Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng "chấn động địa cầu" nhìn từ phía đối nghịch

Thứ Sáu, 23/05/2014, 08:00

Với tầm vóc "lừng lẫy năm châu" và ý nghĩa lịch sử to lớn, 60 năm qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà lãnh đạo, các vị tướng lĩnh, các nhà sử học, nhà báo của nhiều nước trên thế giới.

Trước tiên, một điều khá đặc biệt là ngày càng có nhiều người Mỹ đã có những tác phẩm, bài viết có giá trị về Chiến dịch Điện Biên Phủ và vị Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học Mỹ, từng đạt giải Pulitzer STANLEY KARNOW, trong cuốn "Vietnam A History" (Việt Nam một lịch sử) đã viết:"Không có trận đánh nào trong cuộc chiến tranh của Mỹ có thể sánh ngang được với Điện Biên Phủ cho dù Tổng thống Lyndon B.Johnson, Tướng Westmoreland, và những người khác đã nhận thức sai lầm về sự tái diễn của trận đánh ở Khe Sanh đầu năm 1968. Trận đánh này là một trận nghi binh của Tướng Giáp nhằm lôi kéo quân Mỹ ra xa các thành phố ven biển để có thể tiến hành cuộc tổng tấn công.

Tướng Giáp biết rằng, người Mỹ và người Pháp hoàn toàn khác nhau, rằng ông ta không đủ mạnh để có thể thách thức với sức mạnh ồ ạt của quân Mỹ trong một trận đối đầu trục tiếp. Lần này, Tướng Giáp đã theo đuổi một chiến lược không giống với chiến lược đã dùng để chống lại người Pháp. Ông tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao và tin rằng dần dần sẽ làm suy sụp được ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ. Mối quan tâm chính của ông là thắng lợi và ít thương vong.

Tôi đã hỏi ông trong cuộc nói chuyện ở Hà Nội: "Ngài sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại Mỹ trong bao lâu?". Ông trả lời không chút do dự: "20 năm nữa, có thể hàng trăm năm, miễn là giành được thắng lợi và ít tổn thất". Vì thế, Mỹ cũng như Pháp phải chống lại một kẻ thù mà luôn coi sự nghiệp đấu tranh của họ là thiêng liêng và sẵn sàng hy sinh để giành được mục tiêu. Cần rút ra bài học đó trước khi quá muộn".

Còn Howard R.Simpson, trong tác phẩm "The Epic Battle America Forgot Potomac Books" Cuộc đối đầu mà nước Mỹ đã quên đi) nhận định: "Điện Biên Phủ không phải là một cuộc giao chiến lớn theo các điều khoản quy ước nhưng đó là một cuộc đấu trí quân sự quan trọng và là một thế giới vĩ mô của những va chạm chính trị - quân sự quốc tế nổi lên sau Thế chiến II. Đó còn là nơi thể hiện lòng dũng cảm, sự đánh giá sai lầm, sự ngoan cố và thất bại. Điều đó đã được báo trước cho quân đồn trú từ trước khi trận tấn công cuối cùng diễn ra. Khói bụi của chiến trường che lấp đi những sai lầm về chiến thuật cũng góp một phần không nhỏ vào sự thất bại này. Cuộc giao tranh quân sự đã làm thay đổi bộ mặt của Đông Nam Á và được coi như một điềm báo đối với những trận đánh tốn kém mà lực lượng Mỹ sau này sẽ thực hiện ở các khu rừng và cánh đồng lúa của miền Nam Việt Nam. Khó có thể tưởng tượng lại có sự lặp lại của Điện Biên Phủ ngày nay nhưng dù sao vẫn có cảnh báo".

Tướng De Castries và bộ tham mưu cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng (chiều ngày 7/5/1954).

Nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, Tướng William Westmoreland cũng từng tuyên bố: "Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả. Ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap)...

Học giả nổi tiếng người Mỹ Robert J.O'Neill cũng tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Tướng Giáp trong cuốn sách "General Giap - Politician and Strategist" (Tướng Giáp - Nhà chính trị và chiến lược): "Nếu như tiêu chí chọn tướng của Hồ Chủ tịch là "Đánh thắng" thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng tới 4 đại tướng của Pháp và 6 của Mỹ, chưa kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa".

