Kỷ niệm 68 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946-1/11/2014)

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...

Thứ Sáu, 21/11/2014, 08:00
Tôi vẫn nhớ cảm giác vui vui khi lần đầu tiên được thấy tên mình in trên Báo CAND, ở mục "Hộp thư bạn đọc". Ngày ấy, tin bài không được đăng, các báo đều hồi âm ở mục này và cuối mục nhấn một câu đầy khích lệ: "Tòa soạn trân trọng cảm ơn và mong các bạn tiếp tục cộng tác". Rồi vài tuần sau, từ cảm giác vui vui tôi đã sung sướng và hạnh phúc vô ngần khi lần đầu tiên được đăng bài trên Báo CAND trong số báo ra cuối tháng 10/1994...

Nửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đang là một Thiếu úy trẻ măng của Công an tỉnh Long An. Ngày ấy, đời sống báo chí của đất nước chưa sôi động. Nhật báo chỉ có vài tờ như Nhân dân, Quân đội nhân dân... Báo Công an TP HCM tuần 2 kì. Còn Báo CAND tuần ra 1 kì, sau thêm số Chủ nhật và Đặc san tháng. Cho đến một hôm, xuất hiện Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (tháng 1/1995) và đúng dịp 19/8/1996, ra mắt tờ An ninh Thế giới - ấn phẩm chuyên đề của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an...Yêu mến các ấn phẩm của báo chí CAND, tôi cũng tập tọe viết báo và đến một ngày tôi trở thành nhà báo, cùng góp sức với những người tôi vốn mến mộ trong ngôi nhà chung Báo CAND hôm nay.

Tôi vẫn nhớ cảm giác vui vui khi lần đầu tiên được thấy tên mình in trên Báo CAND, ở mục "Hộp thư bạn đọc". Ngày ấy, tin bài không được đăng, các báo đều hồi âm ở mục này và cuối mục nhấn một câu đầy khích lệ: "Tòa soạn trân trọng cảm ơn và mong các bạn tiếp tục cộng tác". Rồi vài tuần sau, từ cảm giác vui vui tôi đã sung sướng và hạnh phúc vô ngần khi lần đầu tiên được đăng bài trên Báo CAND trong số báo ra cuối tháng 10/1994. Tròn 20 năm, tôi vẫn giữ được tờ báo này và vẫn nhớ tít bài (chính xác hơn là một cái tin sâu): "Công an tỉnh Long An tích cực phòng, chống lũ lụt". Đến khi truyện ngắn đầu tiên "Bình minh dâng" được đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an) và những phóng sự đầu tiên trên Báo CAND, An ninh Thế giới, thì tôi đã "cứng cáp" hơn nhiều trong nghề.

Thi thoảng, tôi từ Long An về TP HCM, đến thăm Cơ quan đại diện Báo CAND tại số 6 Phạm Ngọc Thạch và nhân thể lĩnh nhuận bút. Lần đầu bước chân vào cổng tòa soạn, là một căn biệt thự cũ gần Hồ Con Rùa, tim tôi đập thình thịch, rộn ràng như lần đầu đến nhà người yêu. Tôi đã nhận được sự khích lệ nhiệt tình và trước nhất của chị Tuyết Nga, khi đó làm thủ quỹ, trực tiếp chi trả nhuận bút. Chị khen tôi chịu khó và khuyên tôi hăng hái viết để có thêm thu nhập. Các nhà báo Hà Thế Cương, Phương Nam, Trần Kim Thẩm, Công Trường, Võ Việt Dũng đều tay bắt mặt mừng động viên tôi. Những khi tôi không lên tòa soạn được, các anh chị còn chủ động gửi nhuận bút cho tôi qua đường bưu điện; trong thư chuyển tiền, bao giờ tôi cũng nhận được vài dòng cảm ơn và khích lệ… Sau này, tôi cũng nhiều lần được gặp gỡ, giúp các anh lấy tư liệu tại một số đơn vị của Công an tỉnh Long An.

