Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)

Biển của thời đã qua

Thứ Hai, 10/10/2011, 08:00
Trên con đường vận chuyển vũ khí từ hậu phương vào chiến trường bằng đường biển trong những năm chiến tranh, có nhiều câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, đức hy sinh, xả thân vì nghĩa lớn của các chiến sỹ " tàu không số". Chuyện người Bí thư chi bộ, chính  trị viên Nguyễn Văn Hiệu và tàu 645 "ra đi" nơi vùng biển Tây Nam năm 1972 là một trong những câu chuyện như vậy.

Câu chuyện về người bí thư Chi bộ, Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã được tái hiện qua lời kể của những đồng đội đã từng sống với ông.

Một lần về Bà Rịa, tôi và anh Lê Hà, vốn thuyền trưởng tàu 645, đi dọc bãi cát sông Ray, ngóng ra. Nước đang thẫm dần. Từng đàn chim hớt hải sải cánh bay về phía thượng nguồn. Tiếng chim kêu cũng tanh mùi cá... Khi tôi hỏi về chuyến đi của tàu 645, anh Lê Hà kể rằng chuyến đó là chuyến đi hết sức căng thẳng. Trên đường, tàu 645 luôn luôn bị máy bay trinh sát và tàu khu trục của Mỹ theo dõi. Ngày 22 tháng 4 năm 1972, tàu 645 đi vào Vịnh Thái Lan.

Ngày 23, theo kế hoạch, sẽ chuyển hướng vào bờ. 17 giờ, tàu vừa quay mũi, thì có điện từ sở chỉ huy: "Bến động. Quay ra công hải". Lê Hà và Nguyễn Văn Hiệu hội ý rồi nhanh chóng cho tàu đi ra hướng Đông. Suốt đêm hôm đó, máy bay NAVY và tàu chiến địch bám sát. Chúng đánh tín hiệu hỏi: "Tàu nào? Đi từ đâu tới?". Tàu 645 trả lời: "Từ Trung Quốc xuống, đi đánh cá bị lạc". Địch bắn pháo sáng, nhờ đó nhìn rõ ba tàu địch đang bao vây. Tàu 645 vẫn mở hết tốc độ, hướng về phía Malaysia. Địch đuổi theo, chắn trước mũi, gọi hàng. Trong tình thế cấp bách ấy, Nguyễn Văn Hiệu vẫn bình tĩnh. Anh như con thoi đi đến từng vị trí, nhắc nhở động viên anh em. Thái độ của chính trị viên khiến mọi người vững tâm.

- Phòng vô tuyến của nó là đài chỉ huy đấy chính trị viên ạ.

- Ừ, quan sát khá lắm!

- Anh Hiệu, khoang máy của nó ở gần đuôi tàu.

- Các em cứ quan sát kỹ, bao giờ có lệnh tôi, ta bắn.

Các vị trí chiến đấu đã sẵn sàng. Tàu địch tiếp tục bắn pháo sáng. Chúng bắn bên trái, tàu 645 đi sang phía bên phải. Chúng bắn bên phải, tàu vòng sang trái theo hình chữ chi.

Một con tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

7h45' ngày hôm sau, 24/4, bọn địch trên tàu khu trục chắc chẳng mấy khó khăn để nhận ra chiếc tàu chúng đang săn đuổi chính là  "tàu Bắc Việt giả dạng", tiếp tế vũ khí cho Việt cộng. Chúng lại gọi hàng. Tàu 645 như thể không hay biết, tiếp tục đi về hướng Đông.

Gọi hàng không kết quả, địch bắn sang. Đạn pháo rơi trước mũi. Biết địch cố tình bắt sống tàu ta, Nguyễn Văn Hiệu hạ lệnh chiến đấu. Các cỡ súng B40, B41, 12 ly 8 hướng về phía tàu địch, nhả đạn. Lúc này địch tập trung hỏa lực, bắn sang tàu ta rất rát. Một số thủy thủ bị thương, mấy người hy sinh. Một viên đạn xuyên vào buồng lái, chiến sĩ hàng hải Thẩm Hồng Lăng bị thương. Nguyễn Văn Hiệu đang hủy tài liệu, thấy vậy, quay sang hỏi:

- Em còn lái được không, Lăng? - Rồi Hiệu bế Lăng đặt lên ghế lái, điềm tĩnh động viên: Anh biết em lái được mà, cố lên nhé!

Ngoài boong, bắt đầu có nhiều đám cháy. Chợt Lăng kêu to:

-  Anh Hiệu, đứt xích lái rồi!

