Nhà làm phim tài liệu Mỹ Neil Alexander:

Bốn năm đi tìm Thùy

Thứ Sáu, 16/01/2009, 11:00
Tôi quen biết Neil (Neil Alexander), một nhà làm phim tài liệu của Mỹ từ tháng 8/2005. Lần ấy ông đi cùng anh em tiến sĩ Fred (Fredertc Whitehurst) sang Việt Nam để thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, sau khi Fred trao trả lại cho hai gia đình bản chụp cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm và 48 bức ảnh anh Giá chụp trước khi hy sinh ở Quảng Ngãi mà Fred còn giữ được.

Tháng 12/2008, tôi gặp lại Neil tại Hà Nội. Lần này ông sang Việt Nam cùng Rob (Robert Whitehurst) để tiếp tục làm bộ phim tài liệu về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà hai người ấp ủ từ gần bốn năm trước.

Nhà báo tự do yêu Việt Nam

Neil sinh năm 1954, quê ở vùng New Orleans, bang Louisiana, nơi vừa có ông Joeph Cao, người Mỹ gốc Việt đầu tiên trúng cử vào Hạ viện Mỹ. Neil nói, ông sinh vào đúng năm "rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam", năm Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, Mỹ thay chân Pháp can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam Việt Nam.

Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra quyết liệt ở Việt Nam, thì hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình Mỹ ăn sâu vào tâm trí Neil chỉ là bom đạn và chết chóc từng ngày.

Năm 1972, Neil 18 tuổi, đúng vào giai đoạn Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", nếu không "chắc tôi cũng phải đi quân dịch, biết đâu bây giờ cũng lại thành cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như Rob và Fred" - Neil từng nói với tôi như thế.

Áp phích phim "Đi tìm Thùy".

Năm 1994, biết tin có một đoàn khách du lịch gồm các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam trở lại mảnh đất này, là một nhà báo tự do, Neil đi theo đoàn, muốn được tận mắt nhìn thấy đất nước và con người nơi mà ông chỉ mới biết qua những hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh trên truyền hình từ hơn mười năm trước.

Hai tuần trong chuyến đi ấy, Neil đã đi nhiều nơi, đã gặp nhiều người dân Việt Nam, được chứng kiến nhiều tâm trạng khác nhau của các cựu binh Mỹ khi họ trở lại Việt Nam và của người dân Việt Nam khi gặp lại những người lính Mỹ đã từng có mặt ở Việt Nam.

Trở về Mỹ, Neil gặp lại Rob, một người bạn cùng quê từng là lính hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Neil được Rob cho xem những dòng nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà Rob đã dịch sang tiếng Anh, sau khi người em trai là Fred mang cuốn nhật ký về Mỹ. Những dòng nhật ký của chị Thùy Trâm ám ảnh Neil cũng như đã từng ám ảnh Rob và Fred suốt hàng chục năm.

Vì thế, tháng 8/2005, khi anh em Fred sang Việt Nam thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá thì Neil đã đi cùng họ, mang theo chiếc máy quay phim của mình, bắt đầu quay những thước phim đầu tiên của bộ phim tài liệu "Đi tìm Thùy" (Finding Thuy), nói về cuộc đời anh hùng và câu chuyện như cổ tích trở về Việt Nam của hai cuốn nhật ký của chị.

Đi tìm Thùy

Cuốn phim tài liệu "Đi tìm Thùy" do Rob viết kịch bản, Neil vừa quay phim vừa làm đạo diễn, đồng thời là người sản xuất.

Trong chuyến trở lại Việt Nam tháng 8/2005 cùng anh em Fred, Neil đã thu vào ống kính của mình hình ảnh Fred quỳ trước mộ bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm, Hà Nội, nghẹn ngào trong nước mắt nói với chị: "Tại sao tôi còn sống mà chị lại chết? Tại sao? Tại sao?...".

Neil cũng đã ghi được hình ảnh cố Đại tướng Chu Huy Mân, vị Tư lệnh Quân giải phóng trên chiến trường Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, "nỗi khiếp đảm của lính Mỹ khi nghe thấy tên ông" như Fred nói, khi ông đến thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, gặp anh em Fred tại đây.

Neil còn ghi được nhiều hình ảnh về gia đình và bạn bè của chị Thùy Trâm, anh Giá, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà quay phim trên chiến trường Khu V trước đây, nơi chị Thùy Trâm và anh Giá đã sống, chiến đấu và hy sinh...

Rất may, những hình ảnh quý giá đó mà Neil ghi được tại Việt Nam đã không bị trận bão Ktrina khủng khiếp cuối năm 2005 làm ngập lụt cả vùng New Orleans, quê hương Neil cuốn trôi!... --PageBreak--

Thật đáng tiếc, trong chuyến vào Quảng Ngãi tháng 8/2005 ấy, do đúng vào mùa mưa, nước lớn, con đập chắn ngang đường lên núi Ba Tơ  nước dâng quá to không đi được, nên Neil không thể vào tận nơi có di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm và nơi chị hy sinh để quay phim. Điều đó chính là nguyên nhân khiến bộ phim của ông chưa thể hoàn thành sớm.

Vì thế, lần trở lại Việt Nam trong tháng 12/2008, Rob và Neil chủ yếu dành thời gian vào lại Quảng Ngãi làm nốt những việc còn lại của bộ phim. Hai người tìm gặp và phỏng vấn những người bạn chiến đấu của chị Thùy Trâm và những người đã được chị cứu chữa vết thương trong chiến tranh mà lần trước họ chưa gặp.