Một số nhà văn, nhà báo dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I. Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Tuấn, nhà văn Trần Thanh Hà, nhà thơ Thảo Phương, tác giả và nhà văn Phùng Thiên Tân. (ảnh chụp tại Đồ Sơn, Hải Phòng, tháng 3/1997).

Khoảng giữa tháng 2/1997, một hôm tôi bất ngờ nhận được công văn từ Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, mời dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I. Người kí công văn là Đại tá Phạm Văn Dần, quyền Tổng cục trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (sau này là Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND). Tôi mừng quýnh khoe với Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh, người chỉ huy trực tiếp. Anh vui vẻ khích lệ tôi: "Chú lên báo cáo anh Thành Út (khi đó là Chánh Văn phòng Công an tỉnh Long An - P.V). Đây là cơ hội tốt đấy!". 

Sự kiện đó đúng là một bước ngoặt quan trọng với cuộc đời tôi. Từ Long An, tôi đi tàu lửa ra Hà Nội. Trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an và An ninh Thế giới gồm 5 căn phòng nho nhỏ ở tầng 1, tòa nhà 92 Nguyễn Du - Hà Nội (thuộc trụ sở Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, nay là cơ ngơi chung của Báo CAND, Tạp chí CAND và Nhà xuất bản CAND). Người đầu tiên tôi gặp là nhà văn Nguyễn Như Phong. Anh cười rổn rảng và lời anh khiến tôi nhớ mãi: "Trần Duy Hiển đây à. Trẻ măng thế này mà tao cứ tưởng già lắm rồi!".

Tòa soạn tấp nập người ra vô, đông vui và ấm áp. Anh Như Phong giới thiệu mọi người đang có mặt ở tòa soạn, đều là những gương mặt lạ với tôi nhưng cái tên thì đã rất quen thuộc qua các trang viết: các nhà thơ Phan Quế, Đặng Vương Hưng và một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo là cộng tác viên thân thiết của Tòa soạn như Vương Trọng, Văn Chinh, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Tuấn, Trần Thanh Hà… Lát sau, Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước xuất hiện. Anh bước phăm phăm vào phòng và nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lẹm rồi gật đầu đáp lại lời chào của tôi. Anh Hữu Ước ngày đó còn rất trẻ, mái tóc hầu như chưa điểm sợi bạc.

Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I diễn ra trong tháng 3-1997, sau thời gian đi thực tế khoảng mươi ngày tại Công an một số đơn vị, địa phương, các cây viết tập trung tại Nhà khách Hải Yến - Bộ Công an (Đồ Sơn - Hải Phòng) hoàn thành tác phẩm trong khoảng một tuần nữa. "Giám thị" trại là nhà thơ Phan Quế, trực tiếp lo việc ăn nghỉ, đốc thúc anh em hoàn thiện tác phẩm và thẩm định sơ bộ. Có lẽ đó là một trong những trại sáng tác vui vẻ nhất xưa nay mà tôi được tham dự. Đến đâu chúng tôi cũng được lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ đón tiếp trọng thị, thân tình; được thấu hiểu những vất vả, hi sinh thầm lặng của anh em, kể cả những trớ trêu, ngang trái của cuộc đời mà họ không dễ gì nói ra. Tôi ở trong nhóm đi thực tế tại Công an TP Hải Phòng, cùng với các nhà văn Văn Chinh, Trần Tự. Chúng tôi được hưởng một sự chăm sóc đặc biệt cả vật chất và tinh thần để thoải mái trổ tài trên "cánh đồng chữ nghĩa". Những người chịu trách nhiệm chính tổ chức trại sáng tác như nhà văn Hữu Ước, nhà văn Nguyễn Như Phong, nhà thơ Đặng Vương Hưng đều đặn đi lại giữa Hà Nội - Hải Phòng để chăm lo các nhà văn dự trại. Nhờ trại sáng tác này mà một anh chàng tò te vào nghề viết như tôi được gặp những tên tuổi trên văn đàn đương thời như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Vương Trọng, Lê Lựu, Triệu Bôn, Tô Ngọc Hiến…Tôi cũng được giao lưu, học hỏi từ những cây viết trẻ của lực lượng Công an khi đó như Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Tuấn, Trần Thanh Hà, Nguyễn Hồng Lam…  Đến mùa thu năm 1999, Bộ Công an mở tiếp Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần II tại thành phố biển Nha Trang. Tại đây, tôi được gặp lại những gương mặt quen thuộc, khả kính và những cây viết trẻ như nhà văn Như Bình, các nhà báo Đoàn Xuân Tuyến, Phan Đình Minh…

