Bộ ba xe - pháo – mã thơ đất Cảng một thuở

Thứ Bảy, 14/05/2016, 08:02
Nguyễn Tùng Linh là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Ông tự khẳng định mình vào những năm 70 của thế kỷ trước. Cùng thời với ông còn có hai nhà thơ khác: Thanh Tùng và Thi Hoàng. Bộ ba thơ này thuộc "nhóm Hải Phòng" và được làng thơ coi là bộ ba xe - pháo - mã thơ của đất cảng một thuở.  


Cho đến bây giờ, Nguyễn Tùng Linh vẫn nhớ những đứa con tinh thần thuở ban đầu của mình. Đấy là những bài thơ đầu tay của ông in trên Báo Lao động và Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm 1967, 1968. Ông nhớ khi cầm tờ báo có đăng thơ của mình, tim ông đã đập dồn dập như thế nào và cả người ông đã run rẩy. Ông nhớ trong bài "Những ngọn gió" đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội có câu: "Đêm như những con ngựa hoang lồng ngoài ngõ...". Hình dung ra đêm như thế, kể cũng có phần tự do, khoáng đạt.

Đến năm 1979, Nhà xuất bản Tác phẩm mới (tiền thân của Nhà xuất bản Hội Nhà văn hiện nay) ấn hành tập thơ "Cửa sóng" của Thanh Tùng, Thi Hoàng và Nguyễn Tùng Linh. Đây là một trong số không nhiều tập thơ in chung của các cây bút trẻ vừa mới ấn hành đã gây được ít nhiều tiếng vang. Ra mắt bạn đọc cách nhau không xa lắm, còn có ít nhất là 2 tập thơ in chung của 2 nhóm thơ.

Nhóm thứ nhất gồm: Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Ngân Vịnh. Nhóm thứ hai gồm: Thạch Quỳ, Yên Đức, Anh Chi. Mà ngày ấy, được xuất bản như thế, cũng là quý lắm rồi. Bởi vì trung bình mỗi năm, mỗi nhà xuất bản chuyên về văn học nghệ thuật chỉ cho ra mắt bạn đọc từ trên dưới 20 tác phẩm ở mọi thể loại và được giám sát chặt chẽ, nghiêm cẩn về mặt chất lượng với tiara lớn.

Có đâu như bây giờ, sách văn học hoặc cận văn học hoặc na ná văn học được cấp giấy phép xuất bản thả dàn, cái đáng chống nhất là "chống nghệ thuật yếu kém" thì lại buông lơi. Cũng có nhà xuất bản coi việc cấp (hoặc bán) giấy phép càng nhiều càng tốt, tạo doanh số, doanh thu để tồn tại cho qua ngày đoạn tháng.

Từ trái sang: Các nhà thơ Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng và Thi Hoàng.

Nguyễn Tùng Linh nhớ lại: "Lúc ấy, cả tôi và Thanh Tùng, Thi Hoàng, tất nhiên đều không nhiều tuổi như bây giờ. Thanh Tùng sinh năm 1935 (44 tuổi). Thi Hoàng sinh năm 1943 (36 tuổi). Còn tôi sinh năm 1946 (33 tuổi). Không biết từ 33 tuổi trở lên, có còn được coi là nhà thơ trẻ nữa không? Theo tôi, Thanh Tùng là người có tâm hồn thơ và bản năng thơ mạnh mẽ; Thi Hoàng là người thông minh, giàu sức nghĩ; còn tôi thì tự nhận mình là người mạnh mẽ và thơ tôi luôn ngổn ngang hiện thực đời sống".

