Tác giả "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ:

Bí ẩn những cuộc tình

Thứ Năm, 20/09/2007, 16:58
Mặc dù Thomas Jefferson là người luôn giữ kín nội tâm của mình, song rốt cuộc những bí mật về cuộc sống riêng tư của ông vẫn bị các nhà viết tiểu sử, tiểu thuyết khám phá và tiết lộ. Khi ông Fawn Brodie xuất bản cuốn “Thomas Jefferson - một chuyện đời riêng tư”, những bí mật về tình ái và tài chính của vị Tổng thống sống độc thân trong Nhà Trắng đã được công bố.

Trên tấm bia mộ của cố Tổng thống Thomas Jefferson có dòng chữ do chính tay ông viết khi còn sống: “Nơi đây yên nghỉ Thomas Jefferson – tác giả của Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, của đạo luật tự do tín ngưỡng của Virginia và là người sáng lập nên Trường đại học Tổng hợp Virginia”.

Ông đã không ghi chức vị Tổng thống của mình trên đó! Những lời lẽ khiêm nhường này cùng với những cống hiến của ông đối với đất nước: làm cho diện tích nước Mỹ tăng gấp đôi thông qua việc mua bán vùng đất Louisiana rộng lớn từ tay Napoléon Bonapac; việc xóa bỏ chế độ mua bán nô lệ phi nhân tính... khiến ông được xếp vào danh sách 5 vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ trong cuộc bình chọn năm 1962.

Năm 1776, khi nhân dân các thuộc địa Bắc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, một ban biên soạn tuyên ngôn được thành lập. Thomas Jefferson – một luật sư 23 tuổi được chọn là người soạn thảo, bởi anh cùng Benjamin Franklin được đánh giá là hai nhà tư tưởng sáng giá thời đó, là người có tài viết văn hùng hồn, thuyết phục.

Thomas Jefferson còn là người đại diện cho bang Virginia - một thuộc địa có ảnh hưởng lớn nhất trong số các thuộc địa Bắc Mỹ. Trong vòng 17 ngày, Thomas Jefferson đã phác thảo xong Tuyên ngôn độc lập mà không cần tới sự trợ giúp của bất cứ một quyển sách tham khảo nào.

Sau này ông giải thích rằng, ông làm như vậy là vì không có ý định tìm ra những nguyên tắc mới, mà chỉ nêu lên bản chất chung của vấn đề trước toàn thể nhân loại, theo một cách diễn đạt thật giản đơn, thật kiên quyết: “Mọi người đều sinh ra có quyền Bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được, trong đó có quyền được Sống, quyền được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc”.

Việc công bố Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 4/7/1776 đã có sức khích lệ động viên to lớn đối với sự nghiệp giải phóng của nhân dân các thuộc địa Bắc Mỹ.

Ngày 3/9/1783, nước Anh buộc phải ký Hòa ước Paris, công nhận nền độc lập của nước Mỹ. Như vậy là, phải sau 7 năm công bố bản tuyên ngôn, nền độc lập của nước Mỹ mới trở thành hiện thực. Và 25 năm sau ngày viết bản tuyên ngôn nổi tiếng này, Thomas Jefferson trở thành Tổng thống và liên tục làm việc ở Nhà Trắng trong hai nhiệm kỳ (1801-1809).

Mặc dù Thomas Jefferson là người luôn giữ kín nội tâm của mình, song rốt cuộc những bí mật về cuộc sống riêng tư của ông vẫn bị các nhà viết tiểu sử, tiểu thuyết khám phá và tiết lộ. Khi ông Fawn Brodie xuất bản cuốn “Thomas Jefferson - một chuyện đời riêng tư”, những bí mật về tình ái và tài chính của vị Tổng thống sống độc thân trong Nhà Trắng đã được công bố.

Thời trai trẻ, Thomas Jefferson có mối tình thơ mộng với Rebecca Burwell, song tính nhút nhát và sự khờ dại của chàng trai mới lớn đã đánh mất người đẹp. Liền sau đó, Thomas Jefferson đem lòng yêu mến cô hàng xóm đã có chồng, cô  Betsey Wallker.

