Bài thơ Xuân trong vườn Thiệu Phương của vua Thiệu Trị

Thứ Sáu, 07/02/2020, 18:02
"Mới hay muôn vật đều có ý, ân trạch tiền nhân thấm Thiệu Phương", vua Thiệu Trị đã viết trong bài thơ "Thiệu viên xuân sắc" (tập "Cung viên thập cảnh") những câu thơ tưởng nhớ các bậc tiền nhân như vậy.


Vua Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn. Ông lên ngôi năm 34 tuổi, kế vị vua cha là Minh Mạng và được hưởng một đất nước thống nhất có lãnh thổ rộng lớn, đã có hệ thống pháp luật, hành chính, quân sự, giáo dục đều đã đi vào ổn định.

Ông được sử sách triều Nguyễn mô tả là một hoàng đế thông minh, tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca.

Ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu (1841), vua Minh Mạng qua đời. Hoàng tử trưởng Trường Khánh công tuân mệnh lên nối ngôi vào ngày 20 tháng Giêng năm sau, tức ngày 11/2/1841 tại điện Thái Hòa. Ngay sau khi lên ngôi, vườn Thiệu Phương đã trở nên thân thiết với vua Thiệu Trị.

Vườn Thiệu Phương qua nét vẽ minh họa của người xưa.

Vườn Thiệu Phương là một trong bốn ngự uyển nằm ngay trong Hoàng thành thời Nguyễn, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời vua Minh Mạng. Phía Nam vườn là khu nhà hát Duyệt Thị Đường; phía Bắc - qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; phía Tây là thư viện Thanh Hạ Thư Lâu (sau đổi là Thái Bình Lâu) và phía Đông là bờ tường phía Đông của Tử Cấm Thành. Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía Nam; tổng diện tích khu vườn chừng 6.000m2. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc "vạn tự hồi lang" tức có hồi lang hình chữ "Vạn" nằm ở trung tâm chạy ra bốn phía.

Trong những lệnh chỉ đầu tiên vua Thiệu Trị ban ra sau khi lên ngôi, lệnh chỉ về các công việc cần làm trong tang lễ vua cha gồm có 7 điều, trong đó có điều thứ 6 quy định dùng điện Hoàng Phước ở vườn Thiệu Phương (tên vườn nghĩa là nối thơm) làm nơi để tang. Nhà vua dùng các điện Văn Minh, Võ Hiển làm nơi triệu kiến các bề tôi. Đợi khi hết tang, sẽ dời đến ngự ở điện Càn Thanh để coi chầu, nghe việc.

Tháng 3 nhuận năm đó, vua thân làm bài "Thiệu Phương viên thi" (bài thơ này chép trong Thi tập của vua), ban cho các hoàng đệ. Nhân tiện, vua bảo cố mệnh đại thần Trương Đăng Quế rằng: "Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, nhờ phúc trời giúp, con cái đông nhiều, anh em ta đều phải đối xử với nhau cho hết đạo, để tu sửa luân thường của loài người mà thôi, cho nên, ta làm thơ tự khuyên răn mình, để cho các hoàng đệ đều tự nghĩ mà khuyến khích cố gắng, giữ tiếng tốt được mãi mãi, khỏi phụ lòng Hoàng khảo ta dạy nuôi, rèn luyện. Còn như câu "Bộ nguyệt thừa nhan thống mạc truy" nghĩa là "cái cảnh hầu cha dạo bước dưới trăng nay không còn nữa, rất lấy làm đau đớn", là để ngụ ý ta thương nhớ cha, cũng muốn cho các em cảm nhớ cha không lúc nào nguôi trong bụng vậy".

Mùa thu năm ấy, tháng 7, sau lễ an táng vua Minh Mạng xong, bộ sử triều Nguyễn, "Đại Nam liệt truyện, Đệ tam kỷ" chép rằng sau đó: "Cây hương trầm Tây dương trồng tại sân điện Hoàng Phước, vườn Thiệu Phương lại nở hoa, mùi thơm ngào ngạt khác thường".

Vua Thiệu Trị thích thú thưởng thức mùi hương của cây trầm hương, bèn sai Nội giám đem ra cho các quan xem và bảo các đại thần rằng: "Thứ hoa này, mùa xuân nở thơm, mùa thu cũng nở thơm, lúc nào cũng tiếp tục có hoa, đúng là nghĩa "Thiệu phương".

