Cách nhìn của Ngô Tất Tố với sự học và thi cử

Thứ Hai, 04/12/2006, 15:00

Đặc điểm sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố là phần lớn các tác phẩm đều đến với bạn đọc trước hết bằng con đường báo chí, sau đó một số được in dần thành sách. Trong bài viết này, những chữ đặt trong ngoặc được trích dẫn từ một bộ phận trong số gần 1.500 di tác với 29 bút danh (tính đến 2006) của tác giả do chúng tôi sưu tầm, thẩm định và biên soạn theo đúng nguyên tác.

Đây là cơ sở tin cậy để chúng tôi nghiên cứu, khôi phục, bổ sung và công bố nhiều điều khác với trước đây nhằm hoàn thiện niên biểu hoạt động, thân thế và sự nghiệp của tác giả. Tiểu thuyết phóng sự "Lều chõng", tiểu thuyết "Trong rừng nho" hay "Hồ Xuân Hương nhìn qua dã sử" (không phải là dã sử Hồ Xuân Hương) cùng hàng loạt sáng tác khác, nhất là tản văn (còn gọi là tiểu phẩm), viết về sự học và thi cử (1928-1945), là những tác phẩm ra đời trên cơ sở kiến văn sâu rộng của tác giả từ thực tế và lịch sử của Nho giáo, của giáo dục Hán học trong xã hội nước ta, không phải giới hạn từ cuộc sống riêng của gia đình. Tác giả dự thi hương, theo di bút tự kể, là do xu thế chung "đã học thì phải thi" của xã hội, chứ không như có bài báo gần đây đã viết là do "chiều ý cha ông".

Xuất thân trong gia đình nhà Nho, được đào tạo và có một quãng đời tắm mình trong văn hoá cựu học, từ nhà Hán học, chuyển mình thành nhà trí thức của thời đại, Ngô Tất Tố không lập nghiệp từ chính trường và chiến trường, mà chọn con đường lập ngôn dựng nghiệp bằng hai nghề chuyên sâu đều cầm bút là làm báo và viết văn.

Với sức mạnh của bút lực "xác chỉ" và trực diện, nhà văn hoá Ngô Tất Tố đã  khám phá và nhận diện những xung đột giữa truyền thống với ngoại lai, giữa cũ và mới, đã nêu lên các giải pháp xử thế trước các vấn đề sống còn về nhân tình thế thái giữa buổi giao thời Đông Tây và giao lưu với bên ngoài trong xã hội nước ta hồi nửa đầu thế kỷ trước. Trong toàn cảnh đổi mới, hội nhập và bước vào toàn cầu hoá hiện nay của đất nước, không ít điều vẫn giữ nguyên giá trị.

Cách làm người - đào tạo bồi dưỡng nhân tài tất là sự học

"Muốn làm một người đầy đủ đáng được kính trọng, phải biết cách làm người… Những người không có đạo đức thông thường, không đủ tri thức thông thường, thì dẫu ăn gì, ở gì, mặc gì, đi gì đi nữa, cũng không xa cách loài vật là bao".

Đối với trẻ thơ, "sự sanh hoạt ở gia đình chính là cách dự bị để bước ra con đường sanh hoạt của xã hội. Tâm trí, tính tình tất cả phải rèn đúc ở gia đình, đó là thứ tự nhiên của loài người".

Có người "tưởng lầm rằng phải nhớ nhiều sách mới là học giả" nên bắt "học trò phải đua nhau học thuộc lòng cho nhiều". "Lúc ra đời có mấy khi cần phải nhớ những điều học lúc đi thi" nhưng nếu "không học nhiều" thì đi thi khó "có hy vọng đỗ"...

"Một tâm lý lầm lỗi của học giới ta" là không coi trọng "thực nghiệp", cho "việc học là một phương pháp làm cho người ta cao quý hơn kẻ khác" và đi học "chỉ mơ tưởng những cuộc đời ngoài những nghề thực dụng" nên "luôn có nạn trí thức thất nghiệp, trong khi thực nghiệp giới thiếu người gánh vác".

"Nhân tài là bộ chủ động của giang sơn cũng như thần kinh là bộ chủ động của xác thịt", "muốn có nhân tài, bồi dưỡng nhân tài, tất phải nhờ ở sự học".

