Chiến trường Điện Biên Phủ: Một thời “duyên” và “nợ”

Thứ Năm, 07/05/2009, 15:00
So với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, đội ngũ các nhà văn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không được đông đảo bằng. Hơn thế, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều người trong số đó cũng đã giã từ dương thế. Những bức ảnh cá nhân ghi lại giờ phút hào hùng mà họ tham gia vốn rất ít, nay cũng phai mờ theo thời gian.

Tuy nhiên, vì là nhà văn, nên điều đáng mừng là các "dấu ấn Điện Biên" đã kịp được lưu lại không chỉ trong sáng tác, mà còn trong những bài bút ký, những mẩu hồi ức sinh động của họ...

Nhà thơ Tố Hữu: Nhờ bị "nhắc nhở" mà bài thơ được nâng tầm khái quát...

Trong các thi phẩm đề cập tới cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ, đến nay, bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu vẫn là một trong những bài được nhắc tới nhiều nhất và gây ấn tượng nhất. Mặc dù bản thân tác giả từng nhận là bài thơ "có gì cũng nói tuột ra hết", và câu chữ có chỗ rườm rà, song, vẫn theo lời Tố Hữu, đây lại là "bài thơ tự do nhất, viết sảng khoái nhất" của ông.

Còn nhà phê bình văn học Hoài Thanh, sau khi nêu nhận xét bài thơ có những khúc "hơi thơ rất dài và hết sức dồn dập", "chỉ đọc lên không, cũng đã muốn đứt hơi", đã có cách nhìn nhận mà theo tôi là rất chí lý "Nhưng phải có hơi thơ ấy mới nói lên được sự hy sinh chiến đấu không phải của một người mà của hàng vạn người, không phải trong một giờ, một ngày mà suốt năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt".

Điều rất lạ là sáng tác một tráng ca tầm vóc như thế nhưng bấy giờ Tố Hữu không có mặt ở Điện Biên. Ông chỉ được giới thiệu về Điện Biên trên... sa bàn của Bộ Tổng tham mưu.

Trong hồi ký "Nhớ lại một thời" (NXB Hội Nhà văn, 2000), ông kể: "Chiến công vĩ đại này mà tôi được theo dõi từ đầu, gần như từng ngày qua tin tức từ Văn phòng Trung ương và Văn phòng Quân ủy cho tôi một cảm hứng vô cùng to lớn, để viết một mạch bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" ngay trong đêm đầu tiên được tin chiến thắng từ mặt trận điện về".

Ông còn kể: Ngay sáng 8/5, tức chỉ hơn nửa ngày sau chiến thắng, ông được gọi vào gặp Bác để báo cáo về công tác tư tưởng. Mới thấy ông, Bác đã nói nghiêm: "Đêm qua các chú làm gì mà ầm lên thế. Đánh giặc thì phải thắng. Thắng thì vui mừng. Nhưng sao lại hò reo ồn ào, náo động cả vùng Trung ương cần giữ bí mật".

Rồi Bác nhắc nhở: "Đây mới là trận thắng đầu. Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ. Vì vậy phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ hơn. Các chú phải nhớ lấy. Trong công tác tuyên truyền, không được tếu".

Chính từ những lời nhắc nhở có tính tiên báo của Bác, Tố Hữu đã viết mấy câu trong đoạn kết bài thơ: "Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên". Ngoài ra, cũng từ lời nhắc nhở ấy, Tố Hữu nảy ý sáng tác bài thơ "Ta đi tới" để "ngợi ca chiến thắng" và "gợi suy nghĩ về đoạn đường sắp tới".

Nhà văn Nguyễn Đình Thi: Tạm làm "văn công" cho Đại tướng

Trong các nhà văn thuộc lứa cầm bút trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi nằm trong số rất ít người được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ cuối năm 1953, ông đã lên đường đi Điện Biên và trong một đêm vượt đèo Lũng Lô, xe của ông bị dính bom. Chiếc xe lật ngược, xoay bốn bánh lên trời. Nguyễn Đình Thi đạp cửa xe nhảy ra, vội quá nên không hay đó là... vực sâu. May mà trong quá trình lăn dốc, ông va vào một tảng đá nên được chặn lại. Mấy người bạn đồng hành cùng ông hôm ấy, người thì bị thương, người thì chết ngạt trong xe.

Bấy giờ, Nguyễn Đình Thi được điều động vào quân đội, thuộc quân số của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308). Đại đoàn của ông đã dàn quân suốt dọc chân núi phía Tây Điện Biên Phủ. Các ông được phổ biến kế hoạch trận đánh. Tinh thần là sẽ đánh nhanh, giải quyết nhanh trong vòng 3 đến 5 ngày.

Riêng Trung đoàn của ông có nhiệm vụ "phải xuyên thẳng một mũi vào đến tận khu trung tâm, không dừng lại đánh cứ điểm nào bên đường tiến. Bất kể thương vong thế nào, dù chỉ còn một đại đội, một trung đội cũng phải xuyên vào được tới khu Chỉ huy sở của địch, cắm tại đó. Các đơn vị bạn sẽ phối hợp hai bên mà tiến vào". Nghe phổ biến nhiệm vụ như vậy, Nguyễn Đình Thi thầm nghĩ: "Thật là nhiệm vụ cho Trung đoàn quyết tử của Hà Nội năm xưa".

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cùng các văn  nghệ sĩ chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Xuân 2002).