Khi được hỏi: "Kể từ ngày ấy đến nay, ông đã cho in bao nhiêu tác phẩm thơ?" - Nguyễn Tùng Linh cho biết: "Không nhiều lắm. Chỉ có 5 tập thôi. Nhưng trong 5 tập ấy, tôi chỉ có hai tập in riêng qua Nhà xuất bản Hải Phòng và Nhà xuất bản Hội Nhà văn". Tập đầu có tên là "Nơi tất cả tình yêu". Tập sau có tên là "Biển mùa đông"

Từ năm 1990 đến nay, Nguyễn Tùng Linh viết rất ít. Nhưng như thế không có nghĩa là Nguyễn Tùng Linh bỏ thơ, bỏ nghiệp viết lách. Dường như ông vẫn âm thầm tích lũy, âm thầm chuẩn bị... Có một khoảng thời gian dài, ông tâm niệm: "Tôi lạc tôi, tôi lạc chính mình. Và tại sao tôi lại rơi vào bi kịch như thế?". Hình như đối với dân viết lách nói chung, thi thoảng cũng có người bị một khoảng hẫng hụt như thế với một tâm trạng hoang mang, xa xót!

Không giống như người khác, thường tự an ủi kiểu "phép thắng lợi tinh thần": "Cái hay nhất là cái tôi chưa viết, tôi bây giờ giống như một khúc sông dữ dội nhất nhưng bề mặt của nó lại lặng như tờ", Nguyễn Tùng Linh sẵn sàng đối mặt với thực tế. Ông bảo: "Tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì là nhà thơ mà không viết lách gì được nữa, thì đau lắm. Tôi chỉ xin bạn đọc hãy tạm thời tin tưởng ở tôi và tôi sẽ cố gắng không phụ lòng bạn đọc. Tuy nhiên, tất cả sẽ diễn ra chẳng dễ dàng gì".

Ngoái nhìn quá khứ, Nguyễn Tùng Linh nhớ lại: "Năm 1963, khi đang theo học cấp 3 (phổ thông trung học hiện nay), tôi là học  sinh giỏi toán của miền Bắc. Bạn học cùng thời với tôi có Đào Trọng Khánh (hiện là đạo diễn phim tài liệu, nghệ sĩ nhân dân) và một số người khác. Đến năm 1964, tôi thi đỗ Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa khóa 9, đứng trong tốp 5 người đỗ đầu, nhưng tôi không được theo học đại học vì... thành phần gia đình.

Chả là vì trước cách mạng, thân phụ tôi là cụ Nguyễn Tá Vang (bạn họa sĩ Nam Sơn) từng có một hiệu ảnh và trở thành một tiểu chủ nhờ nghề vẽ phông chụp ảnh. Trong khi ấy thì ông nội tôi lại là người đầu tiên tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sa Pa vào năm 1945. Để gần như là "cải tạo" thành phần gia đình, 3 người con trai trong gia đình tôi đã lên đường nhập ngũ và sau này có một người trở thành "dũng sĩ diệt Mỹ". Sinh thời, bố tôi là người rất yêu văn chương, đặc biệt là văn chương Trung Hoa cổ, vì thế mà cụ đặt tên tôi giống tên tác giả "Liêu trai chí dị" là nhà văn nổi tiếng Bồ Tùng Linh".

Vì lý do ấy, Nguyễn Tùng Linh không có điều kiện theo học đại học ngay từ đầu, đành phải chuyển sang học trung cấp. Trong khoảng thời gian này, ông xoay sang làm thơ, coi thơ như một sự giải thoát những ghìm nén của đời mình. Từ năm 1967 đến 1979, ông là cán bộ kỹ thuật của Sở Xây dựng Hải Phòng và đã viết có đến cả nghìn bài thơ.

Từ năm 1979 đến 1982, Nguyễn Tùng Linh theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Năm 1983, ông quay lại Hải Phòng. Còn từ năm 1984 đến trước khi nghỉ hưu (2006), ông làm việc tại Tạp chí Lao động Công đoàn ở Hà Nội.

