Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2007):

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”

Thứ Năm, 08/02/2007, 15:00
Năm Đinh Hợi 1947, giữa lúc “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông”, tại vùng căn cứ Việt Bắc hùng vĩ, dưới bút danh X.Y.Z., bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một cuốn sách nổi tiếng nhan đề: “Sửa đổi lối làm việc”.

Nội dung cuốn sách đề cập nhiều vấn đề cơ bản về Đảng cầm quyền nhằm làm cho Đảng vững mạnh bằng kiến thức, bằng chính sách sử dụng cán bộ, bằng đạo đức Cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Cuốn sách đã cuốn hút sự chú ý từ cán bộ lãnh đạo cao cấp đến mọi đảng viên bình thường. Ai ai cũng tìm thấy ở đó những lời khuyên bảo chân tình, nghiêm khắc và mở ra cho mọi người nhìn thấy hướng đi lên một cách sáng rõ hơn.

Chương I: Phê bình và sửa chữa

Bác ân cần căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (1). Trong chương này, Bác dành chủ yếu cho đề mục: Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng, trong đó, tác giả quan tâm đến bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi của cán bộ, đảng viên.

Theo Người: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông... Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi... Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông... Chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”.

Bác phân tích sâu sắc bệnh hẹp hòi: “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v... đều do bệnh hẹp hòi mà ra!... Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra...

Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, không muốn học những ưu điểm của người khác... Họ quên rằng: chỉ đoàn kết trong Đảng, Cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước.

Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết... Không được xa rời dân chúng. Xa rời dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại...

Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi v.v..., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” (2).

Chương II: Mấy điều kinh nghiệm

1- Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Mọi việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định.

2- Chính sách thì đúng, cách làm thì sai. Muốn lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu, v.v... thì trước hết phải đào tạo ra những người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó (3).

3- Không biết nghiên cứu kinh nghiệm tận gốc. Công việc gì bất kỳ thành công hay thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng (4).

4- Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái. “Bác nêu câu hỏi: “Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái?”. Và Bác đã trả lời: “Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ” (5).

5- Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?... Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng.

6- Sát quần chúng, hợp quần chúng... Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v... của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” (6).

Sáu điều kinh nghiệm nêu trên đã được Bác đúc kết thành bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chương III: Tư cách và đạo đức cách mạng

Mở đầu phần này, Bác khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài... Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác... Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư” (7).

Bác còn nghiêm khắc phê phán những cán bộ, đảng viên chưa “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chủ nghĩa cá nhân sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm như: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh hiếu danh, bệnh kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ.

Chương IV: Vấn đề cán bộ

Về chính sách cán bộ. Bác căn dặn phải chú ý mấy việc dưới đây: “Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ".

“Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng” (8).

Vấn đề “Khéo dùng cán bộ”, Bác viết: “Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:

1- Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

2- Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.

3- Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình” (9).

Về vấn đề “Cất nhắc cán bộ”, Bác nhấn mạnh: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không thể đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại” (10).

Chương V: Cách lãnh đạo

Mở đầu phần này, Bác viết: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng... Ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình” (11).

Chương VI: Chống thói ba hoa

Bác viết: “Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn” (12).

"Sửa đổi lối làm việc" là một tác phẩm lý luận kinh điển nổi tiếng thể hiện nét rất riêng của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

"Sửa đổi lối làm việc" là một tác phẩm gối đầu giường đối với mọi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.

Chú thích:

(1), (2), (3), (4), (5), Hồ Chí Minh Toàn tập – NXBCTQG-H-1995-T5-tr từ 231 đến 243.

(6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) Sđd - T5 - tr từ 247 đến 299

Nguyễn Xuyến
.
.