Chớ lãng quên một vốn quý

Thứ Ba, 20/11/2012, 08:00
Trong sự phát triển của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, thơ ca trào phúng góp phần quan trọng làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa tinh thần, gây sự cuốn hút và ấn tượng mạnh mẽ. Dòng thơ ca này được phát triển theo hai dạng có danh và khuyết danh (hay còn gọi nôm na là dân gian)...

Nói đến có danh, ta không thể không nhắc đến những nhà thơ trào phúng danh tiếng như Tú Xương và tiếp đến sau này là Tú Mỡ, Đồ Phồn, Thợ Rèn, Lã Vọng… với những bài thơ trào phúng đặc sắc, đi sâu vào lòng người, trở thành dấu ấn trong văn học nước nhà. Một đặc điểm nổi bật là thơ ca trào phúng vừa là tiếng cười sảng khoái, vừa như một mũi tên đâm thẳng vào những thói hư tật xấu ở đời, lên án những bất công, những suy thoái của xã hội để từ đó thức tỉnh những nhân tố tích cực, đẩy lùi cái xấu, ươm mầm cho cái tốt. Trong một xã hội mà sự xuống cấp đang là một nguy cơ thì văn thơ trào phúng đả kích càng có tác dụng. Nói đến thơ Tú Xương là nói đến những đòn roi quất mạnh vào chế độ thực dân phong kiến, ở đó quan lại đa phần cam tâm làm tay sai cho giặc, hoặc là bọn bán rẻ lương tâm, chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng. Chúng ta hầu như ai cũng thuộc hai câu thơ trong bài "Giễu người thi đỗ" của ông:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Chế giễu nền giáo dục lai căng này, Tú Xương còn có bài "Vịnh khoa thi hương" cũng rất nổi tiếng với những câu:

Lọng cắm ngợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà

Sau này, Tú Mỡ trong bài tả về phố Đầm cũng khắc họa những hình ảnh tương tự:

Dưới phố rộn ràng Tây đá lính
Ngàn dâu khúc khích đĩ ve bồi

Và sâu sắc hơn là bài thơ "Dân ngu phú" lên án mạnh mẽ cái xã hội thực dân phong kiến với hàng ngũ quan lại ở đâu cũng tham lam vơ vét của dân:

Động hội họp là ngã mâm đánh chén, dĩ thực vi tiên
Hơi chi tiêu là động gió bẻ măng, lợi mình làm gốc

Bước vào thời kì vừa xây dựng XHCN ở miền Bắc vừa tiến hành đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, loại trừ những thói hư tật xấu bằng những cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thơ trào phúng ra đời để đáp ứng yêu cầu đó. Và công chúng được chứng kiến những cây bút như Thợ Rèn, Lã Vọng, Bút Châm… xuất hiện trên các báo, trong đó có các báo lớn như Nhân dân, Văn nghệ. Nói đến Thợ Rèn thì có rất nhiều bài, hầu như thơ ông có mặt thường xuyên trên chuyên mục "Chuyện lớn… chuyện nhỏ" trên báo Nhân dân. Trong bài chúc tết, ông viết đả kích những người không có tinh thần đấu tranh vì lẽ phải, ngồi đấy béo phị như quan phụ mẫu:

Không chúc loại người hiền cổ lỗ
Ngồi trên tòa rụt cổ khoanh tay
Lập trường thịt bụng bầy nhầy
Đằng đông cũng gật đằng tây cũng ừ

Có giai đoạn Đảng ta phát động cuộc vận động mọi người phải làm ăn thật thà, nâng cao hiệu suất công tác, tôi nhớ có một tác giả viết bài thơ rất hay đả kích cái căn bệnh nói mà không làm. Nói thì hay làm thì dở, nói một đàng làm một nẻo:

Nói thì như núi chon von
Làm như chuột nhắt đẻ non nhẽo nhèo

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng từng sử dụng rất sáng tạo thể loại này, biến nó trở thành vũ khí sắc bén. Trong tập thơ "Nhật kí trong tù" có nhiều bài được Bác viết theo bút pháp châm biếm đả kích.

Còn nhiều cây bút khác nữa mà trong bài viết ngắn này không thể nói hết. Đó là chưa nói đến mảng thơ ca trào phúng đả kích do quần chúng sáng tác.