...Và một người tình của ông.

Cô này là vợ một anh bạn thân của Thomas Jefferson - anh John Wallker. Cô Betsey đã trở thành đề tài của một vụ scandal được đăng tải rầm rộ trên các tờ báo lớn trong thời gian Thomas Jefferson làm Tổng thống.

Đã có một thời Thomas Jefferson thân với chồng của cô này đến nỗi chính anh ta đã chọn Thomas Jefferson làm người thực hiện di chúc của mình, thậm chí còn nhờ Jefferson “trông nom” vợ mỗi khi anh ta vắng nhà!

Dẫu mối quan hệ này có từ trước khi Jefferson vào Nhà Trắng, nhưng do quá bức xúc và xấu hổ, năm 1805, John đã cho đăng một bài báo với nội dung tố cáo Jefferson đã nhiều lần xông vào phòng của vợ mình khi cô đang thay áo, hoặc cố tình xông vào phòng ngủ để quyến rũ nàng.

John đã cả gan đòi đấu súng với Tổng thống để bồi thường danh dự. Không hiểu Jefferson đã dàn xếp như thế nào mà cuối cùng cuộc đấu súng đã không xảy ra.

Một số người cho rằng, John đã cố ý thổi phồng sự thật nhằm gây một vụ bê bối để đánh bóng tên tuổi và vòi vĩnh một số quyền lợi. Nhưng dẫu sao, Jefferson cũng đã phải thú nhận: “Hồi tôi còn trẻ và còn độc thân, tôi đã yêu một phụ nữ đẹp. Tôi thừa nhận đó là một việc làm không đúng”.--PageBreak--

Năm 28 tuổi, Thomas Jefferson kết hôn với Martha Wayles Skeltton, một phụ nữ mới 23 tuổi đã góa chồng và có một con trai. Martha là con gái một luật sư kiêm chủ đất nổi tiếng.

Không còn lại một tấm chân dung nào của Martha, song Thomas Jefferson nói rằng vợ ông là một phụ nữ đẹp, có cặp mắt màu nâu lục nhạt, mái tóc vàng óng và dáng người thon thả. Bảy lần sinh nở trong mười năm của cuộc sống vợ chồng đã lấy đi hết sinh lực của Martha, và Martha lìa đời sau khi sinh người con gái cuối cùng chừng 4 tháng.

Bảy lần sinh nở, nhưng chỉ một người con gái còn sống và trở thành người thanh toán các món nợ nần của người cha để lại. Những nô lệ của Thomas Jefferson chăm sóc Marhta những ngày cuối cùng đã kể lại rằng, ông đã hứa với người vợ trước cơn hấp hối rằng, sẽ không bao giờ lấy vợ nữa, sẽ dành hết tâm huyết nuôi các con trưởng thành!

Và quả thật, lời hứa với người đã chết đã được thực hiện. Thế nên Thomas Jefferson mới trở thành vị Tổng thống sống độc thân trong suốt hai nhiệm kỳ.

Con gái ông đã thay thế mẹ trở thành chủ nhân thực sự của Nhà Trắng. Thật tiếc cho Martha đã không được chứng kiến ngày chồng mình bước lên đỉnh cao quyền lực và cũng không được hưởng chút danh lợi nào do quyền lực của chồng mang lại.

Sau khi vợ chết, Thomas Jefferson không tục huyền cùng ai, song điều đó không có nghĩa là ông không có một cuộc tình nào khác. Một số người cho rằng, việc không tục huyền là cách để ông che đậy hành vi của một kẻ “ưa hưởng lạc”.

Trong thời gian làm công sứ tại Pháp, Thomas Jefferson quen và yêu một nữ họa sĩ nổi tiếng xinh đẹp, trẻ hơn ông 16 tuổi, nàng Maria Hadfield Cosway. Mối tình này tuy không bị đưa lên mặt báo, song lại để lại dấu tích thương tật trên cơ thể của ông và trở thành chủ đề đàm tiếu của thiên hạ.

