Có một Trịnh Thanh Sơn bé nhỏ và dịu dàng

Thứ Tư, 03/10/2007, 07:30
Nghe tin nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lâm trọng bệnh đã lâu nhưng mãi gần đây tôi và nhà thơ Bùi Việt Mỹ mới có dịp đến thăm. Loay hoay mãi không tìm được nhà, cực chẳng đã tôi đành gọi điện thoại cho ông trong tâm trạng vừa hồi hộp vừa lo sợ.

Bởi chợt nhớ đến bài thơ ông viết khi phải xóa số điện thoại của nhà văn Hòa Vang trong danh bạ điện thoại bởi nhà “dây thép” khẳng định “thuê bao quý khách vừa gọi không có” - vì chủ nhân đã sang thế giới bên kia nên không kết nối được.

Thật bất ngờ, sau mấy hồi chuông, giọng ông oang oang: “Linh Khiếu hả, ở đâu đấy, vào đi, vào đi, quên rồi à, số 21 ngõ 75... quay lại đi, có người ra đón nhá”. Tôi mừng quá. Trí tuệ còn minh mẫn sáng suốt, âm lượng còn vang lắm, khí lực còn cường thịnh. Thế này thì chưa thể nguy được.

Thấy chúng tôi vào ông mừng lắm. Ông tự chống tay ngồi dậy, cười rất tươi rồi giới thiệu trang trọng với mọi người. Vẫn cái phong cách tự tin, ồn ào của nhà thơ họ Trịnh, nhưng hôm nay cái cái ồn ào ấy không còn hùng dũng đầy uy lực nữa.

Ông đã bị con bạo bệnh của mình khuất phục. Trịnh Thanh Sơn to cao vật vã và hào hùng luôn làm chủ diễn đàn hôm nào không còn nữa, chỉ còn lại một nhà thơ nhỏ thó, da bọc xương yếu ớt và dịu dàng cuộn tròn đau đớn trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ hẹp với đôi mắt long lanh khát vọng sống nhưng mang nhiều tín hiệu bất thường.

   *

*    *

Với những nhà thơ xuất hiện cùng thời Đổi mới như chúng tôi, Trịnh Thanh Sơn là nhà thơ thế hệ đàn anh - tên tuổi đã nổi trên văn đàn lâu rồi. Tôi còn nhớ, vào một chiều tối ánh điện tỏ mờ nơi quán rượu vỉa hè hiu quạnh trên đường Nguyễn Du - chúng tôi - mấy nhà thơ trẻ cùng nhau uống rượu suông và đang cao hứng bàn những đại sự thi ca đổi mới thì có hai nhà thơ trung niên xuất hiện.

Sau khi chạm cốc và giới thiệu, một người cao to, trắng trẻo, mũi thẳng, mắt sắc, mặt dữ nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Ông nói: “Linh Khiếu hả. “Đôi mắt nai” rất được, “Tháng tư” rất trong, “Giọt mưa đến sớm” có dự báo. Nội lực tốt, có học, thơ hứa hẹn lắm, hứa hẹn lắm, uống đi”.

Tôi giật mình kinh ngạc. Một kẻ mới chập chững bước vào làng văn, vừa được in ba, bốn bài trên báo, nghe các nhà thơ tên tuổi đàn anh nói thế thì sợ lắm. Lại càng sợ hơn bởi cái giọng đanh gọn của ông nhà thơ cao to vật vã này.

Ông không thèm biết tôi nghĩ gì, giở túi lấy ra một tập sách, cây bút. Và bất ngờ nói: “Anh cho mày một tập thơ. Thơ này gần thơ của chú lắm. Thơ Nguyễn Nhược Pháp đấy. Con quan to có học cũng lãng mạn và trong vắt như mắt nai của chú. Hay lắm, về đọc đi”. Tôi vô cùng cảm kích trước thái độ cởi mở, chân tình và đàn anh của ông. Hình như đấy là năm 1986.

Người ta nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Sau buổi gặp ấy, mãi khoảng 10 năm sau tôi và nhà thơ họ Trịnh mới có nhiều dịp thường xuyên gặp nhau và trò chuyện. Đó là thời kỳ tôi hay qua lại 51 Trần Hưng Đạo. Ở đó có các nhà thơ Lê Huy Quang, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha. Buổi trưa chúng tôi hay ngồi uống bia hơi Hà Nội với nhau.

