Các nhà thơ có chân dung được in trên tiền

Thứ Ba, 29/08/2017, 08:23
Thông thường, đồng tiền của các nước đều in chân dung của các vị khai quốc, cựu tổng thống, chủ tịch nước: Đồng dollar Mỹ in chân dung Tổng thống Washington; nhân dân tệ - chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông; rupee Ấn Độ - hình Mahatma Gandi; Việt Nam đồng - chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ, ở Thụy Điển, Australia và Na Uy, chân dung phụ nữ được in trên những đồng tiền mệnh giá khác nhau; trên đồng Som của Kyrgyzstan, ta thường bắt gặp chân dung của nhiều nhân vật nổi tiếng, các chính khách, anh hùng, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa...

Đặc biệt, có một số nước in chân dung của các nhà thơ trên đồng tiền của mình. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số đồng tiền có in chân dung của các nhà thơ ở một số nước.

Colombia

Trong số những đồng tiền mới của Colombia vừa được lưu thông năm ngoái, có tờ giấy bạc mệnh giá 5.000 pesos mà nhân vật chính của nó là nhà thơ José Asunción Salustiano Facundo Silva Gómez (1865-1896).

Trên mặt phải của tờ giấy bạc, các nhà thiết kế chọn một giải pháp thú vị, họ mô tả thi sĩ hai lần: Chân dung toàn thân nhìn từ sau lưng và chân dung bán thân. Chân dung bán thân tương tự của nhà thơ ta cũng có thể thấy trên những tờ giấy bạc xê-ri cũ xuất hiện năm 1995, và hiện tại vẫn đang được lưu hành cùng với đồng tiền mới.

Chúng ta biết gì về José Asunción Salustiano Facundo Silva Gómez? Ông ra đời trong một gia đình quý tộc giàu có, bắt đầu làm thơ từ rất sớm, năm 10 tuổi. Ban đầu mọi chuyện diễn ra thật tuyệt vời: Năm 19-20 tuổi Silva đi chu du nhiều nước châu Âu, sống ở Paris, London và Geneva. Nhưng cuộc sống phong lưu kết thúc cùng với cái chết của người cha. Biết ông nợ nần rất nhiều, Silva trở về Tổ quốc và vào làm việc trong một cơ quan ngoại giao.

Cú đòn nặng nề thứ hai là cái chết của người chị gái Elvira mà ông vô cùng yêu quý vào năm 1892. Trong chùm thơ bốn bài nổi tiếng "Dạ khúc", bài thơ thứ ba ông dành tặng chị gái. Bạn có thể đọc một đoạn trong "Dạ khúc" trên mặt trái của tờ 5.000 peso cũ: những câu thơ được khắc trên bệ đài kỷ niệm, đứng bên phải, cũng chính ở đây, trên mặt trái, chúng ta nhìn thấy phong cảnh đêm trăng, cánh rừng và hình ảnh chị gái của nhà thơ.

Chân dung nhà thơ Silva Gosmez được in trên đồng pesso của Colombia.

Tai họa tiếp theo giáng xuống cuộc đời thi sĩ là những bản thảo xuất sắc nhất của ông bị thất lạc vĩnh viễn (thơ và văn xuôi) trong một vụ đắm tàu. Theo trí nhớ, ông phục hồi được gần 150 bài thơ và cuốn tiểu thuyết "Sau bữa ăn trưa" về sau trở thành di sản của ông. Không có gì ngạc nhiên là sự nghiệp ngoại giao của Silva đã tan thành mây khói, còn sức khỏe tâm thần của ông hoàn toàn bị suy sụp.

Ngày 23 tháng 5 năm 1896, ở tuổi 32, nhà thơ đã dùng súng lục bắn vào tim. Cùng với thời gian, dần dần ông được công nhận là một trong những đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa hiện đại trong dòng văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha; tuyển tập tác phẩm của ông được tái bản nhiều lần, còn năm 1986 tại ngôi nhà của ông ở Bogota, người ta đã khánh thành Bảo tàng thơ mang tên José Asunción Salustiano Facundo Silva Gómez.

