Cho người yêu hái làm quà tặng nhau

Thứ Ba, 17/09/2013, 08:00
Một vài kỷ niệm với nhà thơ Xuân Diệu

Tên tuổi nhà thơ Xuân Diệu thì cả nước ít ai là không biết đến. Tôi thuộc nhiều thơ ông và nghe tên ông khá sớm, biết "lý lịch" ông là: "Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong / Ông đồ Nho lấy cô làm nước mắm" như ông đã "tự bạch" trong thơ. Bố ông quê Hà Tĩnh, mẹ quê ở Bình Định, ông nói đùa gia đình ông đã thực hiện "thống nhất đất nước khá sớm".

Tôi gặp nhà thơ Xuân Diệu lần đầu trong lễ Tổng kết cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969, tổ chức vào tháng 3 năm 1970. Hình như ông là Trưởng ban Chung khảo cuộc thi thơ năm đó. Ông đọc rất kỹ các bài được giải, nên khi nghe tôi nhắc đến "Bài thơ nằm võng" của mình, ông nói được ý của mấy câu thơ trong bài. Sau lễ Tổng kết, những người đoạt giải còn ở lại Hà Nội mấy ngày để các báo chí, nhà xuất bản mời gặp gỡ và liên hoan. Tôi còn thấy nhà thơ Xuân Diệu nhiều lần, nhưng thấy từ xa, không chuyện trò được.

Đến tháng 6 năm 1971, Hội Nhà văn tổ chức Hội nghị những người viết trẻ tại Hà Nội. Hội nghị kéo dài trong mấy ngày ở hội trường của Đảng Dân chủ, gần Nhà hát Lớn. Tôi nhớ nhất đêm uống bia ở 65 Nguyễn Du. Đó là lần tôi được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cùng uống bia hơi, cùng nói chuyện vui. Nhà văn Nguyên Hồng nói rằng, tất cả các cột đèn ở Hà Nội đều là "mùi xoa" của nhà văn Ngô Tất Tố. Anh em hỏi tại sao, Nguyên Hồng giải thích: "Nhà văn Ngô Tất Tố mắc bệnh viêm mũi, nên hàng ngày nước mũi cứ chảy ra. Ông không có mùi xoa, hễ mũi chảy ra là vắt mũi bôi vào cột đèn, biến cột đèn thành mùi xoa". Anh em khoái chí vỗ tay cười ran. Bỗng nhiên Xuân Diệu cao hứng đọc to:

Bia hơi, bia ở nơi đâu
Bia rằng em ở gốc ngâu đấy mà!

Rồi ông đứng dậy cầm cốc đi về phía thùng bia hơi đặt cạnh gộc ngâu, gần chân cầu thang lên gác..

Trong Hội nghị viết văn trẻ lần ấy, nhà văn Nguyễn Đình Thi nói một câu làm tôi nhớ mãi. Câu đó đại ý rằng, các bạn là những vốn quý của đất nước trong việc sáng tác văn học. Nhưng có một điều cũng cần lưu ý, do cuộc chiến tranh đang diễn ra, rất có thể nhiều nhân tài về văn học đang ở mặt trận, không có điều kiện về hội nghị, nhưng chính họ lại là những nhà văn, nhà thơ cho tác phẩm lớn sau này! Nhà thơ Xuân Diệu rất tâm đắc lời của nhà văn Nguyễn Đình Thi và bổ sung thêm: Chính thủ khoa Phạm Tiến Duật cũng không về dự hội nghị được.

Tháng 10 năm 1972, tôi được Quân đội và Hội Nhà văn cho về dự lớp bồi dưỡng sáng tác khóa 5 ở Quảng Bá. Đầu năm 1973, một hôm nhà thơ Anh Ngọc rủ tôi đến thăm nhà thơ Xuân Diệu. Nhà của Xuân Diệu ở 24 Điện Biên Phủ (trước gọi là phố Cột Cờ), như có lần Xuân Diệu giới thiệu:

Nhà tôi 24 Cột Cờ
Ai yêu thì tới, ai lờ thì thôi!