Hiệu nhìn ra, nhận ra tàu 645 đang quay tròn. Tình thế hết sức nguy hiểm. Xung quanh đạn vẫn nổ, và tàu vẫn cháy. Hiệu ra lệnh:

- Tất cả thủy thủ dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Hà chuẩn bị rời tàu. Lăng đánh bộc phá khoang số 3. Thắng đánh khoang giữa, còn khoang cuối để tôi.

Làm xong phần việc của mình, Nguyễn Văn Hiệu đi kiểm tra các điểm nổ, các vị trí đánh bộc phá.

- Em đánh chắc chưa, Lăng?

- Chắc! Đặt 30 phút. Kíp hóa học đánh "bép" rồi.

- Tốt! Em rời tàu ngay!

- Còn anh? Cho em ở lại… Nếu hy sinh, em muốn được hy sinh cùng anh và con tàu.

- Mệnh lệnh đấy! Khẩn trương lên.

Dùng dằng một lúc, Nguyễn Văn Hiệu đành đẩy Lăng rời tàu.

Nguyễn Văn Hiệu huỷ hết tài liệu, rồi ra boong. Anh muốn mình là người rời tàu sau cùng. Song lúc ấy anh chợt nhận ra một tình huống vô cùng nguy hiểm: Chiếc tàu mất lái, cứ chạy vòng tròn xung quanh 16 thủy thủ đang dìu ríu nhau dưới nước, trong đó không ít người bị thương. Lúc tàu ở rất gần anh em, lúc ở xa tốp người. Nếu khi nổ, tàu ở vị trí gần các thủy thủ, tính mạng 16 con người khó an toàn. Nghĩ vậy, Nguyễn Văn Hiệu quyết định ở lại để tự mình cho bộc phá nổ, hủy tàu. Dưới nước, anh em thủy thủ nán lại có ý ngóng chờ. Biết vậy, hai tay làm loa, anh nói to: "Các em về báo cáo lại với đoàn rằng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hãy bơi đi!… Nếu không may rơi vào tay địch, các em gắng giữ vững ý chí, một ngày gần nhất, Đảng và Chính phủ sẽ đón các em về. Có nghe rõ tôi nói không?…".

- Đã bao năm rồi mà tôi không sao quên được ánh mắt chính trị viên, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hiệu nhìn chúng tôi lúc đó - Lê Hà kể tiếp - Dịu hiền, thân thương, bao dung mà quyết đoán lạ! "Các em gắng sống và sống tốt nhé, cho tôi gửi lời chào mọi người…" - Đó là câu nói cuối cùng của anh, câu nói khiến bao nhiêu năm rồi chúng tôi vẫn thấy nhức buốt, xót xa và nuối tiếc… Khi con tàu ở vào vị trí an toàn cho chúng tôi, một tia chớp, kế đó là một tiếng nổ lớn dồi lên. Nước dựng cao và con tàu vỡ đôi, chìm dần, chìm dần xuống biển. Chúng tôi bàng hoàng, cùng ngóng về phía đó và không ai bảo ai đều kêu lên: "Anh Hiệu ơi!…". Người Bí thư chi bộ của chúng tôi đã ra đi như thế!… Từ đấy, anh mãi mãi ở lại cùng con tàu 645 nơi vùng biển Tây Nam…

Giọng Lê Hà tắc nghẽn. Hình như anh khóc. Biết vậy nên tôi không dám hỏi gì thêm…

Cách đây đã lâu, tôi có gặp anh Thẩm Hồng Lăng, chiến sĩ lái tàu thuở đó. Anh Lăng là sinh viên Trường Đại học Hàng hải. Học xong, vào bộ đội Hải quân và sau đấy được chuyển về đoàn "tàu không số". Khi tôi hỏi về Nguyễn Văn Hiệu, anh bùi ngùi:

- Anh Hiệu quê ở Thăng Phương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, anh ra Bắc tập kết, thời gian đầu công tác tại Đoàn tàu đánh cá Hạ Long, năm 1962 về đoàn "tàu không số". Anh đã nhiều lần cùng đồng đội đưa vũ khí vào chiến trường. Lúc anh là thủy thủ, lúc là thủy thủ trưởng, sau đó được bồi dưỡng, rồi được đề bạt làm chính trị viên tàu 645.

