Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu:

Chim vàng bay đi, chỉ mùa thu ở lại…

Thứ Ba, 21/07/2015, 08:15
Góc vườn im vắng, chú chim sâu vẫn ríu rít trên giàn hoa giấy tím  - giàn hoa ông vẫn thường vừa chăm vừa khàn khàn hát một câu nào đó trong những ca khúc của mình. Tôi thích ngắm ông mưa rải ướt tóc, xiêu xiêu dáng gầy trong độ mùa ngâu... Năm nay, mưa ngâu chưa về, hoa cúc chưa vàng đã vắng tay người, xa ngái...

Mùa World Cup 2014, tôi còn được ngồi trong khu vườn đó nghe nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể chuyện. Một cụ già 90 tuổi, mặt sấp đất, lưng khòng, đi đứng chừng dăm bước đã dừng lại thở lấy hơi, vậy mà đêm nào cũng cùng con cháu nhập bọn hò reo với trái bóng tận 2, 3h sáng. Mỗi lần "Vào!", mấy đứa cháu nhảy tưng trên ghế sofa. Ông chỉ nhìn tụi nhỏ mà cười. Vậy mà cũng "đã lắm". Lắm khi tụi nhỏ mệt quá bỏ trận, ngủ vùi. Sáng ra, muốn biết diễn biến ra sao, cứ hỏi ông, ông có nguyên cuốn sổ ghi chi tiết từng trận. FIFA mà biết chuyện, hẳn phải phong cho ông là cổ động viên cao tuổi nhiệt tình nhất thế giới!

Lão nhạc sĩ hiền như ông Bụt ngồi trước mặt tôi  khi ấy từng vỗ ngực ngâm nga: "90 tuổi hãy còn xanh lắm/ So với ông Bành vẫn thiếu niên", rồi cười rổn rảng. Nói thế, nhưng bàn làm việc của ông vẫn đầy các loại thuốc. Cách đây 3 năm, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi. Nằm viện mấy hôm, ông về nhà điều trị.

Tôi xin ghé thăm, ông bảo: "Cháu cứ đến nhưng bác không nói chuyện được nhiều đâu nhé". Lần gặp sau, ông đã tươi tỉnh hơn, nhưng vẫn uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Vậy nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Bận, mệt nhưng bạn bè hoặc người xa lạ đến thăm, ông cũng cố gắng dừng lại để tiếp. Ông bảo: "Người ta có quý mình thì mới đến".

Với ông, cái tình nó quý lắm. Vạn thứ rồi cũng trở thành cát bụi, nhưng tình yêu thì trường tồn. Vì vậy mà những bài ca của ông luôn dạt dào yêu thương, đầy chất lãng mạn trữ tình dù đó là hành khúc rộn ràng hay bản tình ca da diết. "Hành khúc ngày và đêm", "Sợi nhớ, sợi thương", "Anh ở đầu sông, em cuối sông", "Bóng cây Kơnia", "Thuyền và biển", "Thơ tình cuối mùa thu", "Những ánh sao đêm"... là những ca khúc mãi  đi vào lòng công chúng.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Hỏi bài nào ông tâm huyết nhất, ông lại cười: "Bài nào bác cũng dành nhiều tâm huyết". Nhưng nhạc phẩm mà mỗi lần nghe ai đó hát, chợt ông lại thấy tâm can mình thổn thức là "Thơ tình cuối mùa thu", phổ thơ Xuân Quỳnh: "Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ/ Chỉ còn anh và em/ Tình ta như hàng cây/ Đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như ngọn gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em (…)/ Cùng tình yêu ở lại"…

Nghe, ông nhớ những ngày thu bên con sông Hàn lộng gió, trong vắt của mối tình đầu đầy yêu thương. Nàng tên Mộng Tân. Ông đôi mươi, nàng mười tám. Lâu lâu qua ngõ lại ghé mắt trộm nhìn rồi trót lỡ vướng tơ tình nàng hàng xóm. Yêu nhau, chẳng lời hẹn ước. Đêm buông, hai người lại ra bờ sông Hàn ngắm trăng. Gió đưa từ mặt sông mát rượi, thoảng vào những sợi tóc mây lãng đãng hương bưởi. Thu về se sắt, nàng đan tặng chiếc áo len cho ông. Cái áo ông làm mất tự khi nào, đến giờ ông vẫn chỉ ngờ một… ông bạn hay tới chơi nhà!

Chiến tranh, tình đầu tan tác. Ngày nàng đi, ông không hay biết. Ngậm ngùi câu thơ của Xuân Diệu: "Em đã nói biết bao lời/ Với cha với mẹ với người xung quanh/ Với đường phố, với cây xanh/ Sao em không nói với anh một lời?". Ông yêu mùa thu, như yêu khoảng trời hoa mộng đầy mất mát và dịu ngọt đó. Như yêu những ngày chìm trong mùa thu Hà Nội có phố dài xao xác hơi may, có lá vàng rụng rơi đường vắng. Mùa thu là dịp để cảm xúc người nhạc sĩ ấy dạt dào mà viết nên bao giai điệu.

