Chê thế vẫn chưa...giận

Thứ Tư, 15/07/2009, 09:00
Lê Tri Kỷ thuộc lớp nhà văn đàn anh, rất có công trong việc gây dựng đội ngũ những người viết trẻ trong ngành Công an. Đã có một số cây bút tên tuổi trưởng thành từ sự nâng đỡ, chỉ bảo tận tình của ông.

Tuy nhiên, không biết có phải vì quan điểm "yêu cho roi cho vọt" mà sinh thời ông từng hạ bút viết những dòng nhận xét cay nghiệt trên lề bản thảo của một số tác giả, khiến họ mãi xem đó như một thứ "đòn đau nhớ đời". Và trường hợp xảy đến với nhà văn Tôn Ái Nhân là một ví dụ.

Theo một bài viết của nhà văn Phan Quế in trên báo Văn nghệ Công an số tháng 2/2004 thì trong thời gian nhà văn Tôn Ái Nhân viết cuốn tiểu thuyết tư liệu "Trinh sát nội thành", anh đã được bậc huynh trưởng Lê Tri Kỷ (bấy giờ phụ trách phòng sáng tác văn nghệ của Bộ Công an) nhúng tay sửa chữa khá nhiều.

Và, trong một lúc bức xúc, ông đã phê vào bản thảo của Tôn Ái Nhân một câu: "Nếu tôi chết sớm hoặc tôi bị tâm thần thì đó là phải đọc Trinh sát nội thành của văn hào Tôn Ái Nhân". Thậm chí "trên những trang bản thảo của Tôn Ái  Nhân ông đọc, ông sửa, những chỗ viết ông không vừa ý, ông đã từng đề: Lên giọng văn, viết dở ẹc như...".

Cũng vẫn liên quan đến chuyện thái độ của nhà văn Lê Tri Kỷ đối với bản thảo của Tôn Ái Nhân, ở một giai thoại khác, một tác giả khác cho biết: Trong một lần hai thầy trò cùng đi vệ sinh, nhà văn Lê Tri Kỷ vừa vạch quần... "tướng lên đài" vừa buông lời chê trách: "Văn cậu viết yếu... Yếu lắm...".

Cứ đi kèm mỗi nhát vẩy là một nhận xét cộc cằn như thế. Và cái  cách chê bai thô lỗ, lại diễn ra tại một nơi... không lấy gì làm "lịch sự" đã khiến cây bút trẻ Tôn Ái Nhân tự ái cực độ. Nó trở thành mối thâm thù anh mãi mãi khắc cốt ghi xương.

Người viết bài này không có vinh hạnh được quen biết nhà văn Lê Tri Kỷ, nhưng lại có thời kỳ làm việc dưới "trướng" nhà văn Tôn Ái Nhân nên mới thoạt nghe những chuyện trên, đã ngay tắp lự tìm đến nhà anh để tìm hiểu thực hư.

Khác với điều tôi hình dung, nhà văn Tôn Ái Nhân tỏ ra xởi lởi khi đề cập tới nội dung bài viết đăng trên Văn nghệ Công an. Anh xác nhận về cơ bản, những tình tiết mà nhà văn Phan Quế đưa ra là có thật. Tuy nhiên, anh cũng xin bổ sung là, trước đó, ngay ở bản thảo sơ khởi của cuốn tiểu thuyết "Trinh sát nội thành", nhà văn Lê Tri Kỷ cũng đã có "bút phê" mà giọng điệu xem chừng còn "cay" hơn.

Nguyên văn: "Nhà văn Tôn Ái Nhân muốn thắng Mỹ chỉ bằng gậy tầm vông nên anh đã viết một cuốn tiểu thuyết thể loại văn học phức tạp nhất - với bút pháp và cách nghĩ, cảm xúc đơn điệu, sơ lược nhất của một anh chàng mới tấp tểnh viết báo hàng ngày". Dưới những dòng nhận xét trên, ông đề rõ ba chữ "Lê Tri Kỷ".

