Buồm trong phố, người ở đâu?

Thứ Sáu, 01/03/2019, 08:31
Có những người bạn, trong tâm tưởng tôi vẫn luôn nghĩ đang ở đâu đây, nhưng bỗng giật mình, người bạn ấy đã đi xa mấy chục năm rồi. Nhà thơ Đào Cảng (1941-1987), là một ví dụ.


Có thể lớp nhà thơ trẻ bây giờ không biết đến Đào Cảng, nhưng lớp nhà thơ thời chống Mỹ, hẳn chưa quên Đào Cảng, nhà thơ của đất Cảng Hải Phòng.

Tôi quý anh, khi đọc thơ của anh trên các báo. Rồi một bữa xuống công tác Hải Phòng, tôi bổ đi tìm gặp anh. Người viết những câu thơ về đề tài công nghiệp hoành tráng, vạm vỡ; lại là người có vóc dáng nhỏ thó, gầy guộc. Anh có thói quen vừa ngồi nói chuyện, tay vừa bẻ tóc.

Ngày vui nhất là ngày đi học thợ
Hoa Phượng reo, hoa phượng đỏ trên không
Gói cơm nếp đùm theo thơm dọc phố
Lúc tỉnh mơ báo động chưa kịp ăn.

Những câu thơ đôn hậu như con người anh. Anh là người không quen nói to, cứ rủ rỉ, rủ rỉ, mà đi vào lòng người. Trong thơ Đào Cảng bắt gặp những con tàu, bến cảng, những xà lan xù xì, những ánh hàn chớp lóe… Bên cạnh đó, lại có cái nhìn tinh tế, non tơ, ấm áp tình người khi viết về thiên nhiên, đất nước. Cũng có khi là cái nhìn sắc lạnh..

Hai giờ đêm
Biển đang đau những nỗi đau u nhọt.
Rồi anh lại viết:
Gió mơ màng trắng cát
Nắng chập chờn vàng rót.


Trong chuyến đi, Sa Pa anh có khổ thơ rất đáng yêu:

Ngược dòng người xuống, chúng tôi lên
Những bông hoa lay ơn đầu tháng sáu
Mọc rải rác trên đồi như bướm đậu
Như những nụ cười ai bỏ quên.

Những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Hải Phòng là mảnh đất thu hút nhiều anh em làm thơ viết văn. Phương tiện giao thông ngày đó còn khó khăn, nhiều anh em đã đi xe đạp từ Hà Nội về Hải Phòng. Hải Phòng vốn là thành phố công nghiệp, thành phố Cảng và thành phố thơ.

Cố nhà thơ Đào Cảng.

Một loạt các nhà thơ trẻ ra đời ở Hải Phòng, đã có đóng góp và ảnh hưởng tới phong trào sáng tác độ ấy. Đấy là: Thanh Tùng, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Vân Long, Nguyễn Tùng Linh, Trần Lưu, Vũ Châu Phối… và trong đó có Đào Cảng!

Đào Cảng từng làm thợ, rồi làm cán bộ phòng lao động tiền lương ở Cảng, công việc rất bận rộn. Những chuyến tàu vào, tàu ra, rồi từng container hàng, container đạn dược, thuốc men… phục vụ cho thời chiến. Giặc Mỹ ném bom xuống Cảng. Cửa Cảng với những đêm phòng thủ, rồi tàu đi phá thủy lôi, rồi cảng sơ tán…

Đào Cảng đã có nhiều đêm thức trắng với anh em thợ thuyền quanh mình. Đấy là những đêm trực chiến thẳng căng và áp sát với cái sống với cái chết. Con người nhà thơ và con người công nhân được quyện chặt, rèn luyện, thử thách. Những vần thơ thật lòng, không khuôn sáo, không hoa mỹ ra đời từ hoàn cảnh đấy. Bài thơ đầu tiên của anh in trên báo Văn nghệ là "Bài thơ của sổ", năm 1966. Bài thơ có những khổ thơ xúc động.

Lúc con đã đi xa
Bóng mẹ còn đậm in trên cửa sổ
Một khung cửa
Đẹp như màu mắt đợi chờ.

Anh em kể lại, khi nhận được tờ báo in bài thơ đầu tay của mình, Đào Cảng cảm động đi khoe khắp anh em công nhân cảng, nước mắt ràn rụa sung sướng.

