Người ký Nghị định tổ chức đào tạo lực lượng Công an là một nhà thơ nổi tiếng

Thứ Sáu, 11/06/2021, 08:24
Nhà thơ Huy Cận (tên thật là Cù Huy Cận) là người ký Nghị định số 215-NV/NĐ ngày 25-6-1946 thành lập các trường lớp huấn luyện Công an đầu tiên. Ngày 25-6 đã được lấy làm ngày truyền thống của Học viện An ninh nhân dân.


Còn một vài tuần nữa sẽ đến ngày kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện An ninh nhân dân (25-6-1946 - 25-6-2021). Khi xem Nghị định thành lập, thật thú vị chúng tôi được biết người ký Nghị định đó lại là một nhà thơ rất nổi tiếng - nhà thơ Huy Cận. 

Nhiều người biết đến nhà thơ Huy Cận là Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân ngày 2-9-1945 và trong phái đoàn đại diện cho chính quyền cách mạng tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại, nhưng có lẽ còn ít người biết đến nhà thơ Huy Cận lúc ký Nghị định thành lập Học viện An ninh nhân dân giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. 

Bộ Nội vụ được giao quản lý ngành Công an thời điểm đó (tại Điều 3 Sắc lệnh số 23/SL ngày 21 tháng 2 năm 1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa về thành lập Việt Nam Công an Vụ quy định: “Việt Nam Công an vụ sẽ do một ông Giám đốc điều khiển, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Nội vụ”).

Nhà thơ Huy Cận.

Lần lại quá trình hoạt động của nhà thơ Huy Cận trong những năm đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, thì điều bất ngờ hơn nữa chúng tôi lại thấy nhà thơ Huy Cận có liên quan đến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và liên quan đến công việc của ngành Công an.

Ngay từ những ngày cuối của năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL ngày 31-12-1945. Tại Điều thứ nhất của Sắc lệnh này cử ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Ban này gồm 2 ông: Ông Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận. Theo Điều 2 Sắc lệnh số 64-SL ngày 23-11-1945  do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thành lập Ban Thanh tra đặc biệt thì: Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền “Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát;  Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử. Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt”.

Với quy định này, ta thấy ở đây bóng dáng của một điều tra viên “cao cấp nhất” khi Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt có quyền hạn, nhiệm vụ “điều tra”, “hỏi chứng”, “bắt giam” bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi.  Và trong cuốn “Hồi ký song đôi”, nhà thơ Huy Cận đã viết “chúng tôi đã về Hưng Yên và cách chức vài cán bộ cấp tỉnh vì chiếm tài sản của công; về Hà Nam, vào xem xét nhà giam và cho thả mấy người có tội nhẹ chỉ đáng phạt kỷ luật hành chính. Chúng tôi còn về Thanh Hóa xử lý những vụ tương tự… Cụ Bùi và tôi với sự giúp đỡ đắc lực của anh Nam (đồng chí Hoàng Hữu Nam, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ) và đã cố gắng làm theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch: xử lý đích đáng một số vụ để an lòng dân, và đề cao kỷ cương của chính quyền cách mạng”.

Và cũng chính nhà thơ Huy Cận với cương vị thành viên Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (theo quy định lúc đó và theo Hiến pháp năm 1946, thành viên Chính phủ gồm cả Bộ trưởng và Thứ trưởng) đã  đại diện cho ngành Công an trả lời chất vấn trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội và lịch sử ngành Công an vào ngày 31-10-1946.

Ảnh chụp Sắc lệnh số 64-SL ngày 23-11-1945.

Theo Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa I, phiên trả lời chất vấn đầu tiên của các thành viên Chính phủ trong lịch sử vào ngày 31-10-1946, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cù Huy Cận đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác của ngành Công an, về vụ án xảy ra ở phố Ôn Như Hầu. Đây cũng là những tháng ngày mà vận mệnh quốc gia, dân tộc đang đứng trước những thử thách sống còn, các thế lực phản cách mạng, Việt Cách, Việt Quốc tìm mọi cách chống phá bằng nhiều thủ đoạn thâm độc.

Với vụ án xảy ra ở phố Ôn Như Hầu, theo cuốn “Hồi ký song đôi”, nhà thơ Huy Cận đã kể về việc ông đã cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến hắc điếm Ôn Như Hầu sau khi ra chỉ thị cho Công an truy lùng bọn hắc điếm. Đây là vụ án thu được chiến công đặc biệt xuất sắc trong lịch sử của ngành Công an. Ngày phá vụ án này (12-7-1946) được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân.

Chúng ta cùng xem lại Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa I dưới đây để biết thêm phần trả lời đanh thép của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cù Huy Cận trong phiên trả lời chất vấn lịch sử đó.

“Ông Cù Huy Cận thay Huỳnh Bộ trưởng trả lời các câu hỏi chất vấn trước Quốc hội. Các câu hỏi về hành chính trong Nam Bộ, việc hợp tác xã trị an không có chi là quan trọng; Quốc hội chú ý đến mấy câu hỏi:

Yêu cầu Bộ Nội vụ cho biết rõ về việc bắt các đại biểu Quốc hội Quốc dân đảng.

(Ông Cù Huy Cận trả lời - LTS): “Có mấy đại biểu Quốc dân đảng bị bắt như ông Lê Ninh, Hoàng Ngọc Bách, Phan Kích Nam, Vũ Đình Tri đều có tài liệu rõ ràng. Những ông này trước khi bắt được hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội và đã được thỏa thuận. Tất cả những người này đã can vào tội trực tiếp hay gián tiếp dự vào các cuộc bắt cóc tống tiền như vụ Ôn Như Hầu”.

Nhà thơ Huy Cận quả thật có duyên với ngành Công an và để lại những dấu mốc đặc biệt cho ngành, với 3 sự kiện đầu tiên của ngành: Ông là người đầu tiên thực hiện chức năng của một “Điều tra viên cao cấp nhất”; ông là người ký văn bản thành lập các trường, lớp huấn luyện Công an đầu tiên; và ông là người đầu tiên đại diện cho ngành Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội.

Trao đổi với anh Cù Thu Anh, con trai nhà thơ Huy Cận hiện là Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, anh cho biết sau này, dù với cương vị Phó trưởng Ban Nội chính Chính phủ, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ hay Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa nghệ thuật… nhà thơ Huy Cận còn nhiều dịp làm việc, phối hợp với ngành Công an, nhưng ông luôn tự hào khi nhắc lại những năm tháng trực tiếp gắn bó với ngành thời kỳ bảo vệ chính quyền Cách mạng những năm 1945-1946, đặc biệt là ký Nghị định 215/NV-NĐ hình thành các trường lớp đào tạo huấn luyện cán bộ Công an cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Học viện An ninh nhân dân, chúng tôi tin rằng Học viện An ninh nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng với sự nghiệp vẻ vang mà các thế hệ đi trước đã nỗ lực dày công xây dựng, vun đắp bằng lòng yêu nước, thương dân, bằng trí tuệ, tâm huyết và xương máu.

Bình Minh
.
.