Nguyễn Tùng Linh sinh ở Sa Pa, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn và khi lớn lên thì ở Hàng Kênh. Do vị trí địa lý của Hàng Kênh mà ông vẫn tự nhận mình là người xác thì xác phố nhưng hồn thì lại là hồn làng. Quan niệm về nghệ thuật của Nguyễn Tùng Linh cũng rất rõ ràng và sòng phẳng: Luôn biến động, thay đổi theo thời gian. Ông bảo, xưa thì gần như nói và viết hộ người khác, còn nay thì nói và viết cho mình. Nhưng dù có nói cho mình hay viết cho mình thì cũng đừng quá vị mình. Làm sao cái tôi của mình cũng gần gũi với những cái tôi khác trong xã hội! Làm sao để người đời soi vào cái tôi của mình có thể tìm được một sự chia sẻ, cứu rỗi nào đó!

So sánh không khí sáng tác văn chương bây giờ với không khí sáng tác văn chương của thời đã qua, Nguyễn Tùng Linh nói: "Không bằng ngày xưa đâu, nhất là thời tôi còn ở Hải Phòng. Những nhà thơ bây giờ gặp nhau rất ít nói về thơ hoặc đọc thơ cho nhau nghe lắm. Còn ngày xưa thì hoàn toàn khác. Tôi nhớ hồi ấy, chúng tôi thường làm thơ trên giấy xi măng và hễ có bài thơ mới nào thì hào hứng đọc cho nhau nghe ngay.

Chúng tôi cùng nhau uống cà phê (cà phê đá cốc vại, tôi cũng không hiểu làm sao hồi ấy người ta uống cà phê nhiều đến như vậy) và cùng thưởng thức hoặc cùng tranh luận về những câu thơ còn nóng hôi hổi. Có khi, chúng tôi còn di chuyển từ Hải Phòng đến Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác, cũng chỉ để đọc những sáng tác mới cho nhau nghe thôi. Còn thơ văn bây giờ ra sao ư? Thật là khó nói. Nhưng tôi cũng có thể nói ngắn gọn như thế này: Văn thơ bây giờ nhìn chung phong phú và đa dạng hơn xưa. Thực tế cho thấy: Văn thì khá hơn, còn thơ thì vẫn còn nhiều biến động và khó nói quá".

Trả lời câu hỏi: "Thế bộ ba xe - pháo - mã thơ của đất cảng hồi ấy, bây giờ ra sao?", Nguyễn Tùng Linh chép miệng: "Sau ba lần bỏ vợ, giờ Thanh Tùng đang lang bạt kỳ hồ tại phương Nam. Cách đây mười mấy năm, Thanh Tùng đoạt thêm một giải thưởng thơ của Hội Nhà văn. Thi Hoàng rất thành đạt về thơ, đã đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, nhưng bị đau tim nặng và đã nghỉ hưu từ lâu.

Còn tôi, sau một thời gian dài đoạt giải ba cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1981, thì vừa "tái xuất giang hồ" bằng một chùm thơ 5 bài ở Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm". Tôi lại nghĩ, những câu thơ: "Con cá quẫy, ánh trăng tan thành nước/ Sông tương tư dáng đợi một con đò/ Bên bờ này ta là người đưa tiễn/ Sang bờ kia kẻ đón cũng là ta" của Nguyễn Tùng Linh, xem ra ông còn nặng lòng và tâm trạng lắm!

Như thế là ở tuổi 71, Nguyễn Tùng Linh vẫn viết, vẫn hy vọng thơ sẽ không bỏ ông mà đi. Gần đây hay tin: Người bạn đời của Nguyễn Tùng Linh là bà Nguyễn Thị Năm đã làm thơ, đã trình làng một tập thơ qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn với một cái tên quen thuộc: "Thức đợi vầng trăng", khi nhận được sách tặng, tôi hỏi Nguyễn Tùng Linh: "Giờ nhà anh có thêm một nhà thơ nữa. Vậy thì anh vui hay buồn?", Nguyễn Tùng Linh thủng thẳng: "Bảo là vui, cũng được. Mà bảo là buồn, cũng được. Và nói chung là bất khả tri".

Đặng Huy Giang
.
.