Tuy nhiên có một thực tế là nền văn học chúng ta ngày càng ít đi những cây bút chuyên viết về thể loại này. Bây giờ có thể nói đốt đuốc đi tìm cũng không đâu tìm ra những cây viết thơ trào phúng như những cây bút đã kể ở trên. Rõ ràng là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của ta còn thiếu vắng họ. Đó là một điều đáng tiếc. Nói rộng ra một chút, ngay như các áp phích cổ động trước đây trong các đợt vận động xây và chống, có những tranh đả kích rất ấn tượng, mấy năm gần đây toàn thấy những băng-rôn, khẩu hiệu. Phải chăng do chúng ta đã lãng quên thể loại quý đó. Trước hết, phải thấy rằng trào phúng là một thể loại khó. Khó là bởi do yêu cầu tự thân đặc điểm của thể loại đó, làm sao nó vừa gây cười vừa mang ý nghĩa sâu sắc. Chỉ gây cười để mà cười thì cũng không được. Như một số tiểu phẩm hài trên truyền hình là ví dụ. Mặt khác nó bị áp lực từ rất nhiều phía, có khi do nhiều cách hiểu khác nhau dẫn tới những đánh giá không khách quan, vô tình làm mất đi sự sáng tạo của người cầm bút. Có lẽ vì thế mà thay cho các nhà thơ chuyên nghiệp thì thơ ca dân gian về thể loại này rất phát triển. Đi trên tuyến đường nào, ngồi ở bàn nhậu nào, trong các cuộc vui nào cũng đầy ắp tiếng cười vì những mẩu chuyện, câu thơ trào phúng lên án, đả kích những tiêu cực, những suy thoái đạo đức mà ta thường gọi là tiếu lâm. Chẳng hạn như mới đây, trong mùa Vu lan, đã có ngay những bài thơ lên án những hạng người bề ngoài tỏ ra rất có hiếu với cha mẹ nhưng bên trong thì hoàn toàn ngược lại, như mấy câu thơ sau đây "nhái" lại bài thơ trào phúng từ thời Pháp thuộc

Ra chùa dự hội Vu lan
Về nhà hỏi mẹ lau sàn hay chưa?
Mẹ hỏi thì con xin thưa
Quần áo đã giặt còn chưa lau sàn

Nó khó như vậy cho nên nếu được quan tâm thì mới có điều kiện phát triển. Tiếc rằng sự quan tâm này, mấy năm nay chưa đều, chưa mạnh. Nếu như trước đây trên các báo đều có chuyên mục thơ đả kích thì nay không báo nào có nữa. Báo Nhân dân một thời rất dài có mục "Chuyện lớn… chuyện nhỏ" tuy ở một góc sau trang 4 nhưng ngày nào cũng có thơ trào phúng đả kích. Các báo khác như báo Quân đội nhân dân, Hà Nội mới… hằng tuần đều có. Bây giờ thì rất thưa. Trên báo Người Hà Nội hoặc một số báo khác gần đây thi thoảng có đăng những chùm thơ châm biếm đả kích mà tác giả là các cán bộ về hưu có tâm huyết. Có bài hay nhưng nhìn chung nhiều bài độ nhuần nhuyễn chưa cao nên thiếu tính hấp dẫn. Nên chăng các báo cần khuyến khích các chuyên mục này in nhiều hơn các bài thơ trào phúng đả kích để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng. Cần thiết nên có chuyên mục, dành cho loại tiếng cười này một chỗ ngồi trên các trang báo.

Trong các cuộc thi sáng tác, các đợt đi thực tế, ở các trại viết chúng ta cần có những khuyến khích cho các sáng tác thể loại trào phúng đả kích, phát hiện và bồi dưỡng những cây bút có sở trường để từ đó tạo điều kiện cho họ đi sâu vào mảng đề tài này, không chỉ thơ ca mà cả văn xuôi và tranh biếm họa nữa. Văn học trào phúng đả kích tuy khó làm nhưng có một thuận lợi: Nó là món "khoái khẩu" của dân ta, ai cũng thích. Ai cũng nhiệt tình tham gia, nếu được sự quan tâm đúng mức hơn thì sẽ đem lại kết quả. Mặt khác, thiết nghĩ đây là một yêu cầu cần thiết đang đặt ra hiện nay. Bởi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thực chất là một nghị quyết chống suy thoái, loại trừ cái xấu để xây dựng Đảng thực sự trong sạch. Đó là vấn đề rất lớn đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp. Trước yêu cầu đó, rất cần những bài thơ trào phúng đả kích góp tiếng nói trong cuộc đấu tranh này

Phạm Văn Thạch
.
.