Cả Rob và Neil rất mừng ghi vào ống kính  hình ảnh Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mới được xây dựng rất khang trang ở Đức Phổ. Hai người lên tận Khe nước lạnh thuộc huyện miền núi Ba Tơ để ghi lại hình ảnh di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mới được phục hồi trên chính mảnh đất chị Thùy Trâm đã ngã xuống năm xưa...

Hôm từ Quảng Ngãi trở về, cả Rob và Neil đều nói với tôi chuyến đi Quảng Ngãi lần này khá vất vả nhưng rất vui, vì mọi công việc đều hoàn thành.

Sau trận lụt to ở Quảng Ngãi vừa rồi, đường lên di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm rất khó đi, Rob và Neil phải đi bộ, "vượt suối, vượt dốc hơn hai cây số mà chân không giày", xế chiều mới tới nơi, "vất vả vô cùng nhưng rất vui!".

Lúc quay phim và chụp ảnh trước di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, do quá mải mê công việc, không chú ý nên Neil bị trượt chân, lăn cả xuống một cái hố sâu, may mà không việc gì!

Với con mắt của một nghệ sĩ, Neil nói với tôi, lần đầu tiên trong đời, tại nơi chị Thùy Trâm hy sinh, ông đã thu được vào ống kính máy quay phim của mình hình ảnh mặt trời khuất sau đỉnh núi và mặt trăng bắt đầu hiện lên, đẹp và lãng mạn vô cùng!

Dự định của đồng nghiệp

Trước khi Rob và Neil rời Việt Nam, tại một quán ăn nhỏ bên Hồ Tây, chúng tôi, một số nhà báo, nhà quay phim trên chiến trường Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đã có một cuộc trò chuyện thú vị với hai ông bạn đồng nghiệp Mỹ.

Cả Rob và Neil đều rất vui khi gặp lại một số đồng nghiệp mà họ đã quen biết từ lần sang Việt Nam trước, như Huỳnh Bá La Vuông, Ngô Tạo Kim, Nguyễn Văn Thanh, Dương Đức Quảng... Huỳnh Bá La Vuông là một trong hai người đã quay bộ phim tài liệu "Đội nữ du kích Hồng Gấm" ở Quảng Ngãi trước năm 1975.

Ngô Tạo Kim là phóng viên quay phim trên chiến trường Khánh Hòa trước đây, đạo diễn phim tài liệu, nay dạy ở Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh. Nguyễn Văn Thanh là Phó giám đốc Hãng phim Hoạt hình, cán bộ Tiểu ban Điện ảnh Khu V, nơi anh Giá công tác trước khi hy sinh...

Tiếc rằng, cuộc gặp mặt này không còn Trần Minh Đại, đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam, tác giả bộ phim "Hành trình chưa khép lại", bộ phim về chị Trâm, anh Giá đã được tặng giải báo chí toàn quốc năm 2005. Sau khi làm xong bộ phim trên, Trần Minh Đại mất đột ngột, chưa kịp làm tiếp phần hai của bộ phim anh và các đồng nghiệp đã dành bao tâm huyết...

Ngoài mấy anh em chúng tôi, chia tay với Rob và Neil còn có chị Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Chương, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, nhà báo Mỹ Hằng của báo Lao Động... Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Chương là đạo diễn bộ phim tài liệu "Thời gian còn lại", giải thưởng Cánh diều Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam năm 2006; Bông sen Bạc trong Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương cùng năm.

Bộ phim "Thời gian còn lại" của Lê Hồng Chương có nhiều trường đoạn rất cảm động về chị Trâm, anh Giá và chuyến sang Việt Nam tháng 8/2005 của anh em Fred. Còn nữ nhà báo Mỹ Hằng là tác giả của nhiều bài báo xúc động về câu chuyện trên, nay lại là người được Neil nhờ đọc bản dịch tiếng Anh nhiều trang nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong bộ phim tài liệu của mình.

Neil cho biết khả năng tài chính của ông rất có hạn, nhưng với tấm lòng yêu quý chị Đặng Thùy Trâm, gần bốn năm qua ông đã dốc tiền túi để cùng Rob làm bộ phim "Đi tìm Thùy".

Lần này trở về Mỹ, dù khó khăn đến mấy ông cũng phải hoàn thành bộ phim này, dự tính khoảng hơn một giờ chiếu. Với bộ phim tài liệu có độ dài như thế, đạo diễn Ngô Tạo Kim hình dung ra ngay công sức và tiền của mà Neil bỏ ra.

Ở Việt Nam, phim tài liệu phần lớn chỉ có độ dài dưới 60 phút chiếu, mỗi bộ phim tốn cũng không ít tiền và đều không phải do một người làm!

Còn đạo diễn Lê Hồng Chương, sau xem tấm ảnh lớn mà Rob mới tặng chị Bùi Ngọc Hiên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Giá (tấm ảnh mà Rob đã kỳ công ghép chân dung những người có mặt trong 48 bức ảnh anh Giá chụp trước khi hy sinh để tạo thành), Lê Hồng Chương định làm một bộ phim tài liệu về việc đi tìm những người còn sống trong tấm ảnh đó.

Nếu ý tưởng đó thành hiện thực, thì bộ phim "Đi tìm Thùy" của Neil và Rob cùng các tác phẩm điện ảnh của những nhà làm phim tài liệu của Việt Nam sẽ đi tiếp hành trình cùng Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những tác phẩm nhiếp ảnh mà anh Nguyễn Văn Giá để lại...

.
.