Về trích đoạn nhà văn Phan Quế đã dẫn, anh Nhân đưa tôi xem bản bút tích của nhà văn Lê Tri Kỷ mà hiện anh còn lưu giữ, có khác mấy chữ. Nguyên văn như sau: "Nếu tôi chết sớm một năm hoặc loạn óc sớm đi một năm thì đó là do phải đọc và sửa chữa tác phẩm văn vẻ này của Tôn Ái Nhân".

Theo anh, nói "do đọc và sửa chữa" thì chính xác hơn là chỉ nói "đọc" không, bởi thực tế điều làm Lê Tri Kỷ "bực" nhất chính là vì ông mất quá nhiều công sức sửa chữa bản thảo này, mà chủ yếu là những chỗ chấm phẩy lung tung do tay nghề của tác giả lúc ấy còn non. Chứ về phương diện nội dung thì theo Tôn Ái Nhân, cuốn tiểu thuyết tư liệu của anh đọc khá hấp dẫn.

Đó là lý do khiến sau này nó được tái bản thêm một số lần và đoạt giải Hồ Gươm của Hội Văn Nghệ Hà Nội. Ngoài ra, trong đoạn nhận xét trên, Lê Tri Kỷ không dùng chữ "văn hào Tôn Ái Nhân", mặc dù ở ngoài đời, từng không dưới một lần ông đùa giỡn gắn cho anh "danh hiệu" đó.

Câu chuyện làm tôi nhớ lại, là ở NXB Công an nhân dân (nơi anh và tôi công tác trước đây), nhiều người thường đùa gọi nhà văn Tôn Ái Nhân là "Tôn văn hào". Chắc hẳn không phải vì anh mắc bệnh... vĩ cuồng, mà chỉ đơn giản là anh mang họ của... văn hào Nga Tônxtôi.

Riêng về chuyện ai đó "giai thoại" rằng bậc trưởng lão Lê Tri Kỷ đã cất lời chê bai "văn tài" của Tôn Ái Nhân ngay trong buồng vệ sinh, nhà văn Tôn Ái Nhân tỏ ra rất bực bội:

- Tay nào đưa chuyện vậy là tầm bậy, ác ý. Sự thật chỉ có thế này, mà là do chính tớ kể chứ đâu: Hôm đó, ông Lê Tri Kỷ cùng ông Minh Tiến - Thứ trưởng Bộ Công an gặp nhau ở buồng vệ sinh. Nói thật, cuốn sách của tớ lúc mới in ra bị Bộ không cho phát hành vì có nhắc tới một nhân vật đang thuộc diện nghi vấn, nên ông Kỷ tiện đó mới hỏi ông Tiến: "Nên xử lý với cuốn sách của Tôn Ái  Nhân thế nào?". Ông Tiến vừa vẩy... lên tường vừa nói: "Thôi, bảo cậu ta xóa tên người kia là được".

Chuyện chỉ có vậy, ông Kỷ kể lại cho tớ nghe với ý mọi sự ngỡ phức tạp nhưng gặp "thời vận" có thể lại giải quyết rất đơn giản. Thế mà có tay nào ác ý "xuyên tạc" ra thế kia. Lại còn dựng chuyện tớ "thù" ông Kỷ. Nếu thật lòng như thế, làm sao tớ còn trân trọng giữ nguyên bút tích của ông Kỷ. Không tin, tớ sẽ viết hẳn một bài kể lại công lao của ông Kỷ cho các cậu xem...

Nói là làm, chỉ ít ngày sau, nhà văn Tôn Ái Nhân đã gửi cho chúng tôi bài hồi ức "Tôi đã viết tiểu thuyết tư liệu Trinh sát Hà Nội như thế nào?" với nhiều chi tiết ca ngợi công lao dìu dắt của bậc thầy Lê Tri Kỷ. Bài này đã được đăng trọn một trang khổ lớn trên Văn nghệ Công an số tháng 8/ 2005

Hà Hải Hưng
.
.