Chuyện làng văn nghệ

Cách tỏ tình độc đáo của Dostoyevsky

Thứ Tư, 19/05/2010, 11:00
Bấy giờ là vào năm 1866. Thời gian này, Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) đang tập trung hoàn thành nốt những chương cuối tiểu thuyết "Tội ác và trừng phạt" mà ông đang cho đăng tải nhiều kỳ trên tờ Người truyền tin Nga. Còn 3 tháng "dư dật" để ông dành vào việc này. Thế rồi Dostoyevsky sực nhớ tới bản hợp đồng tai ác mà ông đã ký với chủ xuất bản...

Theo hợp đồng đó, nhà văn được nhận khoản tiền ứng trước là 3.000 rúp với điều kiện: Nhượng quyền cho hắn xuất bản những tác phẩm của ông (gồm 3 tập) và phải giao cho hắn một tiểu thuyết mới dày 240 trang trước ngày1/11/1866. Hợp đồng còn ghi rõ: Ngoài khoản tiền bồi thường, chủ xuất bản có quyền in không trả tiền tất cả những gì Dostoyevsky viết trong 9 năm tiếp đó, trường hợp ông không thực hiện đúng cam kết.

Dostoyevsky rất đỗi lo lắng.

Một người bạn đã tìm cách vẽ đường cho ông:

- Hay là anh tìm một người tốc ký. Chính anh đọc cả cuốn tiểu thuyết cho anh ta ghi.

Và thế là, vào một buổi sáng lạnh giá, theo sự giới thiệu của ông thầy nổi tiếng về tốc ký, một cô gái xiêm áo xuềnh xoàng, mới vừa hai mươi tuổi đã đến gặp Dostoyevsky tại một căn hộ tồi tàn ông thuê trọ ở Peterburg.

Có thể nói, bắt đầu từ hôm đó, hai người làm việc nhiều giờ một ngày. Dostoyevsky thức suốt đêm để viết và ban ngày thì đọc ra những cái gì mà ông đã làm trong đêm trước. Đến chiều tối, trở về nhà, Anna Snitkina - tên cô gái - dịch bản tốc ký ra, chép lại thành lời văn để ngày hôm sau Dostoyevsky xem lại trọn vẹn... Cả hai đều không tiếc thì giờ và sức lực của mình.

Cuối cùng, bằng sự nỗ lực của đôi bên, ngày 30/10 năm đó (tức là sau đó có hơn ba tuần) cuốn tiểu thuyết "Con bạc" - một tác phẩm trứ danh của Dostoyevsky - được hoàn thành.

Sự cẩn thận, chính xác của Anna đã làm cho Dostoyevsky cảm thấy tin tưởng ở cô. Hơn thế, ông cũng thấy bắt đầu quý mến cô gái.

Chuyện tình của hai người bắt đầu được nhen nhóm từ đây, để tới một ngày kia...

Thấy Dostoyevsky có những biểu hiện tâm trạng bất thường, Anna bèn hỏi nhà văn hiện tại ông đang ấp ủ viết cái gì? Dostoyevsky trả lời là ông có ý định viết một cuốn tiểu thuyết mới. Và khi Anna tò mò muốn biết về nhân vật chính của cuốn sách, Dostoyevsky đáp: "Đó là một nghệ sĩ già, hay ốm đau bệnh tật". Rồi ông say sưa kể cho cô nghe về người nghệ sĩ đó như thể ông đang kể về chính ông.

Tuy vậy, đến đoạn người nghệ sĩ già gặp cô gái trẻ tuổi, tên là Anna, thì cô lại nghĩ rằng Dostoyevsky đang nói đến cô Anna nào đấy mà ông ngưỡng mộ (đã có lần kể cho cô nghe), quên khuấy rằng Anna đó cũng chính là tên mình. Đột nhiên Dostoyevsky hỏi cô:

- Giả thử, trên đường đời, ông nghệ sĩ già hay đau ốm của tôi, ông ấy có gặp một cô gái trạc tuổi cô - Ông nói và chỉ vào cô thư ký - Hoặc hơn cô một hai tuổi gì đó. Cái cô tên là Anna ấy. Liệu cô gái khác biệt về tính tình và chênh lệch về tuổi tác đó có thể yêu nhân vật của tôi không? Đấy là điều tôi muốn hỏi ý kiến cô.

- Sao lại không được? - Cô thư ký góp lời - Nếu đúng như ông nói, cô Anna của ông tốt bụng và không đỏng đảnh thì tại sao cô ấy lại không yêu người nghệ sĩ? Ông ta đau ốm và nghèo thì đã làm sao?.

Nghe Anna nói một cách cuồng nhiệt, Dostoyevsky nhìn cô xúc động:

- Và cô tin rằng cô ta có thể yêu thành thực suốt đời?

Ông im lặng như thể phân vân rồi tiếp:

- Cô hãy thử đặt mình vào địa vị cô ấy một chút... Cô hãy tưởng tượng rằng người nghệ sĩ ấy là tôi đây, tôi thú nhận tình yêu với cô và tôi ngỏ lời xin cô làm vợ. Cô hãy nói đi, trong trường hợp ấy cô sẽ trả lời tôi như thế nào?

Nhìn khuôn mặt thảng thốt đến dễ thương của nhà văn, Anna rắn rỏi đáp:

- Thế thì em sẽ trả lời rằng: Em yêu ông và em sẽ yêu ông suốt đời!

Đó quả là cuộc đối thoại "lịch sử", để rồi kết quả dẫn tới lễ thành hôn giữa Fyodor Dostoyevsky và Anna Snitkina, tổ chức vào hồi 19h ngày 13/2/1867

Lê Anh Khoa
.
.