Nhớ lại ơn trạch của Tiên đế nhuần thấm đến cỏ cây, vườn hoa còn tươi tốt mãi, mà hồ, núi đã ở kia (Vua Thiệu Trị nhắc đến hồ, núi ở Hiếu lăng, cũng mượn điển tích nói đến đỉnh hồ ở Kinh Sơn, nơi trong truyền thuyết, Hoàng đế thời cổ đại cưỡi rồng lên trời, bày tỏ tình cảm của nhà vua nhân ngắm cảnh, nhớ cha), tháng ngày sao chóng thế! Thấy cảnh thương tâm, xui người cảm khái gợi hứng ngâm vịnh". Vua bèn sai Nội các là Lâm Duy Thiếp tuyên đọc bài thơ của vua làm.

Năm sau là năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), ngày mùng Một Tết, nhà vua mới đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc, cầm trấn khuê, đưa quần thần đến cung Từ Thọ làm lễ mừng Thái hoàng thái hậu.

Sau khi thay đồ mặc thường, vua ngự điện Văn Minh, các quan mặc đẹp vào lạy, vua thưởng kim tiền, ngân tiền có thứ bậc. Các quan chức ở bên ngoài Kinh đô, ai bị phạt về tội công, cũng đều được khoan tha. Đó là nghi lễ báo hiệu vua Thiệu Trị chính thức ngồi coi việc nước, sau khi suốt trong năm trước, nhà vua và triều đình vẫn đang trong thời kỳ để tang vua Minh Mạng.

Sử cũng chép, từ tháng Chạp năm trước, ngày nào cũng mưa dầm, gió bấc lạnh lẽo, đến ngày mùng Một Tết hôm đó, sắc trời bỗng nhiên quang tạnh, triều nghi nghiêm chỉnh. Trong lễ triều nghi, quan hai bộ Hộ, Hình là Vũ Xuân Cẩn, Hà Duy Phiên dâng tập Thừa Thiên phủ bìa đỏ, đại lược nói: "Mưa hoà, gió thuận, việc nông thuận lợi, 6 huyện yên tĩnh, làng mạc yên vui!". Vua mừng, bảo quần thần rằng: "Xuân mới, lời tâu hay, đó là một điềm tốt trong buổi đầu nối nghiệp".

Hình ảnh Vườn Thiệu Phương được mô phỏng.

Sử sách không chép rõ bài thơ "Thiệu Phương viên thi" cũng như bài thơ vua Thiệu Trị làm khi thưởng thức mùi hoa trầm hương ngào ngạt ở vườn Thiệu Phương. Nhưng trong các tập thơ ngự chế của nhà vua để lại, có bài thơ "Phương viên xuân sắc", với lời thơ thanh nhã như sau (phiên âm):

Vũ trụ huyên hòa ái diễm dương,
Thượng lâm vô hạn hảo phong quang.
Doanh đình đào lí thiên chân thú,
Mãn giá thi thư cổ trật hương.
Hoa chức ngô lăng khi cẩm tú,
Liễu thư nhân tự mộ văn chương.
Khả tri vật thái giai sinh ý,
Tiên trạch triêm nhu vĩnh Thiệu Phương
.

Bài thơ này nằm trong tập "Cung viên thập cảnh" thuộc bộ "Ngự đề đồ hội thi tập" của vua Thiệu Trị có in kèm tranh mộc bản, mà trong đó, ta nhìn rõ hình ảnh vườn Thiệu Phương với dãy "Vạn tự hồi lang" độc đáo.

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn:

Vũ trụ giao hoà dưới ánh dương,
Cảnh sắc đẹp đẽ vườn Thiệu Phương.
Trước sân đào lý gợi niềm hứng,
Trong nhà giá sách đậm mùi hương.
Hoa dệt lụa Ngô, khinh cẩm tú,
Liễu như dáng người mộ văn chương.
Mới hay muôn vật đều có ý,
Ân trạch tiền nhân thấm Thiệu Phương.

Không nói về mùi trầm hương, nhưng bài thơ cũng gợi rõ niềm thương nhớ của vua Thiệu Trị với các bậc tổ tiên, những bậc quân vương mà "ân trạch đã thấm đẫm cả khu vườn" này.

Vua Thiệu Trị nổi tiếng là một vị vua thi sĩ, có để lại nhiều bài thơ hay, nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán có tên là "Vũ trung sơn thủy" (Cảnh trong mưa) và "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm" (Đêm thơ ở Phước Viên). Cả hai bài không trình bày theo lối thường mà viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có một số chữ, đếm mỗi bài có 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một "trận đồ bát quái", vua có chỉ cách đọc và đố quần thần tìm ra 64 bài thơ trong đó. Hiện nay các nhà ngôn ngữ, học giả đã tìm ra được 128 cách đọc.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải, vườn Thiệu Phương đã xuất hiện trong khoảng 30 bài thơ Ngự chế của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, cho thấy nét đẹp của khu vườn trong quần thể phong cảnh cố đô Huế thời xưa.

Lê Tiên Long
.
.