Bản di chúc kỳ dị của một thiên tài

Thứ Tư, 14/04/2010, 15:30
Thường thì các nhà văn, nhà thơ - những nghệ sĩ của ngôn từ đều có chung một tâm nguyện: những đứa con tinh thần của mình được lưu danh muôn thuở. Song Franz Kafka (1883- 1924) - nhà văn Czech gốc Do Thái viết bằng tiếng Đức - một nhà văn được đánh giá có ảnh hưởng lớn đối với văn học phương Tây, trước khi từ trần đã di chúc lại cho người bạn thân nhất rằng: Tất cả nhật ký, thư từ, bản thảo của ông phải được đốt đi, không để lại dấu vết gì trước khi có ai đọc đến.

Nhưng người được Franz Kafka ủy thác không làm như lời ông dặn, đã đem xuất bản tất cả những tác phầm ông gửi lại. Thế nên hậu sinh mới có cơ may thưởng thức những những tác phẩm văn chương của ông, cùng với gần một ngàn bức thư tình ông gửi cho những người đàn bà ông yêu dấu.

Giống như phần đông các nhà văn của những thế kỷ trước, Franz Kafka theo nghiệp văn chương là do nhu cầu tự thân, viết bằng tài năng thiên phú, không trải qua bất kỳ một trường lớp dạy viết văn nào. Ông đã từng tốt nghiệp Tiến sĩ Luật học, từng làm nhân viên của một công ty bảo hiểm, song hầu như tất cả sức lực của mình ông đều dồn cho việc viết văn. Sinh thời, ít ai biết đến tên tuổi Franz Kafka, vì ông chỉ cho in một số rất ít tác phẩm, chủ yếu là truyện ngắn, như "Lời phán xét", "Hóa thân", "Trại hối cải", "Thầy thuốc nông thôn", "Nghệ sĩ chết đói"… Còn tiểu thuyết và thơ, ông viết ra là để… cất đi, cất cho thật kỹ. Chỉ có một người bạn rất thân của ông là Max Bord được ông tin cậy và ưu ái cho đọc tất cả những tác phẩm của mình, thậm chí cả những bức thư ông viết cho những người đàn bà ông yêu say đắm.

Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên được đăng tải, Franz Kafka đã chọn cho mình một lối đi riêng: Đó là viết về những cái phi lý của cuộc đời. Không giống như những nhà văn cùng thời, cái phi lý đã trở thành đối tượng nhận thức của Franz Kafka. Với ông, cái phi lý không đơn thuần chỉ là một hiện tượng xã hội, mà nó có liên quan, thậm chí chi phối vận mệnh của con người, mà muốn tồn tại được, con người cần phải đấu tranh để loại bỏ nó.

Mảng đề tài mà Franz Kafka chọn khai thác có mối liên quan chặt chẽ đến đời tư của ông. Franz Kafka có người cha làm nghề buôn bán tạp hóa, tính tình độc đoán, tự mãn, luôn đề cao giá trị đồng tiền. Franz Kafka vừa coi thường cha, vừa không thể thoát khỏi những ràng buộc về kinh tế của ông. Hơn bốn chục năm sống ở đời, Franz Kafka luôn trong sự giằng xé: coi thường người cha, vừa không thể thoát khỏi ảnh hưởng của ông, nhất là chuyện cơm áo gạo tiền. Thêm vào đó, do sức khỏe yếu, luôn bị chứng nhức đầu, mất ngủ và lao phổi hành hạ, Franz Kafka không dám lấy vợ và thường xuyên xa lánh thế giới bên ngoài. Ông cho rằng: "Cưới xin, lập gia đình, đẻ ra một lũ con, nuôi nấng và dạy dỗ chúng trong một thế giới bấp bênh như thế này là những nhiệm vụ khó thành công nhất của con người!".

