với tôi nhiều lắm, có giá trị tâm sự, chia sẻ, nâng vực con người nhiều lắm.

Riêng hai câu: “Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc/ Trời thì xanh như rút ruột mà xanh” được trích từ "Ở giữa cây và nền trời" in trong tập "Cửa sóng", lần đầu tiên tôi được nhà thơ Phạm Tiến Duật trực tiếp đọc cho nghe vào cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Khi ấy, nhà thơ còn đang phụ trách phần thơ của tuần báo Văn nghệ. Phạm Tiến Duật bảo: Đấy là những câu thơ hạng nhất. Tất nhiên, thi sĩ của Trường Sơn không chỉ đọc hai câu thơ trên, mà còn đọc một số câu thơ của một số nhà thơ khác nữa, trong đó có một câu của thi sĩ họ Chế: “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”. Và theo ông, đó là những cái đinh đóng vào trí nhớ của người đọc.

Có lẽ thơ khác văn xuôi ở điểm này. Văn xuôi hay, thường được tổng thể, toàn cục và đứng được nhờ tổng thể, toàn cục. Còn thơ hay, phần lớn được ở chi tiết và đứng được nhờ chi tiết. Nói cách khác: Một câu thơ hay lắm khi có thể đứng như một đơn vị độc lập không phụ thuộc nhiều lắm vào bài thơ. Hãy thử hình dung nếu “Mặt nạ kẻ ác” của B. Becht không có câu: “Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng”, “Bài thơ về Santiago” của P. Neruda không có hai câu: “Không thể nói về Santiago mà không có tôi trong ấy/ Nhưng không thể nói về mình mà không có Santiago”,  “Đồng chí” của Chính Hữu không có câu “Đầu súng trăng treo”, “Đèo Ngang” của Phạm Tiến Duật không có hai câu: “Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang/ Mà quên mất con đèo chạy dọc”; “Paris có gì lạ không em?” của Nguyên Sa không có hai câu: “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen…”.

Biết thơ Thi Hoàng đã lâu, nhưng phải hơn hai mươi năm sau, tôi mới gặp được ông. Thời điểm này diễn ra vào cuối năm 2000. Lần ấy, tôi cùng nhà thơ Trần Quốc Thực, Vương Tâm làm một chuyến đi Hải Phòng, chủ động tìm gặp ông ở xóm Đình, làng Chùa (Hải Phòng). Tôi nhớ mãi cách xử sự “rất vào” của Thi Hoàng. Ra về, tôi cứ ấn tượng mãi về ông và cái “không gian đồ cổ” cũng là “không gian viết” như là cảnh giới của riêng ông.

Nhà thơ Thi Hoàng.

Với tôi, “thu hoạch” lớn nhất của cả chuyến đi là một bài thơ có cái tên thật giản dị: “Thăm nhà Thi Hoàng”. Tôi coi đây là cái được lớn nhất của mình. Sau đó, “Thăm nhà Thi Hoàng” được in trong tập thơ Đời sống năm 2002. Đây là nguyên văn bài thơ:

Đón tôi bằng tiếng sủa
Con chó nhà Thi Hoàng
Đón tôi bằng hoa đỏ
Dâm bụt nhà Thi Hoàng
Đón tôi bằng sóng vỗ
Đại dương nhà Thi Hoàng
Làng Chùa, gió hoang mang
Xóm Đình, mưa ngây dại
Con nghê đá ngồi đấy
Trải gấp bao đời người
Nước mắt vẫn chảy xuôi
Như ngày vừa sáng thế.

2. Bài thơ Thi Hoàng đăng đầu tiên trên Báo Văn nghệ có tên là “Tiếng xe đêm”. Bài thơ này viết về công nhân và công nhân viên nói chung. Nói theo Thi Hoàng thì “rất có không khí thợ”. Hồi ấy, ông đang là cán bộ kỹ thuật trình độ trung cấp của Sở Giao thông vận tải Hải Phòng.

Trước 1975, Nhà xuất bản Tác phẩm mới có ấn hành “Cửa sóng”, là tập thơ in chung của ba tác giả người Hải Phòng: Thi Hoàng, Thanh Tùng và Nguyễn Tùng Linh. Hồi ấy, với sự cầm chịch, thẩm định thơ khách quan và khắt khe của một số cây đa cây đề, trong đó có Chế Lan Viên, mà được “trình làng” ở cỡ đó, cũng là oách lắm rồi và không chừng còn gây tiếng vang nữa.

Thi Hoàng nhớ lại: “Hồi ấy, nhóm thơ của chúng tôi có Hoàng Hưng, Trịnh Hoài Giang, Trúc Chi. Còn ở đất Cảng này, số người làm thơ và yêu thơ cũng đông lắm. Mừng là cái “khí quyển sáng tác” hồi ấy nó mạnh lắm, có sự kích hoạt và hấp dẫn lẫn nhau trong đám bạn viết. Hễ ai làm được câu thơ nào, bài thơ nào là tìm nhau ngay để đọc cho nhau nghe. Chứ đâu có như bây giờ!”.

Về thơ và tính cách của những người làm thơ cùng thế hệ hoặc thế hệ “vong niên”, ông nhận xét: Hoàng Hưng thì lý tính và thấm đẫm văn hóa, Thanh Tùng thì hồn vía, Trinh Đường thì say mê đến mức dại khờ, Chế Lan Viên thì đầy ý tưởng nhưng khó gần, Xuân Diệu thì “tốn hồn” lắm (chữ dùng của Xuân Diệu và theo Xuân Diệu thì làm thơ, đặc biệt là làm thơ hay, thường rất “tốn hồn”)… Riêng Nguyên Hồng – người mà lúc nào Thi Hoàng cũng coi như người cha tinh thần của mình, Thi Hoàng nhận xét kỹ hơn: “Ông tốt tính, thương người lắm. Cho dù rất nghèo nhưng ông rất hay chia sẻ vật chất với mọi người và gọi đó là những lần “giải khượt” (chữ dùng của Nguyên Hồng).