Đào Cảng rất quý bạn bè sáng tác ở Hà Nội xuống. Dù bận rộn mấy, anh vẫn thu xếp thời gian đưa bạn bè đi thăm thành phố Cảng. Đã nhiều lần, tôi được anh đưa đi dọc bờ sông Lấp, ngắm phố Tam Bạc với lá buồm nâu xòe ngang ô cửa. Rồi lang thang ra vườn hoa Đưa Người, qua nhà thờ Tháp Chuông…

Cứ mỗi lần đi, anh lại phát hiện ra cái đẹp mới của thành phố Cảng của anh. Chúng tôi qua phố Cát Dài, Cát Cụt, Cầu Đất… và trở về Mê Linh, dãy phố nhỏ có nếp nhà nhỏ gia đình anh đang sống. Căn nhà nhỏ ấy là nơi giao tiếp bạn bè bất kể ngày đêm, bất kể đói no. Chị Hạnh, vợ anh, rất quý khách của chồng. Chị năng nổ lo mọi việc đời sống để anh dồn sức làm thơ.

Bạn bè ngày đó gặp nhau, không ai nói chuyện về tiền bạc, nhà cửa, chức quyền, mà toàn nói về thơ. Bạn bè viết ở Hà Nội xuống, ở Quảng Ninh về, gặp mặt, Đào Cảng hỏi: Viết gì? Đi những đâu? Đọc thơ mới cho nghe đi? Anh nôn náo, nồng nhiệt với công việc sáng tác của bạn bè, như của chính mình. Vẫn là ánh mắt da diết, vẫn tâm hồn đa cảm, yếu đuối dễ xúc động, lúc trao đổi, tranh luận quyết  liệt về thơ, lúc lại ôn tồn ngồi ôm lấy ngực thũng thẵng ho. Đôi lúc lại ngồi lặng lẽ lấy tay bẻ tóc. Bạn bè và tôi đâu biết những ngày đó, trong người anh đã ủ bệnh trọng.

Có lẽ tuổi trẻ sôi nổi, phần việc công dân bận rộn, niềm say mê thơ đã tạo sức mạnh cho Đào Cảng át đi bệnh tật.

Cái quan tâm lớn nhất của Đào Cảng là thơ, là viết thơ. Ở Cảng lâu năm, anh không màng một chức sắc to nhỏ. Chỉ là một nhân viên, một cán bộ thường, làm tốt bổn phận của mình, rồi lại lăn xả vào thơ. Đời sống thực tế ở đất cảng thật phong phú, bề bộn. Sinh ra, và lớn lên ở đất Cảng, anh cống hiển cả tuổi trẻ của mình cho đất Cảng. Rồi anh lên Hà Nội, để nhìn, để nghĩ về đất cảng kỹ hơn, chín hơn, để viết ra những vần thơ tâm đắc hơn. Không biết khao khát đó có đúng không. Nhưng tôi biết niềm khao khát trong sáng này nó cứ bám víu anh suốt chặng đường cuối đời.

Thế rồi, hàng tuần, hễ cứ đến chủ nhật là anh lại nhảy tàu hỏa lên Hà Nội. Dạo đó, anh hay đi với Nguyễn Tùng Linh. Hai nhà thơ Hải Phòng này thường đem theo xe đạp lên tàu hỏa, để có phương tiện đi lang thang ba sáu phố phường. Tôi còn nhớ cái xe đạp Phượng Hoàng nam màu xanh cánh trả lốp mòn, kẽo kẹt chở hai chàng thi sĩ đất Cảng đi loanh quanh khắp phố nọ phố kia của Hà Nội.

Hai nhà thơ ăn vận tuềnh toàng, cái xe đạp cà tàng, ghi đông treo lủng lẳng cái túi vải bạt cũ, trong có mấy sổ tay chép thơ. Hễ gặp bạn thơ, lại giở ra đọc cho nhau cùng nghe. Không khí văn chương thời đó thật đẹp. Bạn bè viết khao khát gặp nhau. Gặp là đọc cho nhau nghe, dù chỉ là bài thơ dang dở. Tâm hồn thật giàu có. Khi đọc thơ, Đào Cảng vẫn cái giọng nhỏ nhẹ, đôi khi bốc, anh cố gào lên. Rồi giọng lại chùng xuống. Rồi lại lúng túng, lại lặng lẽ ngồi  đưa tay bẻ tóc.

Năm 1974,  Hải Phong in cho anh cùng Trần Quốc Minh tập thơ "Thành phố những con tàu", tập thơ đầu tay của anh. Rồi sau, nhà xuất bản Lao Động in tập thơ "Buồm trong phố", tập thơ được tặng thưởng Văn học đề tài công nhân, phần thưởng xứng đáng cho mấy chục năm anh cầm bút. Năm 1985, tập thơ "Thời yêu thương" (in cùng "Chầm chậm tới mình" của  Trúc Thông, Nhà xuất bản Tác phẩm mới) ra đời. Tập thơ mở ra những đề tài mới. Đấy là Bút kí ngày mùa, Mưa lúa, Ghi chép ở rừng, Cơn mưa vùng mỏ… là những địa danh mới Sa Pa, Chùa Hương, Nha Trang ngày trở lại… và một loạt bài viết về người thân: Ba, mẹ, người vợ thân thương…

Những bài thơ như bổ sung cho đề tài công nghiệp mà xưa anh hằng quan tâm. Tâm hồn anh được mở ra cùng những vùng trời, vùng đất. Khoáng đãng, đa cảm, chất thi sĩ trong anh càng  biểu lộ  rõ  hơn. Bài thơ "Vùng quê tuổi nhỏ" là bài thơ cảm động.