Người đời vẫn thường nói: Gái tham tài, trai tham sắc, bởi thế nên dù Franz Kafka không muốn lấy vợ, muốn xa lánh đàn bà, nhưng những người đàn bà ái mộ nhà văn đã không để cho ông được yên. Vì thế, ông đã yêu không chỉ một, hai người đàn bà, mà là yêu khá nhiều người. Trong di cảo ông để lại có hơn một ngàn bức thư, trong đó 511 bức thư gửi cho Felice Bauer - người đàn bà đầu tiên phá vỡ quan niệm sống của ông, người mà ông đã gặp tại một bữa ăn tối tại nhà Max Bord. Tiếng sét ái tình đã "nổ" trên đầu cặp trai tài gái sắc ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngay sau bữa tiệc, hai người đã tay trong tay cùng  hẹn nhau đi du ngoạn Palestine. Họ đã có một cuộc tình tuyệt đẹp và Franz Kafka đã hai lần đề nghị cưới Felice Bauer, nhưng ngay sau đó lại xin rút lại lời cầu hôn vì vẫn còn phân vân không biết nên chọn cuộc sống tự do hay một mái ấm gia đình với người mình yêu dấu. "Lời phán quyết", "Nước Mỹ" và "Tòa án" là những kiệt tác ra đời trong khoảng thời gian trái tim của nhà văn rung cảm bởi tình yêu đầu kết thúc không trọn vẹn.

Khi dư âm của cuộc tình đầu tiên tạm lắng xuống, Franz Kafka đã gặp và yêu một tuyệt sắc giai nhân, một dịch giả nổi tiếng người Czech tên là Milena Jesenska. Đối với Milena Jesenska, Franz Kafka không phải là mối tình đầu tiên, cũng chưa phải là mối tình sau cuối. Ở độ tuổi hai mươi, Milena Jesenska đã từng yêu say đắm một người đàn ông lớn hơn mười tuổi tên là Ernst Pollak. Bất chấp sự phản đối và ngăn cấm của gia đình, Milena Jesenska đã bỏ trốn cùng Ernst Pollak sang Vienna. Nhưng cuộc sống nơi đất khách quê người không mang lại hạnh phúc như Milena Jesenska mong đợi. Ernst Pollak đã phản bội nàng ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Vienna, lừa dối nàng đi lại với hàng tá phụ nữ khác.

Chán chường và thất vọng, Milena Jesenska chìm đắm trong rượu và chất kích thích, nhưng lại không đủ can đảm để hủy bỏ cuộc hôn nhân của mình, ngay cả khi đã trở thành một dịch giả có tiếng, có thể tự kiếm sống. Một lần được đọc truyện ngắn "The Stoker" của Franz Kafka, Milena Jesenska liền viết thư đề nghị tác giả cho phép dịch truyện ngắn của ông sang tiếng Czech. Kể từ đó họ thường xuyên thư từ qua lại và yêu nhau tự lúc nào không hay.

Nhưng cũng lại là một mối tình qua những bức thư, kéo dài suốt một ngàn năm trăm ngày có lẻ. Ban đầu hai người viết cho nhau bằng tiếng Đức, sau chuyển sang tiếng Czech theo đề nghị của Franz Kafka, vì theo ông, chỉ có viết bằng tiếng mẹ đẻ của Milena Jesenska ông mới có thể dễ dàng hình dung về người phụ nữ mà ông đang yêu. Khi nhận lá thư đầu tiên của Milena Jesenska viết bằng tiếng Czech, Franz Kafka đã gửi lại cho nàng những lời nồng nàn: "Tôi đã hình dung rõ hơn về em: Những chuyển động của bàn tay em, cơ thể em, nhanh nhẹn và quyết đoán như là em hiện lên trước mắt tôi bằng xương bằng thịt. Nhưng khi cố gắng chạm tay vào gương mặt em, những trang thư trước mặt tôi bỗng dưng như bừng lên những ngọn lửa. Tôi chẳng thấy gì khác ngoài những ngọn lửa đã bừng cháy…".