Trong khi toàn quân đang nóng lòng chờ nghe súng lệnh thì thật bất ngờ, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thành đánh chắc, tiến chắc, giành thắng lợi. Đại đoàn 308 được lệnh đi gấp sang Lào, theo hướng Luông Pha băng, vừa để thu hút không quân địch, vừa là cách nghi binh, làm lạc hướng phán đoán của chúng. Sau đó, khi công việc hoàn tất, Đại đoàn 308 sẽ bí mật về Điện Biên Phủ. Tất nhiên lúc bấy giờ, kế hoạch này cỡ cán bộ như Nguyễn Đình Thi chưa thể biết.

Một ngày, khi tới cơ quan chính trị của Mặt trận, Nguyễn Đình Thi được thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên gặp Đại tướng. Ông cấp tốc đi theo người giao liên. Bước vào căn phòng rộng của cơ quan tham mưu, ông thấy Đại tướng ngồi ghế chủ tọa. Hai bên chiếc bàn lớn là 7, 8 cố vấn Trung Quốc. Sắc mặt Đại tướng nghiêm nghị.

Trông thấy nhà văn, Đại tướng vui vẻ: "Xin giới thiệu với các đồng chí, đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi". Rồi quay sang Nguyễn Đình Thi, Đại tướng hỏi: "Anh hát bài "Người Hà Nội" được chứ. Anh hát đi". Mặc dù bỡ ngỡ chưa hiểu sự thể thế nào, song vâng lệnh Đại tướng, Nguyễn Đình Thi đã cất tiếng hát khúc mở đầu bài "Người Hà Nội". Một tràng vỗ tay nổi lên, xen lẫn tiếng cười vui. Đại tướng tới bên Nguyễn Đình Thi, bảo: "Đại đoàn 316 sẽ làm đường, anh đến sớm ở đó, theo dõi và viết bài cho tờ báo của Mặt trận".

Sau này, theo Nguyễn Đình Thi phân tích, hẳn là trong phút căng thẳng thay đổi kế hoạch đánh địch (khác với ý của các cố vấn Trung Quốc), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi ông lên "làm văn công tạm, cho buổi họp nhẹ nhõm đi một chút".

Nhà văn Hữu Mai: Được "nguyên mẫu" cảm thông

Nhà thơ Tố Hữu trong lần trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa xoay quanh việc sáng tác bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" đã thổ lộ: "Chuyện Điện Biên ấy mà, nói thực là mình biết không nhiều lắm đâu. Cái này các cậu phải đến gặp Hồ Phương, Hữu Mai hay Từ Bích Hoàng. Các anh ấy đi chiến dịch Điện Biên, các anh ấy biết nhiều chuyện đấy".

Quả thật, Hữu Mai là nhà văn trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bản thân ông cũng có nhiều sáng tác về trận đánh này, trong đó, tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" (xuất bản năm 1961) được xem là cuốn tiểu thuyết bề thế và hấp dẫn nhất về cuộc chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ tính tới thời điểm ấy.

Sau này, với bề dày kinh nghiệm sống và sáng tác, ông còn được mời tham gia chấp bút cho các bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như "Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ" (xuất bản năm 1964) và "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" (xuất bản năm 2001).

Có một kỷ niệm gắn với chiến trường Điện Biên mà sinh thời, nhà văn Hữu Mai thường hay nhắc tới: Ấy là chuyện ông bị đồng chí Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ phê bình là để xảy tình trạng báo in chất lượng kém (hồi ấy Hữu Mai vừa là phụ trách kiêm phóng viên cho tờ báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308).

Một lần, trên đường hành quân, người được giao mang phiến đá litô (dùng cho việc in báo) của tòa soạn chẳng may trượt chân ngã xuống suối, khiến phiến đá vỡ chỉ còn một mảnh nhỏ. Bấy giờ, chờ để có phiến đá khác từ hậu phương đưa lên thì rất kích dích, thậm chí có thể chiến dịch đã kết thúc. Bởi vậy, các ông vẫn cố dùng phiến đá vỡ để in. Kết quả, chất lượng in không được như mong muốn... Sau khi nghe Hữu Mai trình bày hết sự tình, đồng chí Lê Quang Đạo đã lưu ý giải quyết cho anh em tòa soạn một phiến đá litô khổ lớn. Từ đó, công việc bài vở, in ấn tiến hành trôi chảy.

Các sáng tác của nhà văn Hữu Mai - như đánh giá của Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ Hoàng Văn Thái "trong một chừng mực nào đó, giá trị như một sử liệu". Chẳng thế mà có nhà sử học nước ngoài đã dẫn ra nhiều chi tiết trong tiểu thuyết "Cao điểm cuối cùng" để chứng minh cho những nhận định của mình về Điện Biên Phủ.

Nói vậy không có nghĩa là khi viết tiểu thuyết, Hữu Mai không tận dụng khả năng hư cấu của một nhà văn. Như trong "Cao điểm cuối cùng", từ nguyên mẫu có thực ngoài đời là Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi, ông xây dựng nên nhân vật Quế Vinh với một số tình tiết "bảy thực ba hư". Khi cuốn sách được in ra, nhà văn e ngại, luôn tìm cách tránh mặt Dũng Chi.

Sau này, nhà báo Đỗ Sâm có dịp hỏi chuyện ông Dũng Chi thì được biết, ông không hề giận nhà văn Hữu Mai. Ông tâm sự: "Mỗi người đều có cái nét riêng thể hiện nhân cách của mình dù dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng cuối cùng ta vẫn là những con người tốt, anh dũng chiến thắng bất cứ kẻ thù nào. Hữu Mai có hư cấu đôi chút. Không sao!".

Chỉ đến khi nghe được thông tin ấy, nhà văn Hữu Mai mới... hết băn khoăn

Phạm Thành Chung
.
.