Cũng chính qua dịp này tôi có điều kiện giao du, tiếp xúc nhiều hơn với các nhà thơ đàn anh này và nhiều nhà thơ khác như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật... Trong những dịp giao du ấy, Trịnh Thanh Sơn hầu như không bao giờ có tiền và ông thường đạp xe đạp hoặc đi xe ôm đến cơ quan. Từ đó, đi đâu mọi người chở ông đi.

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn trong vòng tay bè bạn. Ảnh: N.Đ.T.

Tôi là một người rất hay chở ông đi nhậu. Ông cao to mà tôi thì nhỏ bé nên mỗi lần tôi chở ông phải rất cẩn thận. Nhất là khi lên xuống xe, nếu không cứng tay là đổ xe ngay. Ông ngồi ngất ngưởng phía sau tôi, cao hơn tôi một cái đầu, trông rất ngộ nghĩnh.

Khi mọi người uống bia thì Trịnh Thanh Sơn cao hứng gọi rượu ngồi tu một mình. Khi đó tôi chợt nhớ đến câu thơ rất ấn tượng của ông: “Anh ngồi rót biển vào chai”. Đó là câu thơ mang nặng tính cách của ông và thơ ông.

Một kiểu cách ngang tàng, bất chấp, một mình một kiểu, không giống ai. Điều này trong thơ thì rất hay. Nhưng trong những cuộc rượu thì đôi khi nguy lắm. Mỗi khi Trịnh quá chén thì các bạn nhậu về “mo”.

Bình thường Trịnh Thanh Sơn rất hiền lành và ôn hòa. Tính ông phóng khoáng cởi mở nên chấp nhận được nhiều phong cách thơ và cá tính khác nhau. Khi nhậu quan điểm của ông uống là chính, vui là chính và rất ít quan tâm đến những chuyện quan trọng như cơ quan và thời sự văn chương.

Ông hò hét nhau nâng cốc cùng uống và đôi khi rượu sương sương cao hứng ông hát rống lên những ca khúc như “Trường ca sông Lô”, “Suối mơ”, “Người Hà Nội”, “Tình ca”... ngay giữa quán bia đông người như một ca sĩ thực thụ. Tôi phải nói thật, giọng ông cực vang và ấm. Nếu theo nghiệp cầm ca tôi tin Trịnh chắc chắn cũng thành danh không kém gì làm thơ.--PageBreak--

Trịnh Thanh Sơn kể, khi còn ở Khu gang thép Thái Nguyên, ban đầu ông làm thơ nhưng có một người bạn thân sau khi đọc kỹ thơ ông đã khuyên ông nên tập trung vào truyện ngắn. Nghe theo, ông đã nhiều năm say sưa với truyện ngắn.

Nhưng rồi tôi thấy thơ mới là tạng của ông và tính cách ông là tính cách một nhà thơ. Tính cách ngang tàng, bất chấp luật lệ thơ cũ mòn ta rất hay gặp ở các nhà thơ xứ Thanh. Thành tựu của thơ ông chủ yếu là ở sự đẩy lên cao độ tính cách này.

Thơ Trịnh Thanh Sơn phía sau những tuyên ngôn hào sảng, ngang tàng, phóng khoáng, phá cách, khôi hài là một tâm cảm xa xót, chân tình và ân hận. Đọc thơ ông chả hiểu sao tôi nhận thấy ở nhiều bài phảng phất tâm trạng áy náy, ân hận. Đó thực là một tâm hồn mỏng manh, yếu đuối âm thầm trú ngụ trong một cơ thể vạm vỡ, cường tráng.

Trịnh Thanh Sơn được các nhà thơ và bạn yêu thơ cả nước yêu quý còn vì ông là một nhà phê bình thơ tâm huyết. Ông đặc biệt say mê viết phê bình, giới thiệu thơ, bình phẩm thơ hay và kể chuyện tản mạn nghề thơ.

Hai tập “Đi dọc cánh đồng thơ” là tuyển chọn một phần những bài viết về thơ và các nhà thơ của ông. Ông rất kỳ công tìm ra những điều hay nét đẹp ở các tập thơ để ca ngợi, cổ vũ, động viên và góp ý chỉ bảo cho các nhà thơ. Phê bình của Trịnh Thanh Sơn là phê bình đẹp.

Có lần tôi hỏi ông: “Sao toàn khen thế?”. Ông bảo khen khó lắm. Cả trăm tập thơ, mới có một tập khá, cả một tập thơ khá chỉ có đôi bài thơ, đôi câu thơ hay phải tìm ra mà khen, mà động viên chứ. Cái thằng làm thơ trời đày khốn nạn lắm, không ai nuôi nó sống, bỏ tiền ra in thơ thế mà không động viên nó thì thôi lại còn đánh đấm, vùi dập nó à.

Nói thế nghe buồn quá. Mình cũng là cái thằng làm thơ khốn nạn như thế”. Trịnh Thanh Sơn là thế. Quan điểm phê bình thơ của ông là thế. Ông cứ viết thế và rất nhiều người lọt vào mắt ông được ông động viên.

Tập “Hoa Linh” của tôi cũng được ông viết cho đôi dòng quý báu khi mới ra đời. Ông viết cho ai ông thích, không kể già trẻ, trai gái, dân hay quan, nổi tiếng hay còn vô danh... Cứ như thế rất nhiều người trọng ông, yêu ông, quý ông và trở thành tri kỷ của ông.

   *

*    *

Trò chuyện cùng tôi và nhà thơ Bùi Việt Mỹ, ông rất tự tin, bình thản và khôi hài. Cách nói chuyện, xoay xở và thần thái của ông thấy rõ ông chẳng sợ gì thần chết. Nhưng cũng lộ ra cái cách của người đang đối diện thần chết và bản thân không còn nhiều thời gian sống nữa.

Đó là chưa phải là trạng thái yên nhiên tự tại của các minh triết trước lẽ sinh tử. Ông bảo: “Mình là cái tay mải chơi. Làm việc nhiều mà rượu bia, bè bạn còn nhiều hơn”. Nói rồi ông cười ầm lên thích chí. Mắt nháy tôi rất tinh quái - ánh mắt sắc nhuốm chút âm phần.

“Linh Khiếu chở anh đi chơi nhiều... hay lắm... hay lắm đấy”. Chuyện thật khó kể. Ấy là ông nhớ và tiếc những lần sau khi rượu đã lơ mơ, tôi và Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Quang lên Hồ Tây nhậu nhẹt tiếp. Những chuyến nhậu này tôi biết chắc bây giờ nằm đây không đi được, nhớ lại ông tiếc và thèm lắm.

Ông kể, có ông thầy (cũng là nhà văn) nói ông chỉ còn vài ngày nữa thôi. Nếu “qua được” may ra thêm được thời gian nữa, không thì là đi ngay. Nghe vậy, tôi cầm tay xem chỉ và khớp tay, xem tóc gáy và giở kính nhìn sắc trán và môi ông. Tôi khẳng định trong vòng một hai tháng nữa không có chuyện gì hết.

Ông nói nếu thế thì theo ông thầy kia sẽ kéo dài được kha khá. Tôi nói khá khá cũng không dài lắm đâu, chỉ một năm là cùng. Ông hồ hởi nói to lên: “Nếu được một năm thì quý hóa quá. Thế thì nhất. Cầu được thế thôi”. Vợ ông nói: “Chị cũng nghĩ như em chứ làm gì lại chỉ còn vài ngày nữa anh Sơn đã đi, chưa có biểu hiện gì đâu. Người sắp đi có nhiều dấu hiệu lắm”.

Tôi khẳng định anh chị cứ yên tâm. Chưa có chuyện gì xảy ra đâu. Trước khi “đi” nửa tháng các khớp tay sẽ thâm tím, tóc gáy đụng vào rụng cả mảng, ngang trán xuất hiện sắc xanh xám, quanh môi trên xuất hiện vành xanh nhợt... lúc ấy thì đóng áo quan được rồi.

Ông phấn chấn ra mặt và gọi người nhà chụp ảnh chung với chúng tôi. Rồi ông nắn nót ký tặng tôi và Bùi Việt Mỹ mỗi người một tập thơ tuyển và tập hai tập lý luận phê bình “Đi dọc cánh đồng thơ 2”.

Trời đã tối chúng tôi xin phép về, ông nói: “Nằm nhà buồn lắm. Khi nào rỗi đến chơi nhá”. Tôi nói: “Trước khi bác đi thế nào em cũng đến”. Ông nói: “Đến chơi nhá, nằm một mình buồn lắm”.

Bùi Việt Mỹ xin phép chọn in một chùm thơ của ông trên báo Người Hà Nội. Ông nói: “Linh khiếu viết cho anh một bài tản mạn chuyện anh em mình hay bia rượu ấy. Viết nhá”.

Tôi hứa viết một bài tản mạn và biết Trịnh Thanh Sơn đang nằm thắc thỏm chờ xem tôi có tiết lộ một bí mật “đáng sợ” nào của Trịnh không.

Hà Nội, 28/8/ 2007

Nguyễn Linh Khiếu
.
.