Anh sống thủy chung, có tình, có nghĩa. Thủy thủ trên tàu coi anh như người anh cả, bởi Nguyễn Văn Hiệu không chỉ là người lớn tuổi nhất (khi đó anh chừng bốn mươi), mà còn vì anh chu đáo, biết chăm lo cho từng thành viên. Anh là chỗ dựa, là trung tâm đoàn kết của mọi người. Những ai gặp khó khăn, có những điều khúc mắc, thường tìm đến anh để tâm sự, giãi bày. Và đều nhận được ở anh những lời khuyên giải chân thành, thấu đáo. "Anh nghe đây, em cứ nói đi…". Anh quen gọi "lính" của mình bằng "em" và chúng tôi rất thích lối xưng hô ấy. Nó vừa thân tình, lại vừa gần gũi… Nguyễn Văn Hiệu là người mới tiếp xúc thì ngỡ rằng khô khan. Anh ít nói, khi cần nói cũng rất kiệm lời, kể cả trong cuộc họp. Xong việc là lẳng lặng về tàu. Không la cà đàn đúm. Song, anh là người sống hết sức tình cảm. Muốn nhận ra độ sáng viên ngọc quý, phải sống gần anh lâu lâu và phải chứng kiến những việc anh làm. Mỗi lần tàu đi xa về, anh đều tìm mọi cách để thủy thủ được nghỉ ngơi, hoặc sắp xếp để mọi người có điều kiện về thăm nhà. Ai thiếu tiền, anh móc túi dúi cho, mặc dù lương thiếu úy của anh chẳng bao nhiêu. Gia đình gần chỗ đóng quân nhưng ít khi anh về. Anh ở lại trực, để như anh vẫn nói: "Các em gắng tranh thủ nghỉ ngơi, giúp cho chuyến sau đi tốt hơn"…

Bao nhiêu năm sống cùng chính trị viên, nhưng chưa một lần tôi thấy anh to tiếng. Ai làm sai, anh nhẹ nhàng: "Em nên thử lại một lần nữa. Lần sau nhất định sẽ tốt hơn". Bởi vậy anh là chỗ quy tụ, là niềm tin của chúng tôi. Điều đáng ngạc nhiên nữa là Nguyễn Văn Hiệu hầu như không say sóng. Mỗi lần tàu ra khơi, gặp sóng to, anh thường xuống bếp nấu cháo và mang đến cho từng người: "Ăn đi em, gắng một chút để có sức mà làm việc. Tàu sắp chuyển hướng vào bến rồi…". Nhà anh nghèo lắm! Song không một lần anh mang bất cứ thứ gì của tàu về nhà, mặc dù hồi đó chúng tôi rất được cưng, tiêu chuẩn ăn cao, lúc nào hoa trái bánh kẹo cũng dư dật. Có lần chúng tôi lén mang một ít về cho các cháu. Biết chuyện, anh không rầy la nhưng nhìn chúng tôi với thái độ trách móc, rồi nói: "Lần sau các em đừng làm thế, tôi buồn". Từ đấy không ai dám thế nữa… Vậy mà chuyến ấy anh đã ra đi, ra đi mãi mãi… Anh ở lại điểm hỏa phá tàu vì sinh mạng 16 anh em chúng tôi đã đành, mà còn vì anh lo tàu không nổ, địch áp vào bắt sống kéo về…

Bao nhiêu năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại buổi sáng hôm ấy, buổi sáng Nguyễn Văn Hiệu cùng con tàu ra đi, tim chúng tôi lại nhức buốt. Nhớ anh, thương anh, lại thương chị Vi, vợ anh và các cháu vô cùng… Sau này bị bắt, ở trong trại giam Mỹ ngụy, mỗi lần gặp khó khăn, mỗi lần bị thẩm vấn, chúng tôi lại nghĩ đến anh để giữ vững ý chí, để giữ vững niềm tin…

...Lê Hà đang đi cạnh tôi, khuôn mặt chiềng ra hứng gió, nom nhẹ nhõm và thanh thản quá! Anh bảo:

- Cứ mỗi lần khó khăn, mỗi lần gợn tủa những điều bất công, mình lại nghĩ đến anh Hiệu, nghĩ đến anh em tàu 645 đã bỏ mình nơi vùng biển Tây Nam, để mà sống, mà vượt qua những trớ trêu nơi cuộc đời này. Đòi hỏi một cái gì thêm trong thực trạng hiện nay, cứ mặc cảm như có lỗi với những anh em đã hy sinh. Chiến tranh mà, có bao điều đã xảy ra và hậu quả của nó đâu một sớm một chiều giải quyết xong. Hãy sống đúng như một con người, và đừng bao giờ hổ thẹn với hai tiếng ấy, thế thôi...

Tôi ngước nhìn anh, khuôn mặt đọng những nét suy tư, đượm buồn và đôn hậu ấy đang ngóng ra xa, nơi cửa Lộc An. Tôi rõ rằng phía ngoài cửa Lộc An là biển, biển mênh mông và ngút tầm nhìn...

Đình Kính
.
.