Học "phải tốn nhiều công phu" để sao cho: "bề cao phải thâu lượm từ đời thượng cổ trở xuống, bề rộng còn phải góp nhặt từ bốn phương trở về", "người ta đẻ vào đời nay mà biết tư tưởng của người xưa, sống ở xứ này mà biết công việc của người xứ khác".

Thói chuyên chế đáng sợ nhất, giỏi nhất gầm trời của phương Đông

Quốc gia đại họa "chính thức bãi bỏ hoàn toàn thi cử Hán học trên cả nước" (ở Bắc Kỳ - 1915, tại Trung Kỳ - 1918 và sớm hơn nữa ở Nam Kỳ) là cơn sét đánh, quật tơi bời cả làng Nho, khiến cho biết bao nhà Nho ngỡ ngàng "lạc bước trong thời đại mới… bơ vơ đứng giữa ngã ba đường với những cơn gió mưa cát bụi".

Giáo dục Hán học "đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng", "chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hoá, rồi chính nó lại đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong".

"Xiềng xích văn chương" là "cái đáng sợ nhất trong thói chuyên chế giỏi nhất gầm trời ở phương Đông", đã được "lưu truyền hết đời nọ sang đời kia, khiến cho kẻ bị áp chế mất hẳn đầu óc tự do, không biết là chuyên chế nữa".

Giáo dục Hán học độc quyền về sách giáo khoa, về hệ thống đào tạo, về quy chế thi cử… kể từ xã hội hoá giáo dục sơ học cho tới khảo hạch chọn người thi Hương, từ thi Hương để lấy tú tài, cử nhân và chọn người thi Hội, đến thi Hội, thi Đình để chọn tiến sĩ, bảng nhỡn, thám hoa (khoa cử triều Nguyễn)…

Mộng ước đỗ đạt để ra làm quan và những "cảnh tượng kỳ quái" sinh ra từ thi cử

Hiếu học là cái đức quý báu, có truyền thống lâu đời của dân ta, đã bị lạm dụng ghê gớm trong xã hội lấy "thi đỗ làm quan" là mục đích duy nhất cho "sự học".--PageBreak--

Thi đỗ - làm quan là con đường độc đạo, gian khổ nhưng đầy cám dỗ đã hối thúc biết bao thế hệ con dân trong nước, là mộng ước sáng ngời với biết bao danh lợi do "vua" phong và cả xã hội phải có bổn phận tôn trọng và thực thi - như những thuần phong mỹ tục - cho bản thân, gia đình, cho họ tộc, quê hương… người đỗ đạt.

Tổ chức thi cử thời phong kiến là sự kiện quốc gia đại sự. Trường thi tổ chức theo vùng lãnh thổ, cho cả vạn sĩ tử, được triển khai quy củ với hàng núi công việc từ khâu ra đề, qua các vòng coi thi, chấm thi… cho đến "xướng danh".

Nhà nước bắt tội cả thầy dạy khi trò phạm trường quy; ai được "cử làm quan trường" ở nơi có con em hay học trò dự thi thì phải tự nguyện "làm giấy" xin không nhận nhiệm vụ ở đó; ai chấm thi sai ngay từ vòng ngoài, lập tức bị đuổi; có kỳ khảo hạch "vì ăn tiền đã lấy đến sáu trăm" người đỗ, tất cả phải thi lại, kết quả "loại bỏ hơn bốn trăm"…

"Cái bả vinh hoa, cái mồi phú quý" mê hoặc lòng người với các mỹ từ quyến rũ, từ "cô khoá, chị tú, bà cử" đến "ông cống, quan nghè, cụ bảng, cụ thám"… làm cho "trong một thời gian rất dài đã hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp".