Slovakia

Nhà thơ, nhà ngữ văn, nhà hoạt động xã hội và chính trị người Slovakia Ludevít Velislav Štúr (1815-1856) cũng qua đời vì một phát súng (quả thật, ở đây câu chuyện diễn ra trong một cuộc đi săn và phát súng do nhà thơ bất cẩn bắn vào mình).

Ludevít Velislav Štúr còn nổi tiếng vì đã cùng với Jozef Miloslav Hurban và Michal Miloslav Hodža xây dựng tiêu chuẩn ngôn ngữ văn học và ngữ pháp tiếng Slovakia.

Xét về quan niệm văn học-thẩm mỹ thì với Štúr không có gì cao hơn văn học dân gian mà ông coi là sự biểu hiện của  tinh thần dân tộc và truyền thống văn hóa dân tộc. Bạn có thể nhìn thấy chân dung của nhà thơ Slovakia trước đây trên mặt trái đồng tiền 25 curon của Tiệp Khắc (cũ) phát hành năm 1987, còn hiện nó được trang trí trên tờ 500 curon của Slovakia in năm 2006.

Bồ Đào Nha

Còn một thi sĩ nữa có chân dung được in trên đồng tiền như Štúr và chỉ sống đến 40 tuổi, đó là Manuel Maria Barbosa du Bocage (1765-1805), nhà thơ Bồ Đào Nha. Trên đồng tiền Bồ Đào Nha mệnh giá 100 escudo in hình ông đang ngồi bên bàn làm việc. Các tác phẩm của Bocage nổi bật bởi âm điệu du dương của câu thơ, sự thanh thoát và tinh thần nhân dân chân chính. Ông đã trở thành người đứng đầu một trường phái thơ ca: các học trò và những người kế tục của ông được gọi là elmanist, theo bút danh Elmano Sadino của Bocage.

Nhưng 40 tuổi theo thước đo của thơ ca thậm chí là nhiều; nhiều thi sĩ Nga vĩ đại không sống đến 40 tuổi: Pushkin, Lermontov, Esenin, Mayakovsky, Vysotsky… Nhưng than ôi, không một ai trong họ được xuất hiện trên giấy bạc.

Scotland

Thế nhưng Robert Burns (1759-1796) thi sĩ vĩ đại của Scotland lại có chân dung in trên đồng tiền. Ngày sinh của ông (25 tháng 1) được kỷ niệm như một ngày quốc lễ. Vào ngày này, gia đình Scotland nào cũng tổ chức một bữa ăn thịnh soạn, trên đó các món ăn được bày theo trật tự do Burns "sắp xếp". Thức ăn được mang  tới trong tiếng kèn vo-lưn-ca và tiếng ngâm những bài thơ mô tả các món ăn của ông.

Ở Scotland hiện nay khó tìm thấy ngôi nhà không treo chân dung Burns, còn giá sách - không có những tập thơ của Burns. Bài thơ của ông "Scot Wha Hae" về vị vua Scotland đã đánh tan quân Anh năm 1314, và năm 1328 đã buộc nước Anh công nhận nền độc lập của Scotland đã trở thành bài ca yêu nước của Scotland.

Robert Burns không chỉ nổi tiếng ở Scotland, nhiều trường ca, bài hát, thơ trữ tình và ca khúc của ông nổi tiếng khắp thế giới và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, vinh quang lớn nhất đến với ông chỉ sau khi qua đời, còn bản thân nhà thơ sống không sung sướng gì: ông ra đời trong một gia đình nghèo, sớm phải lao động trên cánh đồng, và thường làm thơ trong lúc đi cày. Ông sống một cuộc đời không điều độ lắm, và chết năm 37 tuổi trong khó khăn vì bệnh tật.

Burns trở thành nhân vật của tờ giấy bạc Scotland mệnh giá 5 funt ra đời năm 1997. Trên mặt trái của tờ giấy bạc, các nhà thiết kế vẽ chân dung của nhà thơ, còn ở phía trên - một đoạn thơ trích từ trường ca nổi tiếng nhất của Robert Burns "Tam o' Shanter".  Mặt bên kia của tờ giấy bạc in hình chú chuột và cây phúc bồn tử vốn là những thứ thường gặp trong thơ của Burns.