Sự thật Xuân Diệu hàng ngày thường phải tiếp quá nhiều khách hâm mộ, nên nhiều khi ông cũng ngại. Biết thế nên tôi chần chừ khi nghe Anh Ngọc rủ, nhưng Anh Ngọc bảo rằng, chính Xuân Diệu mời anh đến và ông có nhắc đến tên tôi. Thế là tôi làm suất "ăn theo". Ngôi nhà đó là một biệt thự nằm trong một khuôn viên vuông vắn. Xuân Diệu ở một phòng ở tầng một. Cùng chung với ông trong khu biệt thự này là gia đình nhà thơ Huy Cận. Thì ra Xuân Diệu khá quý Anh Ngọc và tôi nên tâm sự hết sức cởi mở và đọc khá nhiều thơ về tình yêu cho chúng tôi nghe. Ông nói rằng, ông ước làm được một quyển từ điển thơ về tình yêu, với bất cứ một tâm trạng nào của người đang yêu như thương nhớ, giận hờn, trông ngóng…đến việc đợi em về ăn cơm hay lai em sau xe đạp…đều có thơ của ông cho họ đọc. Tôi hỏi ông khi nào thì hoàn thành "từ điển thơ" đó, ông nói rằng đã viết được nhiều rồi, nhưng không biết khi nào mới hoàn thành được, vì quá nhiều trạng thái phải viết. Ông bảo rằng, từ bây giờ (1973) cho đến khi từ giã cõi trần, ông tự giao cho mình nhiệm vụ đó. Sau buổi gặp gỡ đó, trong bài thơ tặng ông tôi có hai câu:

Ước mơ trọn vẹn cuộc đời
Thơ làm từ điển cho người đang yêu

là muốn nói ý ấy.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi không được gặp nhà thơ Xuân Diệu, dù thỉnh thoảng vẫn thấy ông trong các cuộc hội nghị. Tháng 8 năm 1985, có cuộc Hội thảo về Văn học Thiếu nhi tổ chức ở 51 Trần Hưng Đạo. Tôi dắt xe vào sân thì nhà thơ Xuân Diệu chặn lại:

- Vương Trọng đấy hả? Để anh xem ngón tay hút thuốc bị cháy ở nhà anh đã khỏi chưa nào?

Thì ra ông vẫn nhớ bài thơ tôi tặng, và cố ý nhắc lại câu thơ: "Thuốc thơm cháy đến tận tay/ Gió dừng bên cửa, nắng say mé tường".

Xuân Diệu đã qua đời khi chưa hoàn thành "Từ điển Tình yêu", nhưng những gì ông đã viết vẫn ở mãi với đời, đặc biệt là đối với những người đang yêu.

Nhân nhắc lại những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Diệu, tôi xin giới thiệu kèm đây bài thơ tôi viết tặng ông sau lần đầu tiên được đến thăm nhà ông: 

Thơ anh mãi mãi là hoa 

                     (Kính tặng nhà thơ Xuân Diệu) 

Ngồi nghe anh Diệu đọc thơ
Chén trà để nguội bao giờ không hay
Thuốc thơm cháy đến tận tay
Gió dừng bên cửa, nắng say mé tường
Không gian như phảng phất hương
Thời gian - một sợi yêu thương dăng dài. 

Thơ anh, anh đọc từng lời
Tưởng như đôi lứa nói cười xung quanh
Khi vui quấn quýt em anh
Một lời em hỏi cũng thành tên hoa
Sát gần vẫn thấy cách xa
Nghĩa chung khi ấy thấm hòa tình riêng
Khi hờn, trời đất ngả nghiêng
Mặt trăng muốn trả cho đêm, cho trời… 

Ước mơ trọn vẹn cuộc đời
Thơ làm từ điển cho người đang yêu
Dù khi tuổi đã xế chiều
Hồn thơ chỉ hát những điều trẻ trung
Tơ lòng vẫn sẵn sàng rung
Với cao xanh, với mênh mông đất trời. 

Cây đời mãi mãi xanh tươi
Tình yêu mãi mãi cần lời thiết tha
Thơ anh mãi mãi là hoa
Cho người yêu hái làm quà tặng nhau

Vương Trọng
.
.