Sau khi dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I, tôi trở lại Công an tỉnh Long An và niềm vui như nhân lên bội phần khi những bút ký, truyện ngắn - được thai nghén, khích lệ từ trại sáng tác - lần lượt được đăng. Tuy không được giải khi tổng kết nhưng tôi đã trưởng thành về nhiều mặt và thêm yêu và tự tin với nghề viết. Xét nguyện vọng và năng lực của tôi, cuối năm 1997, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND quyết định điều động tôi từ Công an tỉnh Long An về công tác tại Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND, một tờ tạp chí chuyên ngành trực thuộc Tổng cục. Từ đây, tôi cộng tác thường xuyên và hiệu quả hơn với Báo CAND, An ninh Thế giới và Văn hóa - Văn nghệ Công an.

Ngày đầu về Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND, tôi có chuyến công tác tại Công an tỉnh Nam Định nhân các hoạt động tổng kết 50 năm CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948 - 1998). Tối hôm ấy trong bữa cơm tại nhà khách Công an tỉnh Nam Định, ngẫu nhiên tôi ngồi cùng bàn với một loạt các nhà báo. Sau màn chào hỏi giao lưu, tôi mới biết người ngồi bên cạnh mình là anh Phạm Văn Miên (khi đó là Thư ký tòa soạn, hiện là Tổng Biên tập Báo CAND). Anh bảo tôi: "Anh biết chú rồi, hồi trước ở Công an tỉnh Long An. Chịu khó cộng tác, viết cho bên anh nhá!". Những lời khích lệ đó, rất có ý nghĩa với một người mới vào nghề viết như tôi… Trụ sở Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND khi đó ở tầng 2, tòa nhà 92 Nguyễn Du. Tôi thường xuyên sang Báo CAND (66 Thợ Nhuộm) nhờ anh Đặng Văn Lân (khi đó là Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn, hiện là Phó Tổng Biên tập) trình bày maket mỗi số tạp chí. Anh Lân, đôi bàn tay rộng và rất dày với những ngón tay "khủng" nhưng mềm mại, khéo léo. Ngày ấy còn phải in ra bản can, mỗi khi sửa chữ nào, anh Lân đặt bản can lên chiếc bàn gỗ, thoăn thoắt dùng dao xén giấy cắt rồi dán vào chữ cần thay…

Đến năm 2008 thì tôi chính thức là người của Báo CAND (từ cuối năm 2003, Báo CAND trở thành tờ báo "mẹ" với các ấn phẩm chuyên đề An ninh Thế giới, An ninh Thế giới cuối tháng (giữa tháng), Văn nghệ Công an, Cảnh sát Toàn cầu tuần (tháng), CAND online.

Nhân ngày truyền thống của Báo CAND (1/11/1946 - 1/11/2014), tôi ghi lại vài kỉ niệm ngày đầu đến với Báo CAND. Trong số những cộng tác viên năm xưa của báo và những thành viên từng dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng, nhiều người đã hội tụ về Báo CAND. Chúng tôi người ở miền Bắc (nhà báo Nguyễn Tuấn, Báo An ninh Thủ đô), người ở miền Trung (nhà văn Như Bình, Đài PTTH Hà Tĩnh) và người ở miền Nam (tôi, Công an tỉnh Long An) thì nay gặp nhau hằng ngày và cùng góp sức mình vào các ấn phẩm của Báo CAND… Ngẫm lại, mọi việc đều có tiền duyên nên chúng tôi đã hợp lại với ngôi nhà chung Báo CAND hôm nay

Trần Duy Hiển
.
.