Nói về mình và thơ mình, Thi Hoàng gần như là tâm sự: “Người viết rất cần có kiến văn, sự từng trải, giao lưu. Tôi cứ hồn nhiên, máu mê mà viết, không kỳ vọng danh tiếng, cố gắng tìm ra độ ăn nhập giữa tâm hồn cá nhân và lý tưởng của thời đại. Nếu Thanh Tùng hồn vía, Hoàng Hưng lý tính thì tôi ở khoảng giữa và bao giờ run rẩy thì viết. Làm thơ, tránh nhất là làm dáng và quá quan trọng việc mình làm”.

Thi Hoàng tâm sự tiếp: “Tôi làm thơ có nghề, có thể viết được nhiều kiểu. Nhưng nhiều khi tôi nghĩ: Lạ thì lạ lắm nhưng lạ để khó tiếp cận, để không chia sẻ được thì lạ để làm gì!”.

Khi tôi nhận xét: “Thơ anh cứ bao giờ giản dị thì sâu sắc, dường như đây là một sự giản dị khó làm” thì Thi Hoàng cười. Ông bảo: “Trong sáng tác, giản dị = kiến văn đạt tới một độ nào đấy + sự trải nghiệm đạt tới một độ nào đấy + tay nghề. Nhưng cần phân biệt: Giản dị rất khác với đơn giản”.

Tôi hỏi: “Lấy bút danh là Thi Hoàng. Nhiều người nghĩ, nghĩa của nó là “vua thơ”?”. Thi Hoàng cười cười: “Không phải. Chỉ có nghĩa thuần túy là người họ Hoàng làm thơ thôi! Tên khai sinh của mình là Hoàng Văn Bộ mà!”

Với tôi, ông là một kho kiến thức về nghề thơ. Ông rất hay dùng hai từ “lý cố” để cắt nghĩa sự tồn tại của một bài thơ, một tập thơ, một dòng thơ. Ông nói về nghề thơ cũng thật giản dị và sâu sắc: “Thơ dẫu có đặc như một khối thủy tinh thì cũng rất có một kẽ hở dù mỏng như lưỡi dao cạo để người đọc có chỗ mà lách vào; làm thơ, nói một cách đơn giản nhất, như kiểu chế biến một món ăn, một khi đã không có nguyên liệu (thịt lợn chẳng hạn) thì đừng nói gì đến việc chế ra các món luộc, món nướng, món xào… mà làm gì; khi làm thơ, người làm thơ phải có sẵn một cách nói, chứ không phải loay hoay tìm cách nói; ở mỗi tác giả, thơ rất cần sự đột biến”…

Thi Hoàng là lính trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1971 ở mặt trận B2 (Quảng Trị và giáp ranh Lào). Ấy là thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Một lần, “dính” bom B52, ông phải vào nằm ở một trạm quân y dã chiến ở Khăm Muộn (Lào). Rồi ông bị thất lạc đơn vị và đương nhiên, hậu quả kèm theo là thất lạc hồ sơ. Khi xuất viện, một cô y tá hỏi: “Anh cấp bậc gì?”. Thi Hoàng hồn nhiên, thành thật trả lời: “Chỉ binh nhì thôi!”. Cô y tá cười: “Vậy thì em “phong” cho anh là binh nhất. Cũng chẳng ghê gớm gì, chẳng qua để có suất thâm niên”. Kể đến đây, Thi Hoàng bật cười: “Mình lên binh nhất là nhờ một em y tá đấy chứ! Sau này ra quân, cấp bậc vẫn chỉ có thế!”.

Năm 1971, ông trở về địa phương, công tác ở Sở Văn hóa – Thông tin Hải Phòng, rồi đến năm 1975 thì chuyển sang Hội VHNT Hải Phòng. Ông bảo: “Mình là kẻ sĩ, không thích hợp làm quản lý. Vậy mà không hiểu sao, cho dù chỉ thuộc diện “bạch đinh” mà có lúc cũng leo lên được chức Phó tổng biên tập Tạp chí Cửa biển.

Về chuyện yêu đương của vợ chồng Thi Hoàng thì thật đơn giản. Đến tận năm 45 – 46 tuổi, ông vẫn thích vuốt ve cái sự cô đơn của mình. Đến năm 47 tuổi, ông “cưới vợ liền tay”. Vợ ông là con một người bạn của một người bạn ông. Hai người gần như “đồng vai phải lứa” về mặt tuổi tác. Cho nên, phải đến mấy năm, ông mới sử dụng đúng đại từ nhân xưng giữa con rể và bố vợ. Cũng không biết có phải vì thế không, mà thơ tình của Thi Hoàng thường đượm màu và mùi lý tính: “Anh gọi em từ bùn lầy cho đến nhụy sen/ Gọi em trong lần vỏ cây sau mưa còn thấm nước/ Trong tiếng kèn đưa đám ma tiễn đưa người đã chết/ Tiếng kèn như những ngón tay khốn cùng sờ soạng trái tim anh/ Trong tiếng côn trùng êm ả mượt như nhung/ Trong chiếc giày bỏ lại bên đường sau cuộc chiến/ Anh đứng trên mũi dao của những người lương thiện/ Mà gọi em, em hỡi ở phương nào?”.

Đặng Huy Giang
.
.