Hiếm hoi, tôi mới được nghe ông kể về câu chuyện tình của mình. Mỗi lần hỏi đến những bóng hồng trong nhạc phẩm, ông chỉ thoảng cười: "Trong đời nhạc sĩ, ai không gặp những bóng hồng, họ gợi cảm hứng cho tôi viết nên nốt nhạc. Cũng luyến lưu đó, nhưng mọi thứ chỉ như cơn gió thoảng qua thôi". Bởi, có một tình yêu lớn đã đi cùng ông qua ngày rộng tháng dài - bà Phạm Thị Vân, vợ ông.

90 tuổi đời, 70 năm gắn bó với âm nhạc và sáng tác hơn 100 ca khúc nhưng hơn quá nửa trong số đó có lời là những bài phổ thơ. "Thơ là cô đọng, tinh hoa của ngôn từ, cảm xúc, tính hình tượng. Cho nên một bài thơ hay luôn là một tuyệt tác nói hộ cho bao điều mà con người muốn giãi bày. Cho nên tôi chỉ có cảm xúc và cảm thấy tuyệt vời nhất khi dùng nhạc chắp cánh cho thơ bay lên" - ông từng nói. Đến cuối đời, kế bên những hộp thuốc đủ loại là rất nhiều tập thơ và xấp giấy viết nhạc. Thỉnh thoảng ông vẫn nhờ con cháu chở vào nhà sách để chọn mua thơ. Không kể tác giả già trẻ, quen lạ, miễn bài thơ gợi cho ông cảm xúc, đồng điệu với tâm hồn nghệ sĩ, tự dưng nốt nhạc bật ra rồi vội vàng chép lại, sợ như nó trôi tuột đi mất.

Tuổi cao nhưng ông không thể thờ ơ trước những gì đang hiện hữu của nhạc Việt đương đại. Càng nghĩ ông lại càng buồn: "Bây giờ tụi trẻ hát cái gì tôi nghe không nổi. Toàn ngoại lai, bắt chước người ta rồi hú hét, nhảy nhót lòe khán giả. Làm ca sĩ, nhạc sĩ thời nay sao với nhiều người trẻ dễ quá". Đi đứng phải có người dìu đỡ nhưng khi có lời mời từ các hội thảo âm nhạc, ông vẫn lặn lội đến để nêu ý kiến của mình, đưa ra các giải pháp. Ông bảo mình chẳng còn nhiều thời gian nữa nên giúp sức vực nền âm nhạc nước nhà hồi thịnh được bao nhiêu thì làm. "Tôi vẫn còn món nợ, chưa sáng tác được nhiều bài hay cho quê hương của mình. Hy vọng các nhạc sĩ trẻ sẽ giúp tôi trả món nợ ân tình ấy".

Nói chuyện nghề, ông hay buồn. Mở tivi, những ca khúc do ca sĩ trẻ thể hiện lại khiến ông càng đau đầu. Đời ông gắn với âm nhạc nhưng giờ muốn làm một đĩa nhạc cho mình cũng trở nên khó khăn khi với nhiều người trẻ sao mà quá dễ. Vì thế ông đã vui biết chừng nào khi được chương trình "Tiếng hát mãi xanh" mời làm giám khảo. Ở đó, không có chiêu trò ồn ào như những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát khác, ở đó là sân chơi âm nhạc cho những người tuổi đã xế. Ông tìm ở họ tình yêu nhạc, hát cho đời mãi xanh, hát cho người thêm trẻ. Đời thắm lạ, đẹp sao khi ông ngồi vào ghế "nóng". Các thí sinh ai cũng thích cách góp ý chân thành mà hóm hỉnh, dễ thương của lão giám khảo có lẽ già nhất Việt Nam này.

Bốn ngày trước khi ra đi ở tuổi 91, ông bị sốt xuất huyết phải nằm viện. Mọi người đến thăm, ông còn vén áo khoe hai cánh tay gầy nhẳng lấm tấm vết đỏ, hồn nhiên như trẻ con. Rồi ông "năn nỉ" MC Quỳnh Hương: "Thôi cho tôi nghỉ xả hơi một buổi, dưỡng sức để tôi vô đêm chung kết và đêm Gala hai tuần tới cho nó ngon lành cái coi!".

Mọi người cười xòa, nét âu lo giãn ra trên từng gương mặt. Hăm hở, ông vỗ tay ca vang: "Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao…". Bài ca ấy như lời tuyên ngôn của cả cuộc đời và sự nghiệp của ông - "con chim vàng của âm nhạc Việt Nam". Giá như có cây đàn mandolin ở đây, ông sẽ gảy lên điệu nhạc hòa giọng. Giờ, cây đàn mandolin nơi góc tủ nằm im tiếng. Chủ nhân của nó vĩnh viễn chẳng thế gảy lên khúc tâm tình, để chờ thu về mà bật lên giai điệu mới.

Người đã "là của mùa thu cũ"...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, nguyên quán ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1940. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành, là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Năm 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Ông sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, trong đó hơn một nửa là ca khúc phổ thơ. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm dành cho thiếu nhi như: "Đội kèn tí hon", "Nhớ ơn Bác"... Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Quỳnh Nga
.
.