Trong suốt cuộc tình kéo dài bốn năm trời, hai người chỉ gặp nhau hai lần, một lần ở Vienna, một lần ở biên giới Áo và Czech. Song đối với Milena Jesenska, tất cả những cảm nhận của hai lần gặp gỡ và những lá thư đi thư lại không đủ mạnh để nàng tiếp  tục dấn thân vào cuộc phiêu lưu tình ái với một người đàn ông luôn kiếm cớ để tránh xa tình dục và sự sống chỉ còn tính bằng tháng, bằng năm bởi chứng lao phổi. Khi biết quyết định của người tình, Franz Kafka đã viết cho nàng những lời chua xót: "Tôi đã đọc được câu trả lời đó đằng sau những lá thư và trong cả ánh mắt em. Chúng ta không thể cùng sống chung dưới một mái nhà, vai ấp môi kề. Chúng ta thậm chí cũng không được sống chung trong cùng một thành phố… Đừng viết thư và cũng đừng tìm cách gặp tôi nữa. Cũng xin em cứ lặng lẽ thực hiện lời thỉnh cầu này của tôi. Đó là cách duy nhất giúp tôi tiếp tục tồn tại trên cõi đời này"… Hai năm sau kể từ khi viết những lời biệt ly ấy, Franz Kafka đã trút hơi thở cuối cùng.

Sau khi Franz Kafka từ trần, toàn bộ di cảo của ông được người bạn thân Max Bord cất giữ cẩn thận. Ông đã bỏ công đọc toàn bộ di cảo của Franz Kafka, bao gồm một số truyện ngắn, ba cuốn tiểu thuyết, ba mươi bài viết, 1.500 bức thư và hàng loạt bài báo… Không thể thực hiện di chúc của Franz Kafka, Max Bord đã cho xuất bản các tiểu thuyết: "Vụ án", "Hóa thân", "Thầy thuốc nông thôn", “Nghệ sĩ chết đói", "Lâu đài", "Nước Mỹ"… Khi phát xít Đức xâm lược Czech, Max Bord đã gói ghém toàn bộ bản thảo của Franz Kafka vào một chiếc vali mang tới Tel-Aviv. Khi sống ở Tel-Aviv, Max Bord sử dụng bà Esther Hoffe làm thư ký đồng thời làm quản gia cho mình. Một thời gian sau, Max Bord đã trao lại một phần di cảo của Franz Kafka cho Bảo tàng Quốc gia. Năm 1968, khi Max Bord qua đời, toàn bộ di cảo của Franz Kafka được ông  ủy thác lại cho bà Esther Hoffe cất giữ.

Trong suốt bốn chục năm trời kể từ khi tiếp nhận những di cảo của Franz Kafka, bà Esther Hoffe đã cất giấu chúng trong một căn phòng ẩm ướt. Năm 1968, bà bán bản thảo gốc cuốn "Tòa án" cho một người đại diện của Chính phủ Đức lấy 1,1 triệu bảng Anh tại nhà đấu giá Sotheby. Trước đó, một lần, tại sân bay Ben Gurion ở Tel-Aviv, cảnh sát đã tìm thấy một số thư từ và những trang du ký của Franz Kafka trong vali của bà. Tuy nhiên họ chưa đủ chứng cứ để khép bà vào tội buôn bán tư liệu của Franz Kafka.

Năm 2008, khi bà Esther Hoffe qua đời ở tuổi 101, bà đã trao lại các di sản của Franz Kafka cho hai cô con gái tên là Eva Hoffe và Rut Wisler. Ý thức được giá trị của những tư liệu của nhà văn nổi tiếng đã quá cố, hai cô gái nảy ý định biến chúng thành tài sản riêng, sẽ đem ra bán đấu giá để trục lợi. Hiện họ đang cất giữ chúng tại một két đựng đồ bí mật tại ngân hàng. Tuy nhiên Thư viện Quốc gia Israel lại cho rằng bà Hoffe không có quyền chuyển nhượng thừa kế những gì không thuộc sở hữu của bà cho các con gái của bà, do đó đã đâm đơn yêu cầu tòa án can thiệp để thu hồi lại những di sản của Franz Kafka, nhằm mở một kho tư liệu về nhà văn phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu. Nhưng cho đến nay, số phận của những di sản của Franz Kafka vẵn chưa được quyết định, bởi Tòa án tối cao Israel và hai người con gái của bà Esther Hoffe vẫn chưa đi đến một thỏa thuận chung

Mai Hiền
.
.