Người ta kể rằng, trong một lần dạo chơi cùng người đẹp, để chứng minh mình còn trẻ khỏe, Thomas Jefferson liều lĩnh nhảy qua một cái rãnh và không may bị ngã trật khớp cổ tay trái, khiến từ đó về sau bàn tay đó không thể cử động một cách bình thường.

Song, giới săn lùng bí mật đời tư của các nhân vật nổi tiếng quan tâm nhất đến mối tình kéo dài suốt 38 năm giữa Thomas Jefferson với một nữ nô lệ của mình. Ông Fawn Brodie trong cuốn sách của mình đã cho rằng đây là mối tình “vĩ đại nhất” của Thomas Jefferson.

Người nữ nô lệ xinh đẹp đó tên là Sally Hemings, một người em cùng cha khác mẹ với vợ của Thomas Jefferson. Sally là con gái của nô lệ Elizabeth Hemings và ông chủ da trắng John Waylas - bố vợ Jefferson.

Fawn Brodie cho rằng Thomas Jefferson chính là cha đẻ của mấy đứa con ngoài giá thú của Sally Hemings. Ông cũng khẳng định Jefferson không hề đùa giỡn với Sally như các ông chủ vẫn thường làm với nô lệ của mình. Tình cảm hai người dành cho nhau là chân thành và bền vững.

Trong khi các nhà viết tiểu sử của Jefferson không đồng tình với ý kiến của ông Fawn Brodie, vì cho rằng Jefferson không bao giờ hạ mình để yêu một nữ nô lệ của mình, thì ông Brodie lại đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi chứng minh rằng, Thomas Jefferson và Sally đã yêu nhau, có với nhau mấy đứa con.

Bằng chứng thứ nhất mà ông Fawn đưa ra là, người con trai của Sally- Madison Hemings đã tuyên bố công khai rằng, Sally là vợ lẽ của Jefferson.

Còn bằng chứng quan trọng khác là, trong chúc thư cuối cùng của Jefferson, 5 nô lệ được ông giải phóng đều là những người có quan hệ gần gũi với Sally: hai người con của Sally, một thợ đóng đồ gỗ mỹ nghệ là anh cùng cha khác mẹ với Sally. Hai người còn lại là cháu ruột của Sally.

Năm 1809, sau khi Jefferson kết thúc nhiệm kỳ thứ hai, ông về nghỉ hưu ở Montecillo. Thật khó tưởng tượng một người đã từng là Tổng thống trong hai nhiệm kỳ liền, khi ra khỏi Nhà Trắng lại lâm vào cảnh túng quẫn và khi chết còn để lại cho con gái một món nợ khổng lồ.

Nguồn thu nhập chính của Jefferson trong những năm cuối đời trông cậy vào số tiền bán một số hoa màu, bột mỳ và đinh sản xuất trong các xưởng của ông ở Montecillo.

Ông túng đến nỗi, đã phải buộc lòng bán đi bộ sách quý giá mà ông đã sưu tập cả đời gồm 6.500 quyển cho Thư viện Quốc hội, lấy 23.950 USD. Người ta phải dùng tới 11 toa tàu hỏa để chuyên chở số sách này. Nhưng trong một vụ hỏa hoạn, 2/3 số sách quý đó đã bị thiêu hủy.

Trong bản di chúc cuối cùng, Jefferson trao quyền thừa kế vùng đất Montecillo cho người con gái duy nhất còn sống: Martha Pasty Jefferson. Song vì số nợ quá lớn do cha để lại, cô con gái buộc phải đem bán vùng đất đó cùng với tất cả tiện nghi, đổ đạc và kỷ vật của người cha thân yêu để trả món nợ 107.274 USD.

Còn một điều lạ lùng nữa, Thomas Jefferson qua đời đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày công bố Tuyên ngôn độc lập, cũng là ngày Quốc khánh của Mỹ - ngày 4/7/1826. Và John Adam - người cùng Thomas Jefferson ký vào bản Tuyên ngôn độc lập cũng mất vào ngày hôm đó.

Hoàng Mai
.
.