Năm 2009, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Burns, một tờ giấy bạc nữa in chân dung của ông được phát hành, mệnh giá 10 funt. Đoạn thơ trích từ trường ca "Tam o' Shanter" lần này được bố trí sát mép phải và ở đây chúng ta thấy hình ảnh minh họa: Tam o'Shenter và Meg đang phi ngựa, còn mụ phù thủy Cutty Sark đang đuổi theo họ.

Tờ giấy bạc được bảo vệ rất cẩn thận để tránh làm giả: ví dụ, một trong những yếu tố bảo vệ là hình vẽ do hãng De la Rue thiết  kế, với hai hình ở những vị trí khác nhau - chân dung Robert Burns ở phía trước và những chiếc lông ngỗng ở phía sau. Nhìn vào hình vẽ, ta có thể có thể nhận thấy ở phía sau xuất hiện một hình vẽ khác chuyển động từ phải sáng trái, trong khi chân dung Burns ở phía trước bất động - như vậy, có thể dễ dàng phát hiện tiền thật và tiền giả.

Romania             

Chân dung của nhà thơ dân tộc và cổ điển của văn học Romania Mihai Eminescu (1850-1889) được in trên đồng tiền mệnh giá 500 leu lưu thông từ ngày 1 tháng 7 năm 2005. Trên mặt phải của đồng tiền, ngoài chân dung của Eminescu còn có biểu trưng của Ngân hàng Nhà nước Romania, lọ mực cùng với chiếc bút lông ngỗng và cành cây gia. Trên mặt trái, các nhà thiết kế vẽ Thư viện đại học trung tâm mang tên M. Eminescu ở thành phố Iasi, nơi ông đã sống và làm việc.

Tờ giấy bạc được trang bị nhiều mẹo bảo vệ: trên đó có những hình vẽ lồng vào nhau, có những hình vẽ đổi màu, dây bảo hiểm, cửa sổ trong suốt, v.v…

Eminescu viết nhiều về tình yêu Tổ quốc ("Romania ngọt ngào, ta mong gì cho Người") và tình yêu phụ nữ ("Cesara", "Bông hoa xanh"), tác phẩm chủ yếu của ông là trường ca "Ngôi sao buổi sáng", trong đó nhà thơ nói về số phận của một thiên tài bị ruồng bỏ. Nhân vật văn học của ông không có chỗ đứng trong thế giới này, anh ta tìm sự bình yên, nhưng không thể tìm thấy. Ông có cơ sở để viết về thiên tài bị ruồng bỏ: tập thơ duy nhất của ông được xuất bản khi tác giả còn sống vào năm 1883, sáu năm sau ông qua đời tại bệnh viện tâm thần ở Bucharest. Hiện nay ông được mệnh danh không là gì khác ngoài "Ngọn nến của văn học Romania".

Có thể tin chắc rằng nếu đồng tiền Nga có in chân dung của những người nổi tiếng thì không thể bỏ qua "mặt trời thi ca" Aleksandr Sergeevich Pushkin (1799-1837). Thực ra, đã một lần Pushkin suýt xuất hiện trên đồng tiền Liên Xô. Năm 1977, Liên Xô tiến hành đàm phán với Hãng "De la Rue Giori" của Thụy Sĩ ở Lausanne để mua một thiết bị chuyên in tiền. Trong thời gian hội đàm, phía Liên Xô thông báo rằng muốn xem những đồng tiền Nga được in trên máy của "De la Rue Giori" như thế nào. Họa sĩ nổi tiếng kiêm nhà đồ họa Thụy Sỹ Roger Pfund đã vẽ mẫu thử để kiểm tra máy in. Ông giới thiệu cho các chuyên gia Liên Xô tờ 10 rúp, cả hai mặt phải và trái đều in hình A. S. Pushkin. Trên mặt trái đồng tiền in chân dung nhà thơ với các danh lam thắng cảnh thành phố Petersburg, còn mặt bên kia là minh họa truyện ngắn "Con đầm pich" và cảnh Pushkin đấu súng với Dantes trên sông Đen. Tiếc rằng tờ 10 rúp này chỉ mãi mãi là mẫu thiết kế, không bao giờ được sử dụng.

Trần Hậu
.
.