Khoa cử lôi cuốn các sĩ tử, già có trẻ có, sau bao năm "nấu sử sôi kinh", cam chịu các quy chế hà khắc đến vô lý, xô đẩy nhau, dấn cái thân "khổ hơn con chó", vào trường thi "bùn nước ngập ngụa", "sặc mùi ô uế" của "bã văn chương" để giành những tấm bằng ghi đậm dấu son cho từng nấc thang danh vọng. Trường thi là phòng chờ để sĩ tử, bằng mọi giá cố tìm cho được lối đi bước vào nơi phú quý giàu sang. Vì vậy, bất chấp mọi quy định nghiêm ngặt, trong trường thi vẫn diễn ra các mẹo thuật gian lận, các hành vi ăn gian chữ nghĩa và các thủ đoạn trắng trợn mua bán văn chương…

Sức dồn nén của bao năm đèn sách và "lều chõng"… đã nổ tung và hỗn loạn khi xướng danh. Kẻ "bay kinh nghĩa", thì điên khùng, gây sự với cả "quan trường thi" hoặc "gào chán, khóc chán, họ lại đành đạch giãy ở đường như những người ngộ gió". Người vừa được xướng tên đỗ, được tôn ngay thành "quan". Có "quan tân khoa", không khác "một kẻ điên", người bẩn như chó dại, vừa đi lang thang vừa rên rỉ: "Ý a! Ta đỗ rồi!", "Ý a! Ta đỗ rồi!". Có người luôn mồm hỏi: "Thủ lợn về ai? Thủ lợn về ai?", nghe báo là đỗ bèn "nhảy lên như choi choi", giữa đường phố, nơi đông người, ngang nhiên hét tướng "Sỏ lợn về ta! Sỏ lợn về ta!".

Nho giáo - tầng cách ngôn dạy làm người, nhưng văn chương khoa cử làm hư những người tập về nghề ấy

"Nho giáo là một tầng cách ngôn để làm khuôn mẫu cho đạo làm người, cổ kim, đông tây cũng lắm người hiền triết phát minh những lời cách ngôn có ý nghĩa, nhưng không ai phát minh được nhiều như đức Khổng Tử". "Nho giáo là tinh thần của Hán học, cái học tu thân của Hán học đã thay hình đổi dạng mà hoá ra cái học từ chương". "Lối văn khoa cử đã là một thứ hư văn vô dụng, có thể làm hư những người tập về nghề ấy".

Giữa những "cảnh tượng kỳ quái" của khoa cử, vẫn có người "sống bằng tư tưởng tự nhiên của trời cho", không chịu tự trói buộc trong "cái xiềng xích văn chương". Họ đã "học thật", "biết thật", đã làm được nhiều việc hữu ích cho đời, và  "không nhận mình là nhà Nho". Họ gọi những người mang danh nhà Nho nhưng không làm theo đạo Nho là đám "hương nguyện" (đám đạo đức giả). Họ vạch mặt chỉ tên và coi khinh tất cả những kẻ không "thực học", loại "học giả giả học"…, thường gặp trong cuộc sống và trong guồng máy cai quản xã hội.

Ngày xưa trẻ thơ đã bị nhồi nhét kiến thức quá sức tiếp nhận so với lứa tuổi, thế còn ngày nay?

Lỗi lầm trong giáo dục trước đây là xem thường "thực nghiệp", sinh ra "nạn trí thức thất nghiệp", thời nay thế nào?

Thuở xưa đố ai không qua khảo hạch mà được đi thi Hương, thế mà nay, có ông quan chưa đỗ trung học phổ thông lại giành được bằng thạc sĩ(?!).

Ngày trước, "đỗ" rồi mới được "cử" "làm quan", thế sao thời nay, "cử" rồi, "tân quan" mới cố tìm cách kiếm cho được cái bằng đánh bóng cho cái chức "quan" đang làm?

Thời phong kiến quy định "quan trường" phải tự giác làm giấy khước từ nhiệm vụ ở nơi có con em hay học trò dự thi, thế sao thời nay, đang trong giờ thi, thí sinh lại ngang nhiên đi gặp người nhà và người dạy ngay tại công sở thuộc cấp cao nhất của ngành Giáo dục?

Thời xưa, "người thực học" xem khinh bọn "học giả giả học", thế sao thời nay có người, để đâu đức của "trưởng lão sĩ phu" lại tiếp tay cho đồ đệ, đi đêm với hội đồng, hòng kiếm cho được một tý ngạch trật học hàm?…

Ngẫm ra nhiều chuyện quái gở "khiến cho người ta phải cười", phải… mếu trong "sự học và thi cử" thời nay chẳng khác lắm so với thời xưa và chúng vẫn đang thách thức toàn xã hội và bộ máy công quyền ngành Giáo dục

Cao Đắc Điểm
.
.