Các nghệ sĩ lớn và cách tưởng nhớ người thân

Thứ Năm, 24/12/2009, 10:00
Câu nói "chết là sự khởi đầu của một vòng tuần hoàn mới", xem ra với một số vĩ nhân đã đúng cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng

Những ngày vừa qua, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã liên tục có tin, bài phản ảnh việc ông Lê Vân, 55 tuổi, hiện cư trú ở tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã có hành động kỳ quặc là đào xác vợ đã được chôn cất từ gần 2 năm trước rồi mang về nhà đắp thành tượng thạch cao và đặt trên giường để ngủ chung từ nhiều năm nay. Mặc dù trong dư luận cũng có luồng ý kiến phản đối, cho rằng việc làm này của ông Lê Vân là động chạm tới vong linh người quá cố, là làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, song cũng có không ít người chia sẻ với ông Lê Vân. Họ cho đó là "cách thể hiện thái độ không chấp nhận việc người thân yêu gần gũi nhất phải ra đi", là sự chung tình hiếm thấy. Bài viết sau đây xin không bình luận về sự đúng sai của những ý kiến đó, mà chỉ xin điểm lại một số câu chuyện từng xảy ra với một số nhân vật nổi tiếng trên văn đàn thế giới, cốt để bạn đọc thấy được rằng, đứng về mặt chung tình, họ cũng chẳng kém cạnh ai.    

Đứng đầu danh sách này có lẽ là nhà thơ kiêm nhà chính trị gia kiệt xuất của nước Đức Các Vihem (1767-1835). Trong suốt 38 năm sống bên vợ - bà Carôlin Vôn Đátcôđư, không ngày nào ông không viết tặng bà một bài thơ ngắn. Sau khi Carôlin mất, Các Vinhem vẫn tiếp tục làm thơ để rồi hằng sáng thành kính đặt lên mộ vợ. Suốt 6 năm như vậy cho tới khi ông từ giã cõi đời.

Khác với Các Vinhem, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng của Anh là Gabrien Rôxêti (1828- 1882) không đủ bình tĩnh để sáng tác kể từ khi vợ ông mất vào năm 1862. Thậm chí đau khổ quá hóa quẫn, Rôxêti đã cho chôn theo vợ hộp đựng tập bản thảo duy nhất của mình. Mặc bạn bè hết lời khuyên nhủ, mãi sau khi cải táng vợ, Rôxêti mới chịu lấy tập bản thảo thơ lên và cho xuất bản. Ngay lập tức, tập thơ được đánh giá là một kiệt tác.

Khi người vợ trẻ - diễn viên Carôn Lombát - mất đi, vì quá đau xót, siêu sao điện ảnh Clác Gabơn (1902-1961, người nổi danh với vai diễn Đại úy Rét Bấtlơ trong phim "Cuốn theo chiều gió") đã tình nguyện gia nhập không lực Mỹ. Ông muốn được bay trên trời cao để được "gần gũi" hơn với người vợ yêu thương của mình từng tử nạn nơi trời cao (Carôn Lombát mất vì tai nạn máy bay).

Chết trẻ và rất được mến mộ là nhà văn Pháp tài ba Xanh Êduypêri (1900-1944). Năm 1930, Êduypêri lập gia đình với một góa phụ người Áchentina, tên gọi Côngduêlô. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong suốt 14 năm trời, cho đến ngày 31/7/1944, Êduypêri tử nạn cùng chiếc máy bay P38 trong chuyến bay thám thính trên bầu trời có lính Đức kiểm soát. Để tưởng nhớ người chồng thân thương của mình, nhà văn kiệt xuất và chàng phi công dũng cảm của nước Pháp, Côngduêlô đã cho dựng tượng Êduypêri trong vườn nhà và dưới chân tượng bà trồng các loại hồng Áchentina (loại hoa luôn gợi kỷ niệm buổi đầu gặp gỡ giữa hai người). Mỗi khi thấy trong lòng trống trải, bà ra ngồi bên tượng chồng và đọc những trang sách tuyệt vời của ông. Ước nguyện của Côngduêlô là làm sao tìm được xác chồng đem về chôn trong khu vườn.

Nhà soạn kịch đại tài người Anh Bécna Sô (1856-1950) cũng từng có một quyết định hết sức… lãng mạn. Theo truyền thống của nước Anh, khi một vĩ nhân mất đi, họ được đưa vào an táng tại tu viện Oétxmintơ. Riêng với Sô, ông có ý nguyện khác hẳn. Theo như chúc thư của Sô thì: Khi ông mất, hãy đốt xác ông, trộn lẫn tro thi hài ông và tro thi hài vợ ông (mất trước đó 7 năm) rồi tung vào khu vườn của ngôi nhà ở ngoại thành Luân Đôn, nơi hai người đã chung sống 35 năm.

Câu nói "chết là sự khởi đầu của một vòng tuần hoàn mới", xem ra với một số vĩ nhân đã đúng cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng

Trịnh Duy Mạnh
.
.