Chỉ tại bề ngoài

Thứ Hai, 30/03/2009, 15:00
Mỗi lần từ quê Nam Định lên Hà Nội, nhà văn Trần Quốc Tiến đều mang đủ bộ complê, kính trắng, cặp da bóng loáng, tuy rằng trong cặp chỉ có văn thơ chứ chả bao giờ có nhiều tiền. Thế mà đi đến đâu là kẻ cắp theo sau đến đấy. Lần nào cũng bị rạch cặp.

Bọn kẻ cắp tưởng lầm ông là một Tổng giám đốc. Chúng bám sát cho đến khi rạch được cặp mới thôi. Không thấy tiền mà chỉ thấy sách báo và giấy, chúng cười rồi nhấm nháy nhau bỏ đi.

Hiện nhà văn còn giữ 16 cái cặp bị rạch. Có một lần lên Hà Nội dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Thanh Niên, xuống tàu vào giữa trưa, ông vào một quán cơm nhỏ. Thấy khách cắp cặp bước vào, dáng vẻ đĩnh đạc, sang trọng, hai cô gái bán hàng chào mời đon đả.

Khách chỉ gọi cơm, canh, đĩa đậu phụ và một chai bia Tàu loại nhỏ. Khi khách ngồi ăn thì hai cô ngồi hai bên phe phẩy quạt, mặc dù xung quanh đều có quạt máy. Trần Quốc Tiến ung dung ngồi ăn và cũng lấy làm lạ. Vốn tính ưa hài hước, nhà văn cứ gật gù khoái trí. ăn xong, nhà văn liếc hai em và hỏi giá tiền (ông đã nhẩm tính là hết khoảng hơn hai chục ngàn đồng). Một em tặng nhà văn nụ cười rồi đáp lời dịu dàng:

- Một trăm hai chục ngàn, anh yêu ạ.

Nhà văn giật thót, hỏi lại:

- Hả? Bao nhiêu?

- Một trăm hai, anh yêu ạ...

Khách ăn tròn xoe mắt:

- Thế là thế nào? Cơm, canh, đậu phụ với chai bia Tàu nhỏ mà bằng tạ thóc à?

- Thế ai ngồi hầu quạt cho quan Tổng giám đốc?

- Hả? Tổng giám đốc nào?

- Còn Tổng giám đốc nào! Chúng em nhìn anh là biết ngay anh mới đi Tàu đi Tây về, căng phồng một cặp tiền, tiếc gì chúng em trăm bạc! Mà công chúng em quạt cho anh cũng đáng gấp mấy...

- Nhưng tôi không phải là tổng giám đốc mà là nhà văn...

- Thì là quan chức nhà văn chứ gì?

- Không không...

Trần Quốc Tiến cố cãi nhưng không nổi. Nhà hàng lúc đó không có ai khác, biết nhờ ai xác nhận cho mình là dùng những món gì. Ông đành phải móc hết túi trên túi dưới mới đủ tiền trả.

Dự họp xong, nhà văn Trần Quốc Tiến phải ngược lên nhà số 4 Lý Nam Đế nhờ cậy ông bạn nhà thơ cùng quê Nguyễn Đức Mậu mới có tiền tàu trở lại nhà

.
.