Chuồn chuồn kim thuở trước
Nói cùng ta những gì
Ta lạc vào tuổi tác
Đến nay quên lối về

Câu thơ hay là lời thoảng thốt của anh với tuổi thơ, với quê hương? Và nó như vận vào anh trên con đường đi tìm cái đẹp, con đường đi vòng quanh của luân hồi kiếp người, trở về chốn cố hương của mình…

Con người hăm hở đến vậy, thế mà trời bắt đổ bệnh. Đào Cảng gánh bệnh bao năm. Thế rồi bạo bệnh đánh gục anh khi tuổi còn xanh. Buồn thay, bao năm anh ước được lên Hà Nội, để làm việc tại một cơ quan văn chương, để làm văn chương được nhiều hơn, khi có nơi tiếp nhận, thì cũng là lúc anh phải ra đi…

Ngày tang lễ anh, bận công tác xa, tôi không về được. Nghe bạn bè kể lại, đám tang được gia đình và Ban lãnh đạo Cảng Hải Phòng tổ chức trọng thể. Gia đình, họ hàng, bạn bè thân hữu, các quan chức ở Cảng, cùng hàng trăm công nhân Cảng tiễn  đưa anh, họ tiễn đưa một nhà thơ của đất Cảng tới nơi yên nghỉ cuối cùng.

Ngày chị Hạnh, vợ anh, lo đổi áo sang cát cho anh, tôi theo mấy bạn bè văn chương ở Hà Nội về dự. Cái buổi sớm nhạt nhòa sương khói tại nghĩa trang đất Cảng, tôi nhìn nắm xương nhỏ thó bạn tôi xếp gọn trong tiểu sành, cảm giác thương tiếc và buồn vô hạn. Kiếp người vốn ngắn ngủi và mong manh khôn cùng.

Năm 1977, nhà thơ Võ Văn Trực hồi đó là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Thanh niên có thân tình tập hợp bốn tác giả: Đào Cảng, Sỹ Hồng, Khánh Nguyên và tôi để in tập thơ: "Nắng lên cao". Tập thơ hơn  trăm trang, mỗi người hơn chục bài thơ, nhưng ngày đó là niềm vui lớn. Cả bốn tác giả, người sớm người muộn, cũng đã là Hội viên Hội Nhà Văn Việt NamNam. Nay dở tập thơ giấy đã ố vàng, tôi chợt rùng mình vì hai tác giả đã ra đi: Đào Cảng và Sỹ Hồng. Cả hai ra đi khi tuổi còn trẻ. Mà lạ thế, những người tốt sao thường phải ra đi sớm?! Người còn lại, mặc dù có chút quyền chút tiền gì đó, nhưng xem ra, vẫn nhiều khổ đau, lận đận với nghiệp con chữ.

Giờ đọc lại "Vùng quê tuổi nhỏ" (NXB Hải Phòng, in 1988), tập thơ như hệ thống lại đời thơ Đào Cảng, tôi càng thương tiếc một tài năng thơ bị ngắt đoạn. Sinh thời, anh có dự định viết trường ca về Cảng Hải Phòng, nơi gắn bó gần cả đời anh. Anh muốn trả nghĩa với tập thể mà anh từng gắn bó. Nhưng anh không còn thực hiện nữa.

Kèn sâu bàng đã hụ
Gọi ta suốt tháng hè
Chờ ta, chờ ta nhé
Một vùng quê tuổi thơ

Khổ thơ trong bài thơ của anh, được gia đình khắc lên mộ chí, như nỗi niềm thương yêu da diết của anh với mọi người.

Văn chương có thể cứu vãn con người? Tôi thấy đấy là điều xa xôi. Chỉ biết, nhờ văn chương đã cho tôi biết Đào Cảng. Cảng. Văn chương đã cho Đào Cảng nhiều hoài bão. Và Đào Cảng có một vị trí riêng trong cõi văn chương. Nhà thơ Đào Cảng, mãi đậm trong tôi một con người với niềm khao khát khôn cùng.

Vũ Từ Trang
.
.