Bi kịch tình duyên của một tài năng kiệt xuất

Thứ Sáu, 06/11/2015, 07:40
Có một bí ẩn của nghệ thuật mà đến nay chưa ai giải mã được, đó là vì sao một nhân vật vào hàng bậc thầy của nghệ thuật tuồng là Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu lại bị chìm lấp dưới lớp bụi mờ lịch sử hơn trăm năm? Vì lẽ gì mà tên tuổi và đóng góp vô giá của ông cho giáo dục và cho nghệ thuật tuồng - hát bội bị rơi vào quên lãng?
Bi kịch của Nguyễn Diêu đến từ cuộc đời và duyên phận ông. Và nỗi đau cùng bi kịch ấy âm thầm đi vào sáng tác của ông, góp cho sân khấu Việt Nam những vở tuồng được đông đảo khán giả yêu mến.

Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu là ai?

Lâu nay, nhắc đến danh nhân Đào Tấn, nhiều học giả nói rằng ông may mắn có một nghiệp sư lỗi lạc. Vậy người đó là ai? Là ai, là ai mà mãi đến bây giờ chưa có những công trình nghiên cứu tôn vinh đúng mức? Đó chính là ông tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu. Tôi nhớ có lần ghé Quy Nhơn, trong lúc hỏi chuyện đất và người Bình Định, thấy bạn bè tự hào nhắc đến tên nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu.

Nhiều câu chuyện được truyền tụng trong dân gian như những giai thoại đẹp về Nguyễn Diêu. Ông tú ấy tài hoa số một, nhưng không thành công về đường khoa cử nên lui về dạy học và viết những vở tuồng thơ làm rạng danh bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Một cảnh trong vở tuồng “Hồ Nguyệt cô hóa cáo” của tác giả Nguyễn Diêu.

Giáo sư Vũ Khiêu sau khi nghiên cứu cuốn sách của Vũ Ngọc Liễn về Nguyễn Diêu đã phải thốt lên: "Tôi nhận thấy một điều thiếu sót to lớn của văn học sử Việt Nam và Tổng tập văn học Việt Nam 42 cuốn đã không có tên và tác phẩm của Nguyễn Diêu". Lịch sử vẫn có những lỗ hổng như vậy. Tại sao một ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật như vậy lại vắng mặt trong các tài liệu lịch sử nghệ thuật dân tộc? Chỉ có thể lý giải điều này bằng lịch sử. Và lịch sử có những trang trắng về các sự kiện nhân vật là chuyện từng xảy ra, bởi do nhiều duyên cớ…

Nói thế để yên lòng những người đi tìm bí ẩn lịch sử. Và những người ấy đã có công phát hiện những danh nhân khuất lấp giữa lớp bụi thời gian. Ngôi sao sáng nào cũng có thể khuất vào bụi thời gian nếu lịch sử thành văn không có trang ghi chép nào sót lại. Tôi tin trường hợp của cụ Nguyễn Diêu là như vậy.

Nguyễn Diêu khác với ông đại quan kiêm nghệ sĩ Đào Tấn. Đào Tấn hơn thầy mình ở chỗ nhờ lợi thế chính trường và địa vị cung đình mà phát huy sức mạnh nghệ thuật tuồng để tuồng phát triển một cách rực rỡ và "phủ sóng" khắp các miền. Còn cụ tú Nguyễn Diêu tài hoa và đức độ trọn đời chỉ sống ở vùng quê Bình Định, ẩn danh để dạy học và soạn tuồng, vì thế tên tuổi cụ như ngôi sao đã chìm lấp vào bụi thời gian. Và nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã dày công vén lớp bụi mờ ấy để đi tìm một chân dung đáng quý trong nền nghệ thuật Việt. Đã có những nhầm lẫn lâu nay.

Thì ra cái vở tuồng hay bậc nhất "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", người ta ngỡ của Đào Tấn là của chính thầy ông - cụ tú Nguyễn Diêu. Có thể còn có nhiều tác phẩm văn chương, những vở tuồng chưa được sưu tầm nghiên cứu, nhưng với những gì đã biết, Nguyễn Diêu đã chứng tỏ là một nhà văn có thể sánh ngang tên tuổi các văn hào lớn của dân tộc. Nhà văn Đỗ Kim Cuông đánh giá: Chỉ cần là tác giả của một "Ngũ Hổ bình Liêu" bất hủ, Nguyễn Diêu xứng đáng được người đương thời và hậu thế tôn vinh.