Renee Montagne, nhà báo Mỹ kiêm người dẫn chương trình của đài NPR nhận định "trận Điện Biên Phủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã chấm dứt 100 năm cai trị của thực dân Pháp ở Đông Nam Á. Đối với nhiều người Mỹ, tướng Giáp được biết tới là kiến trúc sư của chiến dịch quân sự quan trọng, tạo bước ngoặt cho chiến tranh Việt Nam".

Các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp chỉ huy, tham chiến trên chiến trường Đông Dương ở thời kỳ này cũng có những hồi ức.

Tướng Henri Eugène Navarre là một tướng quân đội Pháp từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới I, Chiến tranh thế giới II và là Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Khi nhận chức, vị tướng quân đội Pháp đã tuyên bố đầy tự tin: "Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng (ở Việt Nam) giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm"… Khi Navarre nhận ra mình đang bị mắc kẹt, ông ta liền kêu gọi sự giúp đỡ.

Mỹ, quốc gia viện trợ gần 400 triệu USD để Pháp thực hiện kế hoạch Navarre đề xuất sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Việt Minh. Navarre nhận xét: "Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị - quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một Ủy ban Trung ương mà người Tổng chỉ huy, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công".

Henri Navarre: "Le moment de vérité" (Thời điểm của sự thật), NXB Plon, Paris, 1979. Trong cuốn sách "Indochine en agonie" (Đông Dương hấp hối), Tướng Navarre còn thú nhận: "Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó đã hoàn toàn không tham dự...".

Nói về đường lối chính trị và nội bộ Chính phủ Pháp ở thời kỳ đó, Navarre phải cay đắng thốt lên: "Nhưng than ôi! Tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối… Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương (ông Dejsean là người thứ 6) và tổng chỉ huy (tôi là người thứ 7). Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả". Năm 1956, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn sách "Đông Dương hấp hối" đổ lỗi thất bại của ông này ở Đông Dương cho bản chất hệ thống chính trị, các trí thức, chính trị gia, nhà báo và các nhà hoạt động chủ nghĩa cộng sản của Pháp.

Tướng De Castries là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm kiêm chỉ huy cao nhất của quân Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ. Ngày 7/12/1953, De Castries (lúc bấy giờ còn đeo lon đại tá) được Cogny và Navarre chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị đương đầu với một cuộc tiến công. Có người hỏi Navarre vì sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ cho một đại tá (ý ông ta là đáng lẽ phải là cho một viên tướng)? Navarre trả lời: "Cả tôi lẫn Cogny đều không trông lon mà xét người nên cũng chẳng sùng bái gì lắm mấy ngôi sao cấp tướng.

Tôi khẳng định: Trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries". Khi xét tới sự tương quan lực lượng và khí tài giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp, De Castries khẳng định: "Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến thành vị tướng giỏi đâu".

Tướng De Castries đã phải thốt lên rất thành thực rằng: "Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông".

Cuối cùng, đài phát thanh uy tín Mỹ NPR dẫn lời giáo sư lịch sử quân sự Cecil Currey (Mỹ), tác giả của cuốn sách "Victory at any cost" (Chiến thắng bằng mọi giá) nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ông ấy sánh ngang với các nhà chỉ huy quân sự vĩ đại nhất trong hơn 2.000 năm qua. Ông ngang tầm với Alexander đại đế, vĩ đại hơn Napoleon, vượt trội hơn tất cả các tướng của chúng ta. Ông ấy là một trong những vị thống soái, là một con người vĩ đại của mọi thời đại". Hoặc Peter MacDonald, một nhà sử học người Anh đã đánh giá Đại tướng trong cuốn "The Victor in Vietnam GIAP: "Đó là một trong những người hiếm hoi của thế giới này đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử". 

Kênh truyền hình CNN (Mỹ) vừa có một loạt bài đặc biệt về vị "Đại tướng huyền thoại" Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, CNN còn quyết định khai thác lại kho tư liệu của mình là những bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể từ năm 1996 đến nay. CNN đã trích lại lời trả lời phỏng vấn của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên giáp: "Chúng tôi cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng quân đội Pháp và cả sự can thiệp của người Mỹ - vì trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 80% chi phí chiến tranh là do người Mỹ viện trợ. Người Mỹ đã có tay trong trận chiến đó. Vì vậy, thất bại ở Điện Biên Phủ là một thất bại cho cả người Pháp và người Mỹ"

Giang Hà Vỵ
.
.