Chuyện chưa kể về nhà văn Nguyễn Công Hoan

Thứ Hai, 20/11/2006, 11:00
Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong văn viết cũng như trong cuộc sống hàng ngày thường rất dí dỏm. Chính cái “khiếu” hài hước ấy cũng đã lan tỏa tới con cháu.

Tôi đến gặp anh Nguyễn Trường Đại tại nhà riêng ở phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội. Anh là cháu nội của nhà văn Nguyễn Công Hoan – một nhà văn trào phúng bậc thầy.

Theo anh Đại kể, giờ đây cứ mỗi dịp con cháu của ông hội ngộ tại nhà anh, mỗi người góp một chuyện vui về cha ông mình, làm cho không khí cuộc gặp càng thêm rôm rả. Sau đây là những chuyện anh Đại kể với tôi.

Chuyện xảy ra ở nhà 66 Thợ Nhuộm

1.

 Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhà ông Nguyễn Công Hoan ở 66 Thợ Nhuộm (nằm trong trụ sở Báo CAND hiện nay). Hồi đó, giáp tường nhà ông Nguyễn Đức Thuận (hiện nay là nhà ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam), gia đình đào một cái hầm tránh bom. Có lần máy bay Mỹ đến, bà Yến (vợ ông Hoan) gọi hết con cháu xuống hầm, nhưng ông Hoan vẫn đứng “hiên ngang” ngửa mặt lên trời nhìn máy bay địch. Bà hốt hoảng gọi: “Ông ơi, xuống đi, không máy bay nó bắn chết bây giờ đấy!”. Bà không ngờ ông bảo: “Bà yên tâm, nó có nhìn thấy tôi đâu mà nó bắn”. Đó là cái lý của nhà văn trào phúng, coi việc sống chết cứ như chuyện chơi!

2.

Một lần, anh Cảnh sát khu vực Công an phường Trần Hưng Đạo đến nhà gặp ông Hoan để kê khai bổ sung về hộ khẩu, lý lịch. Đến mục “Trình độ văn hóa”, ông Hoan khai là “đọc thông, viết thạo”. Anh cảnh sát khu vực tròn xoe mắt thắc mắc: “Thưa bác, bác là nhà văn lớn mà khai như thế này, liệu có khiêm tốn quá không?”. Ông Hoan nói: “Ghi đúng đấy. Tôi hồi trước học theo văn bằng của Pháp chỉ tương đương hết phổ thông bây giờ. Tôi từng chỉ là thầy giáo tiểu học. Nhưng bây giờ nhiều trường đại học vẫn mời tôi giảng bài cho các thế hệ sinh viên. Theo anh, tôi nên khai như thế nào?”.

Ông trêu bà

Năm 1968, chiến tranh ác liệt. Đang học lớp một, tôi cùng ông bà và ba anh chị em của tôi sơ tán về quê bà nội ở thôn Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Hàng ngày, bà nấu cơm cho ông và các cháu ăn. Ông nghiện thuốc lá, thỉnh thoảng uống rượu. Nhất là lúc có chuyện gì bận tâm, ông lại nhâm nhi chén rượu.

Một hôm, ông dọn cái mâm ra, mang một chai nước trắng rót ra chén, giả vờ ông cháu uống rượu để... trêu bà. Ông bảo các cháu ngồi vòng tròn, đưa cho mỗi đứa một chén. Lúc bà từ nhà bếp đi lên, thấy ông ngồi uống “rượu”, bà nghĩ, hôm nay có chuyện gì đây? Bà nhìn kỹ, thấy mỗi cháu một chén, bà “tá hỏa” kêu lên: “Trời đất, ông lại còn đầu độc chúng nó nữa à?”. Ông giả vờ nghiêm nét mặt, bảo: “Bà! Tôi có việc suy nghĩ, tôi phải uống”. Bà nói: “Thế nhưng sao ông lại cho chúng nó uống ruợu?”. Ông làm bộ bực mình bảo: “Bà nói nữa, tôi đổ hết rượu bây giờ”. Nói rồi, ông đùng đùng đứng dậy, đổ hết “rượu”. Bà sợ quá. Lũ trẻ chúng tôi không nhịn được nữa, cười phá lên. Lúc này bà mới biết ông... trêu bà!

Ông làm bà... hỉ hả

Tính ra, nhà văn Nguyễn Công Hoan phải vào nằm viện vài đợt. Khi nằm viện, ông cũng có phần áy náy về vợ ông. Chả là sau khi ông xuất bản cuốn tự thuật “Đời viết văn của tôi”, bà đọc mãi mà chẳng thấy ông nhắc gì tới bà. Bà buồn lắm. Đang nằm trên giường bệnh, một hôm ông tâm sự với bà: “Bà biết không, đời tôi mà nếu không gặp bà thì không thể viết văn được cho đến bây giờ. Cho nên trong sự nghiệp của tôi có một nửa của bà”. Nghe ông nói thế, bà cảm động rơi nước mắt. Bà vui và hỉ hả lắm.

Đặt tên đệm theo kiểu... nhà văn

Dòng tộc của nhà văn Nguyễn Công Hoan có cách đặt tên đệm rất lạ. Lẽ thường, các dòng họ khác đặt tên đệm là “Văn” (nam), “Thị” (nữ) hoặc tên đệm khác thống nhất trong dòng họ đó. Nhưng cách đây khoảng hơn 100 năm, dòng họ của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã thống nhất quy ước đặt tên đệm là “Đức, Đạo, Công, Tài, Trường, Thiên, Thế, Tộ”. Cứ một đời thì lần lượt đặt một tên đệm.

Như vậy, bậc ông của ông Hoan đặt tên chữ “Đức” (ông Nguyễn Đức Liên). Bố của ông Hoan lấy đệm chữ Đạo. Ông Hoan lấy đệm chữ “Công” (Nguyễn Công Hoan). Con ông Hoan đặt đệm chữ “Tài” (ông Nguyễn Tài có tên khai sinh là Nguyễn Tài Đông, ngang hàng có Nguyễn Tài Dư, Nguyễn Tài Anh...). Cháu nội của ông Hoan lấy đệm chữ “Trường” (anh tôi là Nguyễn Trường Thống Nhất, tôi là Nguyễn Trường Đại...). Chắt nội của ông Hoan lấy đệm là “Thiên” (như: Nguyễn Thiên Tùng, con trai của tôi). Tiếp theo đời sau đặt đệm là “Thế”, rồi “Tộ”. Theo quy ước, khi đến “Tộ” thì quay lại chữ “Đức”.

Theo gia tộc cho biết thì người có sáng kiến đặt ra quy ước này là cụ Nguyễn Đức Liên, tức ông nội của ông Hoan. Ý nghĩa của tám chữ đệm là: Có đạo đức, có tài năng thì tiếng tăm được lưu truyền trên thế gian này mãi mãi. Sinh thời, ông Hoan cũng rất tâm đắc cách đặt tên như vậy. Cách đặt tên đệm này còn hay ở chỗ anh em trong dòng tộc dễ nhận ra nhau. Vì thế, khi đi ra ngoài xã hội, thấy người nào đệm một trong tám chữ ấy, mà quê gốc ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thì đích thị là... anh em họ hàng! Qua cách đặt tên đệm để giáo dục cho các thế hệ gia tộc chúng tôi rèn luyện phấn đấu để giữ thanh danh đó

Bùi Quang Hào (ghi)
.
.