Nhưng ông không chỉ có "Ngũ hổ bình Liêu", mà còn có những tuyệt tác khác, mà vở tuồng "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" hay "Tiết Giao đoạt ngọc" (có người gọi là "Cổ miếu Văn ca") với yếu tố nhân loại, yếu tố hiện đại và triết lý nhân sinh sâu sắc, nhắc nhở nhân loại rằng hãy cảnh giác với những đam mê dục vọng của chính mình cùng những âm mưu lợi dụng những đam mê dục vọng ấy… đã đưa vở tuồng này thành một kiệt tác văn chương không chỉ ở Việt Nam. Vở tuồng gây xúc động cho không biết bao nhiêu thế hệ khán giả, kể từ giới bình dân đến bậc trí giả đều yêu thích.

Câu chuyện tuồng Nguyệt Cô là một cách gửi gắm tư tưởng nhân văn cao cả của tác giả. Nguyệt Cô là con cáo đã trở thành người sau hàng ngàn năm tu luyện và nàng sống kiếp con người hồn nhiên trong trẻo, với vẻ đẹp trời cho và một tình yêu cháy bỏng rất người… Nhưng không ngờ sự trong sáng, ngây thơ  của Nguyệt Cô bị đối xử tàn nhẫn bởi chính những kẻ dã tâm như loài ác thú mà ngỡ mình là người, nhân danh con người. Cuối cùng Tiết Giao đã đoạt lấy viên ngọc bảo mệnh, tức ngọc người của Nguyệt Cô, để từ đó cô lại trở về kiếp cáo và Võ Tam Tư đã sát hại Nguyệt Cô, người vợ từng bao bận chiến đấu bảo vệ chồng…

Vậy Nguyễn Diêu là ai? Là ai mà từng làm thầy một danh nhân Đào Tấn, đồng thời người viết nên những vở tuồng mang giá trị đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, thành những kiệt tác tồn tại mãi với thời gian.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xa nước ba mươi năm từ lúc trẻ trai, vậy mà vẫn thuộc vẫn nhớ tuồng Nguyễn Diêu. Giáo sư Hoàng Chương kể rằng sinh thời Hồ Chủ tịch rất mê tuồng "Ngũ hổ bình Liêu" của Nguyễn Diêu. Thường mỗi khi ông Lê Văn Hiến (Người gốc Quảng Nam, Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - TG) diễn tuồng này cho Bác xem, Người còn có lúc nhắc vở cho ông Hiến… Cử chỉ ấy của Bác làm mọi người vô cùng khâm phục. Từ ấy mỗi khi đi thăm các nước, Bác vẫn bảo ông Lê Văn Hiến hát lại lớp tuồng Thoại Ba cho các vị khách quốc tế nghe...

Nguyễn Diêu là ai mà tiếng tăm ẩn khuất, mà tác phẩm chỉ còn lại là những vở tuồng trứ danh mà đời sau ngộ nhận của người khác cùng những bài thơ tuyệt bút? Ông lớn thế, mà sao đến một con đường ở thành phố quê hương cũng không có tên ông…

Bi kịch duyên phận đeo đẳng

Theo một số tư liệu mới tìm được, Nguyễn Diêu sinh năm 1822 tại làng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước, Bình Định cùng quê với danh nhân Đào Tấn và thi sĩ Xuân Diệu… Nổi tiếng một thời văn hay chữ tốt, nhưng cuộc đời  vướng một chuyện tình trái ngang mà thành ra đau khổ, rồi ám ảnh tội lỗi với người yêu mà dở dang chuyện khoa bảng. Ông tú từ đó ôm mối hận tình, hận mình mà về quê mở trường dạy học và soạn tuồng, viết nên những pho tuồng tuyệt bút và đào tạo nên nhiều chí sĩ tài năng, trong đó nổi bật có Đào Tấn danh nhân văn hóa dân tộc, và là Hậu tổ nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Chỉ cần xem ba tác phẩm tuồng in trong cuốn sách của Vũ Ngọc Liễn đã thấy một Nguyễn Diêu tài năng cỡ nào về nghệ thuật và văn chương. Tuồng "Ngũ Hổ bình Liêu", "Liệu đố" và "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo"… luôn là những tác phẩm trứ danh trong lịch sử nghệ thuật tuồng.

Trong vở tuồng "Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô", Nguyễn Diêu đã cảm thương sâu sắc nhân vật Nguyệt Cô. Có lẽ trong đời, ông từng có một Nguyệt Cô của mình, người con gái mà ông rất quý trọng và lúc ông vạch trần tội ác xấu xa của Tiết Giao và Võ Tam Tư chính là lúc ông không tha thứ cho mình đã hơn một lần phụ bạc.

Hình như Nguyễn Diêu đớn đau dằn vặt trước số phận của Nguyệt Cô như chính ông đã từng trót làm cho nàng đau khổ, khác gì hành động của Tiết Giao và Võ Tam Tư. Chuyện đời của Nguyễn Diêu đã từng có một bi kịch lớn mà đến cuối đời ông cũng không thể nào hóa giải được. Nó dằn vặt ông, đeo đẳng ông.

Thuở đi học, vì nhà nghèo đường xa, chàng học trò nghèo Nguyễn Diêu ở trọ nhà một phú ông, hằng tháng, mỗi lần về quê đem theo gạo để tự nấu cơm ăn. Cô con gái phú ông thấy anh học trò nghèo chăm chỉ và thông minh thì phải lòng chàng trai ở trọ. Nàng rình thấy gạo trong ruột tượng của chàng vơi thì tự đổ vào, thấy áo chàng bẩn thì trộm lấy đem giặt, thấy áo chàng sờn rách thì tự tay khâu vá… Nguyễn Diêu cũng đem lòng yêu mến cô gái. Nhưng khi có ý định hôn nhân thì mẹ ông xem tuổi thấy hai người không hợp mà bác bỏ mối tình sâu nặng ấy. Lễ giáo phong kiến đã làm nên ngang trái chuyện tình, để rồi cô gái  vì quá đau khổ đã trẫm mình tự tử khi đương mang thai.

Ôm mối sầu trọn kiếp và ân hận suốt đời bởi ông tự nguyền rủa mình đã đoạt tuổi trẻ của nàng, để lại giọt máu của mình trong nàng rồi bỏ đi, để lại nàng một mình khổ đau đến nỗi quyên sinh. Suốt những năm dài sau đó, nỗi ám ảnh của mối tình đầu đau đớn ấy đã không cho ông một tâm thái nào để theo con đường quan lộ, để chăm lo đèn sách học hành đỗ đạt.

Nỗi buồn, nỗi đau ấy ám ảnh ông cho đến mãi sau này, thậm chí vận vào từng thân phận các nhân vật của ông trong các vở tuồng. Nước mắt theo ông nhỏ xuống đầu ngọn bút. Ông cho hành động bất nhân của Tiết Giao và Võ Tam Tư như là hành động của chính ông đối với người mình yêu… Vở tuồng ngắn ấy chính là tâm sự, là bi kịch đời ông chăng?…

Viết về Nguyệt Cô, Nguyễn Diêu thể hiện khát vọng của mình trước cuộc đời. Hình ảnh nhân vật Nguyệt Cô của ông rất gần với nhân vật thời hiện đại: Người đàn bà ấy si mê đến cuồng dại, nàng từ người đàn bà dâm đãng trở thành kẻ đáng thương. Cũng vì tình mà nàng đành để mất ngọc ngàn năm tu luyện mà có. Cũng vì tình ái mà mê muội để từ kiếp người lại trở về kiếp cáo. Thông điệp từ những tác phẩm tuồng Nguyễn Diêu luôn có giá trị với con người hiện đại, có giá trị với muôn kiếp con người…  Nguyễn Diêu vĩ đại là ở đó.

Tôi tin là từ những tìm tòi phát hiện hôm nay, qua những hội thảo khoa học và những công trình nghiên cứu cụ thể, thấu đáo về Nguyễn Diêu, rồi đến lúc chúng ta sẽ có những đánh giá đầy đủ về một tên tuổi lớn của nền nghệ thuật, một nhân cách lớn trong lịch sử để có những tôn vinh xứng đáng, để trả lại vinh quang cho một con người từng đam mê tâm huyết với cuộc đời và nghệ thuật